|
"Táo" Lê Bình. | |
| (VietNamNet) - Được Đài Truyền hình TP.HCM “khai sinh” từ năm 1982, đến nay “Táo” đã là “đặc sản” của HTV và trở thành “món quà” không thể thiếu của các đài truyền hình dành cho khán giả màn ảnh nhỏ trên khắp mọi miền đất nước.
1 - 23 giờ đêm Giao thừa Tết Nhâm Tuất (1982), lần đầu tiên HTV “tung” ra tiểu phẩm hài về Táo quân mang tên “Ông Táo và bà Mánh” của tác giả Phan Vũ, do hai nghệ sĩ hài Bảo Quốc và Mỹ Chi thủ diễn. Nội dung vở nói về bà Mánh chuyên buôn bán thuốc Tây lậu, ỷ mình có tiền và sắc đẹp nên dùng “mỹ nhân kế” để mua chuộc ông Táo. Nhưng trước tính thanh liêm và cương trực của Táo quân, bà Mánh đã bị lột trần chân tướng và nhận thêm tội… hối lộ người thi hành công vụ! Tiểu phẩm hài này chỉ có thời lượng khoảng 30 phút, nhưng đã trở thành “sự kiện đáng nhớ” trong sinh hoạt văn nghệ cuối năm. Hầu hết khán giả màn ảnh nhỏ đều thích thú với “món ăn lạ” này; nhưng cũng có người hơi… “bất bình” – vì Táo quân vốn là một nhân vật trong tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, những người thực hiện chương trình vẫn kiên trì với mục đích: phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của khán giả; phần khác, dùng chương trình này để phản ánh những tệ nạn xã hội còn tồn tại.
|
Một cảnh trong vở kịch Táo Giao thừa năm 2002: "Táo quân trên lưng ngựa". |
Một năm sau đó, tiểu phẩm hài “Táo quân chầu trời” (Tác giả: Thế Ngữ) được nối tiếp trên sóng HTV, vẫn do hai nghệ sĩ Bảo Quốc và Mỹ Chi thủ diễn. Nội dung là câu chuyện giữa hai vợ chồng nhà Táo điểm lại những vấn đề “nóng bỏng” ở hạ giới trong năm qua để báo cáo với Ngọc Hoàng… Vào những năm kế tiếp, các tiểu phẩm như “Táo trẻ”, “Táo và Thiên Lôi” cũng được nối tiếp, có thêm sự góp mặt của nghệ sĩ hài Duy Phương, Nguyên Hạnh, v.v…
Bằng lối diễn hài có ngẫu hứng hơi “náo”, phối hợp ăn ý, các diễn viên đã thật sự chinh phục khán giả. Các tiết mục về Táo cũng đã bắt trúng và hòa chung “tần số” của Tiếng cười sân khấu – Chương trình hài kịch đang thịnh hành và rất được khán giả đương thời ưa thích. Có thể nói, tình cảm và sự ái mộ của khán giả dành cho đôi nghệ sĩ Bảo Quốc - Mỹ Chi cũng được nâng cao hơn nhờ vào các vai diễn kể trên. Thậm chí, họ đã trở thành “đẹp đôi” trong lòng khán giả.
|
Nghệ sĩ Hồng Vân thủ vai vợ Ngọc Hoàng. |
2 - Nếu như ở các năm trước, chương trình Táo quân chỉ là tiết mục hài có thời lượng ngắn; thì đến năm 1986, tác giả Thế Ngữ (một trong 3 người “khai sinh” chương trình “Trong nhà ngoài phố”, cũng là “chuyên gia” viết kịch bản hài và các kịch bản về chương trình Táo quân) đã cho ra đời vở “Ngọc Hoàng du lịch” - có thời lượng khoảng 90 phút. Từ đó về sau, các kịch bản về Táo đều được viết và dàn dựng theo dạng kịch, có thời lượng trên 90 phút với sự tham gia của nhiều tác giả và đạo diễn nhưng “trụ cột” vẫn là Thế Ngữ và Trần Văn Sáu. Nhân vật Táo quân cũng được nhân rộng, “phụ trách” ở nhiều lĩnh vực xã hội như: Táo du lịch, Táo khách sạn, Táo giao thông, Táo công an, Táo hải quan, Táo điện, Táo than, Táo miệt vườn, Táo đặc sản, Táo làng nướng, v.v… Nội dung của các vở cũng phong phú hơn, phản ánh, phê phán, đả kích sâu cay và đa dạng hơn; “đụng” đến nhiều vấn đề xã hội như nạn hối lộ, tham nhũng (gồm các vở “Táo quân mất sớ”, “Ngọc Hoàng du lịch”, “Chuyện trên trời – Chuyện dưới bếp”…), mê tín dị đoan (vở “Thượng đế giá lâm”…), quan liêu cửa quyền, thiếu trách nhiệm, hậu quả của việc bị đặt sai vai trò xã hội (vở “Ngọc Hoàng du lịch”, “Con trời”, “Cầm tinh năm Bính Tý”, “Táo lên trời – Táo xuống đất”…), và sự hủ hóa, “ô dù” của một số người đương chức, đương quyền (vở “Năm Dê, Táo mọc sừng”, “Con Trời cưới vợ”, “Táo quân mất sớ”…), v.v…
|
"Ngọc Hoàng" Bảo Quốc. |
3 - Từ năm 1986 trở đi, lực lượng diễn viên tham gia trong các vở kịch Táo đã lên đến hàng chục người và luôn luôn được bổ sung thêm những gương mặt mới. Từ vở “Ngọc Hoàng du lịch” trở về sau, nghệ sĩ Bảo Quốc không còn làm Táo nữa mà được “phong” lên làm… Ngọc Hoàng. Theo từng năm, vai diễn Ngọc Hoàng lần lượt được các nghệ sĩ Bảo Quốc, Lê Vũ Cầu, Phước Sang, Hữu Châu, Hữu Nghĩa… đảm nhiệm; cùng các “bà vợ” Mỹ Chi, Minh Phượng, Hồng Đào, Hồng Vân… Bên cạnh “bà Táo” kỳ cựu Mỹ Chi; các “ông Táo” - “bà Táo” nối tiếp là các nghệ sĩ Duy Phương, Nguyên Hạnh, Phú Quý, Nguyễn Dương, Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Phú Hải, Hữu Châu, Nguyễn Sanh, Nguyễn Châu… cùng nhiều diễn viên kịch – hài kịch khác.
Sự thành công của chương trình Táo quân trên sóng HTV còn được các đài truyền hình tỉnh bạn “tiếp sức” bằng cách phát hình lại các vở diễn. Song song đó, trước tình cảm nồng nhiệt của khán giả dành cho chương trình này, một số đài truyền hình đã bắt tay thực hiện chương trình riêng cho đài mình. Điển hình như Đài Truyền hình Bình Dương, liên tục từ mười năm nay, đều thực hiện những vở kịch về Táo để phát hình trong đêm Giao thừa, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài tên tuổi của TP.HCM. “Chuyên gia” đóng vai Ngọc Hoàng là Hữu Nghĩa, với các Táo quân là Tấn Thi, Trung Dân, Mai Sơn, Tấn Beo, Thanh Tùng, Tuyết Dung, Tuyết Nga, Phương Dung, Hoàng Lan…
Điểm qua những diễn viên từng tham gia chương trình Táo quân, có thể thấy, người có “thâm niên” và được làm “Táo” nhiều nhất là Mỹ Chi, Duy Phương; còn Bảo Quốc, Hữu Nghĩa thì với vai Ngọc Hoàng. Táo quân có thân hình “bệ vệ” nhất là Hoàng Lan; và vị Ngọc Hoàng “mình hạc xương mai” được trao cho… Minh Nhí!
|
Một cảnh trong vở kịch hài: "Giao thừa của làng Táo" (năm 2001). |
4 - Theo truyền thuyết, Táo quân là nhân vật có gương mặt đen như lọ nồi. Nhưng tại sao các “Táo” trên truyền hình lại có gương mặt bình thường; thậm chí các “Táo bà” rất… xinh đẹp và hấp dẫn? Từ tiết mục Táo đầu tiên là “Ông Táo và bà Mánh”, giữa đạo diễn Thế Ngữ và nghệ sĩ Mỹ Chi đã có sự tranh cãi quyết liệt và nghệ sĩ Mỹ Chi đã “đấu tranh” rất dữ để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của “Táo bà”. Cuối cùng, đạo diễn Thế Ngữ cũng phải đành… “chào thua”. Từ đó trở về sau, các “Táo” truyền hình không cần phải bôi đen mặt mũi!
Khi được hỏi “có cảm nghĩ gì khi tham gia trong các vở kịch Táo”, hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên được mời tham gia đều trả lời là “rất vui”. Tâm lý chung của họ là được… diễn “lấy hên”, vui vẻ và làm ăn phát tài trong năm mới.
Kịch Táo năm Khỉ, có gì mới ?
Khác với thông lệ hàng năm là Táo Quân đều về chầu Ngọc Hoàng để báo cáo tổng kết về tình hình trần gian trong năm cùng những sự kiện nổi bật và thú vị nhất, năm nay, Táo Quân sẽ ở lại trần gian để tham gia vào ước vọng chính đáng của tất cả mọi người là… làm giàu.
Theo truyền thuyết dân gian thì Thần Tài là vị thần tuy chức nhỏ nhưng lại được trọng vọng nhiều nhất, được cầu xin nhiều nhất bởi Thần Tài có quyền ban phát tài lộc cho cả thế gian. Đã bao đời, người giàu lẫn người nghèo đều đặt cho mình những dấu hỏi về Thần Tài. Có người thắc mắc tại sao người này nghèo “dễ sợ” trong khi kẻ khác thì lại giàu “thấy thương”? Rồi tại sao cả làng, cả xã này được trúng số độc đắc nhưng nơi khác thì không hề thấy bóng Thần Tài? Rồi tại sao giàu – nghèo đều tôn thờ Thần Tài nhưng người nghèo lại nhiều hơn người giàu, và khoảng cách giàu – nghèo càng lúc càng xa? Có phải chăng ông Thần Tài cũng quan liêu, tùy tiện như người trần gian? Hoặc giả có một “tiêu chuẩn” nào đó để Thần Tài ban phát giàu sang cho con người? Vậy “tiêu chuẩn” đó như thế nào? Từ đời này sang đời khác người ta đã ráo riết đi tìm câu giải đáp, nhưng tất cả vẫn chìm trong vòng bí mật. Đây cũng chính là một trong những nội dung vở kịch Táo: “Mật mã của Thần Tài” (Kịch bản và đạo diễn: Trần Văn Sáu, Biên tập: Nguyễn Minh Hải, Chỉ đạo nội dung: Kiều Tấn) – sẽ được phát sóng vào đêm Giao thừa (lúc 22g30 tối 21/1/2004), trên kênh HTV7.
Trong kịch không chỉ có con người mà còn có các vị thần đáng yêu khác như Táo Quân, ông Địa, ông Thiện, ông Ác cùng tham gia “giải mã” Thần Tài, tạo nên nhiều đột biến và tình huống hài thú vị. “Mật mã của Thần Tài”, với nhiều tiếng cười sảng khoái, đã bật lên chủ đề của vở là: “LÀM GIÀU là khát vọng của tất cả mọi người, nhưng phải là làm giàu chính đáng… và trong cuộc sống, đồng tiền không phải là tất cả”. Vở quy tụ khá nhiều ngôi sao của làng hài TP.HCM như: NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Việt Anh, Hồng Nga, Bảo Chung, Hồng Tơ, Hoàng Sơn, Kiều Oanh… cùng một số diễn viên hài khác.
(Nguồn: HTV)
|
|