Lấp hồ giữa Hà Nội: Phép vua thua lệ... phường?

Cập nhật lúc 07:19, 16/08/2010 (GMT+7)
- Ông Lê Trọng Ngọ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết: Sau khi Báo VietNamNet đăng bài “Bãi xe, quán bia tiếp tục nuốt chửng hồ Hào Nam”, Sở GTVT  Hà Nội đã cho người  xuống kiểm tra. Kết quả cho thấy bãi xe HTX Thành Công có lấn quá diện tích cho phép. UBND quận Đống Đa cũng đã chỉ đạo cho phường Ô Chợ Dừa kiểm tra nếu thấy sai phép thì cho giải toả. Tuy nhiên, cho đến ngày 8/8, theo quan sát của PV VietNamNet hiện tượng bãi xe và quán bia lấn chiếm hồ Hào Nam vẫn chưa được giải toả.

Lý giải về việc quận Đống Đa chậm giải quyết tình trạng lấn chiếm xung quanh hồ Hào Nam làm bãi xe, mở quán bia…, ông Ngọ nêu ra nguyên nhân là do giấy phép bãi xe là của Sở GTVT Hà Nội cấp nên Quận cũng không thể muốn rút giấy phép là rút được mà Quận chỉ có ý kiến với Sở  và Sở có thể xem thu dọn hoặc thu hồi giấy phép.

“UBND Quận đã chỉ đạo phối hợp cùng với Sở GTVT để giải toả quán bia và quán thay dầu xe. Và cái gì không phải trông xe thì giải toả tất và bãi trông xe cũng phải đúng diện tích”, ông Ngọ khẳng định.

Cũng liên quan đến việc lấn hồ Hào Nam làm bãi đỗ xe,  tại công văn số 1882/ GTVT – GTĐT (28/07/2010) về việc cấp phép bãi đỗ xe hồ Hào Nam trả lời Báo VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết:

Khu vực giải phóng mặt bằng 20 hộ dân ven hồ Hào Nam (đoạn từ cuối điểm đỗ xe ô tô đến tiếp giáp nhà dân) hiện vẫn là phần đất nắm trong dự án kè hồ Hào Nam và mở rộng đường Hào Nam – Cát Linh không thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của Sở GTVT Hà Nội. HTX Thành Công đã tự ý san ủi mặt bằng một phần dự án lấn tạm làm quán bia và phần còn lại làm bãi đỗ xe. Khi kiểm tra, đơn vị không xuất trình được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cũng như các giấy tờ khác liên quan.

Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra Giao thông vận tải lập biên bản vi phạm hành chính đối với HTX môi trường Thành Công về hành vi vi phạm nói trên, đồng thời sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành giải toả vi phạm theo quy định.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV VietNamNet, hiện tượng bãi xe và quán bia lấn chiếm hồ Hào Nam vẫn chưa được giải toả.

Còn về các dự án “treo” xung quanh hồ Hào Nam khiến cho hồ đang bị lấn chiếm không thương tiếc, ông Ngọ cho biết: Quận Đống Đa không phải là chủ đầu tư mà xung quanh hồ Hào Nam có 2 chủ đầu tư, trong đó dự án đường Hào Nam – Cát Linh là của Ban Quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), còn dự án kè hồ Hào Nam là do Ban Quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội).

“Một cái thì của Ban thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội; một cái của Sở Giao thông nên nếu anh muốn hỏi tiến độ của dự án thì Quận không thể trả lời được. Quận Đống Đa chỉ làm giải phóng mặt bằng”, ông Ngọ cho biết.

Về tình trạng đổ trộm phế thải VLXD, ông Ngọ cho hay: Phường Ô Chợ Dừa và Quận không thể rình bắt suốt ngày suốt đêm được. Và nếu có bắt được thu cả xe thồ xong thì cũng chẳng bắt chẳng giam được.

“Ngày xe mình rình nó đổ trộm phế thải VLXD thì giờ nó rìnhlại mình nên mình mình đi khỏi  là nó đổ. Tình trạng này không chỉ ở hồ Hào Nam mà còn ở một số điểm khác nữa”, ông Ngọ cho biết.
Mô tả ảnh.
Trong công văn gửi Báo VietNamNet, Sở GTVT Hà Nội khẳng định: HTX Thành Công đã tự ý san ủi một phần dựng lán mở quán bia và một phần diện tích làm bãi đỗ xe. Khi kiểm tra HTX Thành Công không xuất trình được giấy phép.
 
 
Mô tả ảnh.
Bãi đỗ xe lần chiếm, quán bia đến bao giờ được giải toả.
 

 Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài điều tra về việc lấn chiếm hồ Hào Nam làm bãi gửi xe, quán bia, hàng nghìn độc giả đã gửi thư về Báo bày tỏ ý kiến và những bức xúc của mình trước thực trạng trên. VietNamNet xin đăng tải một số ý kiến tiêu biểu:

Bạn Lê Tâm, người dân sống ở phường Ô Chợ Dừa, địa chỉ email: rainfrommars@yahoo.com rất bức xúc trước thực trạng ao hồ trên địa bàn Thủ đô đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, và cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên một phần là sự yếu kém trong quản lý và thái độ coi thường ý kiến của dân của một bộ phận cán bộ địa phương:

“Tôi đồng ý với phóng sự, tôi đã ở khu vực này 4 năm và thấy phường Ô Chợ Dừa rất coi thường ý kiến của người dân, dư luận. Ngoài vấn đề đường Hào Nam (đã trở thành một ví dụ kinh điển của quản lý yếu kém, làm đường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, quy hoạch thiếu thẩm mỹ, buông lỏng để các hoạt động lấn chiếm ngang nhiên diễn ra). Phường còn bỏ qua ý kiến của nhiều hộ dân về vấn đề cấp nước sinh hoạt, vấn để xử lý rác thải, vấn đề an ninh...Tôi đã từng gọi điện đến phường và trực điện thoại phường nói năng rất thiếu phép lịch sự, thậm chí là lỗ mãng ví dụ như: hỏi cái gì mà hỏi v.v...(Trong khi tôi chắc chắn rằng học vấn của tôi cao hơn anh ta; vì tôi biết anh ta chỉ một bảo vệ không có bằng ĐH; rất tiếc anh ta lại không tập trung vào chuyên môn của mình).

Độc giả Nguyễn Anh Dũng, địa chỉ email: giacmocothat_bg1980@yahoo.com lại tỏ ra vô cùng bất bình và lo lắng cho tương lai con cháu mai sau nếu diện tích cây xanh, mặt nước cứ biến mất hàng ngày, hàng giờ như hiện nay:

“Những con người vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lên không gian sống của nhiều người, đi trái lại luật pháp. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ ra sao khi những khoảng không gian nhỏ hẹp dần dần thành những khối bê tông với mật độ dân số quá lớn. Sự quản lý của cơ quan cấp quận phường đã chung tay cho những hành vi như vậy là không thể chối cãi, họ là chính quyền ở địa bàn do dân bầu ra, sao lại có thể vô nhân tâm đi ngược lại lợi ích của nhân dân đến vậy”.

Bạn đọc còn cung cấp thêm thông tin về tình trạng lấn chiếm hồ nước đang diễn ra trên nhiều địa bàn của thủ đô.

Anh Nguyễn Kim Thành ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, email: KimThanh_Hoang@yahoo.com.vn cho biết:

"Việc giải phóng, lấn chiếm hồ hay kè hồ ao mà không giải phóng được tại Hà Nội xảy ra tình trạng chung như vậy. Cụ thể tại hồ ao thuộc ngõ 29/70 Khương Hạ (tổ 38) phường Khương Đình, quận Thanh Xuân dự án giải phóng mặt bằng các hộ dân lấn chiếm quanh ao vẫn không thực hiện được, có thể cơ quan chức năng biết việc này nhưng lại làm ngơ. Dự án kè hồ làm đường đã phê duyệt, đơn vị thi công đã rào chắn quanh ao nhưng 3 tháng nay không thấy thi công, không hiểu UBND phường Khương Đình có biết việc này hay đơn vị thi công nhận việc rồi bỏ đi làm công trình khác gây ra tình trạng ngõ đã nhỏ lại bẩn ứ đọng nước. Tại hàng rào chắn do đơn vị thi công dựng lên có bảng ghi thông tin dự án công trình, chủ đầu tư, đơn vị thi công nhưng lại ghi chung chung không có thông tin cụ thể, không đúng theo quy định. Đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra xem xét lại và cho triển khai ngay không để tình trạng bức xúc trong dư luận".

Chị Dung ở Linh Đàm, email: vi_na_shin_2009@yahoo.com cũng nêu thực trạng ở nơi chị đang sống và mong VietNamNet vào cuộc:

“Đề nghị Báo VietNamNet có bài phóng sự điều tra về việc lấp hồ Linh Đàm. Hồ Linh Đàm là 1 hồ rất rộng và đẹp, nó là buồng phổi, là điểm nhấn để đưa khu Linh Đàm thành khu chung cư kiểu mẫu thế mà giờ đây không hiểu thế nào mà đang có dự án lấp hồ. Ở Hà Nội, có được 1 cái hồ như thế không nhiều, việc giữ lại không gian hồ là điều quan trọng, nếu cần đất cho các dự án thì không thiếu vậy tại sao lại phải lấp hồ?
Với tư cách là một công dân của Thủ Đô, tôi cấp thiết đề nghị quý báo có bài viết về vấn đề lấp hồ Linh Đàm, giữ lại 1 không gian trong lành cho Hà Nội”.

Tại sao trước thực trạng trên, chính quyền biết mà vẫn làm ngơ?

Anh Nguyễn Pháp Luật, email: luatphap45@yahoo.com tỏ ra rất gay gắt:

“Trong khi những việc lấn chiếm hồ ao, sông thoát nước ở ngay nội thành Hà Nội như hồ Hào Nam, hồ Khương Trung, hồ Giám, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Tây, hồ Trúc Bạch… vẫn diễn ra công nhiên như vậy sao chính quyền Hà Nội không có biện pháp gì bảo vệ được? Trong khi việc làm đơn giản thì không làm lại đi vẽ ra ý tưởng làm hầm ngầm chứa nước mưa??? Thật là viển vông và "tối kiến "! Cứ cái kiểu tư duy "quẫn "thế này thì dù có đổ hàng nghìn tỷ vào việc thoát nước Hà Nội cũng vẫn là "HÀ LỘI" mỗi khi có mưa!”
 
Bạn Phạm Xuân Tú ở email: xuantu@yahoo.com.vn đưa ra các kiến nghị của mình để thành phố giải quyết:

"Tôi là một người dân sống ở phố Vũ Thạnh nhiều năm, đã từng chứng kiến sự thay đổi hàng ngày của hồ Hào Nam. Tôi thấy thật bức xúc trước cảnh hồ càng ngày càng bị lấn chiếm và càng bức xúc hơn trước cách làm việc của UBND phường Ô Chợ Dừa. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm đưa ra ý kiến chỉ đạo để giải quyết dứt điểm một số vấn đề sau đây:

1-Giải quyết vấn đề bãi gửi xe quanh khu vực hồ. Tiến hành sớm việc kè hồ để giữ lại cảnh quan của hồ.

2-Đề nghị Quận ủy Đống Đa, UBND quận Đống Đa cần xem xét lại việc cơ cấu cán bộ vào bộ máy cán bộ phường, tránh để những người thiếu trình độ như ông phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa đứng ở vị trí chủ chốt.

3-Đề nghị ông phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa phải có sự xin lỗi và đính chính lại những lời ông đã định nghĩa về dân trong các bài báo mà phóng viên báo VietNamNet đã đưa.

Bạn đọc Phan Linh, ở 43 ngõ 46 Hào Nam, email: phanlinh2801@yahoo.com cũng đưa ra kiến nghị chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, trả lại môi trường trong lành, lập lại trật tự cho cuộc sống của nhân dân:

 “Đề nghị các cấp thành phố lập lại kỷ cương trật tự phố Hào Nam vì UBND phường đã làm ngơ trước sự lấn chiếm của các hàng quán thậm chí còn dung túng để lấn chiếm mặt cống và đường đi làm bãi rửa xe ban ngày, trông xe buổi tối của cá nhân”.

Bạn đọc cũng mong muốn Báo VietNamNet tiếp tục vào cuộc điều tra việc lấp hồ ở nơi mình sinh sống để trả lại môi trường trong lành cho nhân dân.

Mong muốn VietNamNet tiếp tục vào cuộc để truy cứu trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai là ý kiến của anh Trần Minh Sơn, email: minhtran@gmail.com:

 “Báo chí nói mãi nhưng không cơ quan chức năng nói gì. Chán quá với cách làm việc của chính quyền quận Đống Đa. Chính quyền không nói gì cứ để như thế thì chỉ một thời gian nữa thôi hồ sẽ thành bãi đất hoang rồi lại lấn chiếm. VietNamNet nên tiếp tục truy cho đến cùng trách nhiệm thuộc về ai”.

VietNamNet hi vọng sau loạt bài phóng sự điều tra về thực trạng các hồ nước đang bị bức tử của Thủ đô thì chính quyền Thành phố sẽ có những biện pháp quyết liệt và mạnh tay, giả quyết dứt điểm vấn đề để trả lại không gian xanh cho Hà Nội, cải thiện môi trường sống cho dân cư, để Thủ đô nghìn năm văn hiến luôn xứng đáng với danh hiệu: Thành phố xanh, Thành phố vì hoà bình.

  • Vũ Điệp - Hoàng Anh

Các tin khác