Hồ Hà Nội và những cuộc đổ bộ 'bê tông'
(VietNamNet) - Việc xâm lấn của bê tông và sự vô tình về văn hoá đã khiến những hồ nước Hà Nội đang vơi vai đi một phần "tâm tình" và "nghệ thuật"... Và ngày 22/9 vừa qua, người ta đã phải tổ chức một cuộc hội thảo với nội dung: cứu lấy hồ Hà Nội.
Hồ nước là những "điểm nhấn" làm dịu đi tốc độ bê tông hoá đến chóng mặt của Hà Nội. Nhưng sự mềm mại không gì sánh nổi của chúng đã và đang bị "nhốt" trong những hình thù tuỳ tiện làm mất đi vẻ tự nhiên thoáng đãng của không gian mở. Khó ai có thể gọi tên hình dáng của một số hồ Hà Nội sau khi tu sửa. Có cái gần như hình quả bí, cái thì hao hao cái chày, cái lại giống cái đĩa...
Dạo quanh một số hồ Hà Nội sau khi tu sửa, có cảm giác, người ta đang làm một việc giống như "khoanh vùng be bờ đắp đập" chứ không phải là cải tạo, sang sửa.
"Đường công vụ"
Hồ Thành Công, hồ Giảng Võ tuy hình dáng cái méo nhiều cái méo ít nhưng đều có điểm chung là: hai làn đường trên dưới chỗ chạy song song, nơi đứt đoạn "trói chặt" mặt nước vốn sóng sánh đung đưa để cho con người có cảm giác thư thái khi ngắm nhìn nó mỗi khi tìm đến.
Ngồi (bệt) trên bờ để hóng mát cứ có cảm giác như ngồi trước xa lộ hai làn xe vênh nhau hay ở gầm cầu vượt. Mặt nước đã "di dời xa" tới 3-4 m. Hơi nước mát lạnh tự nhiên - chút "hương đồng gió nội" hiếm hoi giữa lòng thành phố đã bị đá, bê tông lấn chỗ. Ngay cả giữa mùa thu heo may Hà Nội vẫn thấy mùi bê tông hầm hập phả ra.
Ông Lê Văn Bột, giảng viên Đại học về hưu than thở: "Bây giờ ra hồ không còn cái cảm giác được hoà mình với thiên nhiên nữa, chỉ được cái tản bộ không sợ va vào xe".
Quả vậy, từ trên bờ cho tới mặt nước được xây dựng kiên cố bằng đá và đá. Những cái hồ thiên nhiên ban tặng hay do công sức bao người tạo nên nay đã biến thành những cái... bể "bê tông"!
Đâu rồi cái vẻ mềm mại uyển chuyển của những đường lượn quanh hồ? Ai cũng dễ dàng nhận ra cái công việc gọi là tu sửa tôn tạo kia chỉ là sự đo chỗ rách rồi "khâu vá" chính xác sao cho kín.
Hồ Thành Công là một điển hình như vậy. Cũng hai làn đường trên dưới, nhưng người đi dạo chỉ đi được 1/3 vòng hồ. Phần còn lại bị án ngữ bởi hàng rào thép kiên cố của một công ty dịch vụ (?) Những khi nước lớn, con đường phía dưới ngập mênh mông, muốn sang phía khách sạn Bên Hồ chỉ còn cách vòng xe máy sang đường (?) Dân ở đây gọi con đường phía dưới hồ ấy với cái tên rất đặc dụng: Đường công vụ! Vì nó là con đường chủ yếu dành cho những người vớt rác của Công ty Môi trường đô thị!
"Tôi rất tán thành việc nạo vét cũng như nâng cấp cho hồ thêm sạch đẹp nhưng chỉ kè bờ để chứa nước và nuôi cá thế này giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến thì thật là một khiếm khuyết đáng tiếc. Nếu không giải phóng được mặt bằng trên bờ, nên chăng ta thu hẹp lại một chút mặt nước nhường đất làm con đường nhỏ để cho hồ không trở thành một miếng vá víu giữa lòng thành phố" - Tiêu Đạt, Phương Anh - hai bạn trẻ vừa lội nước trên "đường công vụ" vừa than phiền với chúng tôi.
Quả có vậy, hồ Thành Công vốn đã bị chen lấn bởi những khu nhà cao tầng, chỉ cần quây kín chút nữa, nhìn từ trên xuống nó sẽ giống như cái giếng làng. Khi đứng trước nó con người có cảm giác như chính mình bị chen lấn xô đẩy, o ép. Bế tắc. Bức bối!
Nhà "đâm ngang mặt nước"
Còn hồ Hoàng Cầu được nạo vét, "rổ rá cạp lại" từ năm 2000. Với hơn 1km đường vòng quanh, đếm sơ sơ cũng đã bị bốn năm căn nhà, với góc tường xi măng chọc vào với vẻ "đằng đằng sát khí". Sự bất tiện cho cả người "thưởng ngoạn" và cư dân ở đây là bất khả kháng. "Nằm ngủ trong nhà mà tôi vẫn nghe rõ mồn một những "tâm sự thầm kín" của các đôi nam nữ đứng ở ven hồ với đủ thứ thề non hẹn biển, cứ như đọc chuyện đêm khuya!". Một người dân ở bên hồ Hoàng Cầu than phiền.
Thậm chí có một ngôi nhà để không, nằm chênh vênh sát mép nước, cách con đường chỉ hai gang tay khiến đoàn người tập thể dục quanh hồ, khi qua đoạn đó đều phải hết sức khẽ khàng vì nếu lỡ chân là "xuống" hồ luôn.
Hồ Hoàng Cầu trước kia có hình elip, nhưng khi các "nhà đầu tư" thầu lại có cái "sáng kiến" đổ đất lấp hồ làm thành "ốc đảo" để kinh doanh nhà hàng khiến hồ biến thành hình quả bí. Bên cạnh hồ, lù lù một chòi canh lợp tôn như nhà xóm bụi, một cột điện mọc từ dưới nước lên như đường điện đi qua cái đầm hoang! Không ai tin nổi một cái hồ với cảnh quan như thế bao năm nay vẫn tồn tại ngay trong lòng Hà Nội vốn nổi tiếng là Thủ đô văn minh!
... Đất ven hồ Tây bây giờ đã có giá đến hàng chục cây vàng một mét vuông. Nhưng mấy chục mét vuông bị lấn ở từng phía của hồ không thể tính nổi bằng vàng bởi cái giá của việc hồ Tây bị hẹp lại quả là khó có thể cân đong đo đếm. Nhưng theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung, việc nhìn qua hồ thấy hẹp hơn xưa còn vì một lý do là những ngôi nhà và ánh đèn làm cho tầm mắt ta gần lại, "không còn cảm giác xanh mờ xa".
Dọc trên con đường Yên Phụ mới thấy rõ hình ảnh những ngôi nhà vô tư lấn sát mép hồ đã khiến mặt nước đã bị bê tông... bào mòn như thế nào. Đi vào ngõ 31 Đường Xuân Diệu, Đường vào đình làng Tây Hồ, nhìn thấy hàng loạt biệt thự đẹp lắm, to lắm mà cũng "lấn" lắm thì càng thấu hiểu cảm giác xót xa của người yêu Hà Nội khi không còn thấy "Hồ Tây xanh mờ xa..."
Hồng Ngọc Vila 85B Xuân Diệu là một trong số những địa chỉ biệt thự lớn nhất khu, bên trong là đủ các loại cây cảnh rất mát mẻ, sang trọng với tiếng chim véo von và những hòn non bộ đắt giá đã được tận dụng một cách quá mức. Cổng sau của nhà được xây cao và mở ra hồ, bước xuống bậc thứ 3 thì nước hồ đã ngập đến cổ chân. Có cảm giác như những bậc tam cấp và những hòn non bộ này đang làm rách mặt nước hồ Tây...
Những ao thả cá và chứa nước thải...
Hồ Hoàng Cầu, hồ Thành công đều do một công ty thầu lại nên họ đã biến mặt nước long lanh thành nơi nuôi cá. Nước trong hồ luôn được điều tiết bằng nước sông Tô Lịch! Nước vốn bẩn có tiếng lại gặp khi có cá chết nổi lều phều thì có thêm "gia vị" của hàng cá chợ chiều! Những khi mưa lớn dàn bơm cấp cứu chạy rầm rầm 24/24 cũng không thể cứu vãn cái ngập lụt dâng ngang cửa sổ nhà dân.
Năm 2000, người dân quanh hồ Hoàng Cầu đã "nếm đủ" cái thứ nước từ sông Tô Lịch ấy. Người dân ở đây kể lại một cách hình tượng rằng: "Đứng trên nhà gác kéo vó trên đường nhựa cũng bắt được hàng chục cân cá".
... Bên ngoài biệt thự 85B Xuân Diệu bên Hồ Tây, trên những khóm bèo xanh mướt bình thản trôi có mấy chú cá ươn căng phình vì không chịu được nước bẩn, dạt vào đến tận cổng nhà. Hai bên là hai bãi rác công cộng với những bao xi măng buộc không chặt, tung tóe chứa đầy chất thải cho người dân xung quanh "thưởng thức" những "mùi vị" khác nhau. Ở chân tường ngôi nhà được thiết kế một ống nhỏ để thải những thứ đã được phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày và xả thẳng trực tiếp ra hồ. Nước đã đục lại càng đục hơn với xác thực vật, động vật uế mùi ngập tràn trước cổng biệt thự. Bên cạnh nhà là một ống cống lớn của cả khu cũng đổ thẳng ra hồ. Và không hiểu sao vẫn có một chàng trai đang tắm trên hồ ngay trước biệt thự đó với vẻ mặt vui tươi rạng ngời mặc dù biết rõ loại nước mình đang tắm là gì.
...Một trong những lý do để nước hồ bẩn đến mức ô nhiễm là hệ thống nước thải của những khu vực dân cư quanh hồ được thông xuống lòng nước mà hồ Trúc Bạch - một bộ phận của hồ Tây là một ví dụ điển hình. Dù hồ này đã được sửa sang một cách tương đối chu đáo về cảnh quan khiến những người khó tính cũng phải coi đó là "việc 'được' của Hà Nội" thì chuyện "nước hồ quá bẩn" vẫn không được cải thiện.
Vì hồ nhỏ, lại nằm giữa bao nhiêu phố đông dân, lại có cả lò nấu đồng, nấu nhôm nên từ trước đã bị ô nhiễm. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung trong cuộc trò chuyện với VietNamNet đã lại "kêu" cho cả nước Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây: "Bây giờ nước hồ bẩn lắm rồi". Theo ông, muốn làm cho nước Hồ Tây sạch lại như ngày xưa, việc trước tiên là phải chặn nước thải của hàng ngàn hộ dân, hàng trăm con cống chảy vào hồ.
Về phương diện này, việc cải tạo hồ Hale đã thành công. Sau khi cải tạo, nước hồ Hale sạch hơn nhờ hệ thống nước thải không "hoà" vào đây nữa; nhưng đáng tiếc là người ta lại chưa có sự tính toán để nước mưa có thể chảy xuống lòng hồ, tránh ngập nước cho đoạn đầu đường Quang Trung giao nhau với phố Nguyễn Du.
"Sau khi kè, hồ giống đĩa…"
Đó là lời than của nhà văn, nhà báo Đỗ Quang Hạnh - "người Hale" (lời của kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung) suốt 43 năm - khi được hỏi về cảm giác của anh sau khi hồ Hale được sang sửa gần xong.
Hiện tại, người ta đang đổ bê tông nốt cho con đường vòng quanh Hale, còn việc "kè" bê tông quanh mép hồ thì đã hoàn tất. "Những cái hồ ở trong thành phố không thể không có sự can thiệp của con người nên việc kè hồ là cần thiết nhưng việc kè hồ không chỉ đơn thuần chắn đất mà phải có tâm tình, có nghệ thuật...". Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung mở đầu câu chuyện với chúng tôi về hồ Hale bằng một câu thở dài...
Nếu xét theo khía cạnh này thì với việc kè một cách thô tháp, người ta đã phá vỡ mất "tâm tình và nghệ thuật" vốn dĩ đã có của hồ Hale (còn gọi là Thiền Quang).
Theo lời kể của nhà báo Đỗ Quang Hạnh, hồ Hale vốn dĩ ở cuối "phố Tây" và cách phố Liên Trì có mấy bước chân. Đây là vùng giáp ranh giữa "quê" và "tỉnh" của Hà Nội thanh lịch đầu thế kỷ trước. Nơi đây, đầu những năm 60 (thế kỷ trước) yên tĩnh và thơ mộng một cách tuyệt vời. Trẻ con thế hệ của Hạnh có thể đá bóng cả tiếng đồng hồ mới có một chiếc ô tô cổ lỗ sĩ chạy qua.
Buổi chiều quanh những chiếc ghế đá, dưới những cây liễu rủ, những văn nghệ sĩ thất thế như Văn Cao, Trần Dần thường đi dạo rồi ngồi lặng lẽ nhìn ra hồ (nhà họ chỉ cách hồ có mấy bước chân). Yên tĩnh và thơ mộng đến mức hầu như năm nào cũng có một vài đám con gái thất tình tự tử.
"Nhưng bây giờ thì cái hồ này nó "phô" đến mức người ta cũng không thèm tìm đến đây mà trẫm mình nữa" - nhà báo Đỗ Quang Hạnh thở dài một cách chán chường khi phải đối diện trước thực tại của Thiền Quang. "Sau khi sửa xong, tôi thấy cái hồ này giống cái đĩa, giống như cái hồ giả, giống như hệ thống nông giang những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi lần đi qua đây lại thấy bực bội. Mà bây giờ, tôi cũng ít khi dám qua hồ ban đêm vì những cái ghế đá và gốc cây bên hồ đã thành thế giới của cave, và bọn nghiện..."
Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung thì nguyên nhân của việc kè xong, hồ "choen hoẻn" giống cái đĩa là vì người ta đã "kè bê tông quá thoải mà không tạo được độ dốc để hồ được rộng hơn, sâu hơn và trữ được nước nhiều hơn". Theo ông Cung, muốn hồ có "tâm tình con người" và "nghệ thuật" thì việc dễ nhất có thể thực hiện được là nên làm kè sâu, kè chìm xuống nước, và thậm chí cho cỏ lan xuống cả mặt nước..."
Sẽ mát mắt biết mấy nếu thay vì những khoanh bê tông áp lên hồ Hale giống như những đường trát xi măng lên cái ao làng là những ô cỏ xanh mát để khiến cho những hàng liễu rũ bên mép nước không bỗng dưng trở thành lạc điệu?
"Đi qua cái hồ nào bây giờ, tôi cũng chán chường" - quá biết và yêu hồ Hà Nội, nhà báo Đỗ Quang Hạnh không giấu sự bực bội khi "bị" nhắc đến câu chuyện khiến anh kém vui này.
Ở Hồ Thành Công và Giảng Võ cũng không khá hơn Hale bao nhiêu. Thay vì dùng những viên gạch thoáng, người ta đã chèn bờ bằng đá. Vì thế, cây cỏ xung quang phần tà luy nối giữa bờ hồ và mặt nước không còn nữa.
Hàng lối cây quanh hồ vốn đã không trật tự gì được người ta cứ thế "tận dụng" tạo ra một sự nham nhở về không gian "kiến trúc xanh" xung quanh mặt nước. "Ra hồ hóng mát ai lại mang ô, đội mũ cơ chứ. Quê chết. Nhưng đành vậy thôi vì chỗ mát đã ít lại bị người ta dọn hàng quán mất rồi. Có đáng là bao đâu mà họ không trồng nốt cây đi cho mát cho đẹp. Bỏ ra hàng bao nhiêu tỷ còn được. Cái áo còn may được thì tiếc gì một đoạn chỉ". Ông Hải ở Huế ra thăm con học ở Hà Nội than thở khi vừa cầm ô vừa... ngắm hồ Thành Công! Còn những người chạy tập thể dục ở Hồ Thành Công thì kêu: "Sao không có hàng ghế đá để cho người đi dạo dừng chân cứ phải ngồi lên hè lên trụ vừa bất tiện vừa thiếu văn minh lịch sự"
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung cũng không giấu nổi sự buồn bã khi nghĩ nhớ lại những ngày lễ, Tết, các quán cóc rải chiếu cho nam thanh nữ tú ngồi uống rượu suốt dọc đường Thanh Niên. Tiếng cười nói ồn ào và mùi mực nướng đã làm vỡ mất không khí mờ ảo, mê hoặc của hồ Tây buổi hoàng hôn... Ngày ngày, đi về qua con đường Thanh Niên (nhà kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung gần Hồ Tây), ông còn để ý rồi buồn khi người ta "xén" mất những cành liễu rủ xuống mặt nước ở đền Cẩu Nhi (giữa hồ Trúc Bạch).
Có thể coi ý tưởng lãng mạn của người kiến trúc sư này về những con đường vòng quanh hồ là mơ ước nhỏ bé của những người yêu Hà Nội: "Khi làm đường vòng quanh hồ nên có dự án trồng cây, nghiên cứu kỹ lưỡng. Làm sao có chủ đề cho từng đoạn, nên dùng các loại cây sà xuống nước như cây si, cây sanh, hoặc rủ xuống nước như cây liễu. Không nên dùng cây vươn cao lắm để giữ một nét xanh mờ và mảnh ở xa xa. Cây càng cao, ta càng thấy hồ hẹp đi".
"Ven hồ lại làm lan can làm gì?"
Sinh thời, học giả Hoàng Đạo Thúy đã từng than: "Ven hồ lại làm lan can làm gì?". Lời than đó là nỗi niềm chung của nhiều người yêu và biết Hà Nội mỗi lần đứng trước hồ Tây hơn chục năm nay. Nỗi niềm này không có gì mới mẻ nhưng không thể không nhắc lại khi nghĩ về hồ Hà Nội.
Ý tưởng xây lớp rào để che chắn bảo vệ cho hồ, cho con người không có gì là xấu nhưng dường như khi thành hình lại phản tác dụng. Lan can không còn là bảo vệ nữa mà là chỗ dựa lưng của các chủ quán cóc trên con đường bé xíu. Vì những quán cóc đó mà mỗi khi đi qua để ngắm hồ Tây, nhiều du khách nước ngoài đã buộc phải dẫm lên lớp cỏ phủ dọc lối đi - mặc dù có bảng nội quy "Cấm dẫm chân lên cỏ" được cắm trên đó.
Lan can dọc Hồ Tây trên đường Thanh Niên còn là nơi biểu diễn những tư thế khác nhau của người đứng câu cá dưới hồ, có người vắt ngang chân lên rào đứng câu, …hay thỉnh thoảng có người bơi dưới hồ rồi trèo qua lan can để lên bờ với diện mạo không lấy gì là đẹp mắt. Và lan can còn là "cây rác" tiện lợi để góc này treo một túi rác nhỏ, góc kia treo một túi lớn "lủng lẳng" chạy dọc quanh hồ. Những túi rác đó rồi sẽ được một bàn tay ai nhân tiện quăng luôn xuống hồ rất nhanh chóng thay vì phải đi thêm chừng vài mét nữa mới tới thùng rác.
(Con đường đi bộ quanh Hồ Tây cũng đầy những chỗ sạt lở. Chỉ cần một trận mưa lớn sẽ bị ụ nước bởi những trũng. Khách nước ngoài muốn đi dạo quanh Hồ Tây không những hạn chế lớp lan can mà còn phải nhìn xuống đường tránh những đoạn nước ngập).
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung đã từng than phiền về những "con lươn bê tông" trên "xa lộ" Thanh Niên trong một bài viết mang tên "Hồ Tây - vưu vật của Hà Nội". Trong đó, ông đã không giấu được sự bực bội: "Giá mà nhấc bê tông đi, thay bằng một dải cỏ hoặc chậu hoa, chậu cây thì sẽ đẹp hơn nhiều".
Dọc đường Thanh Niên, chỉ trên một đoạn ngắn, lồ lộ mấy chiếc thuyền nổi ngăn tầm mắt của người ta nhìn xa ra Hồ Tây tít tắp. Dù đã hơn một lần lên tiếng về những thuyền sắt có đỉnh rồng "xấu xí" này và không muốn mình mang tiếng là "bà mẹ chồng khó tính" nhưng trong lần gặp mới đây với phóng viên VietNamNet, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung lại không giấu được sự bực bội: "Muốn kinh doanh ven hồ thì nhà thuyền phải đẹp và phải nhanh chóng đi ra khỏi bờ. Những con thuyền sắt ốp rồng trên đầu đang nằm trên hồ Tây ven đường Thanh Niên đó thật thiếu thẩm mỹ, hình thức chắp nhặt...".
Trong ký ức của người đàn ông Hà thành đó, vẫn vẹn nguyên hình ảnh "nhà thuyền tiểu Đồ Sơn nằm ép ở một góc hồ, chỗ đầu dốc, có duyên lắm..." của Hồ Tây - Hà Nội cách đây hơn nửa thế kỷ...
Người đời đã từng nói: "có yêu mới nói...". Những "bà mẹ chồng khó tính" như kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung và nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã yêu Hà Nội theo cách hiểu, chia sẻ và tri âm với cái phần "tâm tình" của một thành phố đã khiến bao người phải đau đáu khi chia xa. Yêu và tiếc nếu mỗi ngày, chúng ta làm một điều gì đó khiến phần hồn của Hà thành một thủa vơi vai.
Trong đó, trả lại phần tâm tình đã mất cho hồ Hà Nội là một phần tâm nguyện của chúng ta khi mơ về một Hà Nội đẹp...
Ngày 22/9, tại Hội thảo "Ứng dụng biện pháp sinh học nâng cao chất lượng nước hồ Hà Nội" Ông Bùi Tâm Trung, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô cho rằng: "Việc quản lý hồ hiện nay là rất bất hợp lý. Có tới 20 đơn vị cấp ngành và thành phố đang quản lý khoảng 30 hồ ở HN nhưng lại không kiểm tra được nguồn chất thải đổ vào lòng hồ. Hậu quả là hầu hết các hồ ở HN đều bị ô nhiễm, mất vệ sinh, mất mỹ quan, thậm chí nhiều hồ bị biến dạng do bị lấn chiếm. Nhưng cố gắng cải tạo môi trường các hồ chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Thành phố đã đổ hàng chục tỷ đồng vào cải tạo các hồ Giảng Võ, Thành Công, Thiền Quang song cải tạo xong chưa được bao lâu thì nước hồ đã bị ô nhiễm tảo độc. Ông Đặng Đình Kim, Viện phó Viện Công nghệ môi trường, cho biết, nguyên nhân là do hồ không được cung cấp đủ nguồn nước, để nước quá cạn, cộng với nhiệt độ cao dẫn đến phát sinh tảo độc. Để xử lý vấn đề này, có thể sử dụng thực vật thủy sinh để loại bỏ các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, ni tơ, phốt pho, kim loại nặng... trong lòng hồ. Ông Mai Đình Yên, Hội sinh thái học VN khẳng định việc cải tạo các hồ trên là thiếu hiểu biết về sinh thái học, tình trạng ô nhiễm sẽ khó tránh khỏi và việc xử lý sẽ rất tốn kém. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm nước hồ ngày càng nặng là các hồ bị dọn sạch tất cả các loài thực vật thủy sinh. Việc phục hồi các thảm cây thủy sinh ở các hồ là rất cần thiết. |
-
Nguyễn Lan Anh - Minh Thụy
Cảm tưởng của bạn như thế nào về hồ Hà Nội và những vấn đề mà chúng tôi đặt ra qua bài viết này? Xin gửi ý kiến theo địa chỉ: webmaster@vasc.com.vn