Đã lên chức ông ngoại, và có cả một sự nghiệp sáng tác với nhiều nhạc phẩm nặng tính học thuật, nhạc sĩ Phó Đức Phương cơ hồ như vẫn còn rất nặng nợ với âm nhạc. Hai năm qua dường như anh ít xuất hiện hơn, khán giả thấy ông nhạc sĩ đầu tóc "bụi bặm" suốt ngày xoay như chong chóng với công việc ở Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc.
|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương tại tư gia | - Là một nhạc sĩ có những sáng tác mang âm hưởng dân ca, đã bao giờ anh bị nhận xét là "sến" chưa?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Có đấy! Đó là khi họ nói tới bài Về quê của tôi. Tôi cũng thừa nhận là "sến", nhưng nó chỉ "sến" do người biểu diễn "sến". Tôi viết những gì mình nghĩ, chưng cất những gì mình trải nghiệm, không mùi mẫn hóa, không than thân trách phận, cũng không Tây hóa rồi giấu mình trong những buồn thương. Sống thật, viết thật, thì đương nhiên là không thể "sến" được rồi. Phó Đức Phương: Nhạc sĩ sang trọng và giám đốc "bần hàn"?
- Anh từng được biết là một nhạc sĩ chuyên viết theo đơn đặt hàng, kể cả bài đầu tay là Những cô gái quan họ tới những tình khúc rất nổi tiếng như Chảy đi sông ơi hay Trên đỉnh Phù Vân... Vậy đã bao giờ anh bị động trước những đơn đặt hàng bởi cảm xúc hoàn toàn nằm trong "khuôn khổ"? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Vốn sống không cứ phải chờ vào đơn đặt hàng rồi mới đi tích lũy. Hãy làm một người bình thường và học các bài học ở đời trước khi học làm nhạc sĩ, vì suy cho cùng, nhạc sĩ là người chuyển tải những thông điệp của cuộc sống bằng nhạc chứ không phải là người lấy nhạc ra và ép cuộc sống vào. Kể cả những tác phẩm khí nhạc của tôi - những đơn đặt hàng khá công phu ấy là những điều cuộc sống cần, như là các tác phẩm khí nhạc cho những chương trình như Para Game II, nhạc cho phim, cho kịch, vũ kịch. Tôi không quan niệm, và không muốn ghi vào trong lý lịch của mình là tôi đã có những bản giao hưởng số 3, số 4 rồi mãi mãi để đấy, công chúng không được nghe hoặc nghe mà không hiểu gì.
Còn cảm xúc ư? Hãy biết yêu cuộc sống, đấy là cảm xúc lớn nhất của người nghệ sĩ.
- Từ khi làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hẳn anh phải từ chối nhiều hợp đồng sáng tác? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Hơn 2 năm nay, từ khi trung tâm thành lập, vì phải điều hành công việc ở trung tâm nên tôi đã phải từ chối 2/3 các hợp đồng sáng tác.
- Anh có thể kể những công việc hằng ngày của anh ở trung tâm này? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Ban giám đốc của chúng tôi hơn 2 năm nay làm 3 việc: Đi xin, đi vay và đi đòi! Xin những gì? xin tiền thành lập trung tâm, xin vật chất trang bị, xin miễn thuế, xin các văn bản luật hướng dẫn - vì luật pháp về quyền tác giả do Nhà nước mình ban hành, nhưng để thực hiện được phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, vì thế chúng tôi phải... xin! Xin không được thì phải vay: vay tiền. Bộ Tài chính đã hỗ trợ kinh phí ban đầu để hoạt động và sắm sửa trang thiết bị cho một trụ sở làm việc. Các tổ chức sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của các quốc gia và thế giới đã theo dõi và cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt Tổ chức bảo vệ quyền tác giả thế giới (CISAC) đã cho chúng tôi vay một khoản kinh phí nhỏ để trả lương cho cán bộ và nhân viên của trung tâm trong 6 tháng, sau đó bị gián đoạn, chúng tôi lại tiếp tục vay nơi khác. Còn đi đòi thì ai cũng hình dung ra được, trước tình hình xâm phạm bản quyền tác giả và trong mối quan hệ về luật quyền tác giả như ở nước ta hiện nay, thì không đi đòi mới là chuyện lạ. Đi đòi, nhưng thực ra phải đặt mình trong tư thế mềm dẻo như... đi xin!
- Hơn 2 năm qua, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã "đòi" cho các nhạc sĩ được những quyền lợi chính đáng gì? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Mới chỉ 1% thôi! Còn 99% đang mất mát rơi vãi khắp nơi, nhưng 1% ấy là nỗ lực lắm rồi, bởi trước khi trung tâm chưa thành lập, nói đến tiền tác quyền là một chuyện mơ hồ. Tính cụ thể ra, hơn 2 năm qua, chúng tôi thu về cho các nhạc sĩ được 762.324.914 đồng, chi trả cho các nhạc sĩ 687.662.163 đồng, giữ lại chi phí hoạt động cho trung tâm là 74.662.751 đồng. Với con số này, nếu không có sự hỗ trợ ban đầu của Bộ Tài chính, chắc là chúng tôi không trụ nổi đâu
- Xin lỗi nhạc sĩ! Là một nhạc sĩ nổi tiếng với những nhạc phẩm sang trọng, khi "dính" vào chuyện cơm áo gạo tiền, anh có thấy ngại và đã bao giờ anh mệt mỏi? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: - Mệt mỏi thì rồi, nhưng ngại thì không! Nếu ngại thì tôi đã không làm. Từ thời tôi đi lấy chữ ký của các nhạc sĩ cho đến những ngày đầu trung tâm thành lập, không ai nghĩ rằng trung tâm này có thể làm thay đổi được tình hình, ai cũng cho rằng lại kiếp "con kiến đi kiện củ khoai" và chỉ biết nhìn nhau thở dài. Tôi nghĩ, làm một việc để đòi lại công bằng không có gì phải ngại cả.
Trước khi làm việc này, một người bạn cố tri của tôi từng khuyên: "Phương ơi, cái mạnh của Phương là chỉ sáng tác thôi, đừng nghĩ đến việc khác". Tôi hiểu sự chân thành trong mắt bạn. Đành rằng đời là một con sông, phải chảy ra đến biển cả, nhưng trên đời này làm gì có con sông chảy ra đến biển như một đường kẻ thẳng, mà nó phải qua bao ghềnh thác, đồi núi. Âu điều đó sẽ làm phong phú và cần thiết cho thân phận một đời sông! Làm được việc tôi đang làm ở trung tâm, anh có tin không, như là tôi đang sáng tác một tác phẩm lớn đấy. Đòi quyền lợi, đòi công bằng, không phải cho bản thân tôi! Điều tôi muốn nói là, chúng tôi đang làm một công việc văn minh. Và tôi sẽ hết lòng với công việc đó!
Cả ban giám đốc của chúng tôi đều không có lương. Nhưng nhân viên thì có vì chúng tôi thuê họ làm. Chúng tôi luôn hy vọng đòi công bằng, vậy thôi.
- Nói về những người sáng tác hôm nay, có phải sau một thế hệ nhạc sĩ tài năng và sung sức như các anh với những tên tuổi Trần Tiến, Phú Quang, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện... nay đang thiếu một thế hệ kế cận? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: -Cũng có thể, nhưng tôi nghĩ là bình thường. Mạch đi của cuộc sống, cũng như của một con sông đều có từng đoạn. Có những đoạn chảy xiết và dữ dội, và cũng có những khúc quanh co lắng lại. Tôi chưa nhìn thấy một sự ào ạt tiếp theo của một thế hệ nhạc sĩ kế cận nhưng tôi tin là sẽ có.
Lớp trẻ hôm nay đến với âm nhạc khác nhiều so với chúng tôi. Họ lớn lên, được đi học bài bản về âm nhạc ở trường và viết nhạc trên máy tính. Con đường đến với âm nhạc của họ thuận tiện và hiển nhiên, lại đúng vào thời kỳ tiếp xúc với nền âm nhạc thị trường trên thế giới tràn lan và mạnh mẽ. Mà ở Việt Nam, hình thức sinh hoạt âm nhạc chủ yếu lại là sân khấu chứ không phải là giao hưởng, nên lịch trình chung của phần đông các nhạc sĩ trẻ bây giờ là từ nhà ra sân khấu và... viết nhạc. Không cần họ phải vất vả và gian truân như chúng tôi một thời. Nhưng sự trải nghiệm trong cuộc sống để làm nhạc hết lòng tôi nghĩ thời nào cũng cần. Và lớp nhạc sĩ trẻ bây giờ, tôi nghĩ là họ đang thiếu điều này.
(Theo Thanh Niên) |