(VietNamNet) - Trong danh sách 10 nhạc sĩ đoạt giải Làn Sóng Xanh năm nay có tên nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, một cái tên còn nhiều ẩn khuất...
Nhạc của Trần Lê Quỳnh
Năm 1999, lần đầu tiên cái tên Trần Lê Quỳnh xuất hiện với ca khúc Chân Tình qua giọng hát Vân Trường. Ngay lập tức, ca sĩ Vân Trường được chú ý và ca khúc Chân Tình để lại một hình ảnh đẹp cho người nhạc sĩ rất mới này. Tháng 12/1999, ca khúc Chân Tình chính thức xuất hiện trong album Khúc hát ban mai do Bến Thành audio phát hành. Sức quyến rũ của bài hát Chân Tình kéo dài đến 2 năm và đạo diễn Lê Hoàng đã chọn nó làm nhạc phim Gái Nhảy thay thế bài hát Vì đó là em được ca sĩ Quang Dũng, cũng là nhân vật chính trong phim, thể hiện rất phù hợp với nội dung bộ phim. Lý do: Bài hát Vì đó là em chưa rõ ràng về phần tác giả.
Năm 2000, Bài hát Cô gái đến từ hôm qua của Trần Lê Quỳnh tiếp tục gây sóng gió với tiếng hát Thu Phương. Và nghiễm nhiên, album Chào em chào xinh tươi, phát hành tháng 8/2000 của Thu Phương không thể thiếu bài hát này. Năm 2003, bài hát Tuyết rơi mùa hè của Trần Lê Quỳnh xuất hiện trong album Bốn mùa tình yêu, album đầu tiên của ca sĩ Đoan Trang từ khi về đầu quân cho Phương Nam phim. Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh còn có bài Nhớ gấp ngàn lần hơn, một bài hát làm nao lòng biết bao con tim thất tình, được ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện rất thành công.
Nhạc của Quỳnh mượt mà, lời ca trau chuốt. Trong email trao đổi với chúng tôi về âm nhạc, Quỳnh tâm sự: "...Nếu xem văn học và âm nhạc cũng chỉ là phương tiện để bộc lộ những suy nghĩ bản thân, thì dần dần tôi cảm thấy bài hát là phương tiện giúp tôi chuyển tải cảm xúc tốt nhất. Tìnḥ yêu dành cho văn học giờ đây tập trung cho việc gọt giũa ca từ. Tôi vẫn muốn rằng, chỉ cần đọc ca từ bài hát thôi cũng có được cảm giác thích thú gần như khi bạn nghe giai điệu bài hát tấu lên".
Về phong cách, Trần Lê Quỳnh gần như không chạy theo tiếng gọi thị trường. Quỳnh tâm sự: "Một số bạn nói các bài hát tôi viết thường mang âm hưởng hơi buồn và có gì đó tiếc nuối. Tôi không biết giải thích làm sao, có thể vì tôi trầm tính, nhạc cũng chủ yếu thích những gì êm dịu".
Giải thưởng Làn sóng xanh 2004 có tên Trần Lê Quỳnh trong Top Ten nhạc sĩ, vừa xứng đáng lại vừa khó hiểu. Xứng đáng vì Quỳnh có ít bài hát nhưng rất chất lượng. Suy cho cùng, có một nhạc sĩ mới để thay thế những cái tên đã cũ, mất dần sức sáng tạo là một việc đáng làm cho một giải thưởng thường niên. Nhưng thật khó hiểu vì Đoan Trang hát bài Tuyết rơi mùa hè hơn một năm chẳng thể "bật" lên được, dù trước đó đã cố gắng "đẩy" vào VTV Bài hát tôi yêu. Cho nên giải thưởng này dành cho Quỳnh khiến rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên và đột ngột đến độ khó có thể tìm ra một lời giải thích hợp lí.
Những bí ẩn đằng sau nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh...
|
Trần Lê Quỳnh ở Anh |
Có tên trong danh sách Top Ten nhạc sĩ Làn sóng xanh cũng có nghĩa là cuộc sống của Trần Lê Quỳnh được công chúng quan tâm. Nhưng những câu hỏi về cuộc sống hiện tại của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh chỉ nhận được câu trả lời vu vơ: Hình như đang du học, mà học ở Singapore hay ở Anh, học ở trường nào thì... chịu.
Tại sao Trần Lê Quỳnh lại bí ẩn đến thế?
Sau khi công bố giải thưởng Làn Sóng Xanh 2004, chúng tôi có gửi email chúc mừng Quỳnh và hỏi về công việc hiện tại cũng như dự định tương lai của Quỳnh. Quỳnh không trả lời đầy đủ, chỉ nói về âm nhạc, cảm xúc và những người bạn âm nhạc. Cuộc sống của Quỳnh được anh cho biết, qua email, hết sức ngắn gọn: "Tôi lại thuộc dạng nhút nhát trong giao tiếp, nên ca khúc như là cách trò chuyện với bạn bè, người thân của mình. Một ca khúc mà tôi có nhiều kỷ niệm – Nhớ gấp ngàn lần hơn – hoàn thành khi tôi một mình tập đàn trong ký túc xá ở ĐH Quốc gia Singapore NUS (năm 2000). Đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, rất bỡ ngỡ - cả sau này khi sang học ở Anh, cũng vẫn còn cảm giác như thế".
Ý kiến một số bên liên quan |
Với trường hợp của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, ông Lê Nam - Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa nhạc thuộc Cục NTBD (Bộ VHTT) - cho biết: "Chúng tôi phải xem xét lại".
Ông Võ Trọng Nam – Trưởng phòng Quản Lý Nghệ Thuật Sở VHTT chỉ biết: “Trần Lê Quỳnh trước ở Việt Nam sau đó đi du học”.
Còn Bà Huyền Thanh – Biên tập viên và Phát thanh viên chương trình Làn sóng xanh thì chỉ biết: “Trần Lê Quỳnh đi du học ở Singapore” và nghe nhạc sĩ khác nói là “đi Anh du học”. Bà còn cho biết, bà liên hệ với gia đình nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh thông qua một người khác.
Trong Lễ trao giải Làn Sóng Xanh, M.C Thanh Bạch cũng giới thiệu Trần Lê Quỳnh đi du học ở Singapore.
|
Sự mơ hồ trong email trả lời của Quỳnh như thúc đẩy chúng tôi phải truy cho ra căn nguyên, nguồn cội. Sau nhiều cố gắng, chúng tôi cũng chỉ có được những thông tin nho nhỏ về người nhạc sĩ bí ẩn này. Năm 1996, Trần Lê Quỳnh tốt nghiệp trường chuyên Lê Hồng Phong, lớp 12 CNN. Sau đó, Trần Lê Quỳnh học khoa Anh Văn - Đại học KHXH & NV (TPHCM). Ra trường, Trần Lê Quỳnh được mời tham gia dự án Chuyển đổi kinh tế các nước Đông Nam Á. Cuối năm 2001, Trần Lê Quỳnh lấy được một suất học bổng đi du học tại Anh quốc.
Thầy Trần Đình Lâm - Trưởng phòng Quản lý khoa học và quan hệ quốc tế của Đại học KHXH & NV- nơi Quỳnh tham gia dự án trên, nhận xét về Quỳnh: "Năng lực của anh ấy (Trần Lê Quỳnh) rất tốt. Khả năng tiếng Anh rất giỏi, có thể nói là một trong những người giỏi tiếng Anh nhất của trường". Tuy nhiên, Trần Lê Quỳnh không phải là người của nhà trường, không biên chế, không hợp đồng nên khoảng thời gian Quỳnh du học, trường mất liên lạc.
Gần đây, khi nhiều bài đạo nhạc bị phát giác, chắc không nhiều người nhớ đến bài đạo nhạc đầu tiên của VN bị lôi ra ánh sáng, trước cả Tình thôi xót xa. Đó là bài Nhé anh của nhạc sĩ Nguyễn Hà được đài BBC cho rằng: Có đoạn giống bài Kopolo nhạc Thái Lan. Người đưa sự việc này ra ánh sáng, không ai xa lạ chính là Trần Lê Quỳnh. Sự kiện này được xác định khi bài Nhé anh vừa đoạt giải trong cuộc thi VTV Bài hát tôi yêu lần đầu tiên - năm 2002.
Đến đây thì việc tìm hiểu về nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần search (tìm kiếm) chữ" Lê Quỳnh BBC", bạn có thể tìm đọc rất nhiều bài viết của anh. Qua những bài viết của Trần Lê Quỳnh chúng ta có thể đoán anh đang sống và làm việc tại nước ngoài: Sinh hoạt văn hóa của sinh viên VN tại Anh, Những góc nhìn về tôn giáo VN, Lịch sử Anh - Việt: Một chút so sánh (3 kỳ), Phỏng vấn bà Ngô Thị Hiền (nói về dự luật Nhân quyền cho VN năm 2004), VN cần giải pháp chống tham nhũng có hệ thống, Hà Nội trong mắt người nước ngoài, Công nghệ quân sự Trung Quốc và Đại Việt...
Thông báo số 2, (số 1435 của Bộ Văn hóa Thông tin thể thao và du lịch - nay là Bộ VHTT - ký ngày 10.8.1991) có ghi chi tiết việc cấm sử dụng một số bài hát như sau: "...Nhạc của các tác giả đã bỏ Tổ quốc ra đi hiện chưa rõ thái độ chính trị của họ thì tạm không sử dụng". Thông báo này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy mà, Trần Lê Quỳnh vẫn được trao giải thưởng Làn sóng xanh, bất chấp việc anh là một nhạc sĩ còn nhiều nghi vấn.
|