Cây đàn bầu của nhà soạn nhạc Elizabeth Brown
![]() |
Elizabeth trong một buổi tập đàn tại Nhạc viện (HN) |
- Những âm thanh day dứt từ cây đàn bầu ''ám ảnh'' chị từ khi nào?
- Năm 1998, lần đầu tiên đến Việt Nam và tình cờ đi nghe một chương trình hoà nhạc dân tộc, lập tức tôi bị những âm thanh đàn bầu ám ảnh, và tôi xác định ngay rằng mình phải tìm hiểu loại nhạc cụ đặc biệt này. Và thế là tôi mua một chiếc đem về New York và tìm cách học, song không thể tìm ra một ai dạy đàn bầu. Hai năm sau tôi trở lại Việt Nam (trong hai tuần) chỉ đủ để biết thêm chút ít về cây đàn và thu âm một vài tác phẩm viết cho đàn bầu. Trong hai năm kế tiếp tôi nghe đàn bầu bất kỳ lúc nào có thể, ngay cả khi đang nấu bếp. Tháng 11/2002, tôi xung phong đến Việt Nam trong chương trình hợp tác hai tháng với Nhạc viện Hà Nội. Tại đây, tôi vừa là giảng viên vừa là học trò của cô Thanh Tâm ở bộ môn đàn bầu, Khoa âm nhạc truyền thống.
- Những âm thanh đàn bầu có thể so sánh với một loại nhạc cụ nào không, thưa chị?
- Đàn bầu không giống với bất kỳ loại nhạc cụ nào. Cao độ của những nốt nhạc phát ra từ piano hay organ chẳng hạn luôn luôn xác định, trong khi những âm thanh đàn bầu lại chơi vơi giữa những khoảng cao độ đó. Đây cũng chính là nét đặc biệt của đàn bầu. Tôi cảm thấy đàn bầu gần gũi với giọng nói của con người, và chỉ có thể so sánh âm thanh của nó với giọng nói giàu ngữ điệu của người Việt. Và vì thế, cũng chỉ có người Việt mới hiểu hết được ý nghĩa của những âm thanh đó...
- Kế hoạch của chị và cây đàn bầu khi trở về Mỹ?
- Trước hết, tôi vẫn sẽ cố gắng ghi nhớ và luyện tập những tác phẩm đã biết và những tác phẩm mới học và thu âm được ở Việt Nam. Sau đó, tôi sẽ có hai buổi hoà nhạc. Buổi thứ nhất được tổ chức vào tháng 2, gồm những tác phẩm do tôi soạn, sẽ có đoạn solo dành cho đàn bầu và một số loại đàn châu Á đặc biệt khác. Buổi thứ hai vào cuối tháng 3, tôi sẽ tham gia một show nằm trong chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Mỹ tại New York...
(Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật)