|
Du khách quốc tế đến với Mỹ Sơn ngày càng nhiều. |
(VietnamNet) - Từ khi được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, Mỹ Sơn đang có sức thu hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Nhiều dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được triển khai tại đây. Tuy thế, việc đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho du khách hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Mỹ Sơn như cô gái đẹp ở trong rừng, khách muốn dừng chân nhưng lại không... có chỗ!
Cũng như đô thị cổ Hội An, hướng phát triển lâu dài của Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn luôn dựa trên thế mạnh du lịch văn hoá vật thể và phi vật thể, tham quan di tích, du lịch chuyên khảo, nghiên cứu di tích văn hoá Chămpa. Đồng thời phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hoá tạo thành tour du lịch lữ hành trong tam giác Di sản văn hoá thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn. 6 năm trở lại đây, nhiều dự án đã từng bước được đầu tư như nghiên cứu, khôi phục các giá trị văn hoá phi vật thể phục vụ du lịch, quy hoạch chi tiết khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn, dự án bảo tồn trùng tu di tích...
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển du lịch Mỹ Sơn, ông Nguyễn Thanh Tài, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nói: “Trên cơ sở quy hoạch khu Thạch Bàn - Mỹ Sơn đã được phê duyệt, chúng tôi tập trung vào một số công trình có tính chất trọng điểm. Trong đó, hệ thống đường giao thông nội bộ trong khu vực đã cơ bản hoàn thành. Việc xây dựng hệ thống kè và đập Mỹ Sơn cũng đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và chuẩn bị khởi công. Bên cạnh đó, một công việc rất quan trọng đang được tiến hành là di dời, giải toả các hộ dân trong khu vực đã quy hoạch. Ngoài khu vực Mỹ Sơn, chúng tôi cũng tập trung phát triển các khu vực làng nghề có tính chất vệ tinh để mở rộng hướng tham quan cho du khách. Hiện làng dệt truyền thống Mã Châu đang xúc tiến tốt, khu Đông Yên – Thi Lai gần đây có thêm làng nghề Trà Đông... Một số lao động có tay nghề tốt cũng vừa được gửi đi các nơi học tập để có thể tạo ra một số sản phẩm du lịch từ tơ tằm, chiếu cói, mây tre...”.
Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban quản lý di tích Mỹ Sơn, cho biết thêm: “Trước mắt, để tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách đến với Mỹ Sơn, chúng tôi phấn đấu tổ chức một số dịch vụ, chẳng hạn dịch vụ văn hoá kết hợp với kinh doanh, phục vụ biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm. Hiện chúng tôi đang tập trung xây dựng, củng cố đội văn nghệ dân gian Chăm tương đối tinh gọn và phục vụ thường xuyên tại Mỹ Sơn. Khách du lịch tỏ ra ấn tượng với chương trình và phong cách biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hoá này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng định hướng tổ chức thêm một số dịch vụ khác, nhất là các dịch vụ có thể tạo điều kiện lưu giữ khách trong thời gian dài hơn”.
Từ các nỗ lực đó, lượng du khách đến Mỹ Sơn đang có chiều hướng gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2003, di tích Mỹ Sơn đã đón hơn 60.000 lượt khách tham quan; trong đó có hơn 40.000 lượt du khách nước ngoài (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2002). Đặc biệt, số du khách nội địa đến với Mỹ Sơn trong 6 tháng qua đã tăng cao, mở ra thêm hướng thu hút nguồn khách đến đây.
Đây là điều đáng mừng, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa xứng với tầm vóc của một Di sản văn hoá thế giới như Mỹ Sơn. Điều đó thể hiện ở chỗ lượng khách quốc tế đến Mỹ Sơn trong 6 tháng qua tăng rất chậm so với mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch SARS và chiến tranh Iraq, song không loại trừ lý do năng lực đón khách tại Mỹ Sơn còn quá yếu kém. Đến nay Mỹ Sơn vẫn chưa có nơi nghỉ ngơi, giải trí để khách có thể lưu trú nhiều ngày. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban quản lý di tích Mỹ Sơn cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn nhằm gắn kết giữa khai thác du lịch văn hoá Chămpa Mỹ Sơn với du lịch sinh thái đã được phê duyệt, chúng tôi đang xúc tiến việc cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách. Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là đầu tư phát triển các dịch vụ còn quá ít. Trong khi đó, những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thoáng mở cho các nhà đầu tư tham gia công việc này chưa được quan tâm tập trung”.
Từ nay đến năm 2005, ngành du lịch Quảng Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng bình quân 17%/năm với tổng doanh thu vào năm 2005 ước đạt hơn 220 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này, số vốn đầu tư cho du lịch khoảng 620 tỉ đồng; trong đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng 400 tỉ đồng. Hẳn nhiên sẽ có một phần trong đó được “chia” cho Mỹ Sơn. Nhưng để sớm tạo ra được bước đột phá, Mỹ Sơn vẫn rất cần một cơ chế thoáng mở để thu hút đầu tư cho du lịch. Mục tiêu tổng quát của du lịch Quảng Nam là phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Việc sớm ban hành và thực thi những cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư vào du lịch nói chung, vào di tích Mỹ Sơn nói riêng, chính là tạo ra cú hích để nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho khách tham quan, du lịch.
|