Như báo chí đã đưa tin, hiện 100 ca khúc của trên 20 tác giả đang nằm trong tập hồ sơ có tên ''đạo nhạc''. Cơ quan chức năng sẽ xử lý những trường hợp này ra sao? Và số nhạc sĩ này là những ai? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Nam - Trưởng phòng quản lý băng đĩa ca nhạc và sân khấu, Cục Nghệ thuật biểu diễn về vấn đề này.
|
Sân khấu ca nhạc vẫn sôi động với nhiều ca khúc ''nhái''. |
- Cục NTBD đã có trong tay danh sách hơn 100 ca khúc bị nghi đạo nhạc?
- Có chứ. Hiện chúng tôi đang phân công người đọc và nghe. Đồng thời tra cứu tác giả nước ngoài, từ đó đi sâu tìm hiểu.
- Các ông sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
- Thứ trưởng Bộ VHTT Lê Tiến Thọ đã yêu cầu chúng tôi tìm hiểu và có văn bản báo cáo Bộ. Việc này chưa biết bao giờ hoàn thành vì liên hệ với các nước và tác giả của ca khúc ở đó không hề dễ dàng. Chúng ta chưa thiết lập được một cơ quan có thể làm việc với Trung tâm bản quyền tác giả ở các quốc gia khác. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thì chưa làm nổi, mà cơ quan quản lý Nhà nước như chúng tôi thì chắc chắn không làm việc được với họ, vì các trung tâm bản quyền nước ngoài chỉ làm việc với tổ chức phi chính phủ. Bây giờ, phải chờ người ta kiện thì chúng tôi mới vào cuộc và xử lý, chứ dù có tìm ra nhưng không kiện thì cũng thôi. Tất nhiên chúng tôi chuẩn bị tư liệu sẵn sàng khi sự ''đạo'' nhạc bị ''bới'' ra.
- Như vậy chúng ta sẽ kiên quyết tuyên chiến với nạn ''đạo'' nhạc?
- Về chủ trương thì tất nhiên là vậy. Nhưng một vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý có nên làm việc đó không, và thời gian có cho phép làm như thế không? Hay là phải tính một biện pháp khác để những ca khúc mượn tên phải chết chìm? Chẳng hạn nên chăng tính đến chuyện gửi văn bản và các thông tin cho các Sở VHTT, Hội Nhạc sĩ đề nghị không cho biểu diễn, thu âm băng đĩa, phát thanh truyền hình đối với ca khúc này ca khúc kia vì có dấu hiệu ''ăn cắp''. Xin nhắc lại, đây là ý kiến cá nhân của tôi.
- Nhưng biện pháp ấy sẽ đẻ ra tình trạng chúng ta làm việc không công khai và có những người lợi dụng để triệt hạ người khác?
- Đối với cơ quan quản lý, có những điều không nên công bố bởi nếu công bố lại phản tác dụng ngay.
- Cục NTBD sẽ làm gì để đưa các tác giả của 100 ca khúc bị phản ánh là copy ra ánh sáng như trường hợp Bảo Chấn?
- Như tôi đã nói, muốn xử lý họ trước hết phải có đơn kiện của người bị xâm hại quyền lợi. Trên cơ sở này, Bộ VHTT ra quyết định thành lập một hội đồng xem xét. Công việc của hội đồng này là khảo sát xuất xứ ca khúc của nước ngoài bị xâm phạm bản quyền. Nói chung trình tự tiến hành và hồ sơ phải đầy đủ như trường hợp anh Bảo Chấn. Hiện nay trên 100 ca khúc này có rất nhiều nguồn phản ánh về chúng, nhưng đơn kiện chính thức thì lại chưa.
- Xin ông cho biết Cục NTBD có đủ nhân sự và phương tiện để thẩm tra một tác phâm có ''đạo'' hay không?
- Chúng tôi có bố trí nhân sự, nhưng chắc là chưa đủ đâu vì công việc này cực kỳ phức tạp. Vấn đề sở hữu tác phẩm âm nhạc còn rất mới ở ta. Chúng tôi chưa đủ các mối quan hệ công việc cần thiết ở nước ngoài. Cán bộ cũng phải rất sáng tạo chứ phương tiện thì chỉ có một vài tập danh sách các tác phẩm âm nhạc một số nước.
- Hội đồng chuyên môn của Bộ VHTT thành lập để thẩm định các trường hợp ''đạo nhạc'' sẽ gồm những thành phần nào?
- Bộ sẽ giao cho Thanh tra của Bộ và Ban thanh tra của Hội Nhạc sĩ VN. Cái khó ở chỗ chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng quy định giống bao nhiêu phần trăm thì bị coi là đạo nhạc.
- Vậy làm thế nào để kết luận?
- Thì chưa có tiêu chí mà, nhưng theo tôi giống khoảng 80 - 90% là ''đạo'' rồi. Còn giống vài câu nhạc sẽ khó kết luận lắm!
- Thưa ông, danh sách hơn 100 ca khúc VN đang bị nghi đạo nhạc đến từ những nguồn nào?
- Đến từ nhiều nguồn, cả từ nước ngoài. Có người gửi cho chúng tôi cả tập tài liệu dày về một nhạc sĩ để chứng minh. Cũng có những tài liệu không đáng nghi.
- Ông có thể tiết lộ thêm về số tác giả đang bị nghi ngờ là đạo nhạc?
- Khoảng hơn 20 tác giả, phần lớn là nhạc sĩ trẻ ở TP.HCM. Chỉ có vài người là hội viên Hội Nhạc sĩ VN.
(Theo Tiền Phong) |