|
Ngoại trưởng Alexander Downer. |
Các hướng đối ngoại mới của Canberra sẽ dựa trên ''liên minh ý chí'' tương tự liên minh đã phát động cuộc chiến Iraq và theo quan điểm của Chính phủ Australia, chủ quyền của các quốc gia khác là không tuyệt đối. Học thuyết mới này được Ngoại trưởng Alexander Downer soạn thảo và đưa ra một ngày sau khi Australia thông báo sẽ lãnh đạo lực lượng quân đội và cảnh sát quốc tế lập lại trật tự tại quần đảo Solomon, tây nam Thái Bình Dương.
Lập luận về việc theo đuổi chính sách ngoại giao mới theo hướng liên minh, Chính phủ Australia cho biết những diễn đàn đa phương kiểu Liên Hợp Quốc là ''không hiệu quả và phi tập trung''.
Tuyên bố vừa qua của Ngoại trưởng Downer đã phần nào phản ánh lời khẳng định của Thủ tướng Australia John Howard đưa ra vào năm ngoái rằng Canberra có thể tấn công phủ đầu một số mục tiêu khủng bố tại châu Á. Các nhà quan sát nhận định, học thuyết mới của nhà ngoại giao Canberra sẽ lại khiến các nước châu Á láng giềng của Australia ''bực bội''. Trước đó, phản ứng dữ dội trước tuyên bố của ông John Howard, Thủ tướng Malaysia, nhà lãnh đạo một quốc gia với phần lớn là người Hồi giáo, đã ví Thủ tướng Australia hành động như ''trợ lý cảnh sát trưởng Bush''.
Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Downer nói: ''Việc Australia quyết định gửi 2.000 quân hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Iraq mà không cần LHQ yêu cầu cho thấy chúng tôi sẵn sàng có những quyết định cứng rắn nhằm tăng cường an ninh. Mặc dù một số tổ chức đa phương vẫn quan trọng đối với chúng tôi song tăng cường đa phương luôn đi kèm với một chính sách không hiệu quả và phi tập tập trung. Do đó, chúng tôi chuẩn bị tham gia liên minh ý chí để có thể tập trung và giải quyết được các vấn đề an ninh khẩn cấp cũng như những thử thách mới... Theo quan điểm của chúng tôi, chủ quyền không phải là tuyệt đối. Hành động dựa trên lợi ích nhân loại quan trọng hơn rất nhiều''.
Cùng thời điểm, Thủ tướng và Ngoại trưởng Australia thông báo nước này sẵn sàng gửi lực lượng quân cảnh tới quần đảo Solomon nếu New Zealand và một số quốc gia Thái Bình Dương khác tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình. Dự định này được nêu ra sau Australia nhận được đề nghị giúp đỡ của Thủ tướng Solomon Alan Kemakeza. Quần đảo Solomon bị chia rẽ bởi các cuộc xung đột sắc tộc từ năm 1998 và chính phủ nước này chỉ nắm được một chút kiểm soát bên ngoài Thủ đô Honiara. Australia lo ngại rằng Solomon có nguy cơ trở thành quốc gia bị các tên buôn lậu quốc tế, rửa tiền và tội phạm khủng bố lợi dụng.
(Hoài Linh - Theo AP)
|