(VietNamNet) - Trong thời buổi các quán cafe đủ loại ồn ào mọc lên như nấm thì sự ra đời của Intello -một không gian văn hoá yên tĩnh, nơi người ta vừa nhâm nhi cafe, vừa đọc sách khiến nhiều người cho là lập dị. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn anh Phạm Quang Minh, một trong những người sáng lập Intello, book-cafe đầu tiên ở HN.
Ý tưởng xây dựng mô hình cafe sách đầu tiên ở HN?
|
Tự chọn sách yêu thích. |
- Tôi có may mắn được học bổng du học 4 năm tại Mỹ và ý tưởng xây dựng mô hình này xuất phát sau thời gian học Toán cổ điển ở trường Trinity College. Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến trường là cái thư viện quá lớn và văn hoá đọc rất được ưa chuộng vì hầu hết sinh viên đều vào thư viện đọc sách, nghiên cứu, tìm tài liệu phục vụ cho việc học. Trong thư viện có một quán café nhỏ, có ghế sofa để mọi người có thể ngồi đó thư giãn và trao đổi về mọi vấn đề rất thoải mái. Trong khi đó, đa số vào các quán cafe ở HN đều rất ầm ĩ, giống pub và club hơn là một nơi yên tĩnh và lịch sự để có thể ngồi đọc sách và nói chuyện.
Cái tên Intello viết theo lối thư pháp này nghĩa là gì?
- Chúng tôi cho rằng việc đặt tên cho quán phải thể hiện được hết ý tưởng của việc xây dựng mô hình quán. Chúng tôi chọn "Intello" vì nghĩa của nó tương đương với Intellectual có nghĩa là Văn hoá, trí thức. Intello rất phổ biến ở châu Âu vì nó chỉ nơi thảo luận, trao đổi về các chủ đề của các trí thức những thế kỷ trước. Logo của quán là chữ cái đầu tiên của Intello viết ngược nhưng tình cờ lại đem đến cho mỗi người một cách suy diễn riêng rất thú vị. Ví như có người nói đây là con cá heo đang chơi bóng - cá heo cũng thông minh đấy nhỉ (Intelligent); người khác lại cho là hình cô gái tóc đuôi gà đang bê cái khay; người lại nói đó là Chữ Tâm cách điệu....
Ngoài việc giới thiệu sách báo nước ngoài, các bạn đã nghĩ đến chuyện quảng bá cho sách tiếng Việt?
- Chúng tôi đang phối hợp với các NXB để giới thiệu những sách mới và trong tương lai rất muốn tổ chức các buổi nói chuyện về sách cho các bạn sinh viên, không chỉ giới hạn trong việc chia sẻ kinh nghiệm du học như hiện tại. Khi mở quán này, chúng tôi mong muốn biến nơi đây thành một địa điểm văn hoá. Hiện tại Việt Nam chưa có những cuộc bình chọn sách hay dạng Best-seller nên chúng tôi cũng muốn triển khai giới thiệu những cuốn sách mới kèm với bình luận của các nhà văn hoặc nhà phê bình văn học. Bởi lẽ, không ai có thể đọc hết tất cả các cuốn sách mới và cần sự định hướng. Tôi rất muốn sau này, khi muốn biết thông tin về sách mới, người ta sẽ đến Intello.
Là người học Toán lại đặt khía cạnh văn hoá lên đầu, chắc việc mở book-cafe này không dễ dàng?
|
Một nguồn sách được những khách hàng tặng. |
- Tôi nghĩ không chỉ riêng mình có ý tưởng làm một book-café mà rất nhiều người mong muốn có một nơi thể hiện mọi ý thích và phong cách của mình, từ design đến nội dung bên trong. Tôi là người học toán nên cũng rất thực tế, nghĩa là tất cả mọi thứ đều phải có logic, phải cân đối giữa mặt kinh doanh và khía cạnh văn hoá, hai mặt khá đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau và mang lại lợi thế nhất định cho Intello. Khi mở book-cafe ở HN chúng tôi cũng đắn đo nhiều. Nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro và có thế mạnh là người VN đón nhận cái mới rất nhanh. Nếu xét khía cạnh kinh doanh thì chưa thành công nhưng xét về mặt văn hoá, Intello đã bước đầu tạo được một sân chơi cho giới trí thức.
Có cảm giác như những người vào Intello bị... buộc phải cầm một cuốn sách nào đó lên. Dù không thích đọc nhưng ngồi ở một nơi mà xung quanh là sách thì khó mà lờ đi...
- Thực ra chúng tôi không chủ ý làm vậy nhưng đó dường như là một sự tự nhiên. Sách VN cũng như sách nước ngoài bây giờ được in ấn và design rất hấp dẫn nên nhiều khi chỉ cần một cuốn sách có bìa đẹp thì ai cũng tò mò muốn xem.
Ngoài khía cạnh văn hoá, văn hoá đọc được Intello đặt ở mức độ nào?
|
Người chủ trẻ tuổi và niềm đam mê văn hoá đọc. |
- Đây là chủ đề khá lớn. Ngoài một lượng sách lớn, chúng tôi còn để khá nhiều tạp chí nước ngoài. Sách ngoài vấn đề thông tin còn có những lập luận logic. Đọc sách đòi hỏi thời gian và cần một hiểu biết nhất định về lĩnh vực nào đó nên không phải ai cũng có thể mê sách dễ dàng được.
Lối kiến trúc của Intello rất Tây nhưng đa số sách báo ở đây đều viết về văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh của hầu hết các tác giả nước ngoài. Các bạn muốn thể hiện gì qua những cuốn sách đó?
- Ban đầu chúng tôi chỉ có một số sách giáo trình học ở Mỹ hoặc xin tài liệu giới thiệu về các trường bên đó để cung cấp thông tin cho các bạn muốn đi du học ở nước ngoài. Thêm nữa, đây là book-cafe nằm cạnh Văn Miếu, nơi có nhiều bạn bè nước ngoài đến VN học tập, làm việc hoặc du lịch với mong muốn tìm hiểu văn hoá Việt Nam. Trong khi đó, những tài liệu loại này không có thị trường nên chúng tôi đã quyết định đưa thêm mảng sách này vào. Mảng truyện và lịch sử VN bằng tiếng Việt chắc chắn trong tương lai sẽ có trên giá sách Intello bởi hiện tại nguồn sách chủ yếu của chúng tôi vẫn do mọi người mang đến tặng hoặc mình tự liên hệ.
Tôi thấy ngoài sách và những câu chào theo 45 thứ tiếng quanh tường, Intello còn treo ảnh các nhạc sĩ chơi guitar, saxophone hoặc piano như thường thấy trong các điểm chơi Jazz ở châu Âu, liệu đây là một hướng đi mới?
- Hiện tại chúng tôi chỉ chơi violin hoặc guitar solo vào tối thứ 7 hàng tuần và chắc chắn sẽ mở rộng.
Vài hình ảnh về Book-cafe Intello
|