(VietNamNet) - Trong khi các quy chế cho các cuộc thi người đẹp, về quản lý văn hóa, các hoạt động văn hóa và hoạt động ca nhạc đã được ban hành, thì quy chế về quản lý người mẫu vẫn chỉ mang tên dự thảo. Một cuộc bàn thảo để xúc tiến biến dự thảo thành quy chế đã được tổ chức tại Hà Nội (5/6). Nhưng theo bà Nguyễn Thúy Nga - Giám đốc điều hành Elite - một trong số ít đơn vị có chức năng đào tạo người mẫu trong cả nước - "vẫn chẳng có gì được quyết định sau những ý kiến trao đổi qua lại".
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Nga, xung quanh vấn đề người mẫu và quản lý người mẫu.
- Có những ý kiến cho rằng cần phân biệt rõ "người mẫu" và "người mẫu thời trang", còn chị?
- Người mẫu thời trang là tên gọi dành riêng cho những người mẫu chỉ tham gia các hoạt động trình diễn thời trang. Còn người mẫu là tên gọi chung cho các đối tượng người mẫu. Người mẫu có thể tham gia các hoạt động thương mại, biểu diễn nghệ thuật... Nhưng theo tôi, thì dù tham gia vào hoạt động nào thì người mẫu cũng phải có trình độ, phải thể hiện được khả năng của mình, nghĩa là phải có sự chuyên nghiệp.
- Nếu như chưa có sự chuyên nghiệp....
- Thì đó không thể gọi là người mẫu. Sự nhầm lẫn đã làm uy tín của những người mẫu chuyên nghiệp bị ảnh hưởng. Họ bị đánh đồng với những người có chút nhan sắc và hình thể tham gia vào các đường dây "sex tour", bởi báo chí cũng gọi chung những đối tượng đó là người mẫu. Tệ hơn còn có những chuyện trùng họ và tên như đã từng xảy ra với một người mẫu ở Elite.
- Vậy ý của chị là không nên đánh đồng người mẫu và người đẹp?
- Theo tôi, chỉ gọi ai đó là người mẫu khi họ đã qua các lớp đào tạo bài bản và được Bộ VH-TT cấp cho một giấy chứng nhận hành nghề hoặc là một loại chứng chỉ gì đó để khẳng định người mẫu là nghề của họ.
- Rất tiếc, cho đến lúc này, người mẫu chưa được công nhận là một nghề?
- Vâng, chính vì không phải là một nghề nên việc quản lý người mẫu hiện nay rất lỏng lẻo, nếu như không muốn nói là chưa quản lý được.
- Trong cuộc họp bàn sáng qua giữa đại diện của các cơ quan có liên quan đến việc quản lý người mẫu như Cục Văn hoá thông tin cơ sở (Bộ VH-TT), Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục (UNESCO), Bộ GD-ĐT... và Công ty Elite Việt Nam, có nhiều tranh cãi về cơ quan quản lý người mẫu, theo chị đơn vị nào quản lý người mẫu là hợp lý?
- Theo tôi, hợp lý hơn cả là đơn vị đào tạo, còn Bộ VH-TT có trách nhiệm quản lý những đơn vị đào tạo người mẫu mà họ đã cấp giấy phép. Tôi xin dẫn chứng, khi một người mẫu tham gia một chương trình nào đó với tư cách là thành viên của đơn vị đào tạo - Elite chẳng hạn - họ sẽ không phải lo lắng nhiều về việc thương thảo hợp đồng với các bầu sô. Trách nhiệm đó thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có hợp đồng cụ thể về thời gian, địa điểm, điều kiện biểu diễn,... cốt để không có tình huống ''ngoài luồng'' xảy ra. Nếu Bộ VH-TT hay một cục nào đó thuộc Bộ quản lý thì họ sẽ không có nhiều thời gian để gần người mẫu. Còn để người mẫu tự quản lý lấy mình thì người mẫu sẽ là người thiệt thòi hơn cả.
- HIện tại Elite quản lý bao nhiêu người mẫu chuyên nghiệp và đã tổ chức được bao nhiêu chương trình có hợp đồng rõ ràng như đã nói?
- Elite hiện có 15 người mẫu hoạt động chuyên nghiệp. Ngoài việc thực hiện các chương trình lớn như Duyên dáng Việt Nam (Hà Nội), Đảo Tuần Châu - Noel 2002, Quảng bá sản phẩm Panasonic,... Elite còn có các chương trình biểu diễn được tổ chức hàng tuần.
|