“Rõ ràng XKLĐ ở Thanh Hoá có vấn đề”
- Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Lao động TBXH, Nguyễn Thanh Hoà cho biết: Sơ bộ những hiện tượng báo VietNamNet nêu rõ ràng XKLĐ huyện nghèo ở Thanh Hoá có vấn đề. Bộ Lao động đã đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB –XH) cùng với địa phương kiểm tra làm rõ vụ việc rồi báo cáo kết quả và có hướng xử lý.
Bài 1: Mất tiền oan vì cả tin công ty XKLĐ
Bài 2: “Miếng ngon” chưa đến tay người nghèo!
Bài 3: Huyện hậu thuẫn, doanh nghiệp tuyển “chui” lao động xuất khẩu
Bài 4: "Tau làm sai tau chịu"!
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà xung quanh về vấn đề này:
- Thưa ông, ông có biết tình trạng doanh nghiệp XKLĐ không có thẩm định đơn hàng huyện nghèo ở Thanh Hoá vào tuyển lao động huyện nghèo rồi làm thủ tục thu tiền phí xuất cảnh quá mức của người lao động?
Thứ trưởng Bộ LĐTB - XH, Nguyễn Thanh Hoà (Ảnh: LP). |
Tôi đã đọc trên báo về hai công ty VILACO và GMAS ở Thanh Hoá. Và tôi đã yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước kiểm tra.
Hiện nay ở địa bàn huyện nghèo Thanh Hoá có cả hợp đồng đi theo huyện nghèo và hợp đồng thông thường.
Nhưng đã là huyện nghèo đi theo cái gì thì người lao động cũng phải được hưởng chính sách theo huyện nghèo.
Ở đây thứ nhất tôi thấy có chuyện hai công ty VILACO và GMAS ở Thanh Hoá không thẩm định hợp đồng theo huyện nghèo ở Thanh Hoá. Thứ hai là có việc hai công ty hướng dẫn cho lao động vay 40 triệu đi Trung Đông theo tư vấn nhưng lại đưa lao động đi Malaysia.
Về việc này tôi đã chỉ đạo nếu đưa người lao động đi Malaysia thì phải trả lại tiền cho người lao động theo đúng quy định, tuyệt đối không thể để người lao động chịu thiệt và phải xử lý theo cơ chế của huyện nghèo chứ không phải xử lý thế nào cũng được.
- Vậy trước những sai phạm của hai công ty GMAS Thanh Hoá và VILACO Thanh Hoá Bộ sẽ xử lý như thế nào?
Tôi chưa thể kết luận được hai doanh nghiệp này sai phạm như thế nào. Hiện tượng này phải kiểm tra. Nếu đúng như báo nêu thì trong đó có cả sự thiếu sót của chính quyền cơ sở, của tỉnh Thanh Hoá và có sự quan liêu nhất định nào đó của quản lý nhà nước. Việc này cần phải xác minh rõ.
Theo ông Hoà: Doanh nghiệp phải trả lại tiền đảm bảo quyền lời cho người nghèo. (Ảnh: GV). |
Tôi chỉ đạo phải làm triệt để vụ việc này và yêu cầu hai công ty phải báo cáo cụ thể trước ngày 30/7. Nếu đến hạn mà không báo cáo thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cái gì phải trả lại cho người lao động thì trả lại, cần thiết thì phải xử lý nếu thấy cố tình làm trái quy định. Những trường hợp còn lại hợp đồng đúng hợp đồng tốt, người lao động đủ điều kiện thì hướng dẫn cho người lao động tham gia huyện nghèo cho đàng hoàng.
Chúng tôi cũng rất hoan nghênh báo VietNamNet đã tìm hiểu ra sự việc này. Sơ bộ những hiện tượng đó rõ ràng XKLĐ ở Thanh Hoá có vấn đề.
Vấn đề sai đến mức nào thì tôi đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng với địa phương kiểm tra làm rõ vụ việc.
Sau khi kiểm tra xong thì sẽ thông tin lại cho cả báo VietNamNet về sự việc sai đúng đến đâu, trách nhiệm như thế nào và xử lý ra làm sao.
Có bàn tay hỗ trợ của địa phương
- Có nhiều ý kiến rằng cho rằng, ở Thanh Hoá doanh nghiệp đến liên hệ làm huyện nghèo rất khó, nhưng tại sao hai công ty chi nhánh của VILACO và GMAS ở Thanh Hoá không được thẩm định làm huyện nghèo tại địa phương này lại vẫn được vào làm?.
Việc này phải xem lại trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh – Xã hội Thanh Hoá, vì có rất nhiều doanh nghiệp phản ánh với tôi rằng vào Thanh Hoá làm huyện nghèo rất khó, bởi vì đến đâu địa phương cũng bảo có anh A, anh B, anh C làm rồi và không cho làm.
Nhưng chi nhánh của 2 công ty VILACO và GMAS không được thẩm định vào làm huyện nghèo ở Thanh Hoá mà lại tuyển được hơn 400 lao động, rõ ràng không thể không có bàn tay hỗ trợ của địa phương.
Tôi đã đề nghị với Cục Quản lý lao động ngoài nước sau khi kiểm tra xong báo cáo lại cho tôi kết quả, hướng xử lý và đề xuất đối với tỉnh về vấn đề này như thế nào. Cần thiết có văn bản của Bộ gửi Sở Lao động kiểm tra đối với các địa phương ở Thanh Hoá.
- Tỉnh Thanh Hoá có Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, vậy ban chỉ đạo có thường xuyên báo cáo hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh với Bộ Lao động không mà lại để xảy ra tình trạng công ty chi nhánh của Công ty VILACO và Công ty GMAS vào tuyển lao động theo huyện nghèo?
Cái này theo quy định của Bộ Lao động, mỗi năm Sở Lao động tỉnh chỉ phải báo cáo một lần. Nhưng đến lúc sự việc xảy ra như thế này thì Sở phải có thông tin phản hồi.
Tôi rất thắc mắc tại sao hơn 400 lao động đi qua 2 chi nhánh này lại không có ý kiến gì? Vì người lao động quá biết đi huyện nghèo là cái gì, đi Malaysia mức phí như thế nào.
Nhưng lao động như vậy đã đành, đường này chính quyền địa phương lại đồng ý cho người lao động đi thì chính quyền cũng rất kém.
Các huyện nghèo Thanh Hoá quá biết chủ trương của huyện nghèo thì tại sao lại để người lao động như thế. Doanh nghiệp chỉ có thể lừa được 50 đến 70 người chứ không thể lừa được hơn 400 người. Rõ ràng là có vấn đề ở chỗ này.
- Việc một doanh nghiệp XKLĐ được mở 3 chi nhánh dẫn đến việc các công ty chi nhánh hoạt động chồng chéo dẫn đến tranh chấp bán lao động, thậm chí có tình trạng lừa đảo làm mất uy tiến hoạt động XKLĐ. Vậy theo ông có nên cho phép doanh nghiệp XKLĐ mở tới 3 chi nhánh?
Doanh nghiệp được phép mở 3 chi nhánh là luật quy định, còn việc nhiều hay ít chi nhánh thì sẽ bàn sau bởi đây là luật của Quốc hội. Quốc hội đã bàn chán rồi, ý kiến cũng khác nhau lắm.
Nhưng chi nhánh làm sai thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chứ không phải lúc ăn chia với nhau thì không sao nhưng khi chịu trách nhiệm ông công ty lại đổ cho chi nhánh là không được. Tình trạng này bây giờ rất nhiều.
Thưc tế cho thấy rõ ràng việc quản lý hoạt động chi nhánh là có vấn đề. Pháp luật cho phép thành lập chi nhánh nhưng có tình trạng doanh nghiệp không quản lý được hoạt động chi nhánh. Chi nhánh nhân danh doanh nghiệp làm nhưng có những sự việc chi nhánh lại không báo cáo với doanh nghiệp.
Qua những chuyện này, rõ ràng kiểm soát giữa doanh nghiệp với chi nhánh có vấn đề.
- Xin cám ơn ông!
-
Vũ Điệp (thực hiện)