Nhìn bác sĩ kiếm tiền mà... thèm

Cập nhật lúc 09:25, 11/08/2010 (GMT+7)

– Sau khi đăng 2 bài viết về thu nhập và đời sống bác sỹ, y tá ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, hàng trăm độc giả đã phản hồi, đặt ra những vấn đề nổi cộm: Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ngành y có thật sự “đặc biệt” và xứng đáng như chủ trương đã đưa ra không?

Điều gì nằm giữa lương thấp, phúc lợi thấp và đời sống thật sung túc? Lý giải điều này như thế nào? Sự minh bạch trong cơ chế quản lý của Nhà nước trong vấn đề này nằm ở đâu? Xã hội cần nhìn nhận, đánh giá và chia sẻ thế nào đối với những vấn đề về lương và thu nhập của cán bộ y tế?

>>Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá

>>Bác sỹ nghèo thật đấy, chỉ vài người giàu thôi!

Một điểm đáng chú ý là trong các ý kiến phản hồi hầu như vắng bóng ý kiến của các bác sỹ, y tá làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương ở các thành phố lớn. Nhưng bác sỹ tỉnh lẻ, các vùng nghèo thì “sục sôi chất vấn”.

Đặc biệt, không chỉ có người trong ngành y, độc giả là những người làm trong các ngành khác (nhất là ngành Giáo dục) cũng lên tiếng về vấn đề này.

Bác sỹ tỉnh lẻ sục sôi chất vấn

Tôi thấy thu nhập của bác sỹ cao chỉ có ở bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viên chuyên ngành thôi chứ chúng tôi đã làm trong ngành 26 năm công tác đến nay đã sắp về hưu rồi nhưng cũng khoảng 3 triệu/tháng. Còn phòng khám ngoài giờ ư? Các phòng mạch đông khách phải ở bệnh viện tỉnh Đồng Nai hay Thống Nhất chứ bác sỹ phường xã như chúng tôi thì chỉ ngồi ngáp ruồi, không có bệnh nhân.

Các bạn thử xem có ngành nào học 6 năm đa khoa rồi 2 năm chuyên khoa là 8 năm, công tác 26 năm trong ngành mà tổng thu nhập như chúng tôi không? Chi phí như vậy có đủ cuộc sống và nuôi con không ?(Bạn đọc gửi từ email Khon….@yaahoo.com.vn)

Thật buồn cho thu nhập của các bác sỹ vùng cao. Đặc biệt khi đi học phải nợ nần. Mong các bạn hãy viết bài về thực trạng của chúng mình nhé. Không cứ học xong thì chẳng ai muốn về vùng cao nữa và nếu có về vùng cao thì cũng khó cống hiến hết mình cho bệnh viện công. (Bạn đọc minhbiencuong…@yahoo.com.vn)

Mô tả ảnh.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ y tế công tác tại các địa phương, các vùng khó khăn lớn hơn nhiều so với tỷ lệ những người đang công tác tại các thành phố lớn. Thu nhập quá thấp và không có thêm nguồn nào để tăng gia, cuộc sống của họ khá khó khăn (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Đã theo nghề thì chúng tôi phải chấp nhận, có ai biết đâu bác sỹ hay nhân viên y tế có cuộc sống ra sao, lương tháng của tôi đã đi làm tới năm thứ 24 nhưng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, có đủ cho cuộc sống không hiện tại không? Trong khi thời gian học của sinh viên y khoa dài gấp đôi các ngành khác, đi làm hay tiếp xúc với các nguồn bệnh nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp rất lớn...
(Bạn đọc nguyenphongbt…b@zing.vn)

Tôi là một cử nhân điều dưỡng sau khi ra trường tôi công tác đến bây giờ đước 10 năm mà lương hiện tại bây giờ chỉ mới được hơn hai triệu đồng/tháng, tương đương với một công nhân xí nghiệp. Tôi thấy điều này rất bất công. Hai vợ chồng làm cùng nghề mà cuộc sống chất vật đầu tháng lấy tiền lương thì mới có tiền đóng học cho con? (Bạn đọc leduytan2009…@yahoo.com.vn)

Thật nực cười, với mức lương 1-3tr/tháng thì các bác sĩ, y tá nói riêng và các cán bộ công chức nói chung sống làm sao nổi, trong khi giá cả mọi thứ đều leo thang vù vù như hiện nay? Mọi người ai cũng có gia đình, có 1001 thứ phải chi tiêu, nào là con cái, gia đình, bố mẹ, bệnh tật..v.v thì thử hỏi với mức lương ấy làm được gì?

Chung quy lại, bác sĩ cũng là con người kia mà? Cũng phải lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền cho cuộc sống của gia đình người ta chứ? Với chế độ lương thưởng như hiện nay thì chuyện người ta phải dùng cách này hoặc cách kia để kiếm thêm thu nhập cũng là điều hiển nhiên (Bạn đọc viet_nam…@yahoo.com).

Xen giữa những phản hồi dày đặc của các bác sỹ tỉnh lẻ là 2 ý kiến phản hồi từ người trong ngành y, đang công tác tại Hà Nội và Hải Phòng. Ngay tại các thành phố lớn nhưng nếu về tuyến cơ sở (trạm y tế phường, trung tâm y tế quận, …) thì thu nhập cũng không khác bác sỹ tỉnh lẻ là bao.

“Tôi là một cán bộ y tế cũng làm trong ngành y ngay tại Hà Nội thôi. Tôi cũng không đồng ý với các phóng sự mà VietNamNet đã nêu. Vì các phóng sự chỉ nhằm vào các bệnh bệnh viện lớn, quên mất một đội ngũ y bác sỹ tại tuyến cơ sở chúng tôi.

Ngay tại Hà Nội thôi, khi mà trực 24/24 giờ chúng tôi chỉ được bồi dưỡng 10.000 đồng/ca (với bao áp lực). Hay khi khám bệnh chỉ được thu 2000đ/ ca để phục vụ cho vật tư khám bệnh, kể cả ngoài giờ, nhà nước hỗ trợ 3000đ/7 mũi tiêm chủng, gồm cả tiền quản lý đến mua vật tư thực hiện chuyên môn..... Ở đây mọi sự so sánh đều không thể.....” (bạn đọc Tonglanhh@yahoo.com.vn).

Ngành y được “đãi ngộ đặc biệt” như thế nào?

Một ngày trực 24/24h chỉ được phụ cấp 25.000 đồng; trực ngày hôm nay và cả đêm vất vả cấp cứu người bệnh nhưng ngày hôm sau chưa chắc đã được nghỉ bù, vì khoa phòng không đủ bác sỹ (Cả bệnh viện huyện quê tôi chỉ có 14 bác sỹ, tính cả 3 người lãnh đạo chánh phó giám đốc). Có tuần không được nghỉ bù ngày nào, nhưng thứ 7 hoặc chủ nhật đến lịch trực lại phải nghiêm túc thực hiện.


Lương của người cán bộ viên chức y tế, nhất là các y bác sỹ ở vùng miền núi như chúng tôi, vì không thu được nhiều viện phí nên không có nhiều thu nhập tăng thêm. Chúng tôi phục vụ đồng bào các dân tộc ở quê họ nên họ không có " nhiều phong bì". (Bạn đọc Hoàng Minh Vũ)

Nhận xét trong bài viết là đúng nhưng chỉ ở một phần rất nhỏ của các ngành hái ra tiền như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoại, sản, nhi, còn hầu như cuôc sồng rất khiêm tốn, phải nói là chật vật. Vợ tôi cũng là một bác sĩ làm tại bệnh viện nhưng ăn sáng cô ấy cũng không dám ăn ở ngoài phải ăn cơm nguội, đồ ăn cũng chẳng có gì. Đồ ăn trưa thì mang theo nhưng không dám ăn trước mặt mọi người vì thức ăn quá khiêm tốn.

Thú thật vợ chồng tôi không dám cho mọi người thấy sự nghèo khó của mình. Cô ấy làm cũng đã lâu 10 năm rồi nhưng vợ chồng tôi hầu như vô sản. (Bạn đọc nguyencongdai2007@gmail.com)

Làm ngành Y chắc ai cũng muốn làm điều tốt nhiều hơn. Nếu bạn muốn làm giàu thì đừng vào ngành y mặc dù có những người làm ngành y cũng rất giàu thật. (Bạn đọc anhthucphan@yahoo.com).

Đạo đức của ngành y không thể hô khẩu hiệu là được mà còn phải xuất phát từ những vấn đề của con người, vì con người (Bạn đọc vananhle411@yahoo.com)

Chính sách hổng dẫn đến thiếu minh bạch

Vấn đề không phải là y tá, bác sỹ sai mà là Nhà nước đã không chú ý đến giải pháp quản lý phù hợp, công khai, minh bạch. Chế độ chính sách của Nhà nước đã không thích ứng với chuyển động của thị trường. Có những cái chúng ta chỉ có thể suy luận mà không thể có chứng cứ.

Các quan chức, y tá, bác sĩ có đáng được hưởng thu nhập cao như vậy không? Họ là những người tài giỏi, như vậy đáng lắm chứ. Nhưng Nhà nước đã không trả cho họ đủ để tồn tại. Và thế là họ phải có cách riêng của họ.

Hãy kê khai tài sản và thu nhập các quan chức, các doanh nhiệp và công dân. Nếu ngân sách không hao hụt, được dùng vào lợi ích trả lương tốt cho y tá, cấp học phí cho học sinh nghèo, làm đường cho dân, xây nhà cho người lao động thì xã hội thật tốt đẹp. (Bạn đọc congdan…@yahoo.com)

Mô tả ảnh.

"Vấn đề không phải là y tá, bác sỹ sai mà là Nhà nước đã không chú ý đến giải pháp quản lý phù hợp, công khai, minh bạch" (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Tôi thiết nghĩ, nên nghiên cứu một cách khoa học hơn việc ban hành chế độ, chính sách. Cách chúng ta làm chính sách hiện nay có gì đó không ổn, rất vội vã, thiếu thực tiễn.

Tôi rất thông cảm với đồng lương của Bác sỹ hiện nay. Tôi thấy kể từ khi bỏ chế độ bao cấp đời sống nhân dân được ấm no, người có tài được phát huy tác dụng, vùng nông thôn mặc dù chưa khá giả nhưng còn khá hơn thời trước. Nhưng riêng ở bệnh viện tôi thấy chưa chuyển biến nhiều về vấn đề này.

Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét tháo gỡ tình trạng hiện nay, người Bác sỹ cần được yên tâm, cần được chuyên tâm, được phát huy hết năng lực của mình (bạn đọc
minhv…@gmail.com).

Muốn giải quyết nạn “móc túi” bệnh nhân, cần phải có cái nhìn thấy đáo, hiểu rõ nguyên nhân sâu xa thì mới làm được. (Bạn đọc florua_boy99@yahoo.com)

Hầu hết các người làm trong cơ quan nhà nước đều làm như vậy. Lý do là Việt Nam tồn tại những cơ chế lạc hậu và tất cả mọi người đều không ai dám nói hoặc không dám thay đổi, dẫn tới họ phải làm những việc họ không hề muốn.

Thử xem bảng lương của các đối tượng làm quản lý khác xem, cũng chỉ có trên dưới 10 triệu. Vậy họ sống bằng gì mà nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi? Muốn thay đổi thì hãy thay đổi cơ chế thật minh bạch. (Bạn đọc nguyen12887@itc.nl)

Cần làm ra cơ chế để minh bạch hóa các nguồn thu của bác sĩ hiện nay để người dân không phải tốn các khoản chi ngoài khác. Mà không chỉ riêng ngành y, các ngành khác của nền kinh tế cũng vậy. (Bạn đọc trinhle2002@gmail.com)

Người ngoài ngành y cũng lên tiếng

Không chỉ có người trong ngành y lên tiếng, những người công tác trong các ngành khác (đặc biệt là giáo dục) cũng đặt ra những vấn đề tương tự đối với thu nhập của mình.

“Sao các bạn không về các trường học để xem bảng lương chính thức của giáo viên? Nếu như báo viết thì bình quân mức 5 triệu/tháng còn là rất cao đấy, đó là niềm mơ ước của biết bao người giáo viên? Tôi là một giáo viên, đã công tác 6 năm rồi nhưng lương của tôi bây giờ mới được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vậy tôi sống ra sao đây?? (Bạn đọc hophon_em@yahoo.com)

Nhất là những người giảng dạy các bộ môn phụ (như Giáo dục thể chất, Giáo dục công dân, …) cho biết mức thu nhập của họ chẳng thể nào đáp ứng nổi cuộc sống. Họ cũng không thể dạy thêm, mở lớp hay làm bất cứ việc gì liên quan đến chuyên môn. Muốn đảm bảo được đời sống, ngoài giờ lên lớp, họ cũng thường phải làm thêm đủ việc.

  • Cẩm Quyên (Tổng hợp ý kiến bạn đọc)

Ý kiến của bạn

Các tin khác