,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
677086
Sông Mê Kông: Bền vững sinh thái là vấn đề trọng tâm
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Sông Mê Kông: Bền vững sinh thái là vấn đề trọng tâm

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Hai, 04/07/2005 (GMT+7)
,

Hiện nay, tiểu vùng sông Mê Kông là một trong những Trung tâm phát triển đang tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, WWF tin rằng sự thịnh vượng của tiểu vùng sông Mê Kông sẽ bị đe dọa nếu như tính bền vững về sinh thái không được thúc đẩy trong tất cả các lĩnh vực. Các tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trước năm 2015 sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Sinh thái bền vững 

 

Các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng của 6 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đến Côn Minh, Trung Quốc, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần II các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Hội nghị diễn ra vào ngày 4-5 tháng bảy dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB. 

 

Soạn: AM 467527 gửi đến 996 để nhận ảnh này

 

“Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ là một dịp quan trọng cho các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng của các nước Tiểu khu vực sông Mê Kông thực hiện những cam kết từ cuộc họp các vị Bộ trưởng môi trường diễn ra gần đây”, Tiến sĩ Robert Mather, trưởng đại diện WWF Thái Lan đã phát biểu. “

 

Tại hội nghị này, WWF và các đối tác sẽ đưa ra cam kết giúp đỡ các nước thuộc tiểu khu vực sông Mê Kông chuyển sang một hướng đi bền vững hơn về sinh thái, bằng việc hỗ trợ xây dựng và thực hiện một chương trình môi trường mới mang tính tiên phong.

Theo ADB, hoạt động kinh tế, các dự án đầu tư liên kết trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đang được tập trung, tăng cường với vận tốc ngày càng tăng dọc theo các “hành lang kinh tế”. 270 triệu người sống trong một vùng rộng lớn và đa dạng về văn hóa, chính trị, môi trường và kinh tế, sẽ ngày càng liên kết với nhau nhờ có việc nối liền giữa các cảng lớn và các trung tâm đô thị, các khu vực phát triển với các khu vực kém phát triển, xuyên suốt Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.

Sông Mê Kông dài 4800 km, lớn thứ 12 trên thế giới bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng-Trung Quốc.Tổng diện tích toàn lưu vực là 795.000 km2, với tổng lượng nước là 475 tỉ m3. Sông Mê Kông chảy qua một phần của Trung Quốc, Myanma, một phần ba của Thái Lan, toàn bộ Lào và Campuchia, một phần năm của Việt Nam. Hạ lưu sông Mê Công được tính từ vùng Tam giác vàng là vùng ranh giới giữa Thái Lan, Myanma và Lào chiếm tới 77% tổng diện tích lưu vực. Châu thổ sông Mê Kông là vùng ngập lụt tính từ hạ lưu Kratie-Campuchia có diện tích 49.520 km2 trong đó diện tích châu thổ thuộc Việt Nam là 39.000 km2 chiếm tới 79%.

Diện tích lưu vực của sông Mê Kông chảy qua sáu nước: Trung Quốc chiếm 21%, Myanma 3%, Lào 25%, Thái Lan 23%, Campuchia 20% và Việt Nam là 8%. Với diện tích lưu vực của từng quốc gia, thì tỉ lệ lượng nước mà sông Mê Kông đem lại được chia như sau: Trung Quốc: 16%,  Myanma: 2%, Lào: 35%, Thái Lan: 18%, Campuchia: 18%, Việt Nam: 11%.

Trong khi đó, các tác động tiêu cực ngày một chồng chất lên những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng do việc phát triền các hành lang kinh tế gây ra, dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi cho con người, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Tuy vậy, số tiền đầu tư cho lĩnh vực môi trường vẫn chỉ là 300 triệu đô la Mỹ, trong khi tổng số tiền đầu tư cần thiết là 12 tỷ đô la Mỹ.   

Tuy nhiên, gần đây, các chính phủ GMS đã thông qua một chương trình mới nhằm cải thiện một cách tích cực tính bền vững về môi trường tại các hành lang kinh tế, trong các lĩnh vực đầu tư (ví dụ như thủy điện và du lịch); trong các khu bảo tồn và các hành lang (sinh thái) liên kết các khu bảo tồn; trong lĩnh vực quản lý; và tài chính.

Một nội dung chính của chương trình này là thành lập Trung tâm Hoạt động Môi trường các nước GMS, có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển của các nước GMS.  Sáng kiến Hành lang Bảo tồn Đa dạng Sinh học là một sáng kiến quan trọng và sẽ được nêu bật tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo, với mục tiêu chính là cải thiện các liên kết tại những “điểm nóng” về đa dạng sinh học.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng – cụ thể là xây đường xá và đập nước – sẽ làm đe dọa di sản thiên nhiên giàu có của con sông Mê Kông và sinh kế của người dân nếu như không áp dụng các biện pháp đúng đắn. Các dự án hạ tầng lớn là một mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên nước ngọt ở Lưu vực sông Mê Kông, là nguồn sống của các cộng đồng dân cư của khu vực này. Hơn nữa, việc di chuyển của cả con người và tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến nạn buôn bán động thực vật hoang dã tại khu vực này. 

Bên cạnh vấn đề đập nước, WWF còn tập trung vào vấn đề đường xá. WWF và các đối tác đang trong quá trình xây dựng những tiêu chuẩn hợp lý về kinh tế và thân thiện với đa dạng sinh học trong việc thiết kế đường xá ở vùng đồng bằng ngập lũ của sông Mê Kông. Mục đích của nó là xây dựng những kết cấu có thể chịu đựng lũ tốt hơn, đồng thời giảm những ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp và thủy sản, cũng như đến đa dạng sinh học và các con sông.

WWF cũng kêu gọi các Chính phủ phải thúc đẩy sự tham gia của công chúng trong quá trình đưa ra quyết định, và sử dụng những phương pháp có tính đến việc quản lý nguồn tài nguyên được chia sẻ trong tương lai. Một trong số những phương pháp như vậy có tên là Quản lý tích hợp lưu vực sông, là một phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái mà các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã thông qua tại Diễn đàn sông Dương Tử diễn ra gần đây. Cuối cùng, rất cần phải có một bản phân tích chuyên sâu về các nhu cầu và các lựa chọn của tiểu khu vực này.

“Với khoảng 270 triệu người sống tại tiểu khu vực này, bất cứ một sự phát triển kinh tế nào cũng có thể có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài lên việc bảo tồn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên”, Tiến sĩ Li Lifeng, quyền Giám đốc của chương trình Biển và nước ngọt của WWF Trung Quốc đã phát biểu. “Bây giờ là lúc tất cả các bên có liên quan phải cùng hợp tác để đảm bảo rằng cả con người và thiên nhiên đều cùng phát triển thịnh vượng”

Các cam kết của các nhà lãnh đạo các nước tiểu khu vực sông Mê Kông là rất cần thiết trong việc giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề liên biên giới then chốt, bao gồm buôn bán động thực vật hoang dã, các giải pháp thay thế cho phát triển thuỷ điện, sự tham gia đa bên và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở cấp tiểu vùng.

Các hành lang kinh tế cấp tiểu vùng Mê Kông

Hơn 10 năm hợp tác ở cấp tiểu vùng với hoạt động kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng đang ngày một lớn mạnh dọc theo các ‘hành lang kinh tế' đã giúp xóa đói giảm nghèo ở tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện nay, tiểu vùng sông Mêkông đang tập trung phát triển 3 hành lang kinh tế: Đông - Tây (EWEC), Bắc - Nam và khu vực phía Nam. Những hành lang này sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc đem lại những lợi ích cộng đồng sông Mê Kông, như: gia tăng thương mại, đầu tư và các hoạt động du lịch. 

Hành lang kinh tế Đông - Tây là hành lang quan trọng nhất. Khi hoàn thành, hành lang này dài 1.500km, kéo dài từ cảng Đà Nẵng - Việt Nam đến tận biển Andaman phía tây. Dọc theo hành lang này, nhiều lĩnh vực đang được trông đợi được thúc đẩy mạnh hơn như: nông nghiệp, nhà máy điện, thương mại, và du lịch. Ngay lúc này, đã có khoảng 50 công ty quốc tế sẵn sàng đầu tư vào vùng kinh tế đặc biệt nằm giữa biên giới Lào - Việt Nam thuộc hành lang EWEC. 

Song song đó, ADB đang chuẩn bị một dự án khoảng hơn 1 triệu USD nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật (TA) cho tiểu vùng sông Mêkông hoàn thiên hành lang kinh tế biển phía Nam. Hành lang này sẽ nối liền ba quốc gia là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam thông qua các cảng biển. 

Dự án này sẽ tiến hành trong vòng 10 tháng kể từ tháng 9/2005, do Chính phủ Nhật tài trợ thông qua quỹ tài chính đặc biệt Nhật Bản (Japan Special Fund). Chính phủ Campuchia và Việt Nam sẽ đóng góp vào dự án này 220.000 USD. Nó sẽ đưa ra một dự án tái định cư, và nâng cấp các tuyến đường giao thông dọc theo một trong những hành lang kinh tế quan trọng nhất của Chương trình 10 năm của Hiệp định khung tiểu vùng sông Mê Kông. 

Dự án này cũng sẽ kiểm soát việc lưu chuyển hàng hóa và con người trong vùng kinh tế này. Bên cạnh đó từ việc phát triển các cơ sở hạ tầng, ADB cũng sẽ triển khai các chiến dịch nhằm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và việc buôn lậu người qua biên giới thông qua các tuyến giao thông cấp tiểu vùng này

Hành lang kinh tế dọc theo bờ biển phía Nam nối liền ba quốc gia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Vùng biển phía Nam Campuchia hiện là một trung tâm kinh tế rất phát triển thông qua cảng biển quốc tế tại Sihanoukville. Những phát triển tại khu vực này sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho những dự án khác như khai thác nguồn dầu thô tại vịnh Thái Lan, xây dựng các tuyến giao thông nối liền với vùng công nghiệp ở cảng biển phía Đông Thái Lan, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển các ngành nông - ngư nghiệp phía Nam Việt Nam.

Tại Việt Nam, ngành nông - ngư nghiệp phát triển nhanh sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến sẵn như một nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Các phương tiện vận chuyển nội địa buộc phải nhanh chóng và có những điều kiện bảo quản lạnh tốt. Các sản phẩm khác mà Việt Nam có thể xuất khẩu thông qua hành lang kinh tế này là: phân bón, thực phẩm chế biến sẵn và hàng tiêu dùng.

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Hương Cát
    (Tổng hợp từ  WWF - World Wide Fund for Nature, NH Phát triển châu Á - ADB)

,
,