Phục hồi mô tim tổn thương bằng tế bào gốc
10:40' 10/02/2004 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học thuộc Công ty Advanced Cell Technology ở Massachusetts (Mỹ), tế bào gốc được lấy từ chuột nhân bản có khả năng tái tạo tim chuột bị tổn thương do đau tim. Những tế bào gốc này hình thành nên các mạch máu tí hon cũng như tế bào cơ tim.

Sơ đồ tế bào gốc có thể biến thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể.

TS Robert Lanza, giám đốc y tế của ACT cho biết: ''Chúng tôi đã phục hồi chức năng của cơ tim và thay thế 40% mô sẹo. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tế bào gốc nhân bản có thể sửa chữa mô tổn thương ở động vật sống''. Nghiên cứu này sẽ tăng thêm sức nặng cho quan điểm rằng công nghệ nhân bản mang lại kết quả tốt đẹp hơn so với các dạng nghiên cứu tế bào gốc khác.

Tế bào gốc là tế bào chủ của cơ thể, tạo ra các mô mới chẳng hạn như có thể biến tế bào máu thành mô não. Chúng tồn tại trong máu và mô song tế bào gốc của người trưởng thành rất hiếm và khả năng phát triển thành các loại mô mới bị hạn chế. Tế bào gốc phôi thai có tiềm năng trở thành mọi loại tế bào song nhiều người phản đối bởi nó liên quan tới việc sử dụng công nghệ nhân bản tế bào người.

Nhiều nhóm đã cố chữa tim bị bệnh bằng cách bơm tế bào gốc vào mô tổn thương. Một số nhóm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn không rõ mô tim hoạt động được bao lâu. Nhóm nghiên cứu của Lanza đã nhân bản chuột rồi trích tế bào gốc ở gan của bào thai nhân bản. Sau đó, họ làm cho chuột bị đau tim bằng cách chặn các động mạch (đau tim làm cho một số mô tim bị chết). Cuối cùng, các nhà nghiên cứu tiêm tế bào gốc vào tim của chuột.

Kết quả cho thấy trong vòng 3 tuần, 38% mô tim bị chết sống lại và hoạt động bình thường. Ở nhóm chuột không được tiêm tế bào gốc, mô chết không phục hồi. Ở người, các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào tuỷ xương của chính bệnh nhân để sửa chữa tim tổn thương song tiến trình này rất mất thời gian do phải trích tế bào gốc rồi nhân chúng lên để có đủ số lượng cần thiết.

Theo TS Lanza, lợi thế của việc sử dụng tế bào nhân bản là lượng tế bào cần chỉ bằng 1/10 so với tế bào gốc tuỷ xương. Điều đó đồng nghĩa với việc mất ít thời gian hơn để nhân tế bào. Thời gian có ý nghĩa sống còn trong điều trị đau tim. Ngoài ra, tiến trình nhân bản tái tạo lại các tế bào, mang tới cho chúng sức mạnh trẻ trung.

Minh Sơn (Theo Reuters) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi