Thế giới đang kêu gọi một cách tiếp cận tổng thể với các hệ thống quản lý nước, chấm dứt thời kỳ xem hồ chứa và các đập nước như giải pháp tiên quyết để chống lũ lụt và hạn hán. Nhìn từ Thái Lan, hậu quả từ sự bạc đãi thiên nhiên đang giục người Thái phải lên tiếng: Cần khôi phục những cánh rừng và những đầm lầy, hiểu thấu những điều kiện sinh tồn của các dòng sông. Câu chuyện về những dòng sông Thái, bài học từ những... nhận thức sai của các viên chức Thái Lan.
Người ta muốn ngăn sông về với biển...
Tại Thái Lan, nỗi lo lắng về hạn hán và việc không đủ nước cho sinh hoạt và trồng trọt đang tăng dần khi mùa hè năm nay sắp đến. Thậm chí gần đây, Bộ Nông Nghiệp Thái Lan đã loan báo sẽ không chịu trách nhiệm đối với những nông dân nào cố làm vụ lúa thứ ba trong năm.
|
Hạn hán vào hè năm nay đang ám ảnh Thái Lan... |
Thật không may, vì chính các nông dân này cũng sẽ lại là những người ít nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ khi lũ lụt đến vào mùa mưa. Phó cục trưởng Cục Thủy lợi Thái Lan Kamolporn Hasarang cho biết: “Trước hết, phải xem xét các vùng trọng điểm, có có giá trị kinh tế cao và mang lại cho quốc gia nhiều nguồn thu nhất. Chúng tôi sẽ đưa ra ba giải pháp để giải quyết lũ lụt và hạn hán. Cách thông thường nhất là xây đập chứa để dự trữ nước; xây dựng kênh đào, đường thoát nước ra biển (thay vì để nước ngập tràn các thành phố). Cuối cùng, là xây dựng đê bao chống lũ cho Bangkok và các thành phố lớn khác".
"Đê bao sẽ được xây dựng quanh các vùng kinh tế trọng điểm," - ông Hasarang nói - "vì chúng tôi không có quyền giải quyết bất kỳ vấn đề nào về nước tại bất kỳ khu vực nào, trừ phi đó là một nơi đã được tuyên bố chính thức là vùng thủy lợi".
Trong khi đó, rất may là sau khi được tổ chức lại, Cục Dự trữ Nước Thái Lan đang tìm cách tiếp cận phương pháp quản lý nguồn nước một cách tổng thể hơn. Giám đốc Cục Dự trữ Nước Surachai Sirisuwan nói: “Không nên tìm cách giải quyết các vấn đề hạn hán và lũ lụt chỉ trong một khu vực cụ thể, hay tại một điểm nào đó. Phải nhìn thấy các cánh rừng, nước trên vùng cao, chỗ thấp, đầm lầy và những vùng đất đai trồng trọt… với mối liên hệ giữa các nhân tố này. Quan trọng hơn nữa, phải lôi kéo mọi cơ quan liên quan và vận dụng tối đa mọi nguồn lực để quản lý nguồn nước, và lôi kéo cho được sự quan tâm của cư dân địa phương đến việc quản lý nguồn nước của chính họ”.
Ông Surachit Chiravej, chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Samut Songkram, nói: "Cần rút ra nhiều bài học từ quá khứ, khi chiến lược quản lý nguồn nước luôn được làm theo kiểu từ trên xuống và với một vùng tách biệt, đồng thời cũng chẳng có một suy nghĩ nào về hệ sinh thái của lưu vực con sông đang bị ảnh hưởng!".
Theo ông Surachit, hầu hết các quan chức Thái Lan đều tin rằng không nên để nước ngọt chảy một cách phí phạm ra biển, mà nên sử dụng toàn bộ nước cho thủy lợi, sinh hoạt hàng ngày và cho công nghiệp. Đó là lý do vì sao Cục Thủy lợi xây dựng quá nhiều đập nước. Thật ra, có những ích lợi trong việc hướng các dòng sông chảy ra biển. Ví dụ: Khi gặp nước biển, nước ngọt sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng cho việc phát triển các phiêu sinh vật - nguồn thức ăn của các loài cá biển con. Lũ lụt và phù sa của sông có tác động đáng kể trong việc đánh bắt, kinh doanh cá. Trong thiên nhiên, mọi vật đều có mối liên kết, chẳng hạn cửa sông là nơi sinh sản của cá.
Từ đó, ông Surachit nêu thêm một ví dụ về thiệt hại do nhận thức sai của các viên chức Thái Lan: “Duy chỉ có lưu vực sông Mekong, nơi dẫn ra biển duy nhất, có ba khu vực: nước ngọt vùng thượng lưu, nước lợ ở trung lưu và nước mặn ở hạ lưu. Tổ tiên chúng ta từ lâu đã biết khai thác triệt để lợi ích thiên nhiên từ ba vùng nước này, nông dân sống ở vùng thượng lưu trồng trọt cây trái và rau củ, người sống ở vùng nước lợ thì nuôi tôm và vùng hạ lưu thì đánh bắt cá. Vậy mà ngày nay, hãy nhìn các vấn đề nảy sinh từ đập nước Prak Nam Daeng trong lưu vực sông Mekong. Những điều xảy ra cho khu vực Prak Nam Daeng hiện nay đã vượt quá phạm vi để có thể khắc phục!".
Có một bài học mang tên "Prak Nam Daeng"
Năm 1982, Cục Thủy lợi Thái Lan xây đập nước Prak Nam Daeng để ngăn dòng chảy của nước ra biển và ngược lại. Toàn bộ dòng sông bị ngăn bởi các tấm sắt mỏng. Các tấm sắt này đã làm thay đổi sinh thái lưu vực sông, khiến cho hiện nay chỉ còn hai loại nước: nước ngọt và nước mặn, cộng thêm luồng nước... ao tù chảy ra từ phía dưới đập nước này!
Cư dân địa phương cùng Phòng Thương mại tỉnh Samut Prakran đã cố gắng rất nhiều để giải quyết các vấn đề này và cũng rút ra được nhiều bài học. Họ yêu cầu tài chính từ Quỹ Nghiên cứu quốc gia Thái Lan để thực hiện các nghiên cứu của chính mình. Họ khám phá ra những trục trặc của lưu vực sông Mae Klong thật sự bắt nguồn từ việc xây dựng đập nước Srinakarin phía thượng nguồn sông Mekong (việc xây dựng này sau đó còn dẫn đến việc buộc phải làm thêm đập nước Prak Nam Daeng).
|
Việc xây đập Srinakarin (trong ảnh) dẫn tới phải xây thêm hàng loạt đập nước khác. |
Trong các giai đoạn đầu xây đập Srinakarin, nước bị chặn lại để tích đầy hồ nhân tạo. Hậu quả? Độ mặn ở đoạn hạ lưu tăng lên rất cao, do không có nước trên sông Mekong. Cục Thủy lợi quyết định xây dựng một loạt đập khác, trong đó có cả đập nước Prak Nam Daeng nhằm ngăn không cho nước mặn xâm lấn sâu vào bên trong. Khi hồ nhân tạo Srinakarin được tích đầy và đập nước bắt đầu tháo nước ngọt, vài năm sau đó dòng chảy lại được khôi phục. Tuy nhiên, có quá nhiều đập nước đã được dựng lên trên sông Mekong, trong đó có cả đập nước Prak Nam Daeng. Việc xây dựng các đập nước sau này đã trở thành mối xung đột giữa các làng sống ở vùng thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Khi chất lượng nước đã bị thay đổi, người dân địa phương không thể trồng cây trái, nuôi tôm và đánh bắt cá như cha ông họ đã từng làm trong quá khứ.
Trong thời gian xây đập nước Srinakarin, sự xâm nhập của nước mặn đặc biệt trở nên nghiêm trọng tại lưu vực thấp của sông Mekong. Năm 1979, nạn hạn hán lan rộng nhất do sông không thể cung cấp nước cho hồ chứa nước. Tình trạng thiếu nước ngọt gia tăng độ khốc liệt ở vùng hạ lưu, cộng với sự xâm nhập của nước mặn từ Vịnh Thái Lan đã bị nhiều người chỉ trích. Thậm chí, các chủ vườn cây ăn trái tại Samut Songkhram đã đệ trình lên nhà vua Thái Lan lời thỉnh cầu về những biện pháp can thiệp nhằm cứu vãn tình hình...
Theo kế hoạch của Cục Thủy lợi, Thái Lan xây 191 con đê ở lưu vực sông Mekong để ngăn sự xâm lấn của nước mặn tại tỉnh Samut Songkhram. Một số cửa cống cũng được lên kế hoach xây dựng, 133 cửa trong số này đã được hoàn tất nhưng dự án bị tạm ngưng vào năm 1991 vì thiếu kinh phí và các tranh chấp về đất với dân địa phương. Mặc dù vậy, đã không có bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện nhằm đánh giá các thành tựu đạt được trong quá khứ hay các tác động đến môi trường do các hoạt động của Cục Thủy lợi gây ra tại các khu vực này.
Theo ông Surachit và nhóm nghiên cứu của tỉnh, họ và hầu hết cư dân địa phương đều cho rằng quyết định xây đập nước là sai lầm lớn và đó cũng là sai lầm điển hình của toàn bộ hệ thống quản lý nguồn nước của chính phủ. Được biết năm 1964, Cục Thủy lợi Thái Lan đã khởi công "Dự án Thủy lợi Mekong" để cấp nước cho trên 3 triệu hecta đất nông nghiệp. Yếu tố chính cho kế hoạch đầy tham vọng này là việc hoàn thành hồ chứa nước Vajiralong vào năm 1975. Chính phủ còn kỳ vọng nhiều hơn là một hệ thống thuỷ lợi, dẫn tới việc làm thêm hai đập nước Srinakarin (ở Kwai Yai) và Khao Laem (tại Kwai Noi) vào đầu thập niên 1980, với mục tiêu chính là sản xuất ra điện.
Ông Surachit nói: “Phải khẳng định rằng đập nước không thể ngăn lũ nhưng lại mang nước ô nhiễm đến chỗ chúng tôi, làm thay đổi hệ sinh thái tại khu vực trong khi chi phí xây các con đê này đã tiêu tốn rất nhiều từ tiền thuế do dân đóng góp". Để khắc phục, Cục Thủy lợi thiết kế cống nước đóng, mở tự động theo mực nước sông. Nếu mực nước ngọt của sông cao vì nước xả từ hồ và nước mưa, cống sẽ mở cho nước đổ ra biển; nước biển chỉ được phép trở vào khi thủy triều cao. Điều này làm giảm nhẹ ảnh hưởng của các đập nước nhưng không thể giúp khôi phục lại sinh thái của hệ thống sông. Tất cả sửa chữa vụng về của con người đã dẫn đến sự suy thoái của dòng sông, gây ảnh hưởng đến tất cả những ai kiếm sống từ nó.
Trả lại đầm lầy và rừng cho những dòng sông
“Lũ lụt là hiện tượng thiên nhiên nhưng tự nhiên có một loạt các bước kiểm tra và cân bằng để ngăn không cho các hiện tượng này vượt quá tầm kiểm soát. Giờ đây, ảnh hưởng tích lũy các hoạt động của con người không quan tâm đến thiên nhiên đã làm lũ lụt và hạn hán đã trở nên một thảm hoạ do chính con người tạo ra." - Yongyuth Chayarak, giảng viên của trường Đại học Chulalongkorn nói - "Chúng ta nên xem xét ngăn lũ bằng một phương pháp tổng thể. Chúng ta cũng phải xem xét việc quản lý đất đai có phải đã quá lạm dụng đất thiên nhiên...".
Ông nêu ra trường hợp của Pathum Thani như một ví dụ điển hình: Toàn bộ miền trung của Thái Lan bao quanh Pathum Thani là đồng bằng do phù sa nước lũ bồi đắp nên tại lưu vực sông Chao Phraya, thế nhưng con người đã bạc đãi nó bằng cách xây dựng nhà máy, cao ốc và đường xá, chặn cả luồng chảy của sông. Các con sông không tồn tại một cách riêng biệt nhưng là một phần của của một hệ thống phức tạp bao gồm các khu vực đầm lầy và lưu vực sông. "Chúng ta sử dụng đất đai không đúng với chức năng của nó, làm các khu dân cư trên đồng bằng trũng bồi đắp từ phù sa và chúng ta cho phép các nhà máy đặt ở giữa lưu vực sông." - ông Chayarak phân tích - “Chúng ta có thật sự kiểm soát được mực nước trên sông Chao Phraya không? Vì sao chúng ta không cố gắng gìn giữ các đầm lầy? Những đầm lầy là "van an toàn" cho dòng sông và những vùng dự trữ nước thiên nhiên. Cũng cần thiết phải xem xét nhiều hơn đến vai trò của đất rừng trong mối quan hệ với việc quản lý nước. Các cánh rừng hút và chứa nước cũng giống như một miếng bọt biển và rất hiệu quả trong việc làm chậm dòng chảy ở vùng hạ lưu khi mưa lớn. Rừng và đầm lầy có tác dụng làm giảm sự xói mòn đất khi mưa to và làm tăng lượng nước ngầm thấm qua trong mùa khô. Các đầm lầy cũng làm tăng thêm lượng mưa thấm vào lòng đất...".
Theo ông Chayarak, để kiểm soát lũ lụt và hạn hán, điều mà Thái Lan cần hơn hẳn chính là việc khôi phục lại những cánh rừng và đầm lầy, thay vì xây các đập nước hay hồ chứa nước, hay đê bao. Xa hơn nữa, việc quản lý tài nguyên nước một cách toàn diện đòi hỏi phải xem xét mối quan hệ giữa hệ thống sông ngòi với việc quản lý đất và các vấn đề như sự xói mòn của đất và luân canh.
Trần Anh (Theo Bangkok Post) |