Năm 2008, Cần Thơ sẽ có sân bay quốc tế
10:59' 12/09/2005 (GMT+7)

Đầu tháng 9, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng dự án: cải tạo nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Cần Thơ.

Đây được xem như là một sự kiện lớn đối với người dân các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, đến năm 2008 sân bay quốc tế Cần Thơ sẽ chính thức được đưa vào khai thác thương mại. Lúc đó, sẽ rút ngắn hành trình đi lại của người dân vùng ĐBSCL tới TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước.

Soạn: AM 544975 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sân bay Cần Thơ nằm trong vùng đất yếu cần được nâng cấp trước khi trở thành Cảng hàng không quốc tế.

Đặc biệt, trong tương lai, khi dự án được đầu tư hoàn chỉnh, từ sân bay quốc tế Cần Thơ, người dân các tỉnh ĐBSCL có thể bay thẳng tới nhiều vùng đất trên thế giới.

Theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, việc nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ là nhiệm vụ cấp bách, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ĐBSCL. Dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư trên 370 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2007 và sẽ đi vào hoạt động cùng với các dự án hạ tầng khác vào năm 2008.

Cụ thể, dự án sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay hiện hữu, xây dựng mới nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá, sân đỗ ô tô và các hạng mục phụ trợ kỹ thuật... phục vụ các máy bay tầm trung như A320, A321... Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện kéo dài đường hạ cất cánh để tiếp thu máy bay loại lớn B-747 và tương đương theo nhu cầu phát triển của thị trường hàng không.

Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không miền Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án, trong giai đoạn 1, để sân bay có thể tiếp thu được các loại máy bay tầm trung có sức chở lớn từ 150- 200 hành khách như A320, A321, B767, Cụm cảng hàng không miền Nam sẽ cải tạo nâng cấp đường hạ cất cánh hiện hữu dài 2.400m, mở rộng từ 30m lên 45m và làm thêm mỗi bên lề đường hạ cất cánh 7,5m. Xây mới sân quay đầu, sân đỗ máy bay, làm dải hãm phanh 2 đầu, đường lăn nối dài 217m, rộng 23m, lắp đặt hệ thống đèn đêm và đèn tiếp cận giản đơn đầu hạ cất cánh 24...

Theo khảo sát, toàn bộ sân bay Cần Thơ gần như nằm trên vùng đất yếu với các điều kiện địa chất thuỷ văn phức tạp. Để đảm bảo tỉnh bền vững của công trình, theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Cụm cảng hàng không miền Nam đã cùng với Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát thực tế thi công tại các công trình có điều kiện địa chất tương tự, đồng thời tổ chức hội thảo khoa học nhằm thẩm định các giải pháp kỹ thuật do tư vấn đề xuất, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về nền móng công trình.

“Sau đó, chúng tôi đã thống nhất chọn giải pháp xử lý nền bằng công nghệ cọc đất gia cố xi măng”, ông Hùng nói.

Theo ADCC, đây là dự án xây dựng sân bay đầu tiên sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến như công nghệ xử lý nền, móng cọc đất gia cố xi măng và kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa polymer nhằm tăng sức chịu tải cũng như tuổi thọ khai thác của mặt đường.

Theo Cục hàng không dân dụng Việt Nam, sân bay Cần Thơ trước đây được chính quyền ngụy xây dựng nhằm phục vụ cho mục đích quân sự và cả thương mại trên những loại máy bay loại nhỏ. Sau ngày thống nhất đất nước, quân chủng phòng không không quân đã tiếp quản sân bay nhưng trong hoàn cảnh đất nước đang trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh nên hầu như tuyến bay TP.HCM- Cần Thơ không phục vụ cho mục đích thương mại.

Cho tới đầu những năm 90, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sân bay Cần Thơ được đưa vào phục vụ tuyến TP.HCM - Cần Thơ. Nhưng do cự ly khá gần trong khi đó hệ thống đường bộ được cải tạo nâng cấp nên tuyến này đã không phát huy hiệu quả, ít khách.

Cho đến nay, sau 15 năm, nền kinh tế của khu vực ĐBSCL đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, nhu cầu đi lại của người dân vùng này tới mọi miền của đất nước và quốc tế ngày càng cao. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã lập và báo cáo Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, gồm hệ thống đường bộ, đường thuỷ nội địa, hệ thống cảng biển, trong đó có sân bay quốc tế Cần Thơ.

Đồng thời với mục tiêu năm 2008 đưa sân bay quốc tế Cần Thơ vào khai thác đồng bộ, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho hay, hiện nay, Cụm cảng hàng không miền Nam đang tích cực triển khai dự án xây dựng khu Hàng không dân dụng mới bao gồm: nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm có thể phục vụ đồng thời khách quốc tế và quốc nội với diện tích 18.000 m2, hệ thống đường giao thông nội bộ, sân đỗ ô tô, đường tầng và điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể sân bay Cần Thơ cho phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của toàn vùng.Tuy nhiên, việc triển khai thi công dự án cũng gặp không ít khó khăn.

(Theo TBKTVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trung tâm tư vấn về gỗ đầu tiên ra đời (11/09/2005)
Sẽ giảm dần tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (11/09/2005)
103 tư vấn viên bảo hiểm đầu tiên nhận chứng chỉ IQA (11/09/2005)
Câu chuyện về tuyển dụng nhân sự (10/09/2005)
Thép xây dựng tăng giá (10/09/2005)
Sẽ có đua ngựa có cá cược tại Hà Nội? (09/09/2005)
Nước tương không độc tố lần đầu tiên có tại VN! (09/09/2005)
Giá đường cao, nhập lậu đường tăng mạnh (09/09/2005)
Chỉ có 3% giá trị khuyến mãi đến tay người tiêu dùng! (08/09/2005)
Điều tra trực tiếp 8 doanh nghiệp da giày (08/09/2005)
Quảng bá năm du lịch Quảng Nam ở Thái Lan (08/09/2005)
Thị trường lao động cao cấp "quy về một mối"? (08/09/2005)
Hàng lậu chiếm 10% thị trường dệt may nội địa (08/09/2005)
Mua ôtô được thưởng... người mẫu! (07/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang