Sẽ không còn cảnh ôm phim ra nước ngoài làm hậu kỳ?
11:40' 19/04/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tháng 5 tới, công ty liên doanh hậu kỳ điện ảnh Digipost VietNam chính thức khai trương tại TP.HCM. Sẽ không còn cảnh đem phim đi nước ngoài in tráng?

Sự có mặt của Digipost tại thị trường Việt Nam vào thời điểm này là rất đúng lúc. Cơn khát đưa phim ra nước ngoài làm hậu kỳ của các đơn vị điện ảnh, truyền hình nước ta vừa mới xuất hiện thời gian gần đây sắp được hạ nhiệt.

Tại TP.HCM cũng đã có văn phòng đại diện của một đại gia trong lĩnh vực này là Kantana song việc in tráng vẫn phải mang sang đại bản doanh ở Thái Lan để thực hiện. Sự hiện diện của Digipost sẽ phá thế độc quyền của Kantana và quan trọng hơn, các đơn vị Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể trong công tác hậu kỳ phim.

VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông Allen Seet, giám đốc Digipost Singapore đang có mặt tại TP.HCM để chuẩn bị cho việc ra mắt của Digipost VietNam.

Ông Allen Seet. Ảnh: VT

Điều gì thúc đẩy Digipost Singapore mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang Việt Nam, thưa ông?

Ông Allen Seet: - Tám tháng trước khi đến TP.HCM, tôi thấy Việt Nam tương tự như Singapore của 20 năm về trước. Tôi là người đầu tiên mở công ty làm hậu kỳ phim ảnh ở Singapore và tôi muốn mình cũng là người đầu tiên làm việc này ở Việt Nam!

Thị trường phim ảnh Việt Nam chưa phải là lớn. Liệu công ty của ông có nhiều việc để làm?

Ông Allen Seet: - Công ty của chúng tôi tại Singapore từ lâu nay đã có mối quan hệ làm ăn với nhiều đơn vị Việt Nam. Việc có mặt tại đây sẽ tạo cho chúng tôi nhiều cơ hội tiếp cận gần hơn nữa với các đối tác Việt Nam. Có thể hiện nay thị trường Việt Nam thực sự chưa có nhiều nhu cầu nhưng tương lai sẽ khác. Được làm hậu kỳ tốt thì chất lượng phim ảnh sẽ tốt hơn, mặt bằng chung của cả nền điện ảnh sẽ được nâng cao, lúc đó người ta sẽ lại chú ý đến công tác hậu kỳ hơn.

Digipost VietNam bước đầu sẽ có khoảng 10 chuyên viên nước ngoài được đưa sang làm việc. Trong thời gian này, họ sẽ vừa làm vừa huấn luyện cho nhân viên người Việt để sau khi kết thúc hợp đồng (khoảng 3 năm) sẽ bàn giao lại toàn bộ công việc cho người Việt đảm trách.

Thị trường không lớn, trong khi nhiều nhà làm phim Việt Nam hiện có thói quen mang phim sang in tráng ở Thái Lan...

Ông Allen Seet: - Trước khi đến đây, chúng tôi có biết sự hiện diện của công ty Kantana ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi chuyên về hậu kỳ, máy móc thiết bị của Digipost VietNam rất hiện đại. Có thể nói, công ty ở Singapore có trang thiết bị hiện đại nào, công ty ở Việt Nam cũng có những trang thiết bị tương tự.

Trang thiết bị đắt tiền, cộng với lợi thế nằm tại TP.HCM, Digipost VietNam sẽ lấy giá cao hơn so với giá làm hậu kỳ ở Thái Lan?

Ông Allen Seet: - Ở Việt Nam chưa có thị trường này nên chúng tôi chỉ có thể so sánh với thị trường Singapore, Thái Lan, giá cả sẽ bằng hoặc thấp hơn. Không thể thấy người ta tiết kiệm chi phí đi ra nước ngoài thì mình lại lấy giá cao. Điều quan trọng hơn cả là chất lượng phục vụ và mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa hai bên.

Hướng hoạt động của công ty ngay sau khi ra mắt là gì, thưa ông?

Digipost VietNam được cung cấp công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như Avid, Smoke, Flame, Pro Tool... Công việc của Digipost VietNam gồm có: dựng phim, thiết kế âm thanh, hiệu ứng hình ảnh, 3D, HD, tiêu đề chương trình phát sóng, điều khiển thiết bị, phát triển ý tưởng, sản xuất chương trình...

Ông Allen Seet: - Chúng tôi sẽ tập trung vào việc làm hậu kỳ phim truyện cho các đài truyền hình, phim quảng cáo cho các đơn vị quảng cáo Việt Nam đã có mối quan hệ lâu nay như Đất Việt, Gold Sun, Viên Minh... Hiện chúng tôi đã có khá nhiều hợp đồng, chỉ chờ khai trương là sẽ bắt tay vào làm.

Chưa chính thức hoạt động nhưng công việc của Digipost VietNam có vẻ như sẽ khởi đầu suôn sẻ...

Ông Allen Seet: - Một công ty mới gia nhập thị trường Việt Nam thì việc thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, không thể đoán trước được. Không thể nói thời điểm này kinh doanh được còn thời điểm khác thì không. Tôi đến Việt Nam xuất phát từ cảm hứng của mình nhưng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong 30 năm làm hậu kỳ phim ảnh, tôi tin mình sẽ thành công.

Một nhà kinh doanh mà lại tin vào cảm hứng của mình như thế, nếu chẳng may...

Ông Allen Seet: - Trước đây khi tôi còn là một đạo diễn, tôi cũng đã luôn làm việc với cảm hứng của mình. Nhưng cho dù công việc không được như ý muốn, cũng không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng. Người làm phim là người đưa khúc cây đốn được trong rừng về, còn chúng tôi là những người gọt đẽo cho khúc cây ấy trở nên đẹp hơn. Thị trường phim Việt Nam đang hình thành, vẫn chưa ổn định. Tôi muốn giúp một tay để nâng cao công nghệ làm phim ở Việt Nam.

  • Võ Tiến (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Hãng TFS chuẩn bị "lột xác"
Phim Việt Nam làm quen với công nghệ mới
Điện ảnh Việt Nam: Thiếu chuyên nghiệp hay thiếu...?
Bài cuối: Một "núi thóc" trơ xương chờ... gỉ!
CÁC TIN KHÁC:
Những siêu sao làm thay đổi thế giới (19/04/2005)
Tối nay, Bài hát Việt 2005 trình làng (17/04/2005)
VN mua bản quyền sản xuất "Rouge" phần 2 (15/04/2005)
Hoãn lễ chiếu ra mắt bộ phim "Dàn hợp xướng" (11/04/2005)
Hoãn lễ chiếu ra mắt bộ phim "Dàn hợp xướng" (11/04/2005)
Đi chợ phim Hong Kong: chuyện bây giờ mới kể (11/04/2005)
Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Đừng đổ lỗi cho số phận! (09/04/2005)
Cascadeur Lữ Đắc Long: Làm Cascadeur không có nghĩa là liều mạng! (08/04/2005)
Tống Bạch Thuỷ: Tôi không muốn những vai hiền lành nữa! (07/04/2005)
"Dàn hợp xướng": Đẳng cấp mới của điện ảnh Pháp? (31/03/2005)
Phim "Gió thiên đường": Ai cưa sừng làm nghé? (29/03/2005)
Hollywood khóc vì... phim sex! (28/03/2005)
ĐD Lê Hoàng: Đợi chuông reo sẽ bắn...vào tim khán giả! (28/03/2005)
Đổi tên hay là chuyện rượu cũ bình mới? (26/03/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang