(VietNamNet) - Lần đầu tiên dự chợ phim Hong Kong, đạo diễn Lê Bảo Trung đã nhận ra cách để bán phim Việt Nam?
|
Đạo diễn Lê Bảo Trung tại chợ phim Hong Kong |
Trong khi các đơn vị làm phim, nhập phim trong nước lâu nay đến với chợ phim Hong Kong luôn bằng tư thế của những người đi để thiên hạ biết Việt Nam cũng góp mặt, chứ chẳng bán buôn được gì; thì đạo diễn Lê Bảo Trung (Hãng phim truyền hình TP.HCM) lần đầu dự chợ phim đã nhanh chóng nhìn thấy hướng mở cho phim Việt Nam đi ra thị trường ngoài nước.
Còn thiếu tính giải trí, còn chưa bán được phim
Yếu tố giải trí, thương mại của chợ phim này được đặt lên hàng đầu, ngay trong bài phát biểu của ông quyền trưởng đặc khu Hong Kong Donald Tsang Yam Kuen tại hội chợ. Khi chúng tôi đến các gian hàng hỏi có phim nghệ thuật không, họ rất ngạc nhiên vì họ chẳng phân biệt phim nghệ thuật với phim thương mại, chỉ có kinh dị, hành động hay tâm lý, tình cảm... mà thôi.
Phim các nước tại chợ phim này hầu hết đơn thuần mang tính giải trí. Có nhiều phim tôi xem thấy rỗng tuếch vì nội dung chẳng có gì nhưng nó cuốn hút người xem vào những pha hành động đánh đấm, gây cười. Nếu khán giả cần thư giãn, giải trí thì như thế là đã đủ đáp ứng. Chẳng hạn như phim của Châu Tinh Trì xem thấy rất ư là "xạo", nhưng người mua, người xem ùn ùn, đắt hơn cả Anh hùng lẫn Thập diện mai phục...
Chúng ta chê bai dòng phim giải trí xuất hiện thời gian gần đây ở trong nước là hạ thấp thị hiếu. Nhưng nếu so với phim giải trí của các nước tại chợ phim này thì phim được gọi là giải trí của ta còn khá cứng nhắc. Phim ta vẫn còn nhập nhằng giữa tính giải trí và nghệ thuật trong khi phim của họ không lên gân, chẳng dạy dỗ, cũng chẳng có "bài học kinh nghiệm", coi để thư giãn xong là quên hết.
|
Quyền trưởng đặc khu Hong Kong, Donald Tsang Yam Kuen (thứ hai từ trái sang) và các ngôi sao Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc tại chợ phim. Ảnh: L.B.T |
Tính giải trí của phim ta chưa cao trong khi đây là chợ của những phim giải trí. Phim nào có tính chất này là sẽ được quan tâm ngay, sẽ có tiếng nói chung với tiêu chí của chợ phim này. Phim ta chỉ có Khi đàn ông có bầu là được khách mua để ý, và tôi nhìn thấy trong chợ những phim dạng như thế có rất nhiều, chúng dễ xem nên bán rất chạy.
Muốn bán được phim, cần tạo dựng thương hiệu
Mỗi nước đến với chợ phim Hong Kong với những thế mạnh riêng của mình. Ấn Độ mạnh những phim pha ca hát nhảy múa, Hàn Quốc thì phim tình cảm, Mỹ là hành động, Hong Kong thì kungfu..., trong khi đó phim Việt Nam đã không thể hiện rõ điểm mạnh của mình.
Họ tìm mua phim là tìm mua thương hiệu, mua những cái đã trở nên quen thuộc. Theo tôi, thương hiệu của phim Việt Nam là cuộc sống của người Việt, văn hóa Việt, cách nhìn của người Việt về cuộc sống, về tình yêu... Đó sẽ là một phong cách, một cái nhìn lạ đem đến với chợ phim. Ngay cả phong cảnh đất nước ta nếu đưa lên phim cũng đã là một đặc trưng không thể thấy trong phim các nước khác.
|
Đoàn Việt Nam tại chợ phim |
Đã là người làm phim, chúng tôi cảm thấy rất tự ái khi phim Việt Nam không bán được ở thị trường bên ngoài. Chợ phim Hong Kong mà phim Việt Nam còn chưa tạo được thương hiệu để kéo khách đến gian hàng của mình, nói gì đến các chợ phim quy mô lớn ở Âu Mỹ.
Thế nhưng nói đi cũng cần phải nói lại. Mỗi năm nước ta sản xuất chỉ chục đầu phim, chưa đủ để đáp ứng thị trường, nghĩ gì đến chuyện buôn bán. Bởi thế, cũng nên tính đến việc tạo một thị trường, một cái chợ phim trong nước trước đã. Có chỗ để các đơn vị làm phim giao lưu, trao đổi, buôn bán sẽ tạo ra thị trường, có thị trường phim rồi sẽ thúc đẩy tiếp những việc khác.
Để một nền điện ảnh phát triển thì nghệ thuật và thương mại phải đi sóng đôi. Không mua bán, trao đổi thì không lấy tiền đâu để tái đầu tư, sản xuất tiếp, không có tiền đâu để làm những phim nghệ thuật!
|