Môi trường kinh doanh ở Việt Nam:
Tiến bộ nhiều, nhưng tồn tại không ít…
12:14' 02/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dường như đây là cảm nhận chung của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ Việt Nam (CG).

Các đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thảo luận về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì trong những năm vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp trước thềm Hội nghị CG có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nơi để các doanh nghiệp đề đạt ý kiến, băn khoăn của mình với Chính phủ. Trên thực tế, những kiến nghị của các doanh nghiệp đã được Chính phủ xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như trong tổ chức, thực hiện các chính sách kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam. Chẳng hạn, tại diễn đàn những năm trước, các doanh nghiệp đều có ý kiến mạnh mẽ về việc thực hiện triệt để Luật doanh nghiệp, sửa đổi luật đất đai, cải cách các thủ tục hành chính hay là kiến nghị về thu hẹp khoảng cách về mặt chính sách giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 

Theo ông Lộc, trong thời gian tới, bên cạnh việc xử lý vấn đề cụ thể của nền kinh tế các doanh nghiệp, chúng ta vẫn phải bám chắc vào định hướng cơ bản của cải cách thể chế với 3 nội dung: xây dựng và tạo lập đồng bộ các thị trường nhân tố ở Việt Nam; tiếp tục xoá bỏ chế độ chủ quản, cơ chế xin cho, bao cấp doanh nghiệp (trong quá trình xử lý các vấn đề cụ thể ví dụ phi chủ quản hoá các  doanh nghiệp nhà nước, mặc dù các bộ ngành đã thực hiện tương đối tốt nhưng ở nơi này hay nơi khác vẫn có hiện tượng quay trở lại của các biện pháp chủ quản, bao cấp và bất bình đẳng); tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Muốn gia nhập WTO vào năm 2005, chắc chắn chúng ta phải gia tốc nhanh hơn.

 

Ông Makus Conaro, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho biết: Diễn đàn đã cho thấy một loạt bước tiến của chính phủ trong lĩnh vực xây dựng luật lệ cũng như các chính sách liên quan đến kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề quan tâm chưa được giải quyết, chẳng hạn như khoảng cách ưu đãi về chính sách giữa khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, còn một số hạn chế về đầu tư trong một số lĩnh vực được bảo hộ. Đối với vấn đề thực thi luật, chúng ta vẫn phải chờ đợi kết quả của một số luật vừa mới được Quốc hội thông qua, chẳng hạn như Luật Cạnh tranh.

 

''Điều quan trọng nhất mà chính phủ cần lưu ý trong thời gian tới, theo tôi là làm sao đẩy nhanh tốc độ đàm phán gia nhập WTO và cần có một cái nhìn tổng thể đối với toàn bộ khu vực tài chính, đặc biệt là vấn đề cải tổ cơ cấu'', ông Conaro nói.

 

Còn Bà Cao Minh Trúc, Hiệp hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội lại nhận xét: Bên cạnh những ưu đãi cho các doanh nghiệp, tôi thấy vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải xem xét. Chẳng hạn như các quy định của Bộ luật Lao động còn nhiều bất cập, mang tính hành chính với nhiều thủ tục thiếu thực tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng. Cụ thể như chế độ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương theo Điều 182 Bộ luật Lao động sửa đổi là thiếu khả thi. Doanh nghiệp phải làm quá nhiều báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan khác nhau, nên chăng chính phủ quy định rõ một cơ quan duy nhất quản lý vấn đề này và doanh nghiệp chỉ làm một báo cáo. Hiện nay cũng chưa có luật hoặc quy định cụ thể nào về bảo mật thông tin kinh doanh, bí mật công nghệ nên khi người lao động vi phạm thì không có căn cứ để quy lỗi, kể cả tòa án cũng khó mà tính mức thiệt hại để quy trách nhiệm bồi thường. Tôi cũng muốn nói thêm về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Rõ ràng những hình thức hỗ trợ theo mô hình "vườn ươm doanh nghiệp" vẫn chỉ là điều các doanh nghiệp mơ ước. Rồi mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh vẫn luôn là rào cản lớn nhất.

 

Trong một phân tích khác ông Terence Anderson, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam khẳng định: Chúng tôi vui mừng trước những tiến bộ đạt được. Hiện nay, đầu tư nước ngoài trên thế giới ngày càng khan hiếm, cho nên dĩ nhiên những nước có tính pháp quyền và minh bạch cao sẽ trở thành điểm đến của đầu tư. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đi được một bước đường dài nhưng vẫn chưa đủ. Các doanh nghiệp tài chính, kiểm toán phải có điều kiện, môi trường hoạt động phù hợp. Mặt khác là vấn đề thông tin về vốn, pháp lý cho các doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam phải làm sao cải thiện hơn nữa vị trí xếp hạng trên thế giới, giảm tỷ lệ ODA/FDI xuống thấp, thậm chí chỉ còn 1/10

  • V.Lâm (ghi)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2003 (01/12/2003)
Bức bối vi phạm hành lang bảo vệ công trình xăng dầu (28/11/2003)
Xuất khẩu đã đạt 99% kế hoạch năm (28/11/2003)
Khai mạc Triển lãm CNTT và Lễ hội phần mềm VN lần 2 (27/11/2003)
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu (27/11/2003)
Nông dân được miễn thuế sử dụng đất trong hạn mức (27/11/2003)
Sẽ có nhiều ưu đãi đầu tư vào hạ tầng nông thôn (26/11/2003)
Miễn thuế hàng dưới 500.000 đồng nhập từ Lào, Campuchia, Trung Quốc (26/11/2003)
Trên 1.000 tỷ đồng sẽ được "bơm" vào Hà Tĩnh (26/11/2003)
Hạ Long sẽ là thành phố công nghiệp vào năm 2020 (25/11/2003)
Hải quan dành khu vực riêng đón khách SEA Games (25/11/2003)
Thủy sản xuất sang Trung Quốc mới ở dạng nhỏ lẻ (24/11/2003)
Sẽ có hải quan chuyên trách chống buôn lậu (24/11/2003)
Phát hiện nguồn dầu khí mới ở mỏ Sư Tử Trắng (22/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang