Việt Nam bị phim Trung Quốc lấn át trên chính sân nhà
07:32' 19/09/2003 (GMT+7)
Một cảnh trong Anh hùng xạ điêu, bộ phim làm mưa làm gió trên sóng HTV thời gian qua bắt đầu trên HTV7.

(VietNamNet) - Những bộ phim truyền hình Trung Quốc được chiếu nối tiếp, xen kẽ nhau, bật kênh nào cũng có. Nhưng với thực lực hiện nay của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (Hãng phim THVN trước đây), thì ít nhất phải đến năm 2010 may ra chúng ta mới có thể đẩy lùi được sự áp đảo của phim nước ngoài, mà đáng kể nhất là phim Trung Quốc.

Khán giả Việt Nam đã, đang và sẽ "bội thực" phim Trung Quốc

Không phải đến giờ trên các kênh truyền hình mới chịu sự áp đảo của phim Trung Quốc, đặc biệt là các phim dã sử. Từ Hán Vũ Đế, Tần Thuỷ Hoàng, Võ Tắc Thiên,  Truyện Thương Ưởng... đến Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ... Danh sách này dài đến nỗi kể cả ngày, cả tuần thậm chí cả tháng cũng không hết. Tính sơ sơ đầu phim Trung Quốc đang được phát trên sóng VTV1, VTV3, Đài truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình TP.HCM đã có gần chục phim: Vòng xoáy cuộc đời, Tiếu ngạo giang hồ, Ánh mắt trong đêm, Thử thách và tình yêu, Chuyện Thương Ưởng, Anh hùng xạ điêu... Vì phim lịch sử Trung Quốc được chiếu nhiều quá nên không có gì lạ khi không ít người nắm lòng lịch sử của quốc gia láng giềng này kỹ hơn cả lịch sử Việt Nam (!?). Bài toán này không phải bây giờ mới trở nên nan giải đối với những người đứng đầu ngành truyền hình và điện ảnh, mà đã vô cùng nhức nhối từ nhiều năm nay.

Chất xúc tác khá hiệu quả để phim Trung Quốc có cơ hội "liên tục phát triển" là ta có quá nhiều đài truyền hình. Việt Nam có bao nhiêu tỉnh, thành phố thì có bấy nhiêu đài truyền hình. Một số đài yếu quá nên không thể tự sản xuất ra những chương trình gắn mác của mình. Thế là để dân tỉnh nhà có dịp tiếp xúc với "ánh sáng văn hoá", họ chạy ù ra hàng cho thuê băng đĩa chọn lấy một bộ chưởng hay hoặc tình cảm lâm ly "made in China" có chất lượng tạm ổn và... phát sóng. Hiện tượng này đã khiến chính Giám đốc hãng phim truyền hình Việt Nam phải thốt lên: "Sao mà tệ hại và lãng phí thế!. Tôi nghĩ cả nước chỉ nên có 3 đến 4 cụm đài truyền hình là đủ". 

Những người có trách nhiệm nói gì? 

"Về mặt quản lý Nhà nước, cần phải điều tiết tình trạng nhập phim hiện nay. Tuy nhiên, việc chiếu phim trên truyền hình hiện không thuộc thẩm quyền của Cục Điện ảnh mà thuộc về những nhà lãnh đạo các đài truyền hình. Việc phim Trung Quốc  tràn lan trên truyền hình đang là một hiện tượng nhức nhối hiện nay. Không chỉ có truyền hình trung ương mà các đài truyền hình địa phương đều tràn ngập phim Trung Quốc, bật bất cứ kênh nào lên cũng có. - Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh thừa nhận. Bà Ngát ngậm ngùi: ''Đây là một hiện tượng đáng báo động vì như vậy là có nghĩa chúng ta đã truyền bá quá nhiều cho văn hoá Trung Quốc" 

Vẫn theo bà Cục phó Cục Điện ảnh, một phần nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. "Các đài truyền hình địa phương có công suất phát sóng rất lớn nhưng lại không có kinh phí để tự sản xuất các chương trình của riêng mình nên họ đưa quá nhiều các phim bộ của Trung Quốc vào phát sóng. Đương nhiên đây là các chương trình truyền hình giải trí nhưng cần phải phân bổ phim cho cân đối và chọn được những phim hay, không chỉ của Trung Quốc mà còn của những quốc gia khác để đem ra trình chiếu. Điện ảnh Việt Nam trong mấy năm trở lại đây đã có sự tăng tốc, nhưng không đủ để hạn chế sự thống trị của phim Trung Quốc trên truyền hình".

"Nếu phải chọn giữa phim Mỹ, Hàn Quốc.. tôi vẫn sẽ chọn phim Trung Quốc"

Đó là phương án của ông Khải Hưng, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình. "Vào thời điểm cách đây 5 năm, khi truyền hình chỉ phát sóng 8 tiếng, nếu cố gắng thì chúng tôi có thể đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đề nghị thời lượng phát sóng phim truyền hình Việt Nam phải đạt được 50%. Nhưng nay thì đã khác, THVN phát 3 kênh, mỗi kênh 18 tiếng/ngày. Để được chỉ tiêu này, chúng tôi sẽ phải sản xuất một lượng phim khổng lồ, khoảng 2.000 tập phim/năm và điều đó là không thể. Do vậy, ta buộc phải chiếu phim nước ngoài. Trung Quốc là một nước lớn, nền văn hoá, phong tục, tập quán và cách nghĩ của hai nước lại tương đối tương đồng nên việc phim của quốc gia này được chiếu tràn lan trên truyền hình là điều dễ hiểu. Nhưng nếu phải chọn giữa các phim Mỹ, Hàn Quốc để phát sóng thì tôi sẽ chọn phim Trung Quốc.

Việc phim truyền hình Việt Nam bộc lộ những yếu kém và sự không đồng bộ không lẽ lại đổ tội cho Nhà nước. Câu đó đã quá cổ rồi, chẳng lẽ tôi lại kêu lại. Điều trước hết chúng ta cần làm bây giờ là xã hội hoá việc làm phim truyền hình. Điều đó không làm ngay được mà cần phải có thời gian, nếu nôn nóng và thiếu bình tĩnh thì sẽ đổ hết. Mong khán giả hãy nhẫn nại chờ đợi vì tôi nghĩ phim truyền hình Việt Nam cũng không u ám lắm đâu".

Phim Trung Quốc - đối thủ không cân sức của phim truyền hình Việt Nam

Phim truyền hình TQ vẫn chưa có đối thủ cạnh tranh ở VN. 

Không thể phủ nhận thực tế hiển nhiên là khả năng thực hiện những bộ phim truyền hình nhiều tập đề tài lịch sử của chúng ta gần như bằng không, mặc dù một số dự án đã lên khung. Lẽ dĩ nhiên là chúng không thể cạnh tranh với phim Trung Quốc. Về đề tài thì ta không thiếu, nhưng về cái khoản kinh phí, trường quay, phục trang, diễn viên và cả óc tổ chức thì truyền hình Việt Nam còn quá yếu. Chính vì vậy, những phim làm về đề tài lịch sử có thể đánh giá bằng hai chữ "tạm được" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng kể nhất có lẽ chỉ có Đêm Hội Long Trì còn đa số quá tệ, tệ như bộ phim về cái ông Thầy Khoá ra mắt cách đây vài năm. Cứ bảo sao mà truyền hình tràn ngập phim lịch sử Trung Quốc. Khán giả được thưởng thức nhiều "kiệt tác" điện ảnh Trung Quốc đến mức không biết đâu là tác phẩm "kinh điển".

Nguyên nhân trước nhất chính là vấn đề kinh phí. Để có một bộ phim hay không chỉ có kịch bản tốt, kinh phí ổn định... mà vấn đề cốt yếu quyết định đến chất lượng phim truyền hình chính là phải có một trường quay chuẩn. Không thể mượn một ngôi nhà trong vòng 3 tháng để làm một bộ phim truyền hình dài 100 tập và nếu có thì cũng không thể thu thanh đồng bộ được nên hầu hết phim truyền hình Việt Nam vẫn còn duy trì khâu lồng tiếng. Khâu quan trọng nữa là việc xây dựng bối cảnh cho phim lịch sử. Công việc này tốn kém đến nỗi ông Khải Hưng đã không giấu giếm ý định mang cả đoàn làm phim sang Trung Quốc quay, thậm chí nếu có thể thì mượn luôn người Trung Quốc làm diễn viên quần chúng cho đúng với không khí... lịch sử.

Phim 'Mùa quýt chín'

Diễn viên cũng là một khâu cần bàn tới. Diễn viên hiện nay chủ yếu do lực lượng từ sân khấu đầu quân sang nên diễn xuất chưa mượt và thiếu sự dung dị. Khoá đào tạo diễn viên điện ảnh cuối cùng đã kết thúc cách đây 20 năm. Đây chính là cơ sở để hãng phim truyền hình Việt Nam mở khoá đào tạo diễn viên truyền hình. Ông Khải Hưng tin tưởng rằng sẽ có thể đào tạo được một lực lượng diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp và những gương mặt độc quyền của Hãng từ lứa diễn viên đầu tiên do mình dựng lên. Diễn viên truyền hình được đào tạo bài bản thì sắp có, nhưng đạo diễn và quay phim thì khi nào mới được chuẩn hoá? Làm việc trong một môi trường thiếu chuyên nghiệp như vậy thì phim truyền hình Việt Nam được như bây giờ đã là cả một "kỳ tích".

Trước hiện trạng phim Việt Nam đang bị "thất thế" trên sân nhà và mỗi năm hãng phim Truyền hình Việt Nam chỉ sản xuất được 300 tập phim, con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế thì việc phim Trung Quốc thống lĩnh màn ảnh nhỏ là điều không tránh khỏi. Giải pháp duy nhất hiện nay là chúng ta hãy kiên nhẫn và chờ đợi một phép màu để cho phim truyền hình Việt Nam một chỗ đứng xứng đáng và đủ sức "chiến đấu" với cường quốc phim bên cạnh.

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam tham dự Hội chợ phim Hongkong (16/09/2003)
Truyền hình trực tiếp vở tuồng "Hồ Quý Ly" (15/09/2003)
Nữ đạo diễn Mỹ Khanh và cuộc tìm kiếm vẻ đẹp vô danh (15/09/2003)
Lizzie McGuire và cuộc hành trình đến với khán giả Việt Nam (15/09/2003)
Tiếu ngạo giang hồ có ''đắt khách'' bằng Anh hùng xạ điêu? (11/09/2003)
Roman Polanski, mất 6 tháng để có được tượng vàng Oscar (10/09/2003)
Diễn viên Hàn Quốc xuất ngoại - được và mất (09/09/2003)
Phim ''Road to Perdition'' đến Việt Nam (09/09/2003)
Nhọc nhằn 'đãi cát tìm vàng' cho phim truyền hình VN (09/09/2003)
Lần đầu tiên một bộ phim được phát hành trên Internet (06/09/2003)
Hoạ sĩ thiết kế - người tạo đường nét cho bộ phim (05/09/2003)
Liệu có 'Đời cát' thứ hai tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 48 (04/09/2003)
Đặng Nhật Minh hạnh phúc với những ngày thực hiện ''Thương nhớ đồng quê'' (03/09/2003)
"Mùa Len trâu"- chưa khởi quay đã được nước ngoài đặt mua (03/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang