Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học Maria (Hàn Quốc) vừa phát triển công nghệ trích tế bào gốc từ phôi người đông lạnh. Tỷ lệ thành công khá cao: 7 tế bào từ 20 phôi.
|
Nhà nghiên cứu Park Se-pill. |
Giáo sư Hwang Woo-suk thuộc ĐH quốc gia Seoul - người làm cho thế giới ngạc nhiên bằng việc nhân bản phôi người lần đầu tiên vào giữa tháng 2 vừa qua - cho biết bước đột phá trên thật đáng kinh ngạc. Ông nói: ''Chưa kể tới việc phôi bị đông lạnh, tỷ lệ thành công cao như vậy khó có thể đạt được đối với phôi mới. Nếu tuyên bố trên là đúng, nó là công việc của những bàn tay thần kỳ''. Tỷ lệ thành công là 63,6% so với 10-36% từ những nghiên cứu trước đây.
Nhóm nghiên cứu của Park Se-pill đã có được 20 phôi đông lạnh mà các bệnh viện thụ tinh nhân tạo trong nước chuẩn bị vứt bỏ sau năm năm lưu trữ. Họ đã trích được 11 khối nội bào với sự đồng ý của người cho. Đây là khâu khó khăn nhất, bởi họ phải lấy các khối nội bào sao cho chúng vẫn còn sống. Để làm được điều đó, Park đã tự phát triển công nghệ dùng một loại kháng thể ở tế bào người.
Trong số 11 khối nội bào, Park và đồng nghiệp đã lấy được bảy tế bào gốc. Những tế bào này có có giá trị ứng dụng lớn trong việc điều trị bệnh tật. Park nói: ''Chúng ta có thể thành lập một ngân hàng tế bào gốc phôi thai giống như ngân hàng tuỷ xương mà không cần phải sử dụng nhiều trứng người. Ngân hàng sẽ giải phóng con người khỏi các căn bệnh mạn tính''.
Tế bào gốc phôi thai có khả năng phân chia vô hạn định và phát triển thành hầu hết mọi loại tế bào và cơ quan chẳng hạn như tim, thận, da, tế bào thần kinh. Điều này hứa hẹn những ứng dụng lâm sàng thông qua cấy ghép. Tuy nhiên, không giống tế bào gốc phôi thai có được thông qua con đường nhân bản người, các cơ quan được tạo ra từ tế bào gốc sản xuất hàng loạt có thể bị cơ thể người đào thải, dẫn tới nhu cầu thiết lập một ngân hàng để tìm ra tế bào phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Park cho rằng nghiên cứu của ông sẽ không làm dấy lên những lo ngại về đạo đức bởi nó được tiến hành bằng phôi dư sau quá trình thụ tinh nhân tạo. Park đã xin cấp bằng sáng chế quốc tế cho công nghệ này tại 108 nước trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Australia.
Minh Sơn (theo Korean Times) |