Một đối tượng đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đó là những người tham mưu đặc trách về thông tin hay CNTT cho thủ trưởng trong các tổ chức. Mô hình này đã và đang được áp dụng rộng rãi và rất được coi trọng ở các nước. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm về chức danh CIO (Chief information officer) vẫn chưa được định chuẩn và chưa thống nhất về cách áp dụng. Ðược biết, từ năm 1999, Chính phủ đã chủ trương xây dựng một đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT trong các cơ quan nhà nước và Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường với sự trợ giúp của Chính phủ Canada về việc nghiên cứu áp dụng mô hình CIO ở Việt Nam.
Theo mô hình của các tổ chức nước ngoài, CIO là đầu mối của các quan hệ đối nội và đối ngoại. Trong mối quan hệ đối nội, CIO được xác định là một người làm trung gian giữa 4 vị trí quan trọng nhất, gồm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, các cổ đông và những người sử dụng hệ thống thông tin. Còn trong quan hệ đối ngoại, CIO có trách nhiệm làm thông suốt thông tin với khách hàng và các công ty bạn. Theo bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó giám đốc Công ty phát triển phần mềm VASC, để đảm bảo yêu cầu cho vị trí quan trọng này, một CIO hiện đại phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Ðó là phải hiểu biết, có trách nhiệm về công nghệ thông tin, về các công tác tổ chức của doanh nghiệp và nắm rõ chuyên môn công việc của tổ chức. Ðặc biệt, CIO không những là những người lập kế hoạch và hoạch định chính sách CNTT của doanh nghiệp mà còn phải là người triển khai CNTT của doanh nghiệp đó.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc nghiên cứu thảo luận để đi đến thống nhất một chuẩn chung cho chức danh CIO ở Việt Nam cần phải được tiến hành sớm. Thực tế tại các nước đang áp dụng thành công mô hình CIO cho thấy, hiệu quả khai thác ứng dụng CNTT phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của bản thân các CIO trong cơ quan doanh nghiệp.
Như vậy, việc hình thành và phát triển mô hình CIO tại Việt Nam là vô cùng cần thiết trong bối cảnh CNTT phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay, bởi mô hình CIO không những góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong nước mà còn tạo thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
(VASC) |