Ước mơ thương hiệu giày thời trang
08:53' 13/01/2003 (GMT+7)
Giày sẽ có giá hơn nếu được trưng bày trang trọng
Chiếc đèn mắt ếch hắt ánh sáng vào đôi giày da nằm sau lớp cửa kính trên phông gỗ vécni vàng nhạt. Ở góc khác, mảng tường ốp gạch chịu lửa màu đất sét cháy xém tạo nên sự tương phản làm những đôi giày da lễ hội trở nên sang trọng hơn... Chàng trai 30 tuổi Trần Đức Triều chăm chút sản phẩm như vậy với ước mơ tạo nên một hình ảnh mới cho giày da thời trang Việt Nam mà anh đeo đuổi từ nhiều năm nay.

Năm 1995, khi Triều còn là sinh viên năm thứ ba khoa quản trị kinh doanh, cửa hàng Đức Thảo của của gia đình anh cũng như hầu hết các cửa hàng giày da khác ở TP.HCM vẫn mua bán theo kiểu ''hàng xén''. Thấy vậy, Triều đề nghị anh trai, người giữ quyền quyết định cửa hàng Đức Thảo lúc bấy giờ, chuyển sang sản xuất kinh doanh theo mô hình mới mà Triều cho là văn minh hơn.

Vạn sự khởi đầu nan

Mô hình của Triều đưa ra lúc bấy giờ bị gia đình cho là khá mạo hiểm. Cửa hàng trưng bày ít giày hơn, mẫu mã đưa ra được lựa chọn kỹ lưỡng hơn và nhất là giá được niêm yết cố định. Sau nhiều lần thuyết phục, rồi anh trai cũng chấp nhận để Triều làm, nhưng ở một địa điểm khác, với một tên hiệu khác.

Triều bắt tay vào làm như dự định, nhưng thời gian đầu thất bại. Nhiều tuần lẽ sau khi khai trương, khách đến cửa hàng vẫn thưa thớt. Anh chị của Triều lúc bấy giờ bắt đầu bàn ra. Họ cho rằng cách làm này không uyển chuyển, cứng nhắc theo kiểu ''hợp tác xã'', không sớm thì muộn sẽ phải dẹp tiệm. Anh của Triều rút chân và không chịu cấp vốn nữa.

Đeo bám mục tiêu

Năm 1996, với chút vốn liếng còn lại và vay thêm được 130 triệu đồng, Triều tiếp tục đeo bám mục tiêu đã vạch ra là mua bán văn minh và tạo nên một thương hiệu giày da thời trang Việt Nam. Vào thời điểm đó, giới trẻ có xu hướng mua sắm giày da nhập khẩu với giá cao khá phổ biến trên thị trường thành phố. Triều nhận ra rằng cơ sở của mình hoàn toàn sản xuất được sản phẩm chất lượng tương tự, thậm chí tốt hơn, nhưng giá rẻ hơn. Cái mà sản phẩm giày da của Triều thiếu chỉ là thương hiệu. Điều này làm anh càng tự tin hơn vào định hướng mà mình đã chọn.

Triều đầu tư nhiều khuôn mới, tạo nên những kiểu dáng giày có ''cá tính'', thích hợp với giới trẻ. Bên cạnh đó, anh tìm đọc các tạp chí về ngành giày thế giới để tạo ra những mẫu mã bắt kịp xu hướng thời trang giày. Bằng cách làm này T&T đã mang đến cho người tiêu dùng một dòng sản phẩm giày da thời trang mới do trong nước sản xuất, với giá cả rẻ hơn nhiều lần so với hàng ngoại nhập. Khách hàng tìm đến T&T ngày một đông.

Tìm đường xuất khẩu

Năm 2000, Triều đã may mắn được Tổng lãnh sự quán Ý tài trợ để tham dự khoá học thiết kế giày tại nước này. Sau đó, năm nào Triều cũng trở lại Ý vừa để tìm chất liệu mới, vừa để nắm thông tin về thị trường, xu hướng thời trang và những chiêu thức tiếp thị giày thời trang.

Năm 2002 lần đầu tiên giày da thời trang T&T đã xuất khẩu sang Mỹ, thị trường mà hơn 90% giá trị giày dép Việt Nam thâm nhập vào là giầy thể thao, giày vải và giày nữ. Khách hàng này mới nhận thử nghiệm hơn ngàn đôi giày nhưng Triều đánh giá rằng họ sẽ ký hợp đồng với số lượng lớn, thường xuyên hơn trong thời gian tới. Một hợp đồng khác vừa đuợc T&T ký với khách hàng Hy Lạp. Nhiều đối tác khác đến từ Hà Lan, Úc, Hàn Quốc cũng đang đàm phán với công ty.

Thị trường trong nước tiêu thụ giày thời trang đang tăng lên cũng tạo nên thuận lợi để tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng này khi ra thị trường nước ngoài. T&T lại có ưu thế là cập nhật kịp thời xu hướng mẫu mã thời trang thế giới, do vậy Triều tin tưởng T&T có nhiều cơ hội trong những năm tới.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hãy tối ưu hóa chất lượng sản xuất với ISO 9000 (12/01/2003)
Thuỷ sản 2003: Trông chờ nhiều vào nguyên liệu (12/01/2003)
Cơ hội chưa từng có để vay USD (12/01/2003)
Thị trường nhà đất 2003 sẽ sáng sủa hơn? (11/01/2003)
Lềnh phềnh... mì tôm (11/01/2003)
TP.HCM sẽ có KCN sản xuất ôtô, đóng tàu (11/01/2003)
Hàng hiệu Việt Nam vào chợ (11/01/2003)
10 tỷ đồng cho chương trình khuyến ngư (11/01/2003)
Đà Lạt sẽ có cáp treo vào dịp Tết (11/01/2003)
Kinh doanh thuốc thuỷ sản phải có giấy phép (11/01/2003)
''Ngành nhựa cần phát triển sản phẩm kỹ thuật cao'' (11/01/2003)
San Miguel vẫn đàm phán mua lại Coca Cola Việt Nam (11/01/2003)
Năm 2002, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc vượt 3 tỷ USD (11/01/2003)
Lượng xe máy bán ra thị trường sẽ giảm 1/3 (10/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang