|
Cước phí vận tải biển Việt Nam hiện nay cao hơn gấp 2-3 lần nước có mức giá trung bình. |
Mặc dù Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á, thứ nhì châu Á (sau Trung Quốc) nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bền vững. Sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam chưa cao, một phần quan trọng do phải chịu cước, phí quá cao. Hiện nay, phí cảng biển, bưu chính viễn thông, điện... của Việt Nam cao gấp 2-3 lần nước có mức giá trung bình trong khu vực.
Chưa kể DN còn chịu nhiều chi phí phi thuế, phi sản xuất khác dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp, môi trường đầu tư kém hấp dẫn làm nản lòng các nhà đầu tư.
Đặt nhà máy tại Malaysia chi phí sẽ rẻ hơn!
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty Hai My, hiện nay các loại cước, phí đang “đè nặng” lên DN, làm nhiều mặt hàng trong nước không cạnh tranh so với các DN nước ngoài. Cụ thể như phí cầu đường. Hai My là DN kinh doanh mặt hàng sắt thép, hiện nay để vận chuyển một tấn sản phẩm từ TP.HCM ra Hà Nội, chúng tôi phải trả đến 900.000 đồng , đây là mức cước quá cao so với khu vực. Trong khi vận chuyển một container khoảng 20 tấn hàng từ Malaysia về cảng Việt Nam, chỉ tốn khoảng 350 USD, thấp hơn nhiều so với chi phí vận tải trong nội địa. Như vậy, nếu DN xây dựng nhà máy sản xuất tại Malaysia, chi phí cho vận chuyển hàng hóa sẽ rẻ hơn.
Cước điện thoại gọi đi các nước của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với thế giới. “Nhiều lần đi công tác, tôi gọi điện thoại từ Singapore hoặc các nước châu Âu về nước, chỉ tốn khoảng 2 USD cho cuộc gọi 2-3 phút. Trong khi nếu gọi từ Việt Nam đi các nước giá lại cao hơn nhiều lần. Vì thế hiện nay Hai My rất hạn chế việc gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng, mà chủ yếu liên hệ làm ăn qua e-mail”, ông Thành nói.
Chi phí sản phẩm dệt may Việt Nam cao hơn các nước 15-20%
Các chính sách, văn bản dưới luật của các bộ, ngành cũng “góp phần” làm tăng giá thành sản phẩm của DN. Hiện nay hàng chục DN dệt may tại TP.HCM đang bị treo không thanh lý được tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đã gây tốn kém rất nhiều tiền bạc, nhân lực, thời gian của DN do một văn bản của Tổng cục Hải quan. Tất nhiên chi phí đó cũng phải tính vào giá thành sản xuất của DN.
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sức cạnh tranh của Ngành dệt may còn thấp khi tiến hành hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là hầu hết các loại chi phí cho một đơn vị sản phẩm đều cao hơn từ 15%-20%. Năng suất lao động của ngành dệt may Việt Nam nói chung chỉ bằng 2/3 so với mức bình quân của các nước ASEAN. Các chi phí về nguyên phụ liệu đều cao do công nghệ lạc hậu, mức tiêu hao lớn, hệ thống cung cấp đầu vào chưa kiểm soát chặt chẽ, chi phí trung gian cao nên giá thành cao làm giảm đi khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.
Phí dịch vụ cao vì Nhà nước độc quyền
Ông Trần Kiến Quốc, Giám đốc Công ty Việt Vương, cho biết giá thành sản phẩm của các DN Việt Nam cao, kém lợi thế cạnh tranh, ngoài các yếu tố năng suất lao động thấp, công nghệ lạc hậu... còn có những nguyên nhân quan trọng khác là do các phí dịch vụ Nhà nước đang bán cho các DN quá cao, như điện, nước, viễn thông, giao thông, vận tải, bến bãi... thậm chí mang tính áp đặt, nếu không sử dụng thì không thể mua ở chỗ khác, vì đây là những mặt hàng Nhà nước đang độc quyền. Ví dụ như giá cước viễn thông hiện nay của Việt Nam cao gấp hai lần so với khu vực. Rồi hiện nay ngành điện đang đòi tăng giá, trong khi hiện tại giá điện của Việt Nam cũng đã khá cao...
(Theo NLĐ) |