Bác sĩ: Nghèo thì khó giữ y đức?
– Trước những thông tin đa chiều, sôi nổi trên mặt báo về thu nhập của cán bộ y tế hiện nay, GS. Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cùng một số lãnh đạo trong ngành y, lãnh đạo các bệnh viện, các bác sỹ Trung ương và địa phương đã lên tiếng về vấn đề này.
VietNamNet xin giới thiệu chùm ý kiến dưới đây để độc giả có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về câu chuyện thu nhập của cán bộ y tế, về chế độ đãi ngộ đối với họ. Rộng hơn nữa là cách thức nhìn nhận và quản lý từ phía Nhà nước trước các vấn đề liên quan đến đời sống cán bộ công chức hiện nay.
>> Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá
>> Tâm sự của một bác sỹ chỉ sống bằng … lương
>> Nhìn bác sỹ kiếm tiền mà … thèm
>> Lạ kỳ chuyện bác sỹ cam phận nghèo giữa thủ đô
GS, Viện sỹ Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: Lương thấp nhưng đời sống cao là có cái gì đó không được minh bạch và thiếu nhân đạo
Có thể nói bức tranh về thu nhập của cán bộ ngành y tế hiện nay rất nhiều màu sắc: nơi rất cao, nơi rất thấp, trong cùng một nơi cũng có tình trạng này. Đặc biệt những nơi như TP HCM thì thu nhập của bác sỹ còn cao hơn nhiều so với Hà Nội.
Song cần nhìn nhận về cơ bản thì đãi ngộ chính thức của Nhà nước đối với ngành y là thấp toàn diện (từ lương hàng tháng đến tiền công mổ, tiền công làm thủ thuật, vv…). Thậm chí có nhiều chỗ quá thấp (như bệnh viện về lao, phong, tâm thần, …). Điều này nước ta bị ảnh hưởng từ Liên Xô, coi ngành y là ngành “công nghiệp nhẹ”.
"Nhưng không phải ai cũng có cách tăng thu chính đáng, hợp pháp. Chúng ta đã thấy báo chí nói về hoa hồng cho bác sỹ kê đơn thuốc (cũng hàng trăm triệu/tháng), tiền biếu xén, phong bì, quà cáp, rồi bao chuyện tiêu cực khác, vv… Đó là những cách tăng thu trái với y đức. Vì thế, khi thấy bác sỹ lương thấp nhưng có đời sống cao là dư luận thấy có cái gì đó không được minh bạch và thiếu nhân đạo. Đây không phải câu chuyện của riêng ngành y mà là câu chuyện xã hội" GS Phạm Song
Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, nơi nào có nguồn nhân lực trình độ cao sẽ thu hút được bệnh nhân đến khám. Vì thế, tiền Nhà nước cho 1 nhưng anh ta có thể làm cho nó nhân lên 3 lần, thậm chí 9, 10 lần. Khoản phúc lợi khá hơn này cán bộ y tế được hưởng. Nhưng cả lương, cả phúc lợi cũng vẫn chỉ là cơ bản. Cái chính là làm thêm bên ngoài.
Tôi có ông bạn hơn tôi 1 tuổi (GS Phạm Song năm nay 79 tuổi - PV) nhưng có uy tín cao, vẫn đi mổ các ca về phổi, rất nhiều tiền.
Các bác sỹ ở các vùng khó khăn (như Hà Giang, Cao Bằng, vv…) khó khăn thật nhưng không phải tất cả đều như vậy. Có nhiều người vẫn xuống Hà Nội học thêm để nâng cao tay nghề (hiện nay có rất nhiều học bổng) thì cơ hội làm thêm bên ngoài là vẫn có, và thu nhập của họ vẫn tăng. Trong bối cảnh lương mà Nhà nước trả cho cán bộ công chức thấp đều như nhau (không riêng gì ngành y) thì ai năng động hơn người đó sẽ sống khá hơn.
Theo quan điểm của tôi, Nhà nước có thể tính lương cơ bản cho công chức theo cách nào đó nhưng trong mặt bằng lương đó thì lương của ngành y phải được cao hơn. Họ xứng đáng được hưởng điều này bởi họ học hành vất vả, làm việc trong môi trường áp lực lớn, công việc ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng của con người. Đồng thời cần giáo dục y đức cho bác sỹ và nhất thiết phải xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp vi phạm y đức để làm gương.
TS Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Cần thiết phải giao quyền tự chủ cho các bệnh viện nhưng đừng để giống như VinaShin
Theo quan điểm của tôi thì trong giai đoạn hiện nay, đời sống bác sỹ nói riêng, cán bộ y tế nói chung còn nhiều khó khăn. Theo cơ chế hiện hành thì chúng ta vẫn cứ tăng lương theo kiểu bao cấp (cùng nhau tăng lên). Việc cào bằng thế này là rất dở.
Nhưng kiểm soát việc các bệnh viện tự chủ có đúng “quỹ đạo” hay không là cả một vấn đề.
Ta có chủ trương đúng, nhưng khi thực hiện cần phải quản rất chặt. Cũng tương tự như Vinashin. Là một tập đoàn Nhà nước, được đầu tư và được giao quyền tự chủ nhưng khâu quản lý không chặt dẫn đến thực tế: tập đoàn có nhiều quyền quá nhưng cơ quan quản lý lại không kiểm soát nổi, hệ quả tất yếu ai cũng đã thấy.
Ta thực hiện tự chủ trong các bệnh viện theo một chủ trương, nhưng mỗi nơi tự thực hiện một kiểu, công - tư đang rất nhập nhằng, người dân không biết thế nào cả. Thực hiện tự chủ nhưng đừng để lại giống như VinaShin. Tiến tới ngành y tế phải làm mọi thứ rõ ràng: Công ra công, tư ra tư. Như thế mới có thể vừa tăng thu cho bệnh viện (cũng là cho cán bộ y tế) nhưng lại hạn chế tiêu cực cho bệnh nhân.
Việc một số bác sỹ có thu nhập cao (hàng trăm triệu đồng/tháng), lớn hơn nhiều so với lương từ Nhà nước, phúc lợi từ bệnh viện là hoàn toàn có thật, nhất là những người “may mắn” làm về các chuyên khoa như tim mạch, tiểu đường, …
Tuy nhiên cần phải thấy đây chỉ là số ít. Tại Việt Nam, số cán bộ y tế công tác tại tuyến Trung ương chỉ chiếm khoảng 8%. 92% còn lại công tác tại tuyến tỉnh trở xuống và đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã thì tỷ lệ này rất lớn.
Ngay tại tuyến Trung ương cũng không phải ai cũng có cái “may mắn” là làm thêm để kiếm tiền, tăng thu nhập… Những người công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, nhiễm khuẩn hay làm việc tại các bệnh viện tâm thần, phong, lao… hầu như không có gì thêm ngoài lương chính theo ngạch bậc của Nhà nước.
Cho nên, nếu có vào những bệnh viện lớn nhất nhì cả nước (như bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn), nếu chúng ta có thấy vài chục cái ô tô của vài chục người xếp hàng trong bãi xe thì so với tổng số cán bộ, nhân viên bệnh viện (trên 1.200 người), số có xe hơi cũng không đáng là bao.
Vì thế, chúng ta phải đứng trên tổng thể mới có thể đánh giá được vấn đề một cách thấu đáo.
"Chúng ta phải đứng trên tổng thể mới có thể đánh giá được vấn đề một cách thấu đáo. Nếu người ta thu nhập cao, xứng đáng với công sức bỏ ra thì mấy chục ngàn của người dân người ta không bao giờ nhận", TS Lý Ngọc Kính |
Hiện nay, đa số cán bộ y tế có thu nhập thấp. Ta không so với nhu cầu đời sống (vì nhu cầu thì rất vô cùng) nhưng so với áp lực công việc của họ là sẽ thấy rõ điều này. Những người làm trong ngành y chịu một áp lực lớn: bệnh viện luôn quá tải, bác sỹ y tá làm việc liên tục nhưng không được sai sót. Đó là chưa kể muốn vào ngành phải trải qua một cuộc sát hạch rất gắt gao từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, sau đó là học suốt 6 năm (không thể vừa học vừa chơi), ra trường vẫn học nhiều nữa mới có thể khám chữa bệnh được, …
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyện tiêu cực đã nảy sinh trong ngành y (như báo chí đã phản ánh). Tuy số người tiêu cực không phải tất cả (chưa ai thống kê được con số này) nhưng thực tế đó khiến chúng ta không thể không quan tâm.
Việc “chạy sô” khám chữa bệnh ở các phòng khám bên ngoài, tôi cho rằng nó có nhiều cái lợi như: Giúp bác sỹ phát huy hết tay nghề, tạo ra sự cạnh tranh, tạo ra uy tín… Nhưng cái nguy cơ tiềm ẩn là nhiều bác sỹ vì lợi nhuận nên coi việc làm thêm là chính mà quên đi (hoặc xao nhãng, hoặc làm cho xong) nhiệm vụ chính của mình ở các bệnh viện nơi họ đang công tác.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: “Đâm lao thì phải theo lao”
Tôi không nhận xét gì về thu nhập và đời sống của cán bộ y tế nói chung hiện nay, hoặc tại bệnh viện của tôi. Tôi chỉ có thể nói một câu: Đời sống của cán bộ y tế bệnh viện tôi rất chật vật.
Tôi cũng không đánh giá thế nào về việc làm thêm để tăng thu của các bác sỹ hiện nay. Đã đâm lao thì phải theo lao thôi!
TS, Bác sỹ Nguyễn Viết Hùng, Trưởng khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai: Tôi nghĩ người dân sẽ ủng hộ việc tăng lương cho ngành y
Bác sỹ giỏi làm được mấy chục triệu, thậm chí mấy trăm triệu/tháng một cách chính đáng thì tôi cho là xứng đáng. Chúng ta nhìn thấy số tiền lớn thật nhưng không thể hình dung họ phải làm việc với cường độ và trách nhiệm lớn thế nào đâu (trong ngành y, làm không tốt là hậu quả thấy ngay lập tức).
Nhưng không phải bác sỹ nào, chuyên khoa nào cũng làm thêm được. Vì thế, để cán bộ y tế yên tâm làm việc, tôi nghĩ nên tăng lương cho họ lên mức gấp đôi hiện nay và tôi cho rằng người dân sẽ ủng hộ việc này (ngành y là một ngành đặc biệt). Nhưng đồng thời với việc này là cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm và ý thức về nghề nghiệp.
Ông Hoàng Minh Hào, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương – Tiền công, Bộ Lao động Thương binh Xã hội: Lương Nhà nước thấp thì đúng rồi, nhưng …
Lương thấp thì đúng rồi, không riêng gì công chức ngành y mà công chức các ngành khác cũng vậy. Nhưng chuyên môn nào thì “ăn theo” chuyên môn đó thôi. Ví dụ giáo viên đảm bảo đủ giờ dạy, đủ các định mức đặt ra thì họ cũng có thể làm thêm bên ngoài (tất nhiên không phải môn nào cũng được như thế). Tuy nhiên, nếu họ làm công việc chính không hết trách nhiệm của mình mà chỉ tập trung làm thêm hoặc đùn đẩy công việc thì đúng là không được.
Có những bác sỹ có thu nhập thực tế cao thật nhưng vẫn kêu với mọi người là khó khăn do lương thấp. Chuyện họ kêu thì cứ kêu thôi, còn người thu nhập cao hay thấp làm sao giấu được mọi người xung quanh.
-
Cẩm Quyên (Thực hiện)