- Ngày 27/4, hai phòng thiết kế vi mạch trị giá 20 triệu USD đã được khánh thành tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
|
Tham quan phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch tại Trung tâm ICDREC. (Ảnh: M.L) | Hai phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch nói trên được đặt tại ICDREC và Đại học Bách khoa TP.HCM. Mỗi phòng được trang bị 20 máy tính xách tay, 01 server và bộ phần mềm thiết kế vi mạch do hai công ty thiết kế vi mạch của Mỹ (Mentor Graphics và AMCC) tài trợ.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, đây là hai phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch đầu tiên của Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập về ngành thiết kế vi mạch.
Đối tượng sử dụng phòng thí nghiệm nói trên bao gồm các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên thuộc Đại học Quốc gia và các đơn vị thành viên truy cập từ xa để khai thác bộ phần mềm thiết kế vi mạch.
Về hướng sử dụng phòng thí nghiệm, Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng cũng cho biết sẽ tiến hành chia thành 3 giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung vào việc thực hiện thiết lập hệ thống mạng và phần mềm cũng như xây dựng chương trình bảo trì, bảo dưỡng.
Phần triển khai nghiên cứu, phân tích sử dụng được phân bổ theo từng nhóm chuyên môn, xây dựng quy trình cách thức hoạt động cũng như ứng dụng và lên chương trình giảng dạy sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2.
Việc mở rộng phạm vi tới các thành viên trong Đại học Quốc gia và triển khai giảng dạy ra bên ngoài cũng như việc liên kết các trường đại học trong việc triển khai đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên làm đề tài tốt nghiệp trên các phần mềm hiện có sẽ được triển khai trong giai đoạn 3.
Kinh phí thực hiện trong giai đoạn này sẽ được thu trực tiếp từ việc thu học phí giảng dạy, phí đối với giảng viên, sinh viên khi tham gia hoạt động.
“Hiện chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn 1 và đang cố gắng làm chủ phần mềm. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành cử người đi học tại Singapore hoặc mời chuyên gia từ hai công ty tài trợ thực hiện các khóa đào tạo để nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm thiết kế sử dụng vi mạch”, ông Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng đặc biệt nhấn mạnh do phía đơn vị tài trợ yêu cầu nên phần mềm thiết kế vi mạch nói trên chỉ được phép phục vụ cho công tác giảng dạy, chứ không được tiến hành sản xuất, thương mại hóa.
|