(VietNamNet) - Vinh đồ cổ được giới săn lùng hàng độc kính nể bởi tính... tham lam và chịu chơi. Hắn lùng từ Vespa, Lambrella, Solex đến đồng hồ, điện thoại, máy hát, đĩa than cổ, thậm chí còn sưu tầm cả chân máy khâu, máy xay cafe...
Từ đam mê xe cổ đến... "săn" chân máy khâu cũ
|
Trần Quang Vinh và chiếc máy ảnh cổ |
Anh Trần Quang Vinh được giới săn lùng đồ cổ Hà Thành gọi bằng biệt danh Vinh đồ cổ chỉ vì kính nể tính... tham lam và chịu chơi. Món nào hắn cũng chơi, từ đồng hồ, điện thoại, đĩa than, máy quay đĩa cổ, xe cổ đến máy xay cafe, chân máy khâu và máy nghe nhạc bằng băng cối, máy ảnh, thậm chí là nắp đậy lò sưởi... Đã có một thời, khi thú sưu tầm đồ cổ chưa tạo nên phong trào, kẻ sưu tầm đồ quý vô danh ấy cảm thấy đơn độc thậm chí còn bị nhiều người cho là... hâm vì toàn đi nhặt nhạnh đồ bỏ đi. "Có người nói tôi không bình thường, xe mới thì không mua, cứ loay hoay sửa chữa xe cũ", hắn nheo mắt trầm ngâm nói. Bị xì xào thế nào cũng mặc, hắn vẫn thói nào tật nấy, cứ thích gì là mua, mua cho bằng được, có những thứ mua chỉ để cho vào kho nhưng Vinh đồ cổ vẫn cứ lao vào như con thiêu thân.
Nhưng giờ thì khác rồi, hắn đã là đại gia trong giới chơi đồ cổ của HN, thậm chí hắn là người được dân chơi xe cổ tìm đến để hỏi kinh nghiệm mà mượn đồ. Vốn là Việt kiều Pháp, mang trong mình máu nghệ thuật và thú chơi đồ cổ, trở về nước năm 1964, hắn bắt đầu chơi xe Vespa, cái tên mà rất ít người dân HN thời đó định nghĩa được là cái gì. Từ niềm đam mê ấy, hắn bắt đầu săn lùng các đời xe từ Vespa, Lambrella, Sidecar, Solex, Peogeot cá vàng, Tân đảo.... tính sơ sơ cũng trên 30 chiếc xe các loại. Không mấy ai còn giữ được những con xe mua cách đây 40 năm như hắn. Đến giờ hắn vẫn còn giữ đăng ký của con xe Vespa 125 Primavera (1957), Vespa 150 Super (1966) và quả xe độc không kém, Vespa TV 175 (1962). Vinh đồ cổ nhớ lại "Khi mới Giải Phóng Sài Gòn, chỉ có vài người có xe Solex hay Peogeot, chỉ dân Tân Đảo mới có. Ngay cả những thợ sửa xe hồi đó cũng chỉ sửa xe đạp đến sau năm 1975 mới có xe máy để sửa, tôi đều phải tự mày mò tìm hiểu sửa đồ cho mình". Chính vì là hàng độc nên kiếm phụ tùng thay thế khi xe hỏng hóc là điều không dễ làm, thế là Vinh đồ cổ phải tự chế lại, mày mò sửa chữa.
Chơi xe cổ chưa đủ, trong cái thời đại của máy móc tự động này, hắn lại quay sang nhặt nhạnh những cái chân máy khâu cũ rích, đúng là chẳng giống ai. Từng học khoa chế tạo máy và sửa máy khâu đầu những năm 1980, có lẽ vì vậy mà hắn thích sưu tầm chân máy khâu với lý do "thích những đường sắt uốn hoa cầu kỳ trên đó". Thấy nhà nào hay hợp tác xã đâu đó sắp thanh lý máy khâu cũ, hắn lại mò đến mua lại như tay chuyên thu gom hàng đồng nát. Ai biết hắn mua về để "mông má" cho thật đẹp để... cất đi. Có những chiếc chân máy khâu có đến trăm tuổi trông vẫn mới toe. Năm 1980, hắn lọ mọ sang tận Campuchia để mua lại những chiếc chân máy chôn dưới đất về, cái nào đẹp thì giữ lại để... chờ cơ hội sử dụng. Đầu những năm 1990, khi người ta bán đổ bán tháo những chiếc máy khâu cũ, tiếc rẻ, hắn cứ vẫn mua lại cho dù đã có người nói thẳng vào mặt "ông này bị dở hơi hay sao mà mua những thứ bỏ đi". Trước đống chân máy khâu trên 30 chiếc nặng trịch đen xì xếp mỗi ngày một cao, hắn bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ sử dụng chúng thay cho chân bàn và đến khi có cơ hội, chúng đã phát huy tác dụng. Ai đến quán cafe của hắn ở phố Hàng Bún đều ngỡ ngàng trước hàng chục chiếc bàn chân máy khâu độc đáo.
Có lẽ đây là quán cafe duy nhất tại HN có những món đồ cổ quý giá như thế. Từ tầng 1 lên tầng 3, đồ cổ bày la liệt, toàn là đồ "zin", đồ xịn mới choáng. Ngoài những chiếc bàn độc nhất, ông chủ quán còn "biểu dương lực lượng" bằng một chiếc Lambrella đời 1956 còn nguyên đai nguyên kiện vào loại "độc" ở VN. "Con" xe duyên dáng này được đặt vắt vẻo trên một bệ tường để khách ngồi ở tầng nào cũng có thể vừa nhâm nhi cafe, vừa ngắm xe mà bàn tàn cho... đỡ buồn. Đó là chưa kể đến con xe Trường Giang 750 phân khối 3 bánh màu đen bóng loáng máy của hãng BMW, lắp ráp tại TQ được sản xuất năm 1941 dựng "chình ình" trong nhà. Chiếc còn lại cũng "độc" không kém mang tên Nhật Hoàng ra đời trước Thế chiến II. Ngay trước cửa quán, hắn dựng chiếc Vespa SuperSprint màu bạc hoành tráng và quả Solex vào hàng quý hiếm được dựng trước cửa lúc nào cũng có người lau chùi và trông nom. "Những chiếc xe này quý đến nỗi chỉ cần ngắm là đã... sướng mê tơi", hắn hớp một ngụm cafe rồi nói.
Bộ sưu tập đồ cổ từ... đồng nát
Hắn đúng là kẻ tham lam khi chơi cả... đồng hồ cổ từ đủ loại, từ treo tường, để bàn đến những chiếc đồng hồ to như cái tủ đứng của hãng Ô-đô (Pháp) ra lò từ những năm đầu thế kỷ từng là chuẩn mực của Hà Nội một thời. Đa số những món đồ hắn sở hữu đều mua từ đồng nát hay những ông bạn chuyên mua bán đồ cổ. Sau hàng chục năm tích góp, hắn đang sở hữu một BST đồng hồ cổ hoành tráng lên đến hơn 30 chiếc có xuất xứ khác nhau, từ Đức, Pháp đến Nhật Bản... mỗi phòng treo một chiếc, có nơi đặt đến năm bày chiếc liền nhau. Rất nhiều món, trong đó có chiếc đồng hồ của Nhật Hoàng hay của Tây Đức sản xuất từ năm 1920 còn nguyên mặt men và những vết nứt. Hắn cũng may mắn vớ được 2 chiếc đồng hồ Ô-đô của Pháp loại 2 quả tại và 3 quả tạ mỗi lần lên giây cót cũng... toát cả mồ hôi vì mệt. Hắn rất tâm đắc với những chiếc đồng hồ độc đáo vẫn còn "zin" 100% cho dù phải mua với giá hơn 10 triệu đồng (năm 2001). Từ những món cũ nát, anh Vinh tự mày mò sửa chữa, mông tút cho thật oách rồi trưng bày. Có món đồ mua chỉ vài ba triệu nhưng phải bỏ ra đến hàng chục triệu để chỉnh trang lại. Quả là công phu!
Từ những lần... vớ được những mẻ đồ quý từ đồng nát, hắn kết thân với các chị đồng nát và các anh chuyên đi thua mua đồ điện cũ. Cứ thấy món gì hay hay, cổ cổ là họ lại mang thẳng đến cho hắn. Hơn 10 năm trước, khi những chiếc quạt cổ hiệu Marelli bị những chủ nhân của chúng đá ra đường không thương tiếc để bán sắt vụn, cũng vì tiếc rẻ và yêu cái dáng... sang sang của chúng nên hắn lại đi nhặt nhạnh mua về, cuốn lại thành điện 220, đánh bóng, sơn sửa biến đống sắt cũ thành những chiếc quạt bóng bẩy ngon lành, có chiếc quạt cây 2 cánh đáng giá gần 20 triệu đồng hắn đang đặt trang trọng ở phòng khách tại nhà riêng. Sở hữu một vài chiếc quạt cổ Marelli đã hiếm, hắn đang có trong tay hơn chục chiếc đủ loại từ quạt bàn, quạt cây (2, 3, 4 cánh) đến quạt trần (2, 3, 4 cánh bằng đồng hoặc gỗ) vẫn còn nguyên hộp số cổ bằng đồng mà chỉ những người sành đồ cổ mới biết hết giá trị của chúng. Có chiếc quạt hắn mua chỉ có vài trăm ngàn từ đồng nát nhưng bây giờ đáng giá hàng chục triệu đồng. Thỉnh thoảng hắn lại ngồi hàng giờ để đánh bóng, tra dầu, bảo dưỡng từng chi tiết trong mỗi chiếc quạt.
Cái sở thích được cho là lạ đời của hắn đôi khi bị bà xã phản đối vì quá... xót ruột khi một đống tiền ném qua cửa sổ chỉ để đổi về một đống đồ cũ. Lần nào hắn cũng chỉ giải thích "nếu không mua thì người ta bán mất, tiếc lắm...". Khi đã sở hữu được những món đồ đồng nát ấy, hắn lại bị chúng hút hồn, có khi mất mấy ngày đêm loay hoay "mông má", thậm chí có những chiếc xe đã cũ nát phải mất nhiều tháng trời lắp ráp, sửa chữa. Có những món đồ quý chưa có thời gian chỉnh chang, sửa chữa ngon lành nhưng không có chỗ... "biểu dương lực lượng", hắn lại phải ngậm ngùi cất vào kho riêng ở Cầu Diễn, Hà Nội đến lúc nào phát huy tác dụng thì lôi ra. Tính sơ sơ hắn cũng đang sở hữu chừng 800 món đồ cổ các loại thuộc loại hiếm. Kể cũng lạ, hắn chưa bao giờ cảm thấy mất kiên nhẫn khi phục vụ những sở thích của mình. Đó là điều mà bất cứ tay chơi nào, bất cứ người sưu tầm một món đồ nào cũng không thể giải thích được.
Cuộc săn tìm đồ cổ không có hồi kết
Ai cũng biết, khi chơi một món đồ cổ, nhất là những thứ phức tạp quả là khó... "nhằn". Với một người chơi nhiều món như Vinh đồ cổ thì những chuyến săn lùng đồ cổ suốt mấy chục năm qua có thể viết thành... sách. Hắn phải thường xuyên đi kiếm những món đồ cũ thay thế cho xe tại nước ngoài từ túi da đến gương, kính chắn gió... bởi lẽ điều tối kỵ đối với dân chơi là dùng đồ không zin. Không chỉ săn lùng đồ cổ trong nước, cứ có cơ hội là hắn "tót" ra nước ngoài từ Pháp, Bỉ, Đức, Hong Kong đến Mỹ để "vơ vét" những món độc chiêu mà ở trong nước dù có một đống tiền cũng không bói ra. Năm ngoái, trong chuyến đi Mỹ, hắn khệ nệ bê về một đống đồ mà nhiều người cho là đồ sắt vụn từ điện thoại cổ đến máy xay cafe từ các cửa hàng bán đồ cũ. Hắn rất mê chiếc chiếc điện thoại hiệu Operator đen xì quay số tròn và chiếc điện thoại cổ Paramount sản xuất cuối thế kỷ 19 bằng đồng có giá 500 USD. Hắn cũng đang sở hữu chiếc điện thoại Sprint of St. Louis của Pháp gắn tường dùng trong tổng đài khách sạn Melia thời Pháp vào loại độc nhất Hà Nội.
Đó là chưa kể đến những chiếc đài cổ trong đó có chiếc hiệu Hồng Đăng (Trung Quốc) và Chích choè (Nga) úa vàng giờ mất nhiều tháng săn lùng chỉ có thể dùng để trưng bày. Cứ mỗi khi nghe có mối bán món đồ cổ nào đó thì kể cả đêm hôm hay đường xa hắn cũng mò mẫm đi mua cho bằng được. Có khi đến nơi phải lần mua qua mấy người mua đi bán lại mới tìm đến nơi thì ôi thôi... chiếc xe đã bị bán sắt vụn. Tiếc nhất là những chuyến đi từ HN lên Cao Bằng, Bắc Kạn hay tới tận TP.HCM lại phải về tay không hoặc đi nhiều lần mới gặp được chủ nhân của món đồ cổ yêu thích. Hắn cũng đang sở hữu 2 chiếc máy quay đĩa cổ của hãng EMI và 2 chiếc máy nghe nhạc hầm hố chạy bằng băng cối hiệu Teac-A 600 mấy chục năm tuổi thỉnh thoảng vẫn cất lên âm thanh thánh thót không kém gì những bộ dàn dã chiến hiện đại. Hắn mua được dàn âm thanh cũ kỹ này được mấy chục năm từ hàng đồng nát.
Ở cái thời đại của máy nghe nhạc số, của những món đồ hiện đại, hắn vẫn thích dùng đầu quay đĩa than cổ gắn liền với chiếc loa kèn đồng to đùng và coi việc nghe những âm thanh lạo xạo từ những chiếc đĩa vinyl cũ là một cái thú riêng như cách hồi tưởng về những năm xưa cũ. Có trong tay bộ sưu tập dày dăn những món đồ quý chưa đủ, hắn đang săn lùng máy ảnh và máy quay phim cổ. Khi người ta đang chạy theo những mốt mới nhất ra lò hàng ngày từ điện thoại nhiều chắc năng đến máy ảnh tự động và máy quay số thì hắn lại tìm về những món đồ cũ kỹ, sử dụng phức tạp. Hắn đang là chủ nhân của chiếc máy ảnh Kodak cổ ra đời năm 1920 mua lại của một phóng viên từng tác chiến tại Iraq qua một người bạn. Đôi khi người ta chỉ điên cuồng bỏ tiền và công sức lùng mua một món đồ chỉ vì đó là ý thích khó cưỡng lại chứ không đơn thuần là vì chạy theo mốt dùng đồ cổ cho... sành điệu.
|