Từng là "thần đồng thơ” khi mới 8 tuổi, dạo sau này, Trần Đăng Khoa lại gây sóng gió trên văn đàn bằng hàng loạt tác phẩm mà “rùm beng” nhất là tập bình luận văn lọc Chân dung và đối thoại. Ngoài ra, anh còn nổi tiếng là một diễn giả lôi cuốn với cách nói chuyện độc đáo, hóm hỉnh và sâu sắc.
|
Trần Đăng Khoa |
Mới đây, anh vừa được bầu vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam... Trong cuộc sống đời thường, anh là một người chồng tận tụy, người cha rất yêu con...
Vốn là người nổi tiếng, là nhà thơ được đông đảo bạn đọc yêu mến, trong đó có không ít các cô gái. Vì vậy, nhiều người thắc mắc, vì sao anh lấy vợ muộn thế?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Quả thật, tôi cũng quen thân khá nhiều cô gái trong đó nhiều người “dính líu” đến văn chương. Nhưng chính vì thế mà tôi lại sợ. Biết đâu họ yêu văn chương chứ đã chắc gì yêu một gã nhà quê, gộc ghệch như tôi. Tôi chọn vợ tôi. Vì cô ấy chẳng biết gì văn chương, cũng quan tâm lắm đến văn chương. Đấy, cứ như thế lại hay. Và chúng tôi rất hạnh phúc.
Vợ anh đẹp, lại trẻ hơn anh nhiều. Anh có thể cho biết, bằng cách nào mà anh “chinh phục” được chị ấy? Hay đơn giản là vì “mê” anh theo kiểu ngày xưa các cụ vẫn bảo “Gái tham tài, trai tham sắc”?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Chúng tôi không ai chinh phục ai cả. Cô ấy lấy tôi chắc không phải vì "tham tài". Bởi cô ấy chẳng biết trong lĩnh vực văn chương tôi là người như thế nào. Cô ấy tin tôi, vì tìm thấy ở tôi những yếu tố của một người đàn ông có thể xây dựng một gia đình ổn định. Cô ấy lấy một người lính bình dị chứ không phải lấy một nhà thơ...
Anh có bao giờ đọc thơ cho vợ nghe không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Ối giời ơi! Sao lại mang văn chương ra bàn với vợ? Đấy là một chuyện rất kinh khủng mà tôi không sao hình dung được.
Thế hằng ngày, vợ chồng anh bàn chuyện gì?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Chúng tôi chỉ bàn những việc rất cụ thể của bếp núc chăm lo cho bố mẹ già hai bên nội ngoại. Rồi việc nuôi dạy con thế nào cho tốt. Chúng tôi quan tâm nhất đến những chuyện đó!
Thông thường, trong các gia đình văn nghệ sĩ, người vợ (hoặc chồng) là người đầu tiên đọc (hoặc duyệt) các tác phẩm của chồng (hoặc vợ). Vợ anh có làm thế không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Tôi rất kính trọng những cặp vợ chồng văn nghệ. Nhưng gia đình tôi là một gia đình bình thường, với những niềm vui, hạnh phúc cũng rất bình thường. Bà xã tôi có một đức tính mà tôi vô cùng kính trọng: Đó là không bao giờ đọc những tác phẩm của tôi, cũng không để ý tôi viết cái gì, không quan tâm đến việc dư luận đánh giá tôi ra sao, người đọc khen chê thế nào. Nếu vợ tôi để ý đến những lời đồn thổi thì chắc chẳng bao giờ cô ấy dám lấy tôi. Vì có người viết về tôi trên báo rất buồn cười. Họ nhìn tôi rất méo mó. (cười).
Thông thường, vợ chồng có cùng quan điểm, sở thích, hiểu nhau và có thể hỗ trợ cho nhau trong công việc thì mới hạnh phúc. Bên một người vợ “trái ngành" như thế, anh có cảm thấy hạnh phúc không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Cảm nhận về hạnh phúc của mỗi người cũng khác nhau. Tôi rất bằng lòng về những gì mình có, và cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi sống đơn giản. Không nghiện ngập bất cứ thứ gì. Quyền chức, tiền bạc, rượu bia, trà thuốc, tôi đều dửng dưng. Đến cả danh tiếng cũng chỉ là hão huyền và vớ vẩn.
Nhu cầu của tôi rất thấp. Sống thế nào cũng được. Ăn thế nào cũng xong. Món ăn ngon nhất đối với tôi là món mẹ tôi vẫn nấu cho tôi hồi còn đói khổ. Vài ngọn lang luộc. Một khúc cá kho. Bát canh mồng tơi rau đay. Bởi thế, tôi rất bằng lòng với những gì mình có.
Anh quan niệm thế nào về hôn nhân và cuộc sống gia đình?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Tôi cho rằng, gia đình là một tổ ấm, cần được chăm chút chu đáo. Mọi gia đình đều yên ổn thì cả xã hội thanh bình. Trong chốn nương náu cuối cùng mà lộn xộn, lục đục thì sống sao được. Đã không sống được thì cũng chẳng yên tâm mà làm được việc gì cho thật ra hồn. Để giữ gìn gia đình, nhiều khi phải tự điều chỉnh để thích hợp với nhau. Nhiều khi ngay cả vợ chồng cũng cần giữ gìn trước nhau. Nhiều người chỉ trang điểm khi đi ra đường hoặc đến cơ quan. Trong khi đó chính ông chồng của mình thì lại quên lãng. Hình như chị em mình không có thói quen trang điểm khi ở trong nhà. Nhà mình mới quan trọng. Cánh đàn ông chúng tôi cũng thế. Nhiều ông rất lịch sự. Ra ngoài như chính khách, nhưng ở nhà lại lôi thôi, nói với vợ chẳng được câu nào tử tế.
Vợ anh có đồng ý và tuân thủ những lý luận này của anh không? Nghĩa là trang điểm và mặc đồ đẹp khi ở nhà? Nếu cần nhận xét về vợ mình thì anh nói sao?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Vợ tôi đúng là một người phụ nữ. Nghĩa là rất sạch sẽ và chỉn chu. Khi ở nhà cô ấy không nhếch nhác như mẹ mướp và khi ra đường cũng tươm tất như mọi người. Cô ấy chẳng có khát vọng gì cao siêu cả. Chính vì thế mà chúng tôi sống rất yên ổn và hạnh phúc.
Nói một cách công bằng thì chị ấy hơn anh về hình thức bên ngoài, đã thế lại trẻ hơn nhiều. Hỏi thật, anh có ghen không? Ngược lại, anh là người khá nổi tiếng. Chắc chắn được nhiều cô gái hâm mộ. Có khi nào vợ anh "tỏ thái độ"?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Chúng tôi tin nhau nên chẳng bao giờ có chuyện ghen tuông. Theo tôi, sự tin tưởng nhau là nền tảng của tình yêu, là gốc rễ của một cuộc hôn nhân bền vững.
Có những ông chồng cho rằng hằng tháng cứ đưa hết tiền lương cho vợ là xong trách nhiệm. Mọi công việc gia đình và con cái đều khoán trắng cho bà xã. Anh có phải là một người như vậy không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Tôi không có "quỹ đen". Nhưng vợ tôi cũng rất chu đáo, không để tôi lùi xùi khi đi ra đường hay gặp gỡ bạn bè. Tôi cũng không khoán trắng việc nhà cho vợ. Gia đình là một công việc mà cả hai cùng chăm lo, coi sóc. Mặc dù rất bận rộn, nhưng mỗi khi trong gia đình có việc hoặc khi con đau, mẹ ốm..., tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả để lo cho gia đình. Đối với tôi, gia đình là quan trọng nhất.
Nếu đưa hết tiền cho vợ, những khi gặp người quen hay bạn bè, hay cần mua sắm gì đó, anh sẽ giải quyết thế nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Mỗi khi ra đường mà không có tiền trong túi thì tôi run lắm, chả làm sao mà tự tin được. Vợ tôi hiểu điều đó nên mỗi buổi sáng, trước khi tôi ra khỏi nhà, cô ấy luôn bỏ vào túi tôi một khoản tiền, đủ để tôi có thể cảm thấy thoải mái khi gặp gỡ bạn bè.
Anh có nghĩ mình là một người may mắn không? Nổi tiếng từ nhỏ. Khi lớn lại được sang Nga đào tạo. Các tác phẩm của anh vừa ra đời đã được nhiệt liệt đón nhận. Đùng một cái, anh "kiếm" được cô vợ vừa trẻ vừa đẹp. Công việc của anh lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không muốn làm một ông quan bên quân đội thì chuyển sang phụ trách ban văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: - Không phủ nhận là tôi được rất nhiều người yêu mến, đặc biệt là bạn đọc. Để có một số thành công, tôi cũng phải phấn đấu và làm việc cật lực. Tôi luôn tự coi mình như một chú bò cần mẫn và chăm chỉ. May mắn hay không cũng một phần do mình tạo ra. Một người luôn làm điều ác, luôn vô trách nhiệm ngay cả với gia đình mình, thì làm sao lại cứ mong mọi người luôn nhìn mình bằng con mắt ưu ái. Một ông chồng lăng nhăng lại cứ muốn bà vợ mình đoan chính. Điều ấy thật khó xảy ra.
(Theo PNCN) |