Đề án 112: Chịu đau đớn để không mất mát
(VietNamNet) - "Ngừng triển khai thực hiện đề án 112 là một hành động dũng cảm cho thấy rằng cần phải thẩm định lại ngay cả những quyết định của mình, chịu đau đớn để không gây mất mát, lãng phí...".
Các sản phẩm của Đề án 112 được trưng bày trong buổi lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án 112 ngày 9/9/2005 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Hầu hết chỉ là các loại tài liệu, phần lớn tự in và photo, đóng bìa nhựa trong tương tự bài tiểu luận của sinh viên ĐH... (Ảnh: B.M).
"Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước" là một viễn cảnh tốt đẹp trong lộ trình cải cách hành chính. Một phần mềm hiện đại thay cho những giao dịch cá nhân sẽ giảm thiểu tối đa nhũng nhiễu và minh bạch hóa hệ thống. Chính vì thế, như nhiều chuyên gia đã nhận xét, mục tiêu của đề án 112 (Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước) không phải là một ý tưởng tồi. Nhưng nó đã phải chấm dứt khi vừa đi hết giai đoạn một, với không ít những lời cảnh tỉnh chua xót về sự lãng phí, bất cập ngay từ khi đề án chưa triển khai...
"Ta thường để sai đến vô phương mới chịu hoãn lại, nên những bài báo sau đó thường rất chua xót", PGS.TS Trần Đình Thiên nói. Vì thế, theo ông Thiên, việc đề án 112 dừng lại đúng lúc là một việc làm dũng cảm. Nhưng cũng từ đó có thể dễ dàng hình dung ra bước đi của những đề án, dự án thành công...
"Để một ý tưởng tốt có thể bước đi"...
Trên diễn đàn Quốc hội cũng như các phương tiện truyền thông, đã có không ít những tranh luận về nhiều dự án không khả thi nhưng vẫn đang thực hiện. "Việc chấm dứt đề án 112 buộc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn bộ quy trình và bước đi của một dự án", ông Trần Đình Thiên cho biết.
"Tôi tin, nhiều đề án và dự án lớn đã không được thiết kế một cách tâm huyết và phê duyệt nghiêm túc bởi những người có tâm huyết. Hầu hết những đề án như đề án 112 đều lấy danh nghĩa khoa học để làm nhưng không chấp nhận những chuẩn mực quốc tế của khoa học. Tôi biết, nhiều dự án đã nghiệm thu mà vẫn "lọt lưới". (Ông Phạm Duy Hiển). |
Theo ông, sở dĩ, vẫn tồn tại những dự án không phục vụ cho mục tiêu phát triển chung là bởi "cơ chế phân phối dự án của chúng ta vẫn là cơ chế quân bình, không dựa trên lợi ích thực thụ". Chính kiểu phân phối "tỉnh X có cầu, tỉnh Y phải có cảng, đường xá"... đã cho thấy trước những thất bại. Trong khi, lẽ ra, cần tập trung và xác lập ưu tiên.
Cũng theo ông Thiên, toàn bộ quy trình dự án đã có vấn đề ngay từ khâu đầu tiên. "Chúng ta duyệt dự án không dựa trên những luận cứ khoa học, không dựa trên nguyên tắc công khai để cạnh tranh cũng như những phản biện xã hội". Trong khi đó, cơ chế giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực thi dự án phải là một việc làm thường xuyên và phải trở thành cơ chế tự động, công khai, minh bạch.
Cũng theo ông Thiên, để có những dự án hiệu quả, cần phải có điều khoản cam kết về chế tài. Ai làm sai, ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề gì? Có phân định rõ từng khâu như thế mới không có những bài báo đau lòng về đại công trường Hà Giang, về tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như những tranh cãi về đề án 112 lâu nay.
"Dừng đề án là một quyết định dũng cảm"
"Đề án 112 thất bại do 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do quy trình, thủ tục (cốt lõi của cải cách hành chính) chứ không phải công nghệ. Mà cái tên đề án "Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước" đã sai từ cốt lõi. Bởi, không thể tin học hóa một nền hành chính cũ. Thứ hai, do chưa có kỹ năng về tổ chức và quản lý dự án. Người đứng đầu (Thủ tướng) lẽ ra phải sở hữu, làm chủ dự án. Nơi nào mà ngừơi cao nhất không làm như vậy thì dự án luôn thất bại, đó là bài học tin học hóa suốt từ năm 1960 đến nay. Theo đề xuất của tôi, hậu 112 phải khắc phục được hai nguyên nhân trên". (Ông Nguyễn Quang A). |
Chính vì thế, "việc dừng lại đề án 112 là một quyết định dũng cảm, đứng trên lợi ích chung của số đông mặc dù có thể làm tổn hại uy tín một thiểu số", ông Trần Đình Thiên nói. Bởi, theo ông, thông thường rất khó để từ chối và chưa có nhiều tiền lệ chấm dứt các dự án lớn. Nhưng Thủ tướng đã từ chối được. Và đây có thể là một tín hiệu tốt đẹp mở đầu cho những việc làm tiếp theo, rằng, những gì không đảm bảo lợi ích chung cho đất nước thì phải kiểm tra để dừng lại và có biện pháp để không lặp lại những sai lầm tương tự.
Tất nhiên, một cơ chế chặt chẽ trong quy trình thực hiện dự án mới là bước đi bền vững thay vì ý chí và quyết tâm của riêng Thủ tướng nhằm sửa lại những việc đã rồi. Bởi, không phải hễ việc gì cũng "gửi lên Thủ tướng" để can thiệp.
Tuy nhiên, tiếp theo sự mạnh dạn này, dư luận trông đợi những hành động triệt để và kiên quyết tiếp theo, ông Trần Đức Nguyên, nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết. Theo ông, lâu nay cứ có những việc làm không hiệu quả là kiểm điểm, đình chỉ... nhưng không thấy xử lý những cá nhân liên quan.
Tất nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự dũng cảm.
"Không thể đóng khung trong các chỉ tiêu"
Nhưng chấm dứt đề án 112 không chỉ là câu chuyện riêng của "tin học hóa". Theo ông Trần Đình Thiên thì lâu nay chúng ta vốn đã bị đóng cứng vào những mục tiêu có sẵn. "Hai tuyến khiếm khuyết chính đó là những chỉ tiêu thông qua không điều chỉnh và những dự án lớn tuy sai, không hiệu quả nhưng cũng không được điều chỉnh".
"Tôi đã từng đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN về việc, hãy xem xét, đánh giá lại những đề án, dự án bạc tỷ được phê duyệt trong thời gian từ năm 2002 - 2003 trở về trước (những dự án đã có thời gian dài thử thách kiểm chứng) để đưa ra kết luận về hiệu quả cuối cùng. Kết quả, dù hay dở thế nào có thể không công bố rộng rãi nhưng vẫn phải trình lên ông Bộ trưởng và Thủ tướng". (Ông Phạm Duy Hiển). |
Lý giải sâu hơn, ông Thiên nói, "trong nền kinh tế thị trường, mọi sự phát triển đều dựa trên những biến động của tình hình thế giới. Vậy nên, các chỉ số phát triển đề ra vào thời điểm hiện tại sẽ chỉ là các chỉ số gợi ý chứ không thể là các chỉ số bắt buộc. Cần thay đổi quán tính đặt ra các chỉ tiêu bắt buộc".
"Đây là một cách hành xử sai, xuất phát từ cái gốc là căn bệnh thành tích, phục tùng mệnh lệnh cấp trên", ông Thiên lý giải tiếp. "Vào kinh tế thị trường, nhiều thứ không thể khống chế nên lạm phát khó kiểm soát được hết, tất nhiên có thể can thiệp. Vậy nên, cần cân nhắc sự can thiệp thế nào để có lợi cho nền kinh tế".
Ông Thiên cũng đề xuất, cần phải thường xuyên kiểm tra lại các chỉ tiêu đã đề ra, kiểm tra các điều kiện để thực hiện và kiểm tra lại năng lực để kịp điều chỉnh và tìm phương án thay thế.
Và như thế, "ngừng triển khai thực hiện đề án 112 là một việc làm tốt, đúng đắn cho thấy rằng cần phải thẩm định lại ngay cả những quyết định của mình, chịu đau đớn để không gây mất mát, lãng phí...", ông Thiên kết luận.
-
Lê Nhung
Ý kiến của bạn: