Vì sao đề tài lịch sử Việt Nam lại được chuyển giao cho thể loại phim hoạt hình? Hãy nghe các đạo diễn, các nhà sử học... phân tích.
|
Đạo diễn Hải Ninh (đội mũ) đang chỉ đạo diễn xuất phim "Kiếp phù du" |
Đạo diễn Khải Hưng - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN - vừa cho biết đã hoàn thành việc soạn thảo kế hoạch sản xuất 100 tập phim hoạt hình về đề tài lịch sử dân tộc. Một cuộc tọa đàm gồm các nhà sử học, các đạo diễn và những người quan tâm đến phim lịch sử đã được tổ chức để cùng bàn hướng ra cho phương pháp thể hiện mới: làm phim lịch sử bằng hoạt hình.
Hoạt hình là tiện nhất
Đạo diễn Khải Hưng nhắc lại hàng loạt khó khăn khi thực hiện những bộ phim lịch sử dài tập để phát sóng: “Những thiếu thốn về phương tiện, về con người, về bối cảnh… lâu nay ta chưa khắc phục được. Thậm chí, vừa rồi còn có người nói phim lịch sử VN muốn làm hay phải sang Trung Quốc quay, hoặc quay xong phải sang Trung Quốc dựng. Đấy là điều khó”.
Như một sáng kiến để chuyển tải những đề tài lịch sử dân tộc - một nội dung quan trọng có tác dụng giáo dục nhiều mặt và là cảm hứng thẩm mỹ cho nhiều tầng lớp nhân dân, ông Khải Hưng nói: “Chúng tôi bèn nghĩ ra một cách: làm phim hoạt hình”. Theo đạo diễn Khải Hưng, phim hoạt hình có lợi thế trong việc chuyển tải những cảnh hoành tráng ngoạn mục trong các bộ phim lịch sử - điều mà nếu làm phim sẽ rất bị hạn chế.
Mức chi phí cho một bộ phim hoạt hình dĩ nhiên thấp hơn phim nhựa, nhưng để có một bộ phim hay, dẫu là phim hoạt hình, thì hẳn nhiên chúng ta còn cần nhiều thứ lắm. Đạo diễn - NSND Hải Ninh lưu ý đề tài lịch sử rất phong phú, không cứ gì chính sử, ngay cả dã sử, truyền thuyết, dân gian… tất cả đều thú vị và đều có thể chuyển thành phim để phục vụ công chúng: “Công chúng tiếp nhận kiến thức lịch sử theo nhiều phía lắm, không cứng nhắc như một bộ sách sử giáo khoa đâu. Lịch sử vốn có những câu chuyện gần với hoạt hình, vậy thì dùng nghệ thuật hoạt hình để chuyển tải lịch sử, phục vụ công chúng là hợp lý”.
Làm ngay
Tuy nhiên, ông phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN Trần Đăng Tuấn vẫn dè dặt cho rằng nên thận trọng khi làm kịch bản: “Tôi chỉ lo làm không hay, không ấn tượng. Những thí nghiệm của ta về phim lịch sử nhiều tập trên truyền hình như Hoàng Lê nhất thống là thất bại. Ta chưa gây ấn tượng được về lịch sử trong phim, chưa làm khán giả nắm được cái hồn của lịch sử nên nhiều người quên. Tôi cứ nghĩ nếu làm phim về vua Hùng mà không toát ra được cái hồn của vua Hùng, trong khi đó nét vẽ vua Hùng trên hoạt hình lại giống Ninja thì hỏng mất”.
Cùng tâm sự đó, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ thêm: “Đừng biến phim hoạt hình lịch sử thành những bộ sử hoạt hình, mà phim phải là những cảm hứng lịch sử, những niềm yêu lịch sử thật sự”. Và ông đề xuất “nên làm mỗi bộ phim là một tác phẩm hoàn chỉnh”.
Hầu hết các nhà sử học và các đạo diễn đều đánh giá cao kho tàng tư liệu lịch sử ngoài chính sử. Những dã sử, truyền thuyết, sử thi, di sản văn hóa… đều được đánh giá là có thể chuyển thành đề tài cho phim lịch sử. Giáo sư Phan Huy Lê nhẩm tính: “Chúng ta có 75 bộ sử thi đồ sộ của các dân tộc, Nhà nước sẽ công bố trong ba năm tới, đây là kho đề tài rất hay. Ngoài ra, chúng ta còn nhiều di sản văn hóa thuộc loại phi vật thể rất phong phú, tất cả đều có thể để cho ta làm thành một xêri phim hoạt hình lịch sử”.
Trong tình hình phim “thật” làm không được thì hoạt hình giống như một phương tiện tối ưu hiện thời để khai thác đề tài lịch sử VN. Đạo diễn Khải Hưng cho biết trung tâm đã bắt tay vào làm kịch bản và “đến cuối năm nay thì chí ít cũng làm được vài ba tập để xem sao”.
Như vậy, nội dung lịch sử trên phim truyền hình VN có lẽ từ nay sẽ được giao cho thể loại hoạt hình đảm trách. Sứ mệnh này rất cao cả, thiêng liêng, tuy nhiên trình độ nghệ thuật hoạt hình của VN hiện đang ở mức nào chưa thấy ai nhắc đến trong tọa đàm lần này! Có lẽ nó sẽ được nhắc đến ở một dịp khác, sau khi công chúng xem phim?
(Theo Tuổi trẻ) |