|
Làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng | Trong những ngày đầu năm 2003, một ''kỷ lục'' vừa được lập sau khi một số ngân hàng (NH) thương mại đưa ra mức lãi suất cho vay mới của đồng USD chỉ vào khoảng 2,85-3%/năm. Theo giới chuyên viên tiền tệ, đây là hiện tượng chưa từng có từ rất nhiều năm qua.
Sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ đã buộc Cục dự trữ liên bang (FED) phải cắt giảm lãi suất đến 7 lần trong năm 2001 trước sự kiện 11/9. Sau sự kiện này, FED cắt giảm lãi suất thêm bốn lần nữa. Sau những lần như thế, lãi suất của FED đã được kéo từ 6% vào ngày 3/1/01 xuống 1,25% vào ngày 7/11/02. Lãi suất vô cùng thấp của FED hiện nay đã kéo theo việc hạ lãi suất cho vay bằng USD ở Việt Nam đến mức chưa từng có vừa nêu trên.
Lời khuyên đáng lưu ý nhất cho những ai đang dự tính đến gõ cửa NH để vay tiền là nên chọn vay bằng USD thay vì tiền đồng để tận dụng cơ hội hiếm hoi này.
Một bài toán đơn giản so sánh lãi suất cho vay giữa tiền đồng và USD cho thấy, lãi suất cho vay bình quân hiện hành của tiền đồng trên thị trường là 9,5-10%/năm. Giả sử không có biến động về tỷ giá giữa tiền đồng và USD thì chênh lệch lãi suất cho vay giữa hai đồng tiền này vào khoảng 7%/năm. Nếu từ nay đến cuối năm tiền đồng chỉ trượt giá 2,2% so với USD như trong năm 2002, quyết định chọn vay đồng ngoại tệ mạnh này sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan. Trong trường hợp tốc độ trượt giá là 3,5-4%/năm, theo dự báo của một số NH lớn tại Việt Nam, chọn vay USD vẫn có lợi hơn so với tiền đồng.
Tuy nhiên, hiện nay giới DN còn rất e ngại vay vốn bằng ngoại tệ. Nhiều người cho rằng tiến trình hội nhập AFTA càng đến gần, càng có khả năng Chính phủ sẽ đẩy mạnh tốc độ phá giá đồng Việt Nam để tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu xét đến chỉ số lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm 2003 là dưới 5%, có thể thấy lo ngại này là không cần thiết.
Một số chuyên viên tiền tệ cho rằng, trong tình hình lãi suất như hiện nay nếu DN chịu ngồi lại tính toán chi ly cùng NH thì họ sẽ thấy có lợi khi chọn vay bằng USD.
DN nào từng lỗ nặng vì tiền đồng mất giá thì nay có thể không cần lo điều đó nữa. Họ có thể mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá bằng các hợp đồng mua ngoại tệ có kỳ hạn với chính NH mình đang giao dịch. Điều này có nghĩa là NH sẽ cam kết một tỷ giá chắc chắn cho DN vào thời điểm mà DN cần mua ngoại tệ để trả nợ bất chấp sự biến động tỷ giá trên thị trường.
Tuỳ vào từng NH mà các mức phí bảo hiểm cho rủi ro tỷ giá có khác nhau. Giá bảo hiểm bình quân hiện nay cho kỳ hạn 6 tháng ở một số NH giao động từ 3-3,2% của tỷ giá giao ngay. Nếu cẩn trọng mua cho kỳ hạn dài như thế thì chắc chắn tính hấp dẫn của việc chọn vay USD cũng sẽ giảm đi phần nào.
Theo lời khuyên của một chuyên viên ngoại tệ ở NH HSBC, để có thể tận dụng cơ hội vay tiền với giá rẻ mà vẫn có thể hạn chế một phần rủi ro tỷ giá, DN chỉ nên ký hợp đồng mua USD với NH một tuần hay một tháng trước khi trả nợ. Còn nếu như bạn có niềm tin vào sự ổn định của đồng Việt Nam trong năm 2003 thì có thể quyết định theo hướng khác.
Lựa chọn thứ hai là cách NH Á Châu (ACB) đang làm. NH này khi cho vay ngoại tệ có đưa ra cam kết là đến ngày khách hàng cần mua USD để trả nợ, NH sẽ bán theo tỷ giá do NH Nhà nước công bố vào hôm đó.
(Theo TBKTSG) |