(VietNamNet) - Cuộc gặp giữa năm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã bị hoãn đến quý I/2004. Lý do khiến cuộc gặp chậm lại là vì Bộ trưởng Thương mại mới của Thái Lan muốn có thời gian để ổn định công việc.
|
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo. |
Hãng Reuters trích lời một quan chức Việt Nam cho biết như vậy.
Trước đó, ông Wattana Muangsook, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan đã có đề nghị về một cuộc gặp giữa 5 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong 27-28/11 tại Hà Nội. Năm quốc gia này hiện chiếm tới 75% giao dịch gạo thế giới, với khoảng 26-27 triệu tấn/năm.
Năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo. Tính chung 11 tháng, cả nước đã xuất được 3,885 triệu tấn gạo, trị giá 729 triệu USD.
Ngoài việc khôi phục được các thị trường cũ, xuất khẩu gạo sang châu Phi của Việt Nam đã tăng gấp đôi năm 2002. Trong tổng số 3,885 triệu tấn gạo mà Việt Nam đã xuất được, riêng thị trường châu Phi đã chiếm gần 700.000 tấn (có thể cả năm sẽ đạt khoảng 800.000 tấn). Năm 2002 xuất sang thị trường này 350.000 tấn. Đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng trong những năm tới.
Theo Bộ Thương mại, dự kiến trong tháng 12, Việt Nam chỉ xuất được 100.000-120.000 tấn gạo do nguồn cung khan hiếm. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu tại châu Á gần như không thay đổi. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán 200-204 USD/tấn FOB cảng Sài Gòn, trong khi gạo 25% tấm giá 187-189 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu cho rằng, giá gạo lên quá cao đã làm giảm tính hấp dẫn của gạo Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu.
Công ty Lương thực Tiền Giang vừa thắng thầu 1 lô trong đợt đấu thầu lần thứ 3 mua 4 lô gạo của Chính phủ Nhật. Đến 1/2004, công ty sẽ giao 5.000 tấn gạo hạt dài, loại 15% tấm tại cảng TP.HCM. Đây là lô gạo thứ 16 Tiền Giang thắng thầu xuất sang Nhật trong những năm qua. |
|