(VietNamNet) - Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu như vậy tại Hội nghị toàn quốc của ngành tài chính diễn ra trong hai ngày 1-2/12 tại Hà Nội.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải trò chuyện với các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tài chính ngày 1/12. |
Các DN nhà nước nắm giữ nguồn vốn và tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất và kinh doanh lại rất thấp, do đó cần được đổi mới mạnh mẽ. Nếu như DN không thuộc lĩnh vực nhà nước cần nắm, kiểm soát thì sẽ cổ phần hoá hết. Ngay cả những lĩnh vực trọng yếu hiện nay như dầu khí, viễn thông, điện lực cũng có thể được cổ phần hoá.
Thủ tướng dẫn chứng: ''Trung Quốc bán cổ phần Nhà máy Thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới (2,5 tỷ USD), mấy hôm đã thu về 30% tổng vốn đầu tư''.
Hiện nay tại nhiều địa phương, các DN nhà nước được đưa ra cổ phần hoá lại là các DN thua lỗ, DN làm ăn có lãi thì không cổ phần hoá. Điều này làm tiến trình cổ phần hoá không tiến triển. Bên cạnh đó, còn tồn tại việc tiếp tục bù lỗ, giãn nợ đối với các DN nhà nước làm ăn thua lỗ. ''Tình trạng này trong năm tới sẽ không thể tiếp diễn'' - Thủ tướng nói
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đề ra mục tiêu trong năm tới cần chấm dứt tình trạng phân bổ nguồn vốn đầu tư dàn trải và phân tán. Đồng thời, cần chấm dứt việc chi tiêu quá định mức, lãng phí thất thoát nguồn vốn đầu tư, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp. ''Phải ưu tiên đầu tư theo hàng dọc, xác định cái gì trước, cái gì sau chứ không thể dàn hàng ngang như hiện nay''.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, năm 2003, thu ngân sách Nhà nước vượt 7,1% so với dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2002, đạt tỷ lệ động viên 21,7% so với GDP. Năm 2004 ngành tài chính đề ra mục tiêu tăng thu nội địa lên 60-65% tổng thu ngân sách và đạt tốc độ tăng thu đạt trên 16%/năm. Đây là xu hướng cần làm để bảo đảm cân đối tài chính khi thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính là phải tiếp tục tập trung cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên chi đầu tư phát triển, tập trung mạnh hơn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các cơ sở giáo dục, khoa học công nghệ. Ngân sách năm 2004 sẽ ưu tiên bố trí 17,1% tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo và dạy nghề. Lĩnh vực y tế được ưu tiên tăng chi 10,9% và văn hoá thông tin được tăng chi 17,2%...
|