(VietNamNet) - Khóa đào tạo diễn viên truyền hình đầu tiên đã kết thúc cách đây 3 tháng kể từ tháng 9 năm ngoái nhưng phải chờ ít nhất 2 tháng nữa mới có thể cho "ra lò" lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo tạm gọi là chính quy với chứng chỉ trong tay.
Tuy nhiên, những thông tin về "số phận" lớp diễn viên này vẫn còn quá ít, nếu như không muốn nói là bị... lãng quên. Để hiểu thêm về đầu ra của 95 tân diễn viên, phóng viên VietNamNet đã tìm gặp đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, chủ nhiệm dự án đáng chú ý này.
|
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (ngồi giữa) trong buổi tuyển diễn viên truyền hình. |
- Thưa đạo diễn, rập rình mãi lớp đào tạo diễn viên truyền hình đầu tiên vẫn chưa có dịp ra mắt một cách chính thức. Phải chăng chất lượng chưa đạt yêu cầu?
- Mọi việc đã hoàn tất nhưng tôi nghĩ muốn trở thành diễn viên điện ảnh thực sự thì phải được chứng minh bằng một bộ phim thực sự. Chúng tôi đang hoàn tất một kịch bản dài 5 tập về đề tài sinh viên cho gần 100 học viên đầu tiên của mình làm báo cáo tốt nghiệp. Các em sẽ được thử sức trong những câu chuyện, những vai diễn khác nhau. Phim sẽ bấm máy vào tháng tới và phải 2 tháng sau mới hoàn thành.
- Ông thấy thế nào về sự thiếu hụt diễn viên truyền hình hiện nay khi mà yêu cầu của khán giả ngày càng cao?
Với công suất 200 tập phim/năm, vấn đề thiếu diễn viên ngày càng trở nên trầm trọng, không thể mượn người từ các đoàn vào lúc rảnh rỗi của họ được. Thêm nữa, có khi trên một kênh truyền hình một ngày có thể một diễn viên xuất hiện nhiều lần lúc trong vai tích cực, lúc ngược lại làm cho sự giả của phim truyền hình ngày càng giả hơn. Do vậy chúng tôi đã tự tổ chức tuyển sinh để đào tạo lấy lực lượng cho chính mình.
Chúng tôi không trông chờ vào trường ĐH SK-ĐA vì ở đó người ta dạy thiên về sân khấu hơn. Lý do là vì “đầu ra” của các lớp DV này là các Nhà hát kịch, còn các cơ sở sản xuất phim ĐA cũng như TH từ lâu đã không có biên chế cho DV. Mà việc một diễn viên được đào tạo nặng về SK khi bắt đầu làm việc với phim TH cũng lại phải có thời gian làm quen, học hỏi những đặc trưng của nghề này.
- Được biết, ngoài những diễn viên tên tuổi và có kinh nghiệm lâu năm, khóa học này còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ xuất thân từ sân khấu. Như vậy có phải là hướng đi sai không vì như ông nói, ngôn ngữ của điện ảnh và sân khấu khác nhau về cơ bản...
- Các thầy dạy đều là những nghệ sĩ nổi tiếng như: Minh Châu, Như Quỳnh, Thanh Quý... Bên cạnh đó cũng có nhiều người xuất thân thì sân khấu như: Thanh Tú, Hoàng Dũng... Tuy nhiên những người trong lĩnh vực sân khấu thì đã làm điện ảnh nhiều như diễn viên Thanh Tú chẳng hạn. Tất nhiên vẫn còn nhiều ảnh hưởng của sân khấu. Trong kỳ báo cáo tốt nghiệp vừa qua một vài bài tập do chị dàn dựng có phần nào ước lệ, cách điệu, chưa chân thật kiểu điện ảnh. Giá có nhiều người chuyên về điện ảnh giảng dạy thì tốt hơn, vì tư duy của họ tốt hơn, sẽ không phải chỉnh sửa nhiều. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề này tuy nhiên sẽ rất khó vì không có người. Thêm vào đó, không phải tất cả các nghệ sĩ đều có phương pháp giảng dạy nên hạn chế rất nhiều trong cách truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho các em.
- Ông đánh giá thế nào về trình độ diễn xuất của lớp diên viên "thử nghiệm" này. Đến thời điểm này, chắc chắn sẽ có một số vấn đề không ổn trong chương trình đào tạo...
- Bên cạnh việc dạy lý thuyết như nghệ thuật biểu diễn, lịch sử điện ảnh... chúng tôi tăng cường thực hành, để các em làm quen với máy móc, xử lý các tình huống phức tạp khác nhau với tỷ lệ 40 tiết lý thuyết và 330 tiết thực hành. Hiện các em đang thực tập và đã tham gia khá nhiều phim và chắc chắn khi tốt nghiệp sẽ rất khá. Tuy nhiên, nghề diễn viên là một nghề rất khắc nghiệt. Ngay cả những diễn viên có nghề hoặc đã có những thành công nhưng không phải năm nào cùng có phim đóng vì xuất hiện với tần xuất lớn sẽ gây nhàm chán khiến các đạo diễn e ngại.
- Như vậy là còn nhiều vấn đề cần giải quyết?
- Tôi muốn nói là các em diễn viên mới phải chuẩn bị tư tưởng trước vấn đề này. Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi nhiều người cố gắng chạy chọt cho con mình vào trường Sân khấu điện ảnh. Học để làm gì khi học xong không ai mời đóng phim. Việc mở các lớp đào tạo diễn viên truyền hình tiếp theo còn phụ thuộc vào chất lượng của kỳ thi tới và cả cơ chế nữa. Lúc trước khi mở khoá học này chúng tôi còn là Hãng phim truyền hình Việt Nam còn bây giờ là Trung tâm sản xuất phim truyền hình.
Sau này chúng tôi nghĩ nên có thêm phần Ngôn ngữ cử chỉ để dạy cho diễn viên đóng phim bởi vì diễn điện ảnh người ta thường thể hiện bằng những cử chỉ (như ánh mắt, cơ mặt, mũi, môi, miệng, bàn tay...) Tôi được biết bên viện Ngôn ngữ có một nhà nghiên cứu đã báo cáo thành công luận án về “ngôn ngữ cử chỉ”. Có lẽ các đạo diễn, diễn viên giảng viên nghệ thuật biểu diễn cũng cần tham khảo vấn đề này.
|