Trưởng ban tổ chức giải Sao Mai 2003 Trần Đăng Tuấn:
Các tài năng trẻ cần phải được tiếp tục giúp đỡ
11:02' 01/08/2003 (GMT+7)
Ca sĩ Trọng Tấn - người đã thành danh với giải Sao Mai.

Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, giải Sao Mai 2003, đang bước vào giai đoạn sôi nổi và hồi hộp nhất với vòng chung kết diễn ra tại Tuần Châu, Hạ Long vào đầu tháng Tám. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng ban tổ chức giải có cuộc trò chuyện về tác động của cuộc thi đối với sân khấu ca nhạc nước nhà hiện nay.

-Thưa ông, giải Sao Mai dành cho ai, khi các giải thưởng thường thuộc về những người chuyên nghiệp?

- Giải Sao Mai dành cho tất cả mọi người. Thực tế hàng nghìn người đã tham gia từ các vòng thi ở huyện, tỉnh. Đối với những người không đi dự vòng chung kết khu vực và toàn quốc, họ cũng đã làm nên vẻ đẹp của một hoạt động văn hóa ở quê hương.

Giải Sao Mai cũng dành cho những ca sĩ chưa thành danh, kể cả người đã được các trường, các tổ chức chuyên nghiệp phát hiện và đang đào tạo, cả ở những người chưa theo học ở trường hay chưa tham gia biểu diễn ở tổ chức chuyên nghiệp nào, nhưng có tiềm năng để trở thành các ca sĩ chuyên nghiệp ở sân khấu lớn.

- Mục đích của giải Sao Mai là tìm, phát hiện cho truyền hình những giọng ca mới. Nhưng tần số xuất hiện trên truyền hình và các show ca nhạc do truyền hình tổ chức của các thí sinh đoạt giải lại không bằng các ca sĩ đang biểu diễn ở các "sân khấu", nếu không muốn nói là mờ nhạt và thưa thớt. Cần phải giải thích về tình trạng này như thế nào, thưa ông?

- Điều bạn nói có phần đúng và có phần chưa đúng. Thứ nhất, nếu bạn có ý cho rằng chất lượng ca sĩ phát hiện từ giải Sao Mai không cao, thì điều này không đúng. Sau ba lần tổ chức, một số gương mặt của giải Sao Mai đã trở thành ca sĩ quen thuộc trên sân khấu ca nhạc. Còn nếu nói về tần số xuất hiện ở truyền hình thì Trọng Tấn xuất hiện đâu có ít. Tất nhiên đó không hẳn chỉ là vì Trọng Tấn đoạt giải Sao Mai.

Nếu bạn đoạt giải cao ở Sao Mai, chắc chắn bạn có tố chất để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp tại sân khấu lớn. Nhưng trở thành hay không còn tùy thuộc chủ yếu vào bạn. Nhiều giám khảo nhận xét, nếu căn cứ vào chất giọng, nhạc cảm thì nhiều người tham dự vòng trong của giải Sao Mai có phẩm chất vượt trội hơn nhiều ca sĩ ngôi sao hiện nay. Có người "không bằng ca sĩ thị trường", có thể có hai nguyên nhân: Một là, họ không có ý định trở thành "ca sĩ thị trường"; hai là, chúng ta kém hơn các ông bầu của các "ca sĩ thị trường", chứ không phải là họ kém hơn.

Và điều thứ hai: Nếu qua câu hỏi này, bạn muốn nói chúng tôi đã không biết gây dựng tên tuổi cho các ca sĩ đã phát hiện, khiến họ còn "mờ nhạt" thì tôi buộc phải công nhận rằng bạn đã đúng. Quả là chúng tôi chưa biết làm "ông bầu" và cũng chưa lôi kéo được người khác làm điều đó.

- Với thị hiếu âm nhạc của số đông quần chúng hiện nay, hình như giải Sao Mai chỉ đáp ứng được phần "tĩnh", còn phần "động" lại đang "nhường" cho các "ca sĩ thị trường". Họ quá vất vả để đoạt giải, nhưng hình như chỉ để "ngắm"...

- Chắc họ chẳng chỉ ngắm đâu. Trọng Tấn đang hát, Tô Minh Thắng đang hát. Thanh Thúy, Trang Nhung vẫn đang hát và cả đóng phim. Có trường hợp hoàn toàn có thể thành "sao" sau một thời gian nữa... Có lần tôi đọc báo và thấy xúc động khi biết rằng, sau khi đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình năm 1997, Thanh Sử không đi hát ở các show ca nhạc nơi đô hội, nhưng không từ chối đạp xe đi hát cho một cuộc sinh hoạt chi đoàn ở ngoại ô, hoặc một buổi gặp gỡ bà con lao động. Hãy tôn trọng các "ca sĩ thị trường" khi họ hát hay, và hãy quý trọng những ca sĩ vẫn hát hay, nhưng họ không thành "ca sĩ thị trường".

Tôi vẫn nhớ Thanh Sử đã hát rất tuyệt với ca khúc Mùa xuân và ca khúc về Hà Nội. Và tôi tin Thanh Sử vẫn hát hay. Đơn giản là Thanh Sử không thể và cũng không muốn thành "ca sĩ thị trường". Cũng có những trường hợp khác: Sau khi đoạt giải ở Sao Mai, có người phải vật lộn trên con đường trở thành sao trên thị trường nhạc nhẹ. Chưa thành công lắm, có thể là do ông bầu của họ chưa mạnh bằng các ông bầu khác.

- Nhưng những người như Đặng Thanh Sử hay Trọng Tấn thì lại thuộc về số ít...

- Có lỗi của thị hiếu. Có lỗi của thị trường. Và có lỗi của sóng truyền hình nếu như họ đang hát hay mà họ ít xuất hiện.

Vấn đề không phải là ở giải Sao Mai. Giải Sao Mai đã lật lên được quặng quý. Vấn đề là ở hậu Sao Mai. Các tài năng trẻ cần phải được tiếp tục giúp đỡ. Nói tóm lại, họ cần ông bầu, bầu chứ không phải là "bầu sô". Không nên phó mặc họ cho cơ chế thị trường sau khi trao giải. Không phải chúng tôi không nghĩ đến điều này từ các giải trước. Ban tổ chức đã từng làm việc vớt các trường chuyên nghiệp để họ cho học bổng, nhận các ca sĩ trẻ có triển vọng trong giải Sao Mai (không nhất thiết đoạt giải) về trường đào tạo đã có gợi ý để các hãng băng đĩa nhạc đứng ra làm "ông bầu".

Nhưng lỗi của chúng tôi là chưa làm điều này đủ quyết liệt để có kết quả nhìn thấy được. Thực ra, một mình Đài Truyền hình không thể làm được điều này. Là một Đài Truyền hình, trong và sau giải Sao Mai chúng tôi bị hút vào trăm chuyện khác. Chắc chắn là cuộc thi lần sau, chúng tôi sẽ phải lôi kéo kỳ được các nhà lãnh đạo quản lý biểu diễn, các hãng kinh doanh sản phẩm ca nhạc, các "Mạnh Thường Quân", các doanh nghiệp... tham gia cùng chúng tôi tổ chức giải, để họ có thể là các "ông bầu” có công nghệ nâng đỡ, lăng xê thành thục. Chúng ta cũng phải thiết lập một guồng máy phát hiện, nâng đỡ đào tạo và kể cả tạo lập tên tuổi cho các tài năng trẻ. Nhưng khác với guồng máy bầu sô, guồng máy của chúng ta làm điều này không phải nhằm khai thác tài năng để kiếm lợi, không phải "ăn xổi", mà là để thay đổi tương quan cơ cấu, thành phần của các "sao" trên sân khấu ca nhạc hiện nay theo hướng lành mạnh hơn.

Và nếu bù lại, những ngôi sao mới ấy đem lại những lợi ích tinh thần cũng như hỗ trợ được cho hoạt động của tổ chức đó, doanh nghiệp đó... thì cũng là điều hợp lý, hợp tình. Còn hiện nay, quả là có nhiều chuyện đáng buồn và thậm chí vô lý trên sân khấu biểu diễn nhạc nhẹ nước nhà. Đầu tháng 8, khi diễn ra vòng chung kết giải Sao Mai ở Tuần Châu, tôi rất mong muốn trên hàng ghế đầu có nhiều người đến không chỉ như khách dự một hoạt động văn hóa, mà là những người đi săn tìm và đầu tư cho tài năng một cách thiện tâm, đầy nhiệt huyết. Ai muốn làm điều đó, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận giấy mời của Ban tổ chức tới Tuần Châu.

- Liệu có tình trạng thiếu công bằng, tiêu cực qua các giải Sao Mai không, thưa ông?

- Đài Phát thanh - truyền hình các địa phương đóng vai trò chủ yếu trong việc lựa chọn tài năng từ các tỉnh, thành. Bộ máy VTV lo cho vòng chung kết khu vực và toàn quốc. Từ giải lần thứ nhất (năm 1997) đến nay, tôi chưa biết hoặc nghe nói đến trường hợp thiếu công bằng, thiếu công tâm nào trong việc lựa chọn và đánh giá thí sinh.

(Theo ANTG)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Festival Huế 2004: Thêm hai ''sân hội'' mới (01/08/2003)
"Phượng hoàng lửa" chấm hết sự nghiệp nghệ thuật của Lưu Hiểu Khánh? (01/08/2003)
"Hà Nội 36 phố phường với ý tưởng cho một Góc phố đẹp" (01/08/2003)
Ngày hội trang phục các dân tộc và nghề truyền thống Việt Nam 2003 (01/08/2003)
Ricky Martin đến Australia (31/07/2003)
Vân Khánh với album đặc biệt ''Thương Huế mùa Đông'' (01/08/2003)
20/8 bắt đầu "VTV Bài hát tôi yêu" lần 2 (31/07/2003)
Độc đáo búp bê dân tộc phục vụ SEA Games 22 (31/07/2003)
"Hoa đất làng nghề"- triển lãm đầu tiên của nữ hoạ sĩ Phạm Thị Thuỳ (31/07/2003)
Bỏ khâu đăng ký kế hoạch đề tài (31/07/2003)
Cần một cú hích cho Mỹ Sơn (31/07/2003)
Hãy đánh thức Giai Điệu Xanh trong chính bạn! (01/08/2003)
Ashanti mở màn các show diễn của R. Kelly tại Mỹ (30/07/2003)
Pianist Bích Trà - còn đó khát vọng chiến thắng (30/07/2003)
Rao bán 360 món đồ được sử dụng trong các phim của Hollywood (30/07/2003)
Tro ve dau trang