|
Tỷ lệ thất thoát điện ở Việt Nam hiện là 11% |
Trong Chỉ thị ban hành hồi tháng 4 về giải pháp giúp DN nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến các giải pháp giảm chi phí đầu vào cho DN. Nhưng liệu chi phí sẽ giảm được bao nhiêu khi một số dịch vụ quan trọng đã được bật đèn xanh cho tăng giá?
Đã thành thông lệ, cứ mỗi năm một lần Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lại tăng giá bán điện. Tháng 10 năm ngoái, EVN đã tăng giá bán lẻ điện lên bình quân 13%, và giá điện vẫn chưa ngưng tăng. Chính phủ đã bật đèn xanh cho EVN tiếp tục tăng giá từ mức bình quân 5,5 xu Mỹ/kwh hiện nay lên 7 xu Mỹ/kwh vào năm 2005.
Đây là điều không DN nào mong đợi. Tăng giá điện sẽ làm chi phí đầu vào của các công ty tăng theo, nhất là những ngành sử dụng nhiều điện như: thép, hóa chất, giấy... Các DN ngành nhựa cho biết, nếu giá bán điện bình quân tăng lên 7 xu Mỹ/kwh (khoảng 1.100 đồng/kwh) thì giá lưới điện lưới quốc giá Việt Nam sẽ tương đương giá thành điện sản xuất từ máy phát chạy bằng dầu diesel. Họ cho rằng, với giá cao như vậy, những DN tiêu thụ nhiều điện sẽ đầu tư mua máy phát điện chạy bằng diesel để tự đáp ứng nhu cầu điện, vì có lợi hơn. Nhưng đó là điều chẳng đặng đừng. Giá điện lưới lên tương đương điện chạy máy phát diesel làm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam giảm sút. Ở các quốc gia trong khu vực, giá điện lưới thường thấp hơn so với giá điện sản xuất từ máy phát điện chạy bằng diesel.
Không chỉ có điện, giá nhiều loại dịch vụ đầu vào khác của DN ở Việt Nam, như cước phí hàng không, giá cước máy... cũng đang có chiều hướng tăng. Hiện các công ty cung cấp dịch vụ đang thực hiện lộ trình điều hòa giá. Theo lộ trình này, giá dịch vụ dành cho DN trong nước sẽ tăng dần, còn giá áp dụng cho người nước ngoài và đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm, để tiến tới áp dụng một giá cho tất cả các DN.
Vì sao cao?
DN than phiền phải mua dịch vụ đầu vào với giá quá cao, trong khi các công ty cung cấp dịch vụ lại cho rằng giá bán của họ vẫn chưa đủ bù đắp chi phí và tái đầu tư. Ví dụ như giá nước máy. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, chi phí sản xuất một mét khối nước ở TP.HCM và Hà Nội khoảng 0,25 USD, nhưng giá bán bình quân chỉ khoảng 0,13 USD. Do đâu có mâu thuẫn này?
Nguyên nhân quan trọng là Việt Nam vẫn còn thực hiện chế độ bao cấp đối với những dịch vụ thiết yếu. Ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc EVN, cho biết EVN phải bán đến 48% sản lượng điện dưới giá thành cho khu vực nông nghiệp và cho các gia đình để thắp sáng, sinh hoạt. Trong ngành cấp nước, tỷ lệ được bao cấp đến 40% (theo Bộ Xây dựng), và tình hình này cũng đang diễn ra trong ngành bưu chính - viễn thông và hàng không.
Nhưng Nhà nước không dùng ngân sách để bù lỗ cho các đối tượng được bao cấp. Các công ty cung ứng dịch vụ phải áp dụng chính sách "bù giá chéo" để bù lỗ cho đối tượng này. Nghĩa là thu của doanh nghiệp với giá cao để lấy tiền bù cho phần hàng hóa dịch vụ phải bán dưới giá thành. Như vậy, doanh nghiệp phải chịu bao cấp cho các đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác mà lẽ ra việc này Nhà nước phải làm.
Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu và cũ làm tăng tỷ lệ thất thoát điện, nước góp phần làm tăng giá thành dịch vụ. Hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch của Việt Nam lên đến 40%, còn điện bị thất thoát trên 11%. Chẳng hạn như trong ngành điện, mặc dù EVN bán điện cho đồng hồ tổng ở nông thôn chỉ có 360 đồng/kwh, nhưng người dân ở khu vực này vẫn phải trả trên dưới 1.000 đồng/kwh chỉ vì lượng điện bị tổn thất quá lớn.
Hệ thống cầu đường bộ yếu và việc thiếu các cảng nước sâu cho tàu lớn vào xếp dỡ hàng, khiến các DN không thể đưa phương tiện chuyên chở công suất lớn vào khai thác, hoặc có phương tiện lớn nhưng cũng không thể khai thác hết công suất. Chi phí cũng tăng lên vì phải sử dụng phương tiện chuyên chở nhỏ.
Hiện Việt Nam đang khuyến khích các DN đầu tư vào ngành cầu đường, xây nhà máy điện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, hầu hết những dự án này cho đến nay do các chủ đầu tư tự lập dự án, tự đầu tư mà không thông qua đấu thầu. Do đó, chi phí đầu tư ban đầu của các dự án thường cao, dẫn đến giá dịch vụ tăng theo.
Ngoài những yếu tố trên, bộ máy quản lý kém hiệu quả của các công ty cung cấp dịch vụ, nhất là những dịch vụ còn độc quyền, và tình trạng tiêu cực trong bộ máy công quyền cũng góp phần làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Nhà nước có thể giúp DN giảm chi phí
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, trước hết Nhà nước cần bỏ chính sách bù giá chéo đối với những dịch vụ quan trọng. Nếu loại dịch vụ nào Nhà nước thấy cần tiếp tục bao cấp cho một số đối tượng, nên dùng ngân sách để giải quyết và không nên bắt doanh nghiệp tiếp tục gánh chịu phần bao cấp này.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xóa bỏ độc quyền, bỏ chế độ quản lý giá trong một số ngành để các DN tự do cạnh tranh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tự do cạnh tranh sẽ buộc DN phải hạ giá thành sản phẩm của mình.
(Theo TBKTSG)
|