|
Cần có cơ sở pháp lý mới để quản lý du lịch lữ hành |
(VietNamNet) - Được triển khai thực hiện đã 4 năm, Pháp lệnh Du lịch bộc lộ khá nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi Pháp lệnh này, tiến tới xây dựng Luật Du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành du lịch đề ra trong năm nay.
Ra đời ngày 20/2/1999, Pháp lệnh Du lịch được đánh giá là đã tạo được môi trường thông thoáng, đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng của xã hội. Đặc biệt, với sự ''hậu thuẫn'' của Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh này đã tạo bước đột phá về cả số lượng khách (nhất là khách quốc tế) lẫn thu nhập từ du lịch (từ 15.600 tỷ đồng năm 1999 lên 23.500 tỷ đồng năm 2002). Tính đến ngày 31/12/2002, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, đổi và cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho 195 doanh nghiệp (DN), trong đó có 114 DN Nhà nước, 73 DN tư nhân và 8 liên doanh.
Quản lý kinh doanh du lịch không thống nhất
Pháp lệnh Du lịch dành hẳn một chương để quy định về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, việc quản lý những tài nguyên này được gắn với các khu, điểm du lịch, do nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau nắm giữ. Mô hình tổ chức thiếu thống nhất này khiến hoạt động thu và sử dụng phí không hiệu quả. Nhiều người cùng có quyền, nhưng không ai chịu trách nhiệm thực sự. Do đó, việc kinh doanh, khai thác còn lộn xộn, không đảm bảo trật tự, vệ sinh tại nhiều khu du lịch.
Thêm nữa, các cơ quan trong ngành chưa kiểm soát được nhiều nhà nghỉ, nhà khách có kinh doanh khách sạn nhưng không đăng ký kinh doanh. Những cơ sở này thường xuyên đón khách du lịch, không ghi doanh thu vào sổ sách nên trốn thuế khá dễ dàng. Như vậy, sự bất bình đẳng giữa các DN dân doanh và đơn vị được bao cấp còn tồn tại. Ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu không ít.
Ngay cả số DN có đăng ký kinh doanh cũng làm phát sinh nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, sau khi đăng ký, nhiều DN không đóng tiền ký quỹ, cũng không thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động với Sở Du lịch địa phương. Điển hình tại TP.HCM, có 2.500 DN đăng ký kinh doanh lữ hành tại Sở KH-ĐT, nhưng chỉ 114 DN có thông báo chính thức hoạt động. Việc phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch và các sở, ban, ngành liên quan chưa được thực hiện thường xuyên. Do đó, công tác hậu kiểm chưa hiệu quả, nhiều hoạt động trái luật không được xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Khó quản lý du lịch lữ hành quốc tế?
Để triển khai Pháp lệnh Du lịch đối với hoạt động kinh doanh lữ hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2001 điều chỉnh lĩnh vực này. Thông tư số 04/2001 của Tổng cục Du lịch hướng dẫn khá chi tiết việc thực hiện Nghị định trên. Tuy nhiên, những văn bản đó vẫn chưa đủ hiệu quả để kinh doanh lữ hành quốc tế ở Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ. DN Việt Nam hiện chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia sân chơi này. Họ không đủ sức ''bao'' những sân du lịch ở nước ngoài. Vì vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam thường trả tiền cho các công ty nước ngoài tổ chức tour. Những công ty này chỉ trích một phần trong số đó cho các DN Việt Nam cung cấp dịch vụ trong nước, dẫn đến DN thì bị ''lép vế'', Nhà nước thì thất thu. DN Việt Nam còn bị đối tác nước ngoài ép giá, phải chấp nhận giá thấp và chịu cảnh cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, Tổng cục Du lịch cho biết, nhiều DN kinh doanh loại hình này được thành lập nhưng không đủ năng lực hoạt động, gây mất uy tín đối với khách, ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam. Không ít DN còn giảm giá tour, tranh giành khách... thiếu lành mạnh.
Thông qua Luật Du lịch vào năm 2004?
Tổng cục Du lịch nhận thức rõ rằng sự cần thiết phải có một văn bản thay thế Pháp lệnh Du lịch. Văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc, điều chỉnh một cách tổng hợp các mối quan hệ kinh tế để phát triển du lịch nhanh và bền vững. Do đó, Tổng cục đang tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương để xây dựng Luật Du lịch. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2004.
Bên cạnh đó, Tổng cục đang tiếp tục trình Chính phủ dự thảo về ban hành Nghị định quản lý các khu, tuyến, điểm du lịch và Quyết định lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
|