(VietNamNet) - Hiện nay trên cả nước có 890 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình xăng dầu. Theo nhận định của Bộ Thương mại, thực trạng này đang ngày càng tăng và nếu gặp rủi ro thì hậu quả sẽ khôn lường.
|
Tàu chở dầu đang vận chuyển dầu vào đất liền. |
Đây là kết quả được Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Như Đính đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện nghị định 10 - CP của Thủ tướng Chính phủ về Bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu vừa diễn ra tại Hà Nội.
Công trình xây dựng và xăng dầu đang dẫm chân nhau
Tính đến năm 2003, Việt Nam có hơn 90 kho xăng dầu với tổng sức chứa gần 1,8 triệu m3-tấn, gần 60 cảng xuất - nhập xăng dầu đường biển và đường sông, hàng trăm kilômet đường ống. Các công trình này được bố trí ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chúng không chỉ là những mạch máu của nền kinh tế quốc dân mà còn đáp ứng nhiệm vụ an ninh quốc phòng đất nước. Quan trọng nhất là các kho - cảng đầu mối tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu... do Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và một số công ty xăng dầu khác quản lý vận hành.
Trong khi đó, xu hướng hình thành, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, thị trấn, thị tứ mới, nhu cầu xây dựng và mở rộng đường giao thông... ngày một cao. Hệ quả là vi phạm hành lang bảo vệ công trình xăng dầu gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn.
Những nguy cơ cụ thể
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực V (Đà Nẵng) cho biết: ''Từ 10 năm nay, hệ thống kho cảng xăng dầu của Công ty Xăng dầu KV5 bị đặt trong tình trạng phải di dời theo quy hoạch phát triển của Đà Nẵng, công ty rất bị động không thể đẩy mạnh công tác đầu tư hiện đại hoá, tự động hoá nhằm nâng cao độ an toàn và ổn định, các công trình xăng dầu đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra sự cố ngày càng cao''
Công ty Xăng dầu khu vực V thuộc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho an ninh, quốc phòng, dân sinh, phát triển kinh tế, dự trữ quốc gia tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tái xuất sang Lào, Campuchia. Các kho và cảng dầu được nối với nhau bằng hệ thống đường ống dẫn ngầm. Phần lớn các kho và tuyến ống được xây dựng từ những năm 1960, gần đây, do quá trình đô thị hoá tại Đà Nẵng diễn ra với tốc độ nhanh trong khi công tác quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, nên hầu hết đã bị các khu dân cư đông đúc xâm chiếm hành lang an toàn, thậm chí có nhiều khu vực, nhà dân, hàng quán xây đè lên trên ống.
Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Bình Doãn, Giám đốc CATP Hải Phòng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo bảo vệ các công trình xăng dầu thành phố Hải Phòng, tốc độ đô thị hoá nhanh kéo theo mật độ dân số cả vùng ven ngoại thành Hải Phòng tăng nhanh, nhân dân làm nhà và xây dựng các công trình không theo quy hoạch ảnh hưởng chỉ giới hành lang an toàn các công trình xăng dầu. Cá biệt, ở một số nơi, nhân dân địa phương khai thác đá bằng vật liệu nổ ngay sát các công trình xăng dầu, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của tuyến đường ống và không đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu.
Làm gì để bảo vệ công trình xăng dầu?
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Như Đính đưa ra đề xuất: "Các cơ quan chuyên môn cần xem xét, tính toán kiến nghị Chính phủ điều chỉnh khoảng cách hành lang bảo vệ an toàn xăng dầu hợp lý để vừa tăng cường an toàn hoạt động của các công trình xăng dầu vừa tạo điều kiện khai thác hiệu quả đất đai cho nhu cầu phát triển tại các địa phương''.
Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài chính nên xem xét, bổ sung các chế tài và quy định cụ thể trong việc giải toả, di dời các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình xăng dầu, tránh để tình trạng dây dưa, kéo dài như hiện nay.
Mặt khác, vai trò chủ động của các địa phương trong việc bảo vệ các công trình phải được đặc biệt được đề cao. Điển hình là tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây đã đầu tư gần 37 tỷ đồng làm mới 58km đường ống để vòng tránh các khu dân cư trên địa bàn, bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu đồng thời hạn chế việc, di chuyển 573 hộ dân thuộc diện di dời.
|