30 năm nhạc Việt: Mấy lần hồi sinh một hệ thẩm mỹ?
15:03' 12/04/2005 (GMT+7)

Ca sĩ Mỹ Linh

Ba mươi năm - một phần ba thế kỷ. Quãng thời gian ấy chưa đủ lâu để rễ cây thẩm mỹ ăn thật sâu vào đất đến mức người ta sẽ tiếc nuối khi chẳng may thiên tai bứng nó lìa khỏi đất, song cũng đã kể là quá lâu nếu một hệ mỹ học cũ cứ sống bám vào thời vang bóng của nó.

Đâu là hệ mỹ học cũ ấy?

Đó là cái, tạm gọi là mỹ học đô thị, chính xác hơn, là mỹ học đô thị thời chiến, được xây dựng tại miền Nam sau ngày đất nước bị chia cắt, tạm kết thúc khi nước nhà thống nhất nhưng lại có những cơn bùng dậy sau đó, như một thứ bệnh chưa được gọi tên, gây sốt vô định kỳ, bất khả đoán, và chẳng thể nào dập tắt.

Thẩm mỹ đô thị cũ về thực chất vẫn là một thứ thẩm mỹ làng xã, lấy tinh thần địa phương làm trung tâm, lấy cái gần gũi, phiên phiến làm tôn chỉ, lấy tính thực dụng làm thước đo giá trị. Về bản chất, nó được biểu hiện trong âm nhạc bằng những dạng thức sau:

- Xem trọng những nhân vật, những tác phẩm có quan hệ máu thịt, gần gũi về mặt địa phương, ca ngợi các nhạc sĩ cùng sáng tác của họ căn cứ trên hoàn cảnh xuất thân và ở những yếu tố ngoại-nghệ-thuật - chẳng hạn khả năng thù tạc, thói quen sinh hoạt, các giai thoại. Điển hình, là những lời tâng bốc khá kêu như thế này, "những dòng giai điệu ấy chuyên chở tấm lòng của người phương Nam trong cuộc lữ hành mở mang bờ cõi", "tiếng hát ấy như thể mỹ tửu làm say kẻ chinh nhân", "những bài ca kia viết từ chén rượu đắng cay mà ông hằng ngày phải nuốt vào như nuốt nỗi cô đơn của chính mình". Những người theo "trường phái" như thế nhìn một tác giả, một tác phẩm không ở góc độ nghệ thuật hay những phát kiến chuyên môn mà thường viện dẫn lối văn tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình để lái nhân vật, tác phẩm sang một hướng khác, quê kệch hơn, nhưng bảo đảm tranh thủ được nhiều hưởng ứng hơn từ những tâm hồn địa phương tương tự

Soạn: AM 347771 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một hệ thẩm mỹ cũ...

- Thực dụng có nghĩa là hay, nhiều người biết đến nghĩa là giỏi. Tính thực dụng ở khối văn nghệ phương Nam có phần giống tính tiểu thương, chuộng khả năng kinh tài, chuộng sự "thật thà" - mặc dù chỉ là kiểu chất phác giả vờ để tranh thủ dư luận. Từ đó đẻ ra một kiểu "nhạc sĩ" ăn theo dân ca, khoác áo mộc mạc được khen ngợi, dễ nổi tiếng, tuy tác phẩm của họ không những không mới mẻ, cách tân gì mà còn kéo lùi thẩm mỹ quần chúng

- Làm gì cũng đại khái, được chăng hay chớ, bám vào những sản phẩm cũ để quy chiếu mình, kiểu như ông bà mình đã làm thế rồi, sao mình phải khác, khác là mất gốc. Biện minh cho sự cẩu thả, hời hợt bằng rất nhiều mỹ từ. Chống (ra mặt hoặc ngầm) sự chuyên nghiệp hóa, chống ý hướng trau giồi chuyên môn và kỹ thuật, chống những sáng tạo táo bạo. Chỉ cần xem một bài phối trên giấy của một nhạc sĩ hòa âm cũng có thể lượng giá được sự "phiên phiến chủ nghĩa" của anh ta - và của giới văn nghệ nói chung - đã sâu đậm đến mức nào. Chỉ cần nhặt những lỗi chính tả tiếng Anh đầy dẫy trên các bìa đĩa, kể cả sản phẩm của nhiều nhà chuyên nghiệp, cũng thấy bản tính người Việt ta thích đại khái đến mức nào

Trên kia chúng tôi nhấn mạnh đây là ý thức thẩm mỹ thời chiến, là để lý giải ở đây. Chỉ có một khí quyển sống hoang mang, âm tính, lo âu, vội vàng trong một vùng đô thị bất an mới khiến người ta ôm chặt lấy những thứ gần mình nhất, mới khiến người ta tự tha thứ cho sự cẩu thả, mới khiến người ta mong "danh gì với núi sông" đến mức thực dụng mà thôi.

Sau khi nước nhà thống nhất, hệ mỹ học cũ ấy được thay bởi những gì?

Đầu tiên, là một hệ thẩm mỹ hào hùng của các nhạc phẩm thời chống Mỹ. Trên mọi nẻo đường, suốt từ sáng sớm đến tận khuya, đều có thể nghe thấy những câu hát hừng hực lửa "Bão Nổi Lên Rồi" (Trọng Bằng), "Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn" (Lư Nhất Vũ), "Sài Gòn Quật Khởi" (Hồ Bắc)... Tâm thức người Sài Gòn thay đổi hẳn, họ được tiếp thu một loại nhạc chưa từng được biết đến, một khí thế chưa từng thấy. Bầu khí quyển hành khúc đã nuôi dưỡng họ suốt những năm đầu giải phóng. Hệ thẩm mỹ hào hùng làm nên các nhạc sĩ trẻ thời này, như Từ Huy với "Châu Chấu Đá Xe" là một ví dụ.

Khí quyển hào hùng tác động không kém mãnh liệt vào giới ca sĩ. Nghe Lệ Thu hát "Nổi Lửa Lên Em", nghe Anh Khoa hay Duy Quang hát ca khúc cách mạng ta sẽ thấy rõ sự chung chiêng giữa hai hệ mỹ học: hệ đô thị cũ và hệ hùng tráng mới. Họ hát không giống các ca sĩ xuất thân Hà Nội như Kiều Hưng hay Thanh Hoa. Vì sự "lai" bắt buộc của hai dòng thẩm mỹ đã nói, cách hát của họ rất đặc biệt, gây ấn tượng, thế rồi trở nên quý khi thời đã qua. Không phải là không có sự hiện diện của hoài niệm "nhạc đỏ qua các ca sĩ nhạc vàng" trong công chúng sau này khi mê man với cơn sốt nhạc hải ngoại, và có thể nói không ngoa rằng chính cơn sốt ấy - định danh bởi cuộc lai vàng/đỏ kia - đã làm hồi sinh hệ mỹ học đô thị nhiều lần.

Khi phong trào ca khúc chính trị mờ dần, đồng nghĩa với ý thức thẩm mỹ hùng tráng được thay thế bằng một ý thức mới thì mỹ học đô thị sống lại lần thứ nhất. Đó là lúc các nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Vũ Hoàng nổi bật nhất. Không gian thẩm mỹ của các cây bút này là vệt nối dài của những Nguyễn Trung Cang, Hùng Cường, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà thời trước, dĩ nhiên có bày biện khác đi ít nhiều. "Người Yêu Nhé" (Nguyễn Ngọc Thiện) là gì nếu không phải là hình bóng cũ của những người tình nhỏ trong nhạc Quốc Dũng? "Mùa Xuân Tình Yêu", "Hãy Đàn Lên" không thể không gợi lại Nguyễn Trung Cang. Và Nguyễn Đức Trung thì rất Lê Hựu Hà, từ quan niệm ca khúc đến những kỹ thuật sử dụng khi tác khúc. Mảng nhạc trẻ phía Nam giai đoạn sau mở cửa (1986) là mảng nhạc trẻ đô thị trước kia được dựng lại. Về tính chất âm nhạc, nó có đặc thù là chịu ảnh hưởng nặng nề nhạc Pháp thập niên 60 - trong khi chúng ta cần nhớ rằng thời điểm 1986, nhạc phổ thông Pháp đã khác rất xa trước đó hai mươi năm, và dường như không được biết đến ở Việt Nam.

Khí quyển đô thị vừa nói tồn đọng trong suốt mười năm, do ảnh hưởng mạnh về mặt truyền thông cũng như dư luận của các nhạc sĩ vừa kể cũng như một bút nhóm khác mà hai thành viên tích cực là Từ Huy và Nguyễn Ngọc Thiện - nhóm Những Người Bạn. Lượng không khí thẩm mỹ đô thị hồi sinh ấy san sẻ không gian rất hòa bình với luồng không khí nhạc hải ngoại - căn bản vì cả hai cùng một hệ mỹ học. Người nghe chấp nhận dễ dàng một đêm nhạc có cả Ngô Thụy Miên lẫn Nguyễn Ngọc Thiện; và ở các quán cà phê, nhạc Từ Huy xen kẽ nhạc Từ Công Phụng không hề gây một hiệu ứng sốc nào.

Năm 1986, một hệ thẩm mỹ khác được tạo ra bởi các nhạc sĩ phía Bắc vào Nam lập nghiệp: Trần Tiến, Dương Thụ và Phú Quang.

Những vị khách mới này thay đổi không khí địa phương miền Nam bằng một giọng điệu khác, ít ồn ào hơn, suy niệm hơn, và xét về một mặt nào đấy - ca từ chẳng hạn - thì mới mẻ hơn. Nhưng không phải bằng sáng tác mà họ thay đổi được cục diện thẩm mỹ phương Nam! Điều giúp họ thành công, là một tập hợp ca sĩ tài năng theo vào. Ở Phú Quang, Trần Tiến là Quang Lý (và bản thân Trần Tiến cũng là một giọng hát đáng giá cho ca khúc mình), ở Dương Thụ là Mỹ Linh và Hồng Nhung. Rồi Y Moan, Siu Black từ cao nguyên xuống, rồi Tam ca 3A, Trần Thu Hà, rồi Thu Phương, Bằng Kiều, rồi nhóm Dưa Hấu. Cách trình diễn nhạc phẩm khác lạ của lực lượng ca sĩ ấy đã khiến công chúng tạm quên hệ mỹ học đô thị miền Nam cũ, "chịu" nhạc Hà Nội. Thời ấy, nhạc phi-Hà-Nội chỉ tồn tại được có Nhất Sinh và Trần Long Ẩn; nhóm Những Người Bạn mất dần tiếng nói. Những người viết mới chịu ảnh hưởng trực tiếp hệ thẩm mỹ đất Bắc ấy là Bảo Chấn và Việt Anh.

Khi Mỹ Tâm nổi tiếng, vào cuối năm 2001, hệ thẩm mỹ đô thị miền Nam lại sống dậy.

Soạn: AM 347773 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
... như nhạc Pháp thế kỷ trước

Đến đây hẳn chúng ta đã thấy tác động của người trình diễn đến việc thay đổi ý thức thẩm mỹ ghê gớm đến mức nào. Thật vậy, cùng "lên" với Mỹ Tâm là một dòng nhạc đô thị tái sinh, là một loạt những bài hát, những người viết trẻ xuất hiện. Quốc An với "Hát Với Dòng Sông", "Cây Đàn Sinh Viên" mang một màu sắc mỹ học hệt như "Bâng Khuâng Chiều Nội Trú" của Nguyễn Trung Cang; "Ước Gì" của Võ Thiện Thanh và hàng loạt ca khúc Hàn cải biên do Trung Nghĩa đặt lời gợi lại gần như trung thực tuyệt đối bầu không khí của nhóm Phượng Hoàng với các sáng tác của Lê Hựu Hà và nhạc Pháp cổ do Elvis Phương hát ngày nào.

Rõ ràng, hệ thẩm mỹ đô thị miền Nam vẫn cứ nằm đó. Chẳng cách tân nào đủ mạnh cho một cuộc "thay máu" cơ thể cứ gây gấy sốt như đời sống nhạc Việt. Chẳng cá nhân nào, hoặc một nhóm nhạc sĩ nào đủ tầm cỡ kéo công chúng ra khỏi dòng hoài niệm đã quá nhàm. Chẳng ai buồn cởi tung mớ ý thích cổ lỗ kia để mà xem tận mắt điều gì đã làm mình thích. Thế là nhạc Việt, ở thế kỷ hăm mốt, vẫn cứ là một bản sao của nhạc Pháp thập niên 60 thế kỷ trước. Chẳng lẽ không ai thấy nó bất thường?

  • Trần Huỳnh

Bạn có ý kiến gì về cách đánh giá quá trình phát triển âm nhạc suốt 30 năm qua của tác giả bài viết trên? Theo bạn, khả năng tiếp nhận, hội tụ các quan điểm thẩm mỹ âm nhạc mới đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới trong cho công chúng yêu âm nhạc chưa? Hãy bày tỏ ý quan điểm của bạn theo cách sau:

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Gretchen Wilson thắng lớn tại CMT 2005 (12/04/2005)
Ca sĩ Nam Khánh: Đa tình không phải là xấu... (12/04/2005)
Havikoro không được giao lưu tại trường Marie Curie! (11/04/2005)
Lý Vân Địch, nghệ sĩ piano 18 tuổi tài năng (09/04/2005)
Rock tê liệt, Hip-hop vào mùa (08/04/2005)
Sự cố mới của The Beatels: Giảm giá vé, gộp đêm diễn? (07/04/2005)
Phương Thanh "đẻ" ra album? (07/04/2005)
Barbra Streisand lại chuẩn bị "yêu"? (06/04/2005)
Nhạc sỹ Quốc Trung mang "Đường xa vạn dặm" tới Nhật (04/04/2005)
Nữ hoàng nhạc kịch ABBA vào danh sách triệu phú nước Anh (03/04/2005)
Nhạc sĩ Đức Trí: Tiền nào của ấy! (03/04/2005)
Đi chợ nhạc...trên mạng (31/03/2005)
Ca sĩ Khánh Ly và chút hoài niệm về Trịnh Công Sơn (31/03/2005)
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung: Không nên rắc muối vào vết thương (30/03/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang