11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào?
11:21' 16/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - “Chỉ những công trình thuộc năm tiêu chí: nằm trong kế hoạch, thuộc vốn ngân sách nhà nước được duyệt, nợ từ năm 2000 đến 2002, không vượt quá dự toán và đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả thì mới được ngân sách Trung ương hỗ trợ để xử lý nợ”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trương Văn Đoan đã khẳng định như vậy với phóng viên VietNamNet.          

Nhiều địa phương tiếp tục “treo nợ”, đầu tư xây dựng công trình mới

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, vừa rồi Uỷ ban này đã cử một số đoàn đi giám sát, nhiều địa phương “phớt lờ” nghị quyết của QH, tiếp tục “treo nợ” XDCB lại để đầu tư xây dựng công trình mới. Tình trạng này, nếu không chấm dứt, thì các công trình xây dựng dở dang, không hiệu quả sẽ tiếp tục mọc lên, số nợ XDCB sẽ tiếp tục chồng chất. Trao đổi với VietNamNet, ông Trương Văn Đoan cho biết: "Tại hội nghị về chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng còn những địa phương đầu tư xây dựng dàn trải, không tập trung nhưng vẫn tiếp tục xây dựng những công trình mới. Chúng tôi đã cảnh báo và nhắc nhở, nếu địa phương nào vẫn cố tình tiếp tục thì Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm".

Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng ''treo nợ'' XDCB lại để đầu tư xây dựng công trình mới khiến nhiều công trình bị dở dang. Ảnh: T.T

Ông Đoan cho biết: "Sau khi đưa ra năm tiêu chí trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại. Kết quả là chỉ có khoảng 5.577 tỷ đồng, trong tổng số 11.500 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc năm dạng trên. Trong đó có hai bộ có số nợ lớn là Bộ Giao thông vận tải: 1.213 tỷ đồng và Bộ NN&PTNT: 888 tỷ đồng. Số nợ còn lại nằm rải rác ở các địa phương mà chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Số nợ trên sẽ được các bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2004, theo hướng, địa phương có nợ đọng phải dành phần ngân sách được phân bổ của những năm tiếp theo để trả là chủ yếu. Trên tinh thần lọc ra những dự án, công trình nằm trong những tiêu chí trên và đích thực là đang được sử dụng có hiệu quả thì có thể Trung ương sẽ dành ra một nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ địa phương trả nợ. Số nợ còn lại gần 6.000 tỷ đồng không thuộc năm tiêu chí trên mà thuộc đơn vị, địa phương nào thì cơ quan đó phải tự xử lý".          

Để thực hiện Nghị quyết của QH là phải xử lý dứt điểm nợ XDCB trong năm 2004. Chính phủ sẽ dành khoảng 705,8 tỷ đồng từ nguồn thu vượt dự toán năm 2003 để hỗ trợ cho những công trình thuộc năm đối tượng đã phân loại. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Dương Thu Hương cho rằng, đường hướng xử lý nợ XDCB mà Chính phủ đưa ra khó có thể xử lý gọn trong năm 2004 mà Nghị quyết của QH đã đặt ra. Vì qua khảo sát, ngân sách các địa phương chỉ xử lý được khoảng 30% tổng số nợ XDCB. Ví dụ, tỉnh Hải Dương nợ khoảng 200 tỷ, nhưng ngân sách chỉ bố trí được 60 tỷ để trả nợ, hay như Thanh Hoá nợ khoảng 500 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bố trí đựơc vài chục tỷ… Bà Hương nói: "Chúng ta cứ đổ dồn trách nhiệm việc trả nợ XDCB cho địa phương cũng chưa đúng, vì thực tế có nhiều công trình không phải địa phương tự làm mà đã được Trung ương đồng ý. Ví dụ như cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá), Trung ương đồng ý, địa phương vay cả trăm tỷ của kho bạc làm, nay vốn Trung ương không bố trí được nên phải nợ. Nhưng trong nguồn cấp bổ sung trả nợ, Trung ương chỉ cấp có 20 tỷ làm sao trả hết được? Trong khi đó, những công trình SEA Games đang bị “tai tiếng”, thanh tra nhà nước đang thanh tra thì lại được bố trí 129,2 tỷ đồng. “Chúng ta không nên bổ sung vốn trả nợ cho các công trình đang có dư luận tiêu cực đó, việc cấp bổ sung nên để sau khi có kết luận thanh tra mới quyết định”, bà Dương Thu Hương nói thêm.

  • Hà Linh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ bị bỏ rơi do giá thép cao (11/03/2004)
Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị (10/03/2004)
Hải quan sẽ bị giám sát bằng camera (10/03/2004)
Nghiêm cấm dùng thưởng cho DN có thành tích đóng thuế (09/03/2004)
DN Việt Nam hãy nhanh chân đối với thị trường láng giềng (08/03/2004)
Tuyến xe lửa nằm giữa tim xa lộ Hà Nội (06/03/2004)
Xuất khẩu dệt may và thủy sản giảm (03/03/2004)
Năm 2004: Việt Nam sẽ sử dụng phần mềm có bản quyền? (03/03/2004)
150ha đất và 43.000m² nhà xưởng cần cho DN thuê (03/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang