Lãnh đạo ngành y: “Sao bác sỹ ít khi được tặng hoa?”

Cập nhật lúc 09:33, 18/08/2010 (GMT+7)

– Trước những thông tin sôi nổi về câu chuyện lương, thu nhập của cán bộ y tế, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này trên VietNamNet.

>> Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá

>> Tâm sự của một bác sỹ chỉ sống bằng .. lương

>> Nhìn bác sỹ kiếm tiền mà ... thèm

>> Lạ kỳ chuyện bác sỹ cam phận nghèo giữa thủ đô

>> Bác sĩ: Nghèo thì khó giữ y đức?

56,3% cán bộ y tế làm thêm ngoài giờ

Hiện nay, các công chức, viên chức và lao động trong ngành Y tế đang được hưởng theo thang bảng lương chung như mọi ngành, ngoài ra họ còn được hưởng một số chế độ phụ cấp đặc thù như: phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật…

Các chế độ phụ cấp đặc thù dành cho nhân viên Y tế theo tôi tại thời điểm này còn chưa thỏa đáng, chưa cập nhật cũng như chưa theo kịp với mức độ phát triển kinh tế xã hội, mức độ trượt giá trong thực tế do vậy chưa phát huy được vai trò trong động viên khuyến khích người lao động nỗ lực làm việc.

Khảo sát trên 2.500 bác sỹ thuộc 13 BV TW và 5 BV tỉnh, kết quả cho thấy: 56,3% số người được hỏi cho biết có đi làm thêm để tăng thu nhập (Ảnh minh họa: Internet)
Khảo sát trên 2.500 bác sỹ thuộc 13 BV TW và 5 BV tỉnh, kết quả cho thấy: 56,3% số người được hỏi cho biết có đi làm thêm để tăng thu nhập (Ảnh minh họa: Internet)

Tôi có thể làm rõ nhận định này thông qua việc phân tích hai vấn đề: vấn đề thứ nhất là tính đặc thù trong lao động Y tế và vấn đề thứ hai là những bất cập trong các chế độ đãi ngộ hiện hành.

Công việc hàng ngày của cán bộ Y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, sức khỏe của cộng đồng, chất lượng của giống nòi cũng như chất lượng của nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển đất nước.

"Ngoài sự đãi ngộ về vật chất để đảm bảo các điều kiện cần thiết duy trì cuộc sống cho gia đình, nhân viên Y tế còn rất cần sự đãi ngộ về tinh thần, sự sẻ chia thông cảm, sự tôn vinh từ người bệnh, gia đình người bệnh cũng như toàn xã hội.

Có biết bao hội cha mẹ học sinh, biết bao phụ huynh học sinh và học sinh trong cả nước đã từng tặng hoa tỏ lòng biết ơn đối với các thày cô giáo nhân ngày 20.11 hàng năm.

Nhưng thử hỏi có được mấy hội đồng bệnh nhân, mấy người nhà bệnh nhân và bản thân bệnh nhân đã tặng hoa cho các y bác sỹ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam?"

Để đảm đương được trọng trách đó họ phải trải qua một quá trình đào tạo lâu hơn so với các ngành nghề khác. Đi làm rồi vẫn tiếp tục học, có những kỹ thuật chuyên khoa chuyên sâu phải đào tạo trên 10 năm mới vận hành được thành thạo.

Cán bộ y tế luôn phải làm việc với một cường độ lớn, làm việc trong một môi trường có nhiều nguy cơ phơi nhiễm đối với các dịch bệnh nguy hiểm và phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố bất lợi cho sức khỏe. Mặt khác, nhân viên y tế còn luôn phải chịu sự căng thẳng và sức ép lớn về tâm lý dẫn đến những sang chấn về sức khỏe tâm thần liên quan đến nghề nghiệp. Đó là chưa kể đến đối tượng tiếp xúc hàng ngày của họ lại thường xuyên là những người bệnh và thân nhân của họ đang ở trong trạng thái không bình thường cả về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần, …

Song hãy thử nhìn lại xem nhân viên Y tế hiện đang được hưởng những chế độ phụ cấp ưu đãi như thế nào, có tương xứng với những cống hiến của họ trong công việc hàng ngày không?

So với ngành Giáo dục và Đào tạo, mặc dù thời gian, thời điểm làm việc, môi trường làm việc cũng như đối tượng phục vụ của nhân viên Y tế chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi đối với cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần hơn rất nhiều song mức phụ cấp ưu đãi nghề lại thấp hơn hẳn (phụ cấp ưu đãi nghề của ngành Giáo dục và đào tạo dao động từ 25% đến 70% trong khi nghề y là 20% đến 50%)

Phụ cấp trực hiện đang rất thấp và cào bằng, giống nhau giữa các chức danh chuyên môn trong cùng một ca trực. Trực tại BV hạng I (tương đương tuyến TW) chỉ có 45.000 đồng/người/ngày. Trực tại BV hạng II (tương đương tuyến tỉnh) mức này là 35.000 đồng, tại tuyến huyện là 25.000 đồng và tuyến xã là 10.000 đồng.

Mức này không đủ để nhân viên Y tế trang trải chi phí đi lại, bồi bổ sức khỏe để đảm bảo tái sản xuất sức lao động chứ chưa nói gì đến việc thực hiện trách nhiệm đối với gia đình. Trong khi đó theo Luật lao động, phụ cấp ngoài giờ cho cán bộ, viên chức bằng 100% lương với ngày thường và 200% với ngày lễ tết.

Với các chế độ phụ cấp ưu đãi còn nhiều bất cập như trên nên mức lương bình quân của nhân viên Y tế trong toàn ngành hiện chỉ đạt 3,08 (ước tính khoảng trên 2,2 triệu/người/tháng). Vì vậy có đến trên 80% số cán bộ Y tế được phỏng vấn cho rằng các chế độ phụ cấp ưu đãi hiện chưa thỏa đáng (2.529 cán bộ thuộc 13 đơn vị TW và 5 tỉnh) và 56,3% phải làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập.

Không đủ bằng chứng để kết luận bác sỹ làm thêm có thu nhập lớn

Theo tôi, hiện chưa có đủ bằng chừng để khẳng định những người đi làm thêm kiếm được nhiều tiền, thu nhập của họ rất lớn bởi chưa có nguồn số liệu chính xác và đầy đủ nào cho thấy có bao nhiêu nhân viên Y tế hiện đang đi làm thêm và họ kiếm được bao nhiêu tiền trong tháng. Hơn thế nữa chúng ta càng không thể khẳng định thu nhập từ làm thêm của họ là rất lớn vì không có cơ sở, căn cứ để so sánh.

Do thu nhập không đủ sống nên nhiều cán bộ Y tế đã và đang tận dụng đến mức lạm dụng quá mức sức lao động của chính bản thân mình….
Chúng ta cần phải hiểu rằng với mỗi người cảm nhận về giàu hay nghèo cũng chỉ là tương đối.

Cán bộ Y tế mặc dù đi làm thêm có thu nhập tăng thêm cho gia đình song vẫn kêu lương thấp và đời sống còn khó khăn, theo tôi đó hoàn toàn là quyền chính đáng của họ. Bởi lẽ cần phải có sự tách bạch riêng giữa công việc họ đang đảm nhận tại các cơ sở Y tế nhà nước và lương phụ cấp họ được hưởng với nguồn thu nhập họ có được từ làm thêm ngoài giờ.

Nếu chỉ trông chờ vào mức lương và phụ cấp ưu đãi như hiện nay thì rõ ràng hầu hết cán bộ Y tế đều nghèo vì mức thu nhập được đãi ngộ thấp, chưa tương xứng với cường độ lao động và môi trường làm việc nhiều độc hại rủi ro.

Khi thu nhập từ các cơ sở Y tế nhà nước không đủ để duy trì các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì nhân viên Y tế tất yếu phải tìm kế sinh nhai bởi lẽ ngoài vai trò là thày thuốc tại cơ quan họ còn có vai trò là cha, là mẹ phải chăm lo đời sống gia đình.

Việc làm thêm ngoài giờ là quyền của mỗi người được luật pháp cho phép và họ được hưởng thu nhập theo mối quan hệ cung cầu quy định miễn là họ phải hoàn thành nhiệm vụ tại công sở.

Tôi tin rằng nếu được đãi ngộ tương xứng, nếu có mức thu nhập về cơ bản duy trì được cuộc sống cho bản thân và gia đình, nhiều cán bộ Y tế sẽ không còn phải kiếm kế sinh nhai bằng cách đi làm ngoài giờ như hiện nay nữa vì con người ta ngoài công việc để tăng thu nhập vốn còn có nhiều nhu cầu khác cần được đáp ứng như: chia sẻ tình cảm, vui chơi giải trí, thư giãn để tái tạo sức lao động…

Không đồng tình khi nói bác sỹ có đời sống sung túc

Tôi thực sự không đồng tình với nhận định “Đại đa số bác sỹ ở các thành phố lớn có lương thấp nhưng thực tế là đời sống của họ khá sung túc thoải mái”. Bởi không phải ai là bác sỹ sống và làm việc ở các thành phố lớn thì đời sống cũng sung túc và thoải mái. Vấn đề mấu chốt ở đây là dùng tiêu chí nào để đo lường sự thoải mái và sung túc?

Về cơ bản các bác sỹ làm việc trong cơ sở Y tế Nhà nước đã dành gần hết thời gian trong ngày để đảm đương công việc tại cơ quan do vậy nguồn thu nhập chủ yếu của họ vẫn là lương và phụ cấp được đãi ngộ. Với định mức như tôi đã trình bày ở trên thử hỏi trong bối cảnh giá cả hiện nay họ có sống no đủ được không chứ chưa nói đến sung túc?

Tôi cũng không phủ nhận hiện tượng có những bác sỹ có trình độ chuyên môn tay nghề cao thuôc một số chuyên ngành được xã hội ưa chuộng đang có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung nhưng con số này không nhiều. Và họ có được nguồn thu nhập tăng thêm cao hơn so với nguồn chi trả của đơn vị cũng là chính đáng bởi đó cũng chính là sự ghi nhận của xã hội đối với những giá trị của họ trong công việc.

Tuy nhiên cần phải thấy rằng hiện vẫn còn nhiều bác sỹ hiện đang làm quản lý nhà nước, đang làm trong khối giảng dạy, dự phòng, trong điều trị một số bệnh xã hội nguy hiểm…vẫn đang chỉ sống bằng đúng nguồn thu nhập từ lương và phụ cấp ưu đãi. So với những bác sỹ có thu nhập cao từ nguồn làm thêm ngoài giờ, số người sống chỉ trông chờ vào lương và phụ cấp do Nhà nước đãi ngộ vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Bác sỹ, y tá làm việc ở nông thôn có cần chế độ đãi ngộ đặc thù

Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã khẳng định phương châm hoàn thiện hệ thống Y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Công bằng trong chăm sóc sức khỏe là tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ Y tế.

Để làm được điều đó cần thiết phải đưa các dịch vụ Y tế có chất lượng ngày càng đến gần hơn với người dân nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc phát triển và duy trì hoạt động của đội ngũ cán bộ Y tế tại vùng nông thôn sẽ là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện được định hướng chỉ đạo nêu trên.

"Cần có những chính sách ưu đãi mang tính đồng bộ, toàn diện đối với đối tượng cán bộ y tế làm việc tại nông thôn, vùng sâu vùng xa" (Ảnh minh họa: Internet)
"Cần có những chính sách ưu đãi mang tính đồng bộ, toàn diện đối với đối tượng cán bộ y tế làm việc tại nông thôn, vùng sâu vùng xa" (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay trong phụ cấp ưu đãi nghề đã dành cho cán bộ Y tế ở vùng khó khăn với mức cao hơn song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước khác trong khu vực; tôi thiết nghĩ tối thiểu mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên Y tế tại vùng nông thôn phải cao gấp rưỡi so với vùng thành thị, với nhân viên Y tế ở vùng sâu vùng xa phải cao gấp đôi.

Đồng thời cũng phải quan tâm cả tới việc cải thiện điều kiện sống (nhà ở, điện nước, giao thông, thông tin liên lạc…) và điều kiện làm việc (cơ sở vật chất, trang thiết bị…) để cán bộ Y tế yên tâm công tác ở nông thôn.

Các chế độ ưu đãi khác cũng cần được chú trọng: ưu tiên trong tuyển dụng, tăng lương, ưu tiên trong cử đi học nâng cao trình độ, tạo cơ hội luân chuyển lê tuyến trên để cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn… Đặc biệt cần phải tạo dựng được sự tôn vinh của xã hội, của đồng nghiệp đối với những người làm việc ở vùng nông thôn.

  • Vũ Thị Minh Hạnh

(Tít bài và các tiêu đề phụ do Tòa soạn đặt)

Ý kiến của bạn

Các tin khác