Truy quét “sát thủ” trên sông Sài Gòn

Cập nhật lúc 10:06, 15/08/2010 (GMT+7)

– Vừa phát hiện tàu thủy và ca nô của đoàn kiểm tra, “sát thủ hai càng” trên sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP.HCM) liền quay đầu chạy.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều dân chài, cho biết, sông Sài Gòn (đoạn từ bến Bạch Đằng (Q.1) đến cửa sông Vàm Thuật (Q.12), các loài cá cá rô, cá lóc tự nhiên hầu như không còn.

Ở khúc sông này, tháng nào người dân cũng phóng sinh rất nhiều cá, nhưng chúng nhanh chóng bị “đạo quân sát cá” bắt sạch.
Từ “sát thủ" cá phóng sinh
“Ngày rằm nào ghe của tui cũng được người ta thuê chở cá ra sông phóng sinh. Có người phóng sinh cả tấn cá. Nhưng cá vừa thả ra liền bị người ta dùng điện chích, vớt hết. Rồi họ lại đem cá ra chợ bán …’, bà Út, chủ ghe ở phường An Lợi Đông, quận 2, lắc đầu, nói.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Nhiều nguời thuê ghe chở cá ra sông Sài Gòn phóng sinh nhưng chúng đều bị dân chích điện bắt sạch. Ảnh: Nhật Tân.

Trước tình trạng trên, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản TP.HCM phải điều tàu thuỷ lớn cùng ca nô từ huyện Cần Giờ lên khu vực này, truy quét.

Trên khúc sông gần cầu Bình Lợi (Q. Bình Thạnh) đoàn kiểm tra đã thấy một nhóm thanh niên dùng xung điện chích cá. Phát hiện ca nô lao về phía mình, người thanh nhiên định ném bộ kích điện xuống nước phi tang nhưng lực lượng kiểm tra lập tức áp sát, khống chế.

Đoàn kiểm tra áp sát một chiếc ghe dùng xung điện bắt cá....

Bị bắt quả tang với tang vật rành rành, chàng thanh niên “xuống nước” năn nỉ, ỉ ôi rằng đây chỉ là lần đầu đi kiếm mồi nhậu … Song đoàn kiểm tra vẫn kiên quyết lập biên bản, tịch thu bình ắc quy, vợt chích điện.

“Nếu thấy họ năn nỉ tội nghiệp mình bỏ qua, lần sau họ lại đi chích cá tiếp. Nguy hiểm hơn là họ tưởng dùng điện chích là chuyện bình thường rồi ai cũng bắt chước làm theo thì làm sao còn con tôm con cá nào sống nổi. ” - đại uý Phan Đăng Khoa, bộ đội Biên phòng TP.HCM, thành viên đoàn kiểm tra, nói rắn.

và tịch thu toàn bộ đồ nghề. Ảnh: Nhật Tân.

Đến khu vực cầu Kinh (bán đảo Thanh Đa) đoàn kiểm tra lại bắt quả tang một nhóm thanh niên khác đang dùng xung điện bắt cá. Lần này, thủ phạm cũng “giở bài” tỉ tê rằng mình không biết chữ, không biết chuyện dùng điện chích cá là phạm pháp….

Sau khi giải thích cho những người này hiểu về những quy định đánh bắt cá, đoàn kiểm tra lập biên bản tịch thu toàn bộ đồ nghề.
... Đến “sát thủ hai càng” nơi cửa biển
Hôm sau, suốt cả buổi sáng phục kích ở khu vực sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP.HCM) nhưng đoàn kiểm tra chưa phát hiện được phương tiện nào dùng xung điện bắt cá.

“Dân đánh cá ở đây tinh lắm, họ có “ăng-ten” khắp nơi, hễ thấy có tàu kiểm tra là lặn ngay”, thuyền trường Nguyễn Thanh Phong, trưởng đoàn kiểm tra, nói.

Tàu của đoàn kiểm tra đang truy quét khu vực sông Soài Rạp. Ảnh: Nhật Tân.

Theo anh Phong, dân bắt cá trên sông Soài Rạp (sông lớn gần biển) thường dùng te điện để bắt cá theo kiểu lạm sát với số lượng lớn. Những ghe dùng te điện, phía trước có hai chiếc gọng lớn nên thường gọi là “sát thủ hai càng”.

Tôi hỏi về nguồn thuỷ sản ở khu vực này, anh Phong trầm tư: “Trước đây cá tôm nhiều lắm nhưng dân cứ đánh bắt kiểu tận diệt nên ngày càng ít … Đa số dân đánh cá ở đây lại đến từ Đồng Nai, Long An, Tiền Giang nên việc kết hợp với chính quyền địa phương để xử lý rất khó ”.

Trưa, khi mọi người đang ăn cơm bỗng một thành viên trong đoàn phát hiện từ xa có một chiếc ghe … "hai càng”.

Phát hiện "sát thủ hai càng" từ xa. Ảnh: Nhật Tân

Vừa trông thấy tàu của đoàn kiểm tra chiếc ghe này quay đầu chạy nhưng lậo tức bị ca nô lao của đoàn vượt theo “dẫn độ” về nơi nơi tàu hạ neo để xử lý.

Với vẻ mặt thảm não, chủ ghe nói, anh ta chỉ mới mua ghe được mấy hôm nên chưa rành các qui định và chỉ dùng te bắt cá, chứ không gắn xung điện.

Kiểm tra, thấy không có xung điện, đoàn kiểm chỉ lập biên bản, yêu cầu chủ ghe tháo chiếc te cá sai quy định (mắc lưới quá nhỏ) ra khỏi ghe.

Chiều tối, đoàn phát hiện giữa sông có 6 chiếc ghe đang chụm lại đóng đáy sai qui định (dùng lưới dày hơn qui định cho phép).

“Tụi em khổ quá nên mới dùng lưới này kiếm con cá con tôm sống qua ngày. Mấy anh đừng lập biên bản xử phạt mà tội nghiệp”, một anh dân chài, than thở.

Ca nô đưa chiếc ghe vi phạm về nơi xử lý. Ảnh: Nhật Tân.

Nhìn vẻ khốn khổ của những người dân chài, đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở, yêu cầu thu lưới và nhắc không được tái phạm.

“Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều về qui định đánh bắt cá. Họ cũng biết dùng điện, dùng dưới quá dày đánh bắt cá là sai, là tự đập bể nồi cơm của mình. Nhưng có thể do họ nghèo quá nên làm bậy”, một thành viên trong đoàn, chia sẻ.

Đêm xuống, tàu chạy về hướng biển tiếp tục cuộc truy kích nhưng không phát hiện thêm những trường hợp đánh cá sai qui định nào.

Theo kế hoạch, tháng sau, đoàn sẽ lại tiếp tục kiểm tra… Và câu chuyện về những người dân đánh cá theo kiểu tận diệt vẫn chưa có hồi kết…

Xin đừng thả rùa tai đỏ!
Ngay sau khi VietNamNet đăng bài “Sát thủ ở sông Sài Gòn”, thầy Thích Vĩnh Tường, đại diện chùa Diệu Pháp, (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đã dán thông báo: “Xin phật tử đừng phóng sinh rùa tai đỏ - loại rùa phá hoại môi trường".

Thầy Thích Vĩnh Tường cho biết, sẽ nhắc nhở và thông báo trong giới phật tử không nên thả cá lau kính ra sông Sài Gòn.

Trên bản thông báo của chùa Diệu Pháp, có vẽ hình rùa tai đỏ với chú thích "loại rùa có hai sọc đỏ trên đầu" để nguời dân nhận biết và không thả ra sông.

Ảnh: Thiếu Huyền


Theo ghi nhân của chúng tôi, đại diện chùa Diệu Pháp đã thuyết phục những người chuyên bán cá, rùa phóng sinh trước chùa không nên bán rùa tai đỏ và cá lau kính.

Như VietNamNet đã đề cập, do nằm tiếp giáp với sông Sài Gòn, chùa Diệu Pháp được nhiều người dân đến phóng sinh. Đặc biệt ngày rằm, mùng 1, lượng cá, rùa từ chùa thả xuống sông rất nhiều. Tuy nhiên, do không biết tác hại của rùa tai đỏ và cá lau kính nên nhiều người đã thả chúng ra sông.

Ngoài chùa Diệu Pháp, nhiều ngôi chùa trên địa bàn TP.HCM cũng có nhiều rùa tai đỏ do người khác mang đến để phóng sinh .

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết sẽ kết hợp với Chi cục Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM đến các chùa để khảo sát và tìm cách xử lý rùa tai đỏ.

“Trước mắt chúng tôi sẽ đề nghị các nhà chùa giữ lại toàn bộ rùa tai đỏ, không nên phóng sinh. Sau đó, sẽ thuyết phục các nhà chùa giao nộp rùa tai đỏ cho chúng tôi xử lý”- ông Cương nói.

Theo ông Cương, có thể thu gom và tiêu huỷ rùa tai đỏ để đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về tác hại của loài rùa sát thủ này.
Khó lường hết tác hại
Không chỉ ở TP.HCM, tại nhiều tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long, rùa tai đỏ và cá lau kính xuất hiện ngoài tự nhiên rất nhiều và đang đe doạ môi trường sinh thái

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo báo cáo mới đây của Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (QL&BVNLTS), cá lau kính và rùa tai đỏ xuất hiện nhiều ở khu vực kênh Phụng Hiệp, huyện Hồng Dân (vùng nước ngọt). Cá lau kính khi nuôi làm kiểng rất chậm lớn nhưng khi ra ngoài tự nhiên thì lớn rất nhanh, nhiều con có trọng lượng hơn gần cả kg.

Qua khảo sát của Chi cục QL&BVNLTS Bạc Liêu cho thấy, dọc theo các bờ sông ở huyện Hồng Dân, Giá Rai, Vĩnh Lợi … có rất nhiều cá lau kính làm hang sinh sống. Trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở những khu vực trên tăng cao và cá lau kính được xác định là “nghi phạm”.

Về rùa tai đỏ, Chi cục QL&BVNLTS Bạc Liêu chưa có đánh giá chính thức về tác hại của chúng ở địa phương này.

Dù được xác định là 1 trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới nhưng rùa tai đỏ vẫn được bày bán ở TP.HCM và các tỉnh ĐBCSL.

Tại Cần Thơ, theo khảo sát của Sở NN& PTNT TP này, tại các chợ và cơ sở cá kiểng hiện có nuôi và bày bán rùa tai đỏ. Qua khảo sát 3 chợ và 4 điểm bán cá kiểng đã phát hiện có bày bán 120 con rùa tai đỏ.

Chi cục Thuỷ sản Cần Thơ kiểm tra các cơ sở kinh doanh cá kiểng trê địa bàn TP. Cần Thơ và phát hiện các điểm này có bán rùa tai đỏ, nhưng bán theo hình thức đơn đặt hàng nên không xác định được số lượng.

Sở NN& PTNT TP. Cần Thơ cho biết, đã đề nghị UBND TP. Cần Thơ ra thông báo, khuyến cáo người dân không nuôi rùa tai đỏ trên toàn địa bàn TP.

TS Nguyễn Tuần, Viện nuôi trồng Thuỷ sản I cho rằng, trong tương lai khó có thể lường hết được tác hại của rùa tai đỏ và cá lau kính khi chúng sinh sản nhiều ở môi trường tự nhiên.
Chưa tái xuất 40 tấn rùa tai đỏ về Mỹ
Riêng vụ nhập 40 tấn rùa tai đỏ từ Mỹ về Vĩnh Long, ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết, Tổng cục thủy sản đã chính thức đưa ra thời hạn, hết tháng 8, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) phải tái xuất lô hàng rùa tai đỏ ra khỏi Việt Nam.

Hiện tại, 40 tấn rùa tai đỏ của Công ty Caseamex đang được tạm trữ tại Trung tâm giống và kỹ thuật Thủy sản của Công ty tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Khu vực đang tạm giữ 35 tấn rùa tai đỏ được bảo vệ chặt chẽ. Ảnh: Minh Tâm.

Đây là lô hàng được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam từ đầu tháng 4/2010 để làm thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi các nhà khoa học cảnh báo về hiểm họa của rùa tai đỏ, Tổng cục thủy sản đã yêu cầu phải tái xuất lô hàng này.

Ngày 10/8, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Võ Đông Đức, Giám đốc công ty Caseamex cho biết, trong hai tuần tới công ty sẽ tái xuất lần lượt 2 contener rùa tai đỏ trả về Mỹ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, số rùa tai đỏ đang tạm trữ ở Vĩnh Long hiện chỉ còn 35 tấn ( 5 tấn chết do quá trình vận chuyển). Tuy nhiên, hiện có một số cá thể rùa tai đỏ đã đẻ trứng, cho thấy khả năng thích nghi rất cao của loài rùa này. Do đó, khả năng phát triển quần đàn khi rùa tai đỏ phát tán ra ngoài tự nhiên là có thể. Ngoài ra, chúng còn có khả năng huỷ diệt, tạp giao với các loài rùa bản địa tạo ra thế hệ con lai chưa rõ đặc tính sinh học…

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2010, trên vùng ven biển Nam Bộ ( từ Bình Thuận đến Cà Mau) có 9 phương tiện dùng điện khai thác thuỷ sản, 8 phương tiện đánh bắt ở khu vực cấm bị phát hiện, xử lý. Ngoài ra còn có 4 phương tiện dùng mắc lưới đánh cá nhỏ hơn qui định.

Riêng tại TP.HCM, có 34 phương tiện dùng kích thước lưới nhỏ hơn qui định để bắt cá ở vùng biển huyện Cần Giờ.

  • Nhật Tân - Thiếu Huyền – Trung Liêu – Minh Tâm

Các tin khác