Thứ trưởng giáo dục "hồi âm" đề xuất của Ngô Bảo Châu

Cập nhật lúc 07:03, 28/01/2010 (GMT+7)

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói gì về đề xuất của GS Ngô Bảo Châu và hơn 500 ý kiến độc giả VietNamNet "để thực hiện việc thượng tôn học tập"?

Mô tả ảnh.
Ảnh: An Bang.

Lời tòa soạn: Từ câu chuyện "Trò đánh thầy ngất", nhiều giáo viên đã chia sẻ nỗi niềm "người thầy "tám không" khi gặp nhiều rào cản hữu hình hay vô hình. Đã có những cảnh báo, không phải 3 đến 10 năm nữa, mà ngay cả hiện nay, đã, đang và sẽ không thể tuyển được người giỏi làm nghề dạy học. Thậm chí, để tuyển đủ chỉ tiêu, không ít trường sư phạm đã lấy điểm trúng tuyển chỉ "nhỉnh" hơn điểm "sàn" - chuẩn tối thiểu vào ĐH chút đỉnh. Chia sẻ với nghề giáo sự vất vả, áp lực, thu nhập thấp... song nhiều độc giả khác cũng cho rằng, nghề giáo có nhiều thuận lợi hơn những nghề khác. Câu chuyện về nghề giáo, những áp lực hiện tại và nguy cơ tương lai được bạn đọc sôi nổi thảo luận trong hai tuần qua.

Có một sự kiện thú vị, cũng vào những ngày đầu tháng 1, Nhà toán học Ngô Bảo Châu - người được tạp chí “Thời đại” (Time) xếp công trình là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009 - vừa chấp nhận lời mời làm giáo sư tại trường ĐH Chicago. Trước đó, khi trả lời VietNamNet, GS Ngô Bảo Châu đã nói "thực hiện việc thượng tôn học tập, "việc cần làm đầu tiên là xây dựng lại vị trí xã hội của người thầy. Việc cải cách chính sách lương bổng cho giáo viên là cấp thiết hơn nhiều so với việc viết lại sách giáo khoa, mua lại chương trình giảng dạy ở nước ngoài".

Hơn 500 phản hồi của bạn đọc VietNamNet đã được chuyển tới Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Dưới đây là "đối thoại với lãnh đạo Bộ GD-ĐT" mà VietNamNet đã bắc cầu cùng bạn đọc

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại hội thảo đánh giá sách giáo khoa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/2008). Ảnh: Bảo Anh

Nhiệm vụ của giáo viên khó hơn trước

Nhiều giáo viên khuyên con cái không theo nghề của họ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Nhiều giáo viên khuyên con cái không theo nghề của họ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

- Thưa ông, gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên phải chịu quá nhiều áp lực với lãnh đạo, phụ huynh về thành tích học tập của HS. Trong khi, HS dường như ngày càng hư hơn, được bố mẹ dung túng hơn nên nhiều giáo viên không còn mấy mặn mà với nghề...

- Theo tôi, “bệnh thành tích” hiện nay vẫn còn ở đâu đó. Nhưng quan điểm chỉ đạo của ngành là chống “bệnh thành tích”. Những chỉ tiêu đưa ra đòi hỏi giáo viên phải thực hiện như trước đây đã được xóa bỏ, nên không thể nói giáo viên đang chịu áp lực vì “bệnh thành tích”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của giáo viên bây giờ khó hơn trước. Ví dụ, về giáo dục đạo đức, trong một xã hội đang phát triển nhanh, nhiều quan niệm về giá trị thay đổi, chưa đạt được sự thừa nhận thống nhất trong xã hội; cùng một hành vi, nhưng có người bảo thế là được, có người lại chê.

Do đó, định hướng giá trị của học sinh nói riêng, thanh thiếu niên và cả xã hội nói chung có phần "mờ”. Điều này dẫn đến việc giáo dục đạo đức trong nhà trường sẽ gặp phải nhiều xung đột giữa thầy và trò hơn, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn.

Chúng ta cũng không nên "chê" bố mẹ, bênh con mà đó là do quan niệm về giá trị chưa thống nhất. Thực ra, bố mẹ nào cũng muốn con cái của mình tốt. Vì họ quen nghĩ thầy giáo phải thế này nhưng thực tế lại khác, chưa thống nhất được nên có sự phản ứng.

Hơn nữa, trước đây, mục tiêu đào tạo nặng về trang bị kiến thức, không đề cao yêu cầu rèn luyện "tự học" nên việc truyền thụ đơn giản hơn. Chuyển từ trọng tâm là dạy kiến thức sang dạy phương pháp tư duy; đổi mới phương pháp, thói quen dạy học là điều không dễ với từng người cũng như với cả đội ngũ giáo viên hiện nay.

Một yếu tố nữa là, trước đây thông tin ít, giáo viên thậm chí chỉ dựa vào SGK cũng dạy được. Bây giờ, trong nhiều trường hợp, do chuẩn bị bài không tốt, giáo viên có thể nói lại điều HS đã biết rồi hoặc lạc hậu so với thời sự, gây tranh cãi, hoặc làm giảm hứng thú học tập của học sinh.

Thực tế đòi hỏi thay đổi nhanh hơn trước nhưng giáo dục có tính ổn định nhất định nên việc thích ứng sẽ bị chậm hơn nhiều thứ khác. Trong khi yêu cầu ngày càng cao với giáo viên, chúng ta cũng nên có sự cảm thông nhất định.

Vậy theo ông, những khó khăn khách quan trong việc thích ứng với yêu cầu mới sẽ gây hệ lụy gì? Nếu cần cảm thông thì cảm thông đến mức độ nào?

Tôi đã nói, việc thay đổi để thích ứng với cái mới là khó khăn của từng người và của cả đội ngũ. Điều đó thể hiện ở chỗ, đội ngũ giáo viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong chừng mực nào đó, phải chấp nhận thực tế này. Cũng phải nhìn nhận rằng, cả đội ngũ đang rất cố gắng để đổi mới thì phải động viên. Nếu cứ thấy chưa đạt yêu cầu là chê, trong khi không xét đến điều kiện thực tiễn, đặc điểm của ngành thì sẽ làm thui chột động lực của họ.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Minh Nhựt.

Không phải ai cũng coi vật chất là mối quan tâm hàng đầu

- Áp lực ngày càng cao, nhưng lương lại không kịp tăng theo áp lực. Ông có cho rằng, chỉ trong vài năm nữa, những người giỏi sẽ không vào ngành sư phạm?

- Mấy năm trước, học phí là một khoản tiền đáng kể, việc miễn học phí cho SV sư phạm đã giúp cho điểm trúng tuyển vào sư phạm rất cao. Nhưng mấy năm nay, điểm này đã thấp dần đi.

Nguyên nhân, có thể hiểu là ý nghĩa của việc miễn học phí ngày càng thấp vì giá trị của học phí không “to” như trước nữa. Học phí giữ nguyên trong khi mức sống và giá cả đều cao hơn nên học phí không còn quan trọng, lại thêm công ăn việc làm khó kiếm nên ít người giỏi lựa chọn vào ngành này hơn.

Tuy nhiên, nếu khẳng định những người giỏi không ai muốn vào sư phạm thì lại không hẳn đúng. Người ta có những nhu cầu khác nhau, tuy ai cũng muốn được tôn trọng, được đánh giá đúng về bản thân nhưng không phải ai cũng coi vật chất là mối quan tâm hàng đầu.

- Ông nói vậy nhưng trong nhiều phản hồi gửi về VietNamNet, rất nhiều giáo viên cho rằng bản thân họ và hầu hết các đồng nghiệp đều khuyên con cái không theo nghề này...

- Sự thật là có những người như vậy. Lại có cả những giáo viên đã động viên con cháu nối nghiệp mình nhưng con cháu không theo.

Tuy nhiên, cùng với nhu cầu được xã hội tôn trọng thì đam mê nghề dạy học, yêu thương trẻ em mới là những yếu tố quyết định phẩm chất và nâng cao năng lực nghề nghiệp của nhà giáo.

Thực tế là, còn rất nhiều thầy, cô giáo lăn lộn với nghề, sống cho HS và vì HS. Biết bao giáo viên hằng ngày vẫn đi dạy buổi sáng, buổi chiều, kèm cặp HS yếu kém, hoặc bồi dưỡng HS giỏi, buổi tối lại lặn lội vào thôn bản vận động HS đã bỏ học quay trở lại trường mà không có thù lao.

Ở nhiều địa phương, HS tiểu học được học 2 buổi/ngày mà không phải đóng học phí vì giáo viên dạy thêm nhưng không nhận thêm lương. Hay trong những đợt bão lụt các năm vừa qua, nhiều giáo viên đã cùng nhân dân địa phương tình nguyện sửa chữa trường lớp, bỏ tiền túi để giúp đỡ HS của mình,...

Tiêu cực chỉ là rất ít

- Trong loạt bài về nghề giáo đăng tải thời gian qua, một vấn đề nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của độc giả là hiện tượng "trượt biên chế vì đấu không tới giá" - nói về những tiêu cực trong thi tuyển biên chế vào ngành giáo dục. Ông nghĩ sao trước phản ánh này?

- Trong những năm vừa qua, nhiều ngành khác có chính sách ưu tiên nhận con em trong ngành vào làm việc nhưng ngành giáo dục chưa bao giờ có. Chuyện này, chúng tôi cũng không đòi hỏi. Lý do là vì muốn đảm bảo chất lượng giáo dục là trên hết.

Với quan điểm nhất quán như vậy, việc thi tuyển vào ngành nếu có tiêu cực thì chắc chỉ là rất ít, nhưng dù ít cũng vẫn là điều không thể chấp nhận.

Mô tả ảnh.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Lê Anh Dũng

Không "đào tạo theo nhu cầu"

- Những năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển vào một số ngành sư phạm khá thấp và liên tục giảm, có thí sinh chỉ cần đạt hơn 4 điểm/môn là có thể trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường sư phạm lại liên tục tăng chỉ tiêu. Theo ông, điều này có bất hợp lý?

- Thời gian qua, các trường sư phạm đào tạo theo năng lực của mình mà chưa quan tâm đến nhu cầu xã hội, cụ thể là nhu cầu của ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục, từ đó đưa ra nhu cầu đào tạo giáo viên cho địa phương. Các trường sư phạm căn cứ vào đó để xác định chỉ tiêu đào tạo.

Đến nay, có một số địa phương đã làm được nhưng nhiều địa phương chưa làm được nên vẫn còn tình trạng thiếu thông tin cho công tác chỉ đạo và thực hiện.

Thưa ông, nhiều bất cập về "áp lực người thầy" được người trong cuộc lý giải nguyên nhân từ thu nhập. Về chuyện lương của giáo viên, có khá nhiều ý kiến đa chiều. Độc giả tranh cãi, có người nói lương giáo viên cao, nhưng cũng có người bảo thấp so với mặt bằng xã hội. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Lương theo thang bảng của giáo viên thì không thấp. Nhưng thực tế, cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn. Thấy rõ thực tế này, các cấp chính quyền địa phương, nhân dân đã rất quan tâm đến thu nhập của đội ngũ nhà giáo và có sự giúp đỡ, ủng hộ, nhất là vào những dịp lễ tết. Nhiều địa phương đã có chính hỗ trợ lương giáo viên mầm non ngoài biên chế...

Có điều, những cái này chưa thành chính sách của Nhà nước nên sự quan tâm không đồng đều giữa các địa phương dẫn đến nơi này có, nơi kia không. Nếu từ thực tiễn đó quy định được cụ thể thành chính sách nhà nước thì mới ổn định và có tác dụng động viên cao hơn.

Hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết thông qua việc giáo viên được hưởng chế độ thâm niên công tác và các giáo viên chuyển về công tác trong các cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong những năm đầu.

Ngành đang tham mưu cho Chính phủ có những nghị định để thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

- Xin cảm ơn ông!

"Phải cố gắng giữ học trò lại"

Đuổi học học sinh là giải pháp tồi tệ nhất mà đôi khi nhà trường buộc phải áp dụng. Phải nghĩ rằng bị đuổi học thì các em đi đâu? Bởi, em ấy có thể "phá" ở lớp, nhưng đuổi em ra xã hội thì có khi còn "phá" hơn. Do đó, trong ứng xử, trong giảng dạy, giáo viên phải cố gắng để giữ học trò lại.

Nhưng đừng “khoán trắng” cho giáo viên và nhà trường, thời gian học sinh ở trường ít hơn ở gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, tác động giáo dục trong mỗi môi trường có ưu thế riêng, phải coi trọng tất cả.

Trước đây, môi trường học đường "đóng", học sinh nghe thầy cô nhiều hơn. Nay nhà trường "mở cửa", nhiều yếu tố xã hội tác động, ảnh hưởng đến môi trường học đường, nhân cách con người hơn. Do đó, áp lực cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ khó khăn hơn trước.

(Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển)

  • Thực hiện: Bảo Anh - Lan Anh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Văn Lâm, Hà nội, 15:45, 29/01/2010

Theo tôi nhà nước ta chưa giầu có để có thể bao chất lượng công tác giáo dục.

Xã hội hoá giáo dục hãy bắt đầu bằng việc phân quyền cho hiệu trưởng các trường học tự quyết định mức học phí học sinh phải đóng cho nhà trường trên cơ sở một mức trần do Nhà nước quy định.Mức trần này phải đủ lớn để giáo viên giỏi ở các trường danh tiếng có thể có thu nhập hai đến ba nghìn USD và bỏ mọi chế độ ưu đãi không cần thiết khác cho giáo viên hiện đang áp dụng.Không lý gì một lao động giỏi trong liên doanh có mức thu nhập này còn giáo viên giỏi trong trường danh tiếng thì không.

Tuy nhiên nếu chất lượng đào tạo của một trường không tương xứng với mức học phí thì trường này không có học sinh và tự họ phải hạ thấp mức học phí để có "khách hàng".Như vậy giáo viên mới được bình đẳng và phải cạnh tranh như nghề khác .Học sinh cũng tuỳ khả năng của bố mệ để lựa chọn trường có mức học phí vừa túi tiền.Vấn đề bình đẳng của học sinh chỉ được đặt ra với chương trình và quyền được đi học là ngang bằng nhau,còn chất lượng thày dạy thì không thuộc phạm vi bình đẳng vì bố mẹ học sinh là người trả tiền học cho con và họ làm việc , có mức thu nhập hoàn toàn không cào bằng nên nếu thích con có thày giỏi thì bố mẹ phải trả nhiều tiền hơn .

Thái Thượng Hoàng, Phía bắc Hà tĩnh, 10:26, 29/01/2010

Kính thưa các bạn đồng nghiệp ! Lâu nay các bạn bàn chuyện nhuốm màu sắc tiêu cực nhiều quá. Thế này nhé trong khi chờ đợi điều kỳ diệu các bạn hãy tự thỏa mãn mình đi . Tôi có người bạn GV trung tuổi xây dựng kế hoạch cho cuộc sống của mình rất chuẩn , bạn nào thích thì tham khảo nhé : Dạy chính khóa , làm hồ sơ sổ sách , dạy thêm nâng cao thu nhập và cũng là giúp đỡ con em quê hương , tăng gia sản xuất ( 3 mẫu lúa , 2 mẫu hoa màu , nuôi 800 con gà ,200 con ngan , 52 con cả trâu và bò , ao cá nước ngọt ...Thế là đủ vườn , ao , chuồng. Lại thêm cây thế , chim, cá cảnh ) đến nhà bạn tôi vui ra phết . Thỉnh thoảng lại làm thơ đăng báo ( cái danh ấy mà ! ) , tụ tập bạn bè bàn chuyện thời sự , ngắm quỳnh , thưởng trăng.

Quan trọng nhất là bạn ấy dành nhiều thời gian cho nghiên cứu , trăn trở với cải cách phương pháp truyền thụ , cập nhật kiến thức trên mạng để vận dụng cho linh hoạt trong tiết dạy . Thường xuyên đi thâm nhập thực tế , gặp gỡ gia đình phụ huynh ... Bạn đồng nghiệp ấy thật hạnh phúc !

Nguyễn Viết Xuân, Ha Nam, 08:39, 29/01/2010

Mọi cái đều có cái giá của nó. Thực ra thật khó để đưa ra được kết quả xác đáng để giải quyết vấn đề. Bởi vì chúng ta chỉ nói cho nhau nghe, nhưng không chịu khó đứng nhìn vào thực tiến. Ví dụ thứ nhìn vào một trường nào đó bên cạnh trường mình đang công tác thì thấy được ngay: "Trường nào mà lãnh đạo quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên như tạo điều kiện thuận lợi được phần nào khó khăn cuộc sống thì trường đó chất lượng rất tốt". Tôi nghĩ nếu lương Giáo viên thấp thì chịu khó đi làm thêm việc gì đó..? ví dụ như giáo viên ở miền núi chúng tôi thì có thể vác quốc lên rẫy trồng cây thêm thu nhập...Hì. Lỡ ai nói rằng nếu làm như vậy thì không đủ thời gian đầu tư chuyên môn! đúng vậy, nhưng mọi vật giá ngoài chợ cũng đều có giá của nó.
Chúng ta cũng đừng đòi hỏi quá cao ở xã hội, mà phải biết chấp nhận thực tế một ít. Mà xã hội cũng phải biết chấp nhận thực tế một ít.
Nhìn vào thực tế thì so với các nước khác thì: Ngành giáo dục nước ta có một chế độ hậu đãi cho giáo viên vấn chưa xứng tầm. Ngành giáo dục để đi lên được thật là khó vì tất cả giáo viên lo làm kiếm sống thời gian đâu mà lo dạy chữ!

Nguyễn Thanh Giang, Thai Nguyen, 08:28, 29/01/2010

Thực sự đồng ý với các ý kiến của độc giả về những vấn đề trên, thâm tâm tôi trong mười mấy năm làm nghề giáo chưa lúc nào thấy chán nản như những năm gần đây. Chán bởi nhiều lẽ : xã hội không còn trọng vọng theo đúng nghĩa của nó nữa , học trò cũng không còn kính trọng như trước nưa , và đồng lương thì quá ít ỏi so với các ngành nghề khác ...Than ôi, nói nhiều quá rồi , tăng llương nhiều lần quá rồi nhưng chúng tôi lại nhiều lần mong : giá đừng tăng llương !bởi mỗi khi lương chuẩn bị tăng thì giá đã tăng lâu lắm rồi và đồng lương tăng không đủ với phần giá tăng!

Những năm chưa có gia đình , tôi và đồng nghiệp hăm hở , tâm huyết và yêu nghề hơn ai hết song từ khi có con cái, có gia đình tôi mới thấu hiểu vì sao học trò không muốn học thầy , cô cao tuổi nữa ! Tâm huyết sao được khi chưa đến kì lương để nộp học hay mua sữa cho con , yên tâm sao được khi bố , mẹ ốm yếu mà không có tiền chaỵ , chữa... Biết bao thứ cần đến tiền mà giáo viên chỉ có bấy nhiêu thôi, gần cuối tháng trong nhà như sắp có chiến tranh bởi chẳng thể vui vẻ được . Hãy lo cho giáo viên một cuộc sống đầy đủ , họ sẽ yên tâm , tâm huyết lo cho nhiều thế hệ tương lai của đất nước hiệu quả hơn ! Cầu mong khi nào được như thế !

Dương Hoàng, Hà Nội, 07:41, 29/01/2010

Quý vị hãy nhìn nhận một cách công bằng và thực tế hơn đi. Đừng đưa những khái niệm cũ từ cái thời cách đây hàng chục năm để nói về nghề giáo nữa.

Phải thừa nhận một điều rất rõ ràng là:Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách lớn mang tính chất ưu đãi ngành giáo dục. Riêng về mức lương đã có sự khác biệt so với khối hành chính sự nghiệp. Mức lương ngành giáo dục là mơ ước đối với các cán bộ trong khối Nhà nước chúng tôi. Ngoài ra còn có các chế độ thu nhập khác từ các nguồn khác (bán trú, dạy thêm, các khoản thu...).

Nhà nước cũng rất quan tâm và dành một phần ngân sách đáng kể cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất. Song thử hỏi chất lượng giáo dục và tâm huyết với nghề có được nâng cao như mức đầu tư và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ không? Đời sống của các cán bộ trong ngành giáo dục không hề thấp so với mặt bằng chung trong giới cán bộ công chức nữa.

Rất đồng tình với bạn Trần Đại Nghĩa và Thái Thượng Hoàng. Làm gì thì làm, đừng để tâm huyết nguội lạnh. Tiền lương không phải là vấn đề của đội ngũ.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Chung Văn - Ba Vì. Tôi cũng ra trường được 10 năm như đồng chí. Còn không xin được vào làm hợp đồng như đồng chí cơ! Tôi cũng thi "tay bo" như đồng chí đấy, nhưng tôi đỗ ngay lần thi đầu tiên. Tháng lương đầu tiên của tôi chưa đầy 400.000đ thôi đồng chí ạ! Nên tôi không tin cuộc đời này chỉ toàn những cuộc thi không công bằng. Cũng không phải vì mức lương quá thấp mà tôi không tâm huyết với nghề.

Nên theo tôi, không nên kêu ca quá nhiều về sự khó khăn của ngành giáo dục theo cái lối mòn suy nghĩ từ rất nhiều năm về trước nữa, mà phụ lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với ngành giáo dục! Tiền lương không phải là vấn đề nữa. Vấn đề là CON NGƯỜI!

Nguyễn Văn Quảng, Tân Phú Đồng Xoài Bình Phước, 06:15, 29/01/2010

Lấy lại vị thế người thầy trong xã hội là một vấn đề xã hội lớn và có tính chất sống còn với không chỉ nền giáo dục mà còn đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam.
Tại sao tôi nói vậy? Vì hình ảnh của người thầy trong xã hội phản ảnh rõ nét sự phát triển hay diệt vong của một dân tộc. Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Giáo dục đào tạo, sản sinh ra những công dân giỏi về tri thức, mạnh về niềm tin, trong sáng về tâm hồn... Có thể trước đây, hiện nay và một thời gian dài sau nữa phụ huynh, thầy giáo, học sinh, các cơ quan công quyền... chưa có ứng xử tốt về chức năng nhiệm vụ của mình đối với bản thân và xã hội.

Nhưng nếu chúng ta có một chương trình hành động tổng thể lấy lại vị thế của người thầy trong xã hội một cách thực sự thì mỗi 10 năm sau chúng ta sẽ thấy được những sự biến chuyển đáng kể của phụ huynh (họ có suy nghĩ khác hơn trong việc dạy con, phối hợp tích cực hơn với nhà trường và có cả những nhân tố tốt được dạy dỗ và trở thành nhứng ông bố, bà mẹ), người thầy cũ nâng cao chuyên môn và khả năng sư phạm cũng như cách ứng sử, người thầy mới đào tạo ra có chất lượng hơn cả về năng lực và phẩm chất, nghề giáo được thu hút hơn, cơ quan công quyền có nhiều người có tài có đức hơn, học sinh ngoan và học tốt hơn...

Đó là một tác động có tính chất lan tỏa khi chúng ta đặt việc lấy lại vị thế và nâng cao vị thế người thầy trong xã hội, lấy lại truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn đời của cha ông ta. Không thể đòi hỏi sau một năm, năm năm, hay mười năm về vấn đề này mà chúng ta cần có một phương hướng đúng đắn để không ngường nâng cao vị thế người thầy.

Hình ảnh của người thầy trong xã hội theo tôi nó phản ảnh rõ nét nhất sự phát triển của dân tộc ấy.
Vì vậy, Bộ giáo dục và đào tạo phải là cơ quan chủ trì trong việc nâng cao vị thế người thầy:
- Đào tạo lại, chuẩn kiến thức, chuẩn cách sống của giáo viên;
- Quản lý chặt chẽ việc tuyển sinh, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm;
- Cải cách có lộ trình cụ thể việc lương bổng cho giáo viên để họ yên tâm với nghề;
- Từng bước chấn chỉnh việc tuyển dụng, giảm thiểu việc chạy tiền vào biên chế giáo dục;
- Chấn chỉnh ngay vấn đề phát ngôn của người thầy đặc biệt là trước mặt học trò, bất kỳ một việc gì về ứng xử thầy phải làm gương trước học trò;
- Có chính sách cụ thể và thiết thực hơn nhằm thu hút giáo viên có trình độ về các khu vực có trình độ dân trí thấp;
- Bỏ ngay việc xét thành tích của học sinh về mặt điểm số để đánh giá thầy đánh giá trường, đánh giá huyện, đánh giá tỉnh;
- cần phải cho học sinh thấy được ích lợi của việc học môn này, môn kia như thế nào trong cuộc sống hiện nay và sau này;
- Không nên động viên học sinh có thành tích học tập tốt bằng tiền mặt (cả gia đình và ngành)...

Mong Thu, 01:54, 29/01/2010

Tôi rất đồng tình với ý kiến của giáo sư Bảo Châu. Từ việc thu nhập thấp của giáo viên, nên mới có những tiêu cực, làm cho hình ảnh người thầy trong mắt học sinh bớt đi.

Phải nhìn thẳng vào sự thật là ' vật chất' trước rồi mới đến ' tinh thần', nhà nước hãy nâng cao lương, mức sống, chế độ cho giáo viên. Khi cuộc sống đầy đủ họ sẽ bớt ' làm khó' học sinh và phụ huynh đồng thời chuyên tâm với nghề và vì cuộc sống họ được đảm bảo thì xã hội có quyền đòi hỏi chất lượng nơi người thầy. Điều này công bằng cho cả giáo viên (người cung cấp dịch vụ ) và học sinh ( người hưởng dịch vụ ) thì mới mong thay đổi được hình ảnh người thầy trong xã hội hiện nay.

Thái Thượng Hoàng, Phía bắc Hà Tĩnh, 22:39, 28/01/2010

Kính thưa các bạn đồng nghiệp ! Tôi muốn phát biểu thêm rằng làm gì thì làm chứ đừng để tâm huyết chúng ta nguội lạnh , mất niềm tin . Xin thưa , có bậc vĩ nhân từng nói mất niềm tin là mất tất cả . Không biết các bạn đồng nghiệp dạy môn gì , tôi thì cũng có tăng gia cải thiện chăn nuôi thêm ( 2 mẫu đất lúa ,đàn gà 500 con ,8 sào lạc , 12 con trâu và bò ) cuộc sống cũng coi là biết đủ , thôi tôi đi làm GA ngày mai còn trình kiểm tra Xin mọi người hãy tích cực trong suy nghĩ , đừng quá thất vọng và buồn phiền quá . Những ánh mắt trong sáng ngây thơ ngập tràn niềm tin đang giõi theo chúng ta đó, hãy làm điều gì thật tốt đẹp cho thế hệ mai sau các bạn nhé !

Trần Đại Nghĩa, Hà Nam, 22:30, 28/01/2010

Kính thưa Thứ trưởng,Đảng ta thường xuyên chỉnh đốn Đảng,và theo tôi "chỉnh đốn ngành"cũng là việc rất nên làm(một cách nội bộ chứ không phải bằng cách giao nhiệm vụ cho sinh viên đánh giá giảng viên).Tiền lương không phải là vấn đề của đội ngũ đâu ạ.

Nguyễn Chung văn, Ba Vì- Hà Nội, 22:00, 28/01/2010

Thưa Thứ Trưởng, thưa các vị.
Tôi tốt nghiệp và đi dạy hợp đồng ở một trường THCS của Thủ đô mới, đến này (tháng 4/2009)là đúng 10 năm, 10 năm dạy hợp đồng các vị ah. Tôi nhớ tháng lương cao nhất của tôi là.... 600.000 ngàn đồng. Khoảng cách từ nhà đến trường là 18km. Đến bây giớ, tôi không hiểu tại sao tôi lại làm được điều "kỳ diệu" như thế! Tôi học Sử nhưng lại được phân công dạy rất nhiều môn: địa, GDCD, văn, công nghệ, thể dục, đôi khi còn được dạy cả toán nữa. Vậy thì các vị biết chất lượng thế nào ròi chứ???. Tôi đã tham gia thi tuyển công chức 5 lần cả thảy. 2 lần thi "tay bo", 2 lần "đấu không tới giá", lần cuối, tôi thay đổi "chiến thuật" : đấu tầm vĩ mô. Theo gợi ý của người quen, tôi tiếp cận được một vị đang công tác ở Sở nội vụ. Ôn rồi, sau trình bày, cân-đo-đong... tôi đâu bằng "giá sàn" (theo gợi ý của vị nọ- hơi quen biết một tý) là 2 ngàn đô. Ôn 2 tháng, đi thi yên tâm quá...
Trượt! Bi kịch. Gặp lại vị nọ, được lời xin lỗi " anh đã làm hết khả năng có thẻ những nhiều người "đấu" cao hơn chú!". Hai tháng sau, tôi đòi được tiền, sau khi đã bị khấu trừ mất 4 triệu VND "tiền nước bọt". ĐỈNH ĐIỂM.
Các vị có biết tôi làm gì bây giờ không?Tôi đã bỏ nghề. ...
Hiện nay, Tôi đang làm "ông chủ" 1 trang trại nhỏ gồm: khoảng 120 con lợn, 500.000 gà, 500.000 vịt, 200.000 ngan, 13 chó, 01 ao cá, 01 con lợn giống Tôi đã bỏ nghề được gần năm nay và thu nhập chia đều cho các tháng là 5 triệu đồng/tháng.
Cuôc sống của tôi, hiên tại, rất thanh thản. Khi khách có nhu cầu, tôi vẫn đưa con lợn giống của tôi đi... Bây giờ cả xã có rất nhiều lơn con từ lợn giống của tôi...
Tôi rất tâm đắc câu này: "Một người thầy thuốc tồi có thể (sơ xẩy) giết chết một người nhưng một người thầy giáo tồi sẽ giết chết không chỉ một mà nhiều thế hệ"
Tôi đã tự loại mình ra. Tôi đang thanh thản....
Chờ xuân,
Chào các vị.

phanquocthanh78@yahoo.com, hà tĩnh, 21:31, 28/01/2010

Đổi mới phương pháp dạy học, chủ thể học sinh không thích!
Tôi có người bạn là một giáo viên ra trường 10 năm và có 6 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong đó lần thứ nhất bạn tôi đạt giải ba và lần sau đạt thủ khoa với bài dạy có điểm tuyệt đối 20/20. Anh ấy cũng đã có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi nhiều năm và đạt thứ hạng cao. Nhưng học sinh lại muốn bỏ thầy để đi học thêm ở giáo viên khác vì một lí do hết sức oái oăm là các em học theo học không có bài viết mẫu để chép làm tài liệu! Cách dạy của anh ấy là không soạn bài mẫu rồi đọc cho học sinh chép mà nghiên cứu kĩ bài học rồi ra các dạng đề và tổ chức cho các em thảo luận, luyện tập kĩ năng tìm hiểu đề và lập dàn ý. Cách làm này đã không được số đông học sinh hướng ứng vì nó không "thiết thực"!

Trong thực tế dạy học, cách dạy đọc chép và dạy tổ chức hoạt động thì cách dạy sau khoa học hơn, tính sư phạm cao hơn nhưng người học lại "ngại khó" và thấy rằng mấy năm nay Bộ vẫn chưa thật sự ra đề mở nên học chép vẫn có tác dụng. Kiểu ra đề của Bộ còn có đất cho những đối tượng học sinh lười rèn luyện tư duy. Mà đối tượng này đang chiếm số đông ở trường phổ thông hiện nay.

Đổi mới dạy học nhưng vấp phải tư duy thực dụng theo kiểu mì ăn liền của người học, Còn người ra đề đang lấn cấn, sợ dư luận nên không dám đột phá trong việc quyết định chọn hướng đề mở nên hiệu quả của đổi mới dạy học không thể cao.
Những năm dầu thế kỉ XX, nhà văn Thạch Lam từng có một nhận xét với đại ý là ở nước ta mọi phong trào còn hời hợt và thiếu chiều sâu. Nhận xét ấy chẳng lẽ chúng ta lại để nó trở thành chân lí của những năm đầu thế kỉ XXI này?

Nguyễn Ngọc Nga, Việt Yên, Bắc Giang , 21:30, 28/01/2010

Tôi thấy có lẽ việc cần làm hiện nay là tìm cách nào: Truyền thông, giáo dục, tôn vinh ... những tấm gương thầy tốt trò ngoan... là việc làm sẽ tiêu tốn ít tiền nhất và hiệu quả nhanh nhất !
Cha tôi nguyên là một thầy giáo dạy vỡ lòng được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong đợt đầu tiên. Các anh chị em ruột thịt và dòng họ gia đình tôi hiện nay có tới vài chục người và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cũng chắc trên một nửa số đó.
Cha tôi luôn là niềm tự hào của chúng tôi và của ngành giáo dục huyện nhà. Hình ảnh một ông thầy gày gò, đủ thứ bệnh tật đạp xe hết làng này đến làng khác kiểm tra, hướng dẫn các cô trò làm dụng cụ học tập.Mẹ tôi vẫn kể, cha tôi cả đời công tác không được bữa cơm nào ăn nóng!!! Hình ảnh Ông rất nghiêm khắc với học trò nhưng cũng ân cần quan tâm, cầm tay nắn từng nét chữ , uốn từng câu nói. Với tôi sau 40 năm, giờ đây khi nhìn các con tôi đi học mà thấy nao lòng.
Nếu nói đến thu nhập của giáo viên : tôi đề nghị mỗi giáo viên tự vấn lưuowng tâm mình xem mỗi ngày các vị phải dành trọn vẹn bao nhiêu giờ cho công việc trách nhiệm của nhà giáo ? cộng lại 1 tháng chia bình quân 26 công = ?
Tôi đã từng chất vấn em tôi và nhiều người phải thừa nhận rằng so với lao động các ngành khác còn cao và nhàn nhã hơn nhiều!!!
Nếu dạy giỏi một chút đi dạy thêm có thể thu nhập cả đôi triệu / ngày ( vì con tôi cũng đang học những lớp học 60 USD/ buổi khoảng 2 tiếng.
Còn đứa nhỏ cũng đang học lớp 1 - cái lớp vỡ lòng ngày xưa ấy, tôi cũng phải tằn tiện để cho con học lớp chuẩn Quốc tế, cơ sở vật chất nhà trường đầu tư quá đầy đủ , lớp có 20 cháu thì 1 cô chủ nhiệm và 1 cô phó chủ nhiệm. Nhưng tôi cũng thấy thất vọng vì tìm đâu ra hình ảnh các cô cầm tay nắn chữ cho con, mà thường chỉ nhận được những lời nhắc nhở rằng con tôi lười viết, chữ xấu... và các bạn vào năm đã đọc thông viết thạo...
Mỗi lần ghé thăm chỗ con ngồi tôi luôn phải chỉnh lại bàn ghế, sắp lại sách vở và cũng từng nhắc nhẹ các cô hãy nghiêm khắc và hướng dẫn các con nề nếp ... nhưng có lẽ đó là tình trạng chung thể hiện trách nhiệm và sự hiểu biết về cách dạy của giáo viên.
Tôi chỉ ước giá mà con tôi cũng được học những người thày như cha tôi thi có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ phải lo âu về chuyện học hành của con cái !
Đó chỉ là một trong muôn vàn những cái giá mà, những ước ao ...
Bởi vậy theo tôi cần nghiên cứu lại ngay việc dạy và bồi dưỡng cho các thày cô về kỹ năng sư phạm, tâm lý học và đặc biệt khơi dạy tình người, đạo đức nhà giáo. Để làm sao sau hàng mấy chục năm các học sinh vẫn nhớ về thày cô giáo cũ như chúng tôi hiện nay .
Còn dù có đưa ra mức thu nhập cao bao nhiêu nếu kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và tình người không cải thiện thì cũng vô nghĩa bởi lòng tham con người là vô đáy !

mainguyen, hanoi, 21:29, 28/01/2010

Đọc hết các ý kiến của mọi người, tôi nhận thấy hình như ai cũng chỉ nói cho hả cái tức của mình; người thì thông cảm, người lại chê, các ý kiến cứ chéo nhau loạn xạ.

Có lẽ các ý kiến thực sự tâm huyết và xây dựng chưa nhiều, phần lớn là kể khổ hay chỉ trích thiếu căn cứ.

Tôi ở trong nghề này đã rất lâu ( hơn 30 năm) tận mắt chứng kiến nhiều điều cần phải chấn chỉnh. Theo tôi trước hết cần chấn chỉnh ngay hàng ngũ cán bộ của ngành giáo dục, từ hàng hiệu trưởng trở lên xem họ có thật tài , đức để làm lãnh đạo trong giáo dục không? Nếu không phải cách chức ngay (mỗi hiệu trưởng làm sai có thể ảnh hưởng đến hàng ngìn học sinh); rồi còn các vị ở sở, cục,vụ, viện nữa.

Ta đã bàn cách chữa bệnh thì cũng nên xem xét đến tận cùng. Về phần giáo viên , tôi đồng ý rằng hiện nay có một số thày cô còn hạn chế, thậm trí là làm sai , ai sai thì phải kỷ luật, có thể buộc thôi việc và chọn giáo viên khác( có rất nhiều thày cô trẻ chưa có việc làm).

Quay lại ý kiến của giáo sư Châu, tôi cho là ý kiến đó rất xác đáng. Chúng ta khoan hãy nói đến những vấn đề cao siêu mà hãy làm những việc thiết thực, có ích trước đã; hãy đảm bảo cho các thày cô giáo có một môi trường giáo dục lành mạnh, một cuộc sống vật chất ổn định theo mức trung bình của xã hội và yêu cầu họ làm việc hết mình nhất định chúng ta sẽ cải cách giáo dục thành công.

Tôi là giáo viên lâu năm , tham luận về giáo dục cũng đã khá nhiều, yêu nghề cũng có mà chán nghề cũng không ít, nhưng tôi nghĩ nghề bao giờ cũng đi đôi với nghiệp, vui buồn yêu ghét là chuyện bình thường, các thày cô giáo cũng đừng quá mặc cảm với nghề mà mình đã chọn.

Tôi đã từng khuyên học trò đừng theo nghề của thày nhưng cũng đã từng động viên các thày cô trẻ cùng trường là hãy yêu nghề của mình, nó có thể không mang đến cho mình giàu sang phú quý nhưng nó giúp mình luôn giữ được tâm hồn trong sáng và lương thiện, giúp mình biết cách dạy con thành người tốt.

Đào Việt , LHPVT, 21:17, 28/01/2010

Đây là bài toán hóc búa. Không thể giải quyết đơn lẻ một vài biện pháp là có thể thu hút người tài vào Sư phạm và chí thú với nghề, là địa vị xã hội của nghề được nâng lên... Tôi nghĩ cần có giải pháp tương đối đồng bộ trước mắt, giúp nhà giáo có thể an tâm sống với nghề, giảm bớt tiêu cực, sống mô phạm và phấn khởi say mê với nghề khi thấy việc lên lớp của mình là một niềm vui bởi chương trình và phương pháp dạy học mới mang lại. Chương trình và phương pháp dạy học này tạo ra một không khí mới, một quan hệ mới thân thiện giữa thầy và trò. Đời sống vật chất không chật vật, chương trình hấp dẫn, thiết thực, phương pháp lại sinh động, thúc đẩy sự sáng tạo và niềm say mê, quĩ thời gian đủ dùng để nghiên cứu đi sâu vào chuyên môn giúp tay nghề và uy tín nâng cao... đó là những khát khao thật sự của các nhà giáo.

Nguyễn Văn Hoàn, Việt Nam, 21:14, 28/01/2010

"Với quan điểm nhất quán như vậy, việc thi tuyển vào ngành nếu có tiêu cực thì chắc chỉ là rất ít, nhưng dù ít cũng vẫn là điều không thể chấp nhận". Câu nói này là không chính xác chút nào so với thực tế bên ngoài, ngay trong gia đình tôi. Hai em gái tôi đều là giáo viên, muốn đi dạy hợp đồng cũng phải có mối quan hệ. Sau một thời gian giảng dạy, là giáo viên dạy giỏi nhưng vẫn chưa được vào công chức vì không lo được vấn đề tài chính. Sau một thời gian tìm hiểu mới thấy rằng nều không có tiền thì không thể vào được (30 triệu và đây thật sự vẫn là con số nhỏ so với một số người khác). Nếu ông thật sự là người tâm huyết với ngành giáo dục thì hãy thử làm một người bình thường đi xâm nhập vào các ngóc ngách uẩn khúc trong ngành giáo dục và thật sự tìm hiểu. Liệu ông có nhìn nhận được vấn đề tiêu cực có nhỏ hay không?

Nguyen Van Quyet, Hung yen ha nam, 21:03, 28/01/2010

Chúng tôi là giáo viên chúng tôi muốn hưởng lương theo lao động. Không quân bình chủ nghĩa, không theo thâm niên. chỉ căn cứ vào năng lực dạy học là chủ yếu. Những giáo viên dạy giỏi đáng phải hưởng gấp 3,4 lần lương hiện nay.
Chúng tôi là học sinh chúng tôi có quyền lựa chọn giáo viên giỏi dạy chúng tôi. Chúng tôi không muốn bị áp đặt. không muốn học thầy dốt.
Vậy Bộ trưởng cho biết ông và chính phủ phải làm gì để đáp ứng nguyện vọng chính đáng trên?

Nguyên Quang, Hà Nội, 20:58, 28/01/2010

Tôi thấy những câu hỏi chất vấn khá rõ những Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời còn chung chung. Đặc biệt, ông chưa đưa ra một cơ chế thoả đáng để lôi kéo, giữ chân người giỏi, chưa nêu rõ chính sách tiền lương, thưởng cho giáo viên...

Còn vấn đề thiếu minh bạch trong chính sách biên chế thì tôi đề nghị thứ trưởng nên "vi hành" bởi thứ trưởng nói vậy chắc khác nào chẳng biết thế nào. Xin việc thời buổi này khó như lên trời. Vào một trường phổ thông mà cạnh tranh nhau bằng tiền. Những bạn bè của tôi sau khi tốt nghiệp cũng "khóc" vì không biết phải bán bao nhiêu thóc cho đủ số tiền để có một chân giáo viên ở phổ thông. Khi đã được thì không biết làm cho đến bao giờ mà thu được. Tôi chỉ xin thứ trưởng và Bộ cần nghiên cứu cơ chế giáo dục rõ ràng, minh bạch, chất lượng và hiệu quả nhất là chính sách tiền lương.

Trần Cà Phê, 63-PH XUYÊN MỘC.BR-VT, 20:46, 28/01/2010

Thứ trưởng bảo tiêu cực ít thì cứ thử "vi hành " một chuyến xem sao?
Áp lực vì "bệnh thành tích có giảm ",đó là Thứ trưởng nói ,riêng tôi thấy còn và còn nhiều lắm ,vì còn mãi chỉ tiêu : chỉ tiêu lên lớp ,chỉ tiêu giỏi , khá ...rồi thì chỉ tiêu đạt này kia ,kia nọ...ôi thôi.
Giáo viên thì chỉ tiêu tổ, trường ,phòng ,sở...Mỗi lần đầu năm học phải đăng ký chỉ tiêu thấp chắc chắn là CẤP TRÊN KHÔNG CHẤP NHẬN thế vậy không phải là bệnh thành tích đấy ư ?!
Lương bổng GD có cao nhưng sao vẫn có người làm ngay tại Bộ GD lại ra đi ,hay tuyển người rất khó !
Nền Giáo dục nước nhà hiện tại như thế nào mà một số con cháu của quí vị trong ngành GD lại ra học nước ngoài !
Rất mong cấp trên cần thường xuyên đi xuống ... thâm nhập thực tế mới thấy hết những hiện trạng GD hiện nay.

Nguyễn Trung Kiên, Hoà Bình, 20:36, 28/01/2010

Tôi thích các ý kiến của độc giả. Nó đúng, trúng và là một thực tế hiện nay ở xã hội chúng ta không phải vì bản thân tôi cũng là một giảng viên. Tôi dám chắc rằng Thứ trưởng chưa nói thật hoặc chưa dám nói thật. Tôi thấy nó cứ giống như một bài phát biểu vậy. Những ý kiến của tác giả bài báo là rất thực tế.

Tôi đã công tác được 7 năm và lương của tôi chỉ là 2,1 triệu. Bố tôi nói bằng đấy chỉ đủ để mua gạo, nước mắm, muối, điện, nước, rau.., thôi. Làm sao lo được cho con cái. Lúc đấy thực sự tôi rất lo cho tương lai của con cái mình khi nó lớn lên, lấy đâu tiền cho con học thêm, học ngoại ngữ...,

nguyen thanh huyen, bắc giang, 20:17, 28/01/2010

Đôi khi người thầy cũng quá đáng lắm. Nhiều thầy giáo bây giờ tự cho mình cái quyền bảo thủ, họ chỉ muốn họ nói học sinh nghe nhưng thấy giáo im lặng lắng nghe ý kiến của học sinh thì được mấy người! Tất nhiên rồi, họ hơn học sinh về tuổi đời, họ mất bao nhiêu năm ăn học, vất vả lắm mới xin đựơc việc để đi dạy...họ có quyền ấy. NHưng học sinh của họ là những đứa trẻ chúng đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi và tò mò, dễ sa ngã. Chúng ta trách học sinh đánh thầy khi nó mới học lớp 7, do lưu ban nhiều năm, các thầy cô giáo quá biết hoàn cảnh của nó, thầy cô nói thương nó nhưng thương theo kiểu nào, khuyên nó theo kiểu nào, đứa trẻ ngang bướng sẽ không bao giờ muốn nghe những lời giáo điều kiểu như: em phải thế này, em nên thế kia...mà câu ấy là cửa miệng của thầy cô.
Cái chính chả phải là lý do lương đâu, giáo viên cùng sâu vùng sa ư, thưa thứ trưởng họ kêu thế thôi, một giáo viên mầm non xã vùng cao ở chỗ tôi, lương gấp mấy lần một giáo viên vùng nông thôn đấy, có người một tháng gần chục triệu, họ chỉ cần làm vài năm là đủ...Trong khi nhiều ngành khác cũng công tác ở những nơi như thế lương cũng chỉ có lương chính, không phụ cấp...có bất cập không?
Nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội, không cần, từ trước đến giờ người Việt vẫn có truyền thống là "tôn sư trọng đạo", nhưng người thầy cũng đã làm gì với truyền thống ấy, họ tiêu cực, họ thiên vị học sinh, dạy thêm tràn lan, họ làm chuyện xấu....rất nhiều và đặc biệt bệnh thành tích quá nặng nề....chính họ có lẽ đã tự làm hình ảnh của mình xấu đi đấy chứ? Thứ trưởng có biết không? dân quê tôi đã quá quen với việc thứ 2 đầu tuần, loa của trường cấp 3 cứ phát oang oang những câu đay nghiến, phát ngôn không thể tin nổi nó phát ra từ miệng của một người thầy hiệu trưởng! HỌ nói thế này....thường thôi! Thứ trưởng có tin không? Thầy giáo nói học sinh là lũ mất dạy? Trời. Thứ trưởng có tin không? Vì thầy giáo thể dục tên là Bẩy nên cứ đầu năm mỗi học sinh phải ăn 7 cái tát hoặc 7 cái nhéo tai để khởi động (nạn nhân của nó chính là tôi và các em tôi), học sinh mới chuyển trường phải đứng giữa trời nắng một tiết học đầu tiên, chẳng vì lý do gì...vì ông ta ngẫu hứng thế thôi!...
Đến bây giờ tôi mãi không quên thời học sinh của mình, quyết tâm không đi ngành sư phạm vì tôi sợ, tôi sợ tôi sẽ đi theo vết xe đổ của họ. Tôi sợ lắm! Thưa thứ trưởng!

tuan hung, TP HCM, 20:10, 28/01/2010

Khi mới ra trường ĐHSP,tôi yêu nghề lắm,nhưng vài năm sau thấy chán,các đồng nghiệp tôi bỏ nghề cũng nhiều,nhiều người như tôi không thể bỏ nghề vì mình không có chuyên môn khác và không thể làm lại từ đầu,thôi thì cứ cho qua ngày chờ đên khi về hưu,bây giờ ở trường tôi,HS giỏi đăng kí đi sư phạm hiếm lắm,các nhiều em Gv trẻ mới ra trường về trường tôi chỉ là HS TB-Khá khi học THPT.Vấn đề không có nhiều GV là HS giỏi khi còn học phổ thông nên trình độ GV không cao như các bài bình luận gần đây tôi cho rằng rất đúng.Tôi là GV tự nhiên,còn dạy thêm có chút thu nhập mà còn chán thì không biết những GV khác họ có tập trung giảng dạy không

Nguyễn Quang Vinh, Hà Nội, 18:32, 28/01/2010

Bộ Giáo Dục, Nhà nước lúc nào cũng nói rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu là ... Nhưng tôi chẳng thấy hành động gì cả, cải cách ư? Ừ cũng có kết quả đấy nhưng nguồn gốc của chất lượng là gì? Động lực của sự thay đổi, của cải cách là gì? Là chính bản thân các thầy, các cô. Chừng nào bản thân họ cảm thấy xã hội tôn trọng họ, chừng nảo bản thân họ cảm thấy ngành mình thực sự cao quý thì họ sẽ tâm huyết với nghề, không bị đồng tiền làm hoa mắt. Nói như thế không có nghĩa là tôi cho rằng nghê này bây giờ không cao quý, nhưng nói ngược lại nếu là nghề cao quý thì cái giá trả cho nó cũng phải cao quý, sinh viên vào trường cũng cần phải được tuyển chọn cẩn thận, và đồng lương trả cho họ cũng phải tương sứng chứ. Thật đau lòng khi lương giáo viên cấp II, cũng chỉ bằng mức lương của công nhân phổ thông.
Cứ cho rằng tôi sống thực dụng, nhưng nếu nghề giáo là nghề được người ta mơ ước, vào nghề giáo được đảm bảo một cuộc sống sung túc thì lúc đấy tôi nghĩ viễn cảnh sẽ tươi sáng hơn nhiều.

HoangNgocBich, USA, 18:28, 28/01/2010

Toi hoan toan dong y voi y kien cua GS Ngo Bao Chau. Phai lam lai giao duc tu goc, thay vi chay theo benh thanh tich nhu hien nay (Nhap khau chuong trinh quoc te, xay dung truong dang cap quoc te). Hay quan tam den giao duc tu mam non tro nen de tao ra mot xa hoi ngay cang "sach". Han ai cung thay dao duc cua gioi tre ngay cang xuong cap. Bao nhieu vu an lang xet. Vay ket qua cua giao duc o dau?

Lê Văn Tài, Hà nội, 18:05, 28/01/2010

Tôi cho rằng, cứ với cách nói như Thứ trưởng BGD thì còn lâu tiêu cực mới hết. Chúng ta đều biết hiện nay, tình hình tiêu cực trong ngành GD là đáng kể, hầu như không thể có chuyện thi công chức thực chất, giáo viên muốn chuyển trường để hợp lý hoá gia đình mà không cần phải bôi trơn cho bất cứ một khâu nào??? Việc thi cử, học tập nâng cao trình độ của giáo viên "chuẩn hoá" cũng có nhiều vấn đề, việc dạy thêm, học thêm chưa được giải quyết triệt để, nhất là ở các thành phố lớn, gây rất nhiều lo lắng cho cha mẹ học sinh... Những căn bệnh trầm kha này của ngành GD chỉ có ngành GD mới giải quyết được và cần một quyết tâm rất cao, cần sự nhìn nhận trung thực và công khai sự thật về nó. Từ đó, nên trưng cầu ý kiến của nhân dân, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng ý kiến của những nhà khoa học, những người tâm huyết với nghề dạy học. Tất nhiên, tôi không cho rằng, ngành GD hiện nay toàn thầy cô xấu, nói như vậy là không công bằng, nhưng hiện nay hầu như cái tốt không át được cái xấu... Tôi cho rằng việc cải cách giáo dục trước hết cũng nên đề cập đến việc trả lương cho đội ngũ giáo viên, khi đã có mặt bằng lương tương đối ổn định, đủ giúp giáo viên trang trải cuộc sống của họ và gia đình, thì chúng ta bắt đầu tiến hành nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước chuẩn hoá, cần thiết giảm bớt những người không đủ tiêu chuẩn và tuyển chọn những sinh viên mới tốt nghiệp thay thế dần những người không đạt chuẩn (hiện nay số sinh viên sư phạm ra trường rất nhiều, nhưng muốn có biên chế giáo viên đều phải "chạy"). Sau đó, chúng ta tiến hành đổi mới mô hình giáo dục, chuẩn hoá trường, lớp ở từng cấp học (từ mầm non đến đại học) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến về giáo dục. Như vậy, thiết nghĩ mới giải được những "luẩn quẩn" của giáo dục hiện nay.

Hiền, Hà Nội, 17:54, 28/01/2010

Tôi đồng ý với việc thay đổi hai vấn đề tiền lương và vị thế người thầy song còn một vấn đề nữa chúng ta cần quan tâm là cơ chế tuyển dụng! Một SV sư phạm ra trường bỏ ra số tiền gấp đôi chi phí 4 năm đại học để "chạy" việc làm có lẽ cũng là một yếu tố làm mất đi sự hấp dẫn của "nghề cao quý" thế nhưng giờ đây nó không còn là chuyện cá biệt! Những gia đình có con học SP năm cuối lo lắng "tìm cửa" chạy việc vất vả hơn sự nghiệp đèn sách của con cái họ có phải một nghich lý không thể thay đổi???

Thái Thượng Hoàng, Phía bắc (NX) Hà tĩnh, 17:21, 28/01/2010

KÍnh thưa thứ trưởng ! Lâu nay ngân sách dành cho GD như thế cũng là có sự cố gắng rất nhiều của Đảng và nhà nước ta . Tuy nhiên xin đề nghị lãnh đạo ngành cần có sự kiểm soát nguồn ngân sách này sao cho đúng hướng , đúng đối tượng . Thưa thứ trưởng , xin ngài bớt thời gian tiếp xúc với HS-SV-nhân viên thư viện,thiết bị,GV để kiểm tra thực tế hiệu quả của thiết bị thí nghiệm, đồ dùng trực quan như thế nào ? Rồi vấn đề thay sách GK , trang thiết bị chuyên ngành...Xin các vị lãnh đạo tính xem được mấy phần trăm trong ngân sách thực sự chăm lo cho đời sống GV , nhân viên của ngành ( những con người cụ thể ,trực tiếp thực hiện chủ trương cải cách GD của ngành). Chưa kể tiêu cực trong tuyển biên chế , tuyển sinh , đề bạt cán bộ...Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng với cái tâm của người lãnh đạo các vị sẽ sớm tìm đúng nguyên nhân và có biện pháp xử lý đúng cho hiện trạng GD nước nhà , SỚM TRẢ LẠI SỰ TRONG SÁNG CHO NGHỀ DẠY HỌC MÀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TA ĐÃ CÓ .Cảm ơn quý vị đã tiếp thu ý kiến phản hồi.

quanghuyida, 16:49, 28/01/2010

Nghề giáo là một nghề cao quý được xã hội tôn trọng nhưng đó cũng là một nghề như bao nghề khác, cần có thu nhập chí ít cũng đủ để trang trải cuộc sống. Không thể bắt giáo viên phải hi sinh, đổ mồ hôi công sức mà đồng lương thì còm cỏi. Chúng ta luôn muốn các thế hệ con em được đào tạo tốt, có kiến thức để sớm đưa quốc gia "Sánh vai với các cường quốc năm châu" nhưng đầu tư cho người thầy thật kém thì việc "thượng tôn học tập", "bệnh thành tích" không bao giờ chữa khỏi. Thêm vào đó việc người thầy ngày càng mất quyền trong việc dạy dổ học sinh (đôi khi có thể dùng biện pháp mạnh) và việc "tôn sư trọng đạo" của học sinh ngày càng kém thì việc giáo viên lên lớp cảm thấy áp lực vô hình trong công tác dạy học gây những ức chế cho họ, dẩn đến hiện nay đa phần các giáo viên chặc lưỡi cho qua hoặc làm ngơ với những học sinh cá biệt, rồi vì thành tích cứ cuối năm đẩy những học sinh này lên các lớp trên. Để rồi cuối cùng xã hội sẽ nhận những hậu quả xã hội: Một lớp người thiếu kiến thức, thiếu trình độ, thiếu văn hóa, thiếu đạo đức...
Sai lầm trong công việc thì trả giá cho sự thấ bại công việc đó. Sai lầm giáo dục sẽ trả giá bằng cả thế hệ....

Nguyen Duy viet, Tr­uong THCS Son loi - Binh Xuyen - Vinh Phuc, 15:55, 28/01/2010

Tôi đa đọc những dòng tin trên và tự cảm thấy rằng.
Giáo dục như mọi người vẫn biết là quốc sách hàng đầu là quan trong trong sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai. Nhưng những năm gần đây, chúng ta phải thừa nhận rằng không có nhiều người giỏi chọn ngành này với rất nhiều lí do nhưng trên thực tế thì thu nhập thấp (so với mặt bằng xã họi hiện nay) và vị thế xã hội của những người thầy (ngày nay) không được coi trọng(thực tế). Xã hội phát triển, con người cũng có những lập trường khác xưa, định hướng nghề nghiệp đã khác thực dụng hơn (điều đó dễ thông cảm vì đó là nhu cầu sống hiện nay).
Trong tương lai nếu không thay đổi trong ngành GD tôi nghĩ rằng đội ngũ GV ngày cành ít và không có nhiều người giỏi. Tôi đông tình với ý kiến thay đổi hahi vấn đề:
1)Cải cách tiền lương.
2)Nâng cao vị thế xã hội cho người thầy.

Đinh Thành Nam, Pleiku, Gia Lai, 14:42, 28/01/2010

Thưa thầy Thứ trưởng.
Cuộc sống của những giáo viên ở tỉnh lẻ khó khăn và vất vả như thế nào. Khi lãnh đạo cấp TW, cấp tỉnh xuống địa bàn thì gần như đã được báo trước, chuẩn bị rất tươm tất... để đón khách về. Hẫy thử lên Tân nguyên vào mùa mưa thầy sẽ thấy nỗi khổ của giáo viên ở đây. Thế mà họ nhận lại được những gì cho cuộc sống của mình.
- Còn về 8 không trong giáo dục, tôi cũng thống nhất với nhiều độc giả, Bộ giáo dục cần phải xem lại, có nhiều vấn đề còn chưa ổn lắm lắm. Tôi đặc biệt tâm đắc bài viết "Trẻ em, cây roi và kỉ cương quốc gia" của tác giả: Nguyễn Quang Thiều đăng trên Vietnamnet.

ANh Vũ, 14:14, 28/01/2010

Là phụ huynh học sinh tôi thấy như sau:
- Nói chung nghề nào đi nữa khi đã theo theo nghề thì đều có tình cảm, tâm huyết với nghề - ở đây giáo viên cũng vậy
- Tuy nhiên trong môi trường sư phạm, điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần tốt sẽ giúp cho giáo viên tâm huyết với nghề hơn. Lương giáo viên không đủ nuôi sống bản thân và gia đình thì làm sao mà họ uyên tâm công tác. Họ sẽ rời bỏ môi trường sư phạm và sẽ tìm cho mình nơi có thu nhập cao hơn là điều dễ hiểu
- Một số thầy cô tâm huyết nói là không cần vật chất là chưa chính xác vì: khi gia đình thầy cô đã có điều kiện, hậu phương vững chắc thì sẽ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp hơn; còn vẫn phải lo cơm ăn áo mặc, sữa cho con hàng ngày chắc sự tâm huyết, thời gian sẽ giảm bớt.
- Trước mắt, chưa cần cải cách giáo trình, chương trình học..., hãy cải cách lương và thưởng cho giáo viên đặc biệt chế độ cho những người trẻ, có năng lực, thu hút giữ nhân tài ở lại nước đào tạo. Tránh tình trạng một số trường ở các nước trên thế giới nhận mất người tài của nước nhà. Các trường quốc tế mời về là niềm tự hào nhưng theo tôi cần khuyến khích họ về giảng dạy nghiên cứu chính tại Việt nam và hợp tác với các trường khác.;)

tqkiem, 13:38, 28/01/2010

Toi da buoc qua tuoi tu tuan. Trong thoi gian hoc pho thong truoc day, khi hoc sinh chung toi mac loi, thay co deu la mang va san sang tri bang don roi voi tu cach cua "Nguoi thay - Nguoi cha" va duoc phu huynh va ca xa hoi ung ho. Vi vay nhung gia tri cua nganh su pham, niem tu hao ve nghe nghiep da ton vinh nguoi thay. mac du luc do chung ta van con ngheo. Kinh te moi thoi diem deu khac nhau, xa hoi da phat trien hon truoc. Vì vay tat ca chung ta deu co cuoc song tot hon truoc, khong ngoai tru giao vien. Su giao thoa voi cac nen van hoa tren the gioi da lam chung ta nhin nhan lai phuong phap giao duc. Chung ta tu hoi con ai dam ung ho nguoi thay ap dung bien phap giao duc nhu truoc doi voi hoc sinh ? Cong them vao do la su bon chen trong co che thi truong da lam cho con nguoi chung ta lo lang ve cuoc song rieng tu nhieu hon la lo cho cong dong xa hoi. Co phai vi vay ma anh huong cua nghe giao voi hoc sinh ngay cang mo nhat ? Giu vung nhung gia tri cua nen giao duc Phuong Dong hay di theo nhung bien phap tien tien cua Phuong Tay ? Hay ket hop hai hoa giua hai nen van hoa ? Do la cau tra loi chung cho ca xa hoi ma truoc het la phuong phap quan ly vi mo cua nha nuoc.

do quoc dung, TPHCM, 13:04, 28/01/2010

Kính gửi Quý đọc giả,

Đọc bài hồi âm của Thứ trưởng về giao dục tôi thấy có một số ý kiến sau đây.

Rõ ràng nhà nước ta có quan tâm khuyến khích và động viện những người đã đang và sẽ theo sự nghiệp giáo dục để phát triển tương lai của đất nước. Chúng ta phải khẳng định rằng chất lượng cuộc cuộc sống rất thấp của giao viên nói chung là một trong rất nhiều yếu tối đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học hiện nay.

Rõ ràng mọi người đều hiểu mức thu nhập của giáo viên hiện nay quá quá thấp so với như cầu căn bản trong cuộc sống hàng ngày, tôi thật sự rất hiểu những người lăng xả vì sự nghiệp giáo dục như Bài viết đã đề cập, họ không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi đối với công sức và tâm trí đã bỏ ra không phải vì họ không có nhu cầu mà vì họ chưa được tạo cơ hội để có thể lên tiếng cho quyền lợi của mình nói riên và cho tập thể nói chung.

Tôi rất không đồng tình với những bất công như thế này trong xã hội ta, đặc biệt là trong chế đội xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay, có một điều chắc chắn rằng giáo viên cũng là một trong những nghề như bao nghề khác, cũng cần phải có quyền lợi tương đương với công sức mình bỏ ra, nêú mình lăng xả vì sự nghiệp giáo dục mà không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi thì sẽ ảnh hưởng cuộc sống không chỉ riêng cho bản thân mình và còn ảnh hưởng đến quyền lợi chung của tập thể.

Tôi không đồng tình với quan điểm của Những ai đã tận dụng và nêu những trường hợp Giáo viên hết lòng vì sự nghiệp giáo dục mà không đòi hỏi quyền lợi như là một tấm gương tiêu biểu nhất để ca ngợi và để mọi người khác theo soi, để những người khác trong các tình huống sẽ không tìm ra được lý do chính đáng nào khác yêu cầu quyền lợi cho chính mình, theo kiểu lập luận như " anh có không có quyền đòi hỏi như thế vì những người khác xả thân hơn anh mà họ có đòi hỏi gì đâu".

Rõ ràng những quan điểm này đã ăn sâu không ít vào suy nghĩ của những thế hệ trước đã và đang lèo lái con thuyền giao dục nước Nhà, những quan điểm này đã và đang làm cho cuộc sống của giao viên vốn đã thiếu thốn nay còn thiếu thốn hơn, từ đó chất lượng giáo dục nước nhà đã phần nào ngày càng giảm sút.

Rất dễ hiểu và khó có thể nói rằng chất lượng giáo dục nói chung sẽ được nâng tầm do một thiểu số giáo viên lăng xã cho sự nghiệp giáo dục không đòi hỏi quyền lợi, mà chúng ta cần phải có sự góp sức của toàn thể mọi người đặc biệt là những người trực tiếp trong sự nghiệp giáo dục để thay đổi bộ mặt giáo dục hiện nay, muốn vậy chúng ta phải từng bước và nhanh chóng nâng cao chất lượng cuộc sống của họ ít nhất cũng không thể để thấp hơn những ngành nghề khác trong xã hội, và trước mất phải chia sẻ với những đỏi hỏi chính đáng đang ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Qua bài viết này, tôi đề nghị các vị lãnh đạo có những quan điểm và lối tư duy suy nghĩ mở theo hướng phát triển và coi trọng các nhu cầu cuộc sống của giáo viên, đừng ác cảm với những khi họ đòi hỏi quyền lợi tương đương với công sức đã bỏ ra, những đòi hỏi về quyền lợi đó là dựa trên như cầu của cuộc sống, đòi hỏi của họ là động lực để phát triển, để các nhà lãnh đạo tìm lối ra cho cuộc sống của người giao viên nói riêng và người dân nói chung.

Mong bạn đọc góp ý
Do Quoc dung

TRần Hãn, Thủ Đức, Tp HCM, 13:04, 28/01/2010

Theo Tôi, chỉ có tinh hoa mới đào tạo được tinh hoa. Tinh hoa làm sao có khi đồng lương quá bèo, phải chạy sô, dạy kèm, thậm chí làm việc khác làm cho hình ảnh giáo viên ngày càng thấp và không còn là hình ảnh tốt với học sinh. Không thể nói cái kiểu, Nghề giáo là cao quý trọng tinh thần, thiệt thòi vật chất một chút cũng được.Thật vô lý!

Bộ GDDT nên xem lại cách quản lý, lãnh đạo của mình.Bao nhiêu đầu tư, dự án thất thóat vì đâu? Riêng chuyện tiền thất thóat cũng đủ sức lo cho được nhiều thứ.

Nguyễn Đức Bảo, Hà Nội, 12:49, 28/01/2010

Tôi có chơi thân với một hiệu phó cấp 2,ông nói muốn làm nghiêm nhưng không được, vì ở trên vẫn ép chỉ tiêu cao, mà việc thi biên chế cần phải quen biết và có tiền mới đỗ. Tôi có rất nhiều người bạn làm giáo viên họ đều nói vậy thế mà thứ trưởng lại bảo tiêu cực là rất ít.

Đinh Chí Thuần, Cần Thơ, 12:43, 28/01/2010

Nếu sợ học sinh cá biệt phá ngoài xã hội mà cố giữ lại trường mà không giao cho giáo viên một công cụ gì để chế tài những học sinh cá biệt, liệu, những học sinh đó sẽ phá hỏng cả một lứa học sinh cùng lớp, cùng trường hoặc thậm chí cả một thế hệ học sinh chăng?

tub, 12:37, 28/01/2010

Là một người có hai con đang học tôi hiểu nỗi lòng của những người quản lý và trực tiếp làm việc trong ngành giáo dục và y tế.

Ở những môi trường khác mọi người đều có thể thấy hai ngành này còn tồn tại nhiều vấn đề tế nhị, tiêu cực. Nhưng thử hỏi có mấy ngành mà cán bộ phải thường xuyên đào tạo lại như y tế, giáo dục, có ngành nào mà thời gian học ĐH tới 6-7 năm, ra trường vẫn hưởng lương như học 4-5 năm?

Nếu mọi người cho rằng bằng cách này hay cách khác cán bộ hai ngành này vẫn có thể sống sung túc thì cũng nên xem lại những tỉnh, thành phố lớn, lực lượng các thầy xin ra ngoài công tác khá nhiều. Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng khi so sánh việc kê đơn thuốc với việc bơm một cái xe. Tôi còn nhớ một vị cán bộ ngành y đã nói sau khi ra ngoài công tác như sau: "dù tôi có làm ở đâu thì cũng là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân" ẩn chứa sau đó là nhiều vấn đề mà ai cũng có thể hiểu

phạm thạch hoàng, Thanh Trì Hà Nội, 12:31, 28/01/2010

Tôi thấy ý kiến của GS Châu và các độc giả là rất xác đáng.

Khi so sánh Việt Nam với mặt bằng lương của gv trên các nước phát triển, kế cả các nước đang phát triển thì quả là sự chênh lệch khá xa. Động lực nào, điều kiện nào cho giáo viên giỏi phấn đấu, người giỏi bước vào nghề sư phạm. Chúng ta nên có cái nhìn thẳng để giải quyết tận gốc. Hiện nay, qua thực tiễn giảng dạy, tôi thấy đời sống của giảng viên đại học còn chật vật, số lượng giảng viên giỏi không cao trong một bộ môn/khoa/trường.

Trong xu thế phát triển và dân chủ, người học có quyền đặt ra những yêu cầu đối với giáo dục, chính vì thế nhà trường phải đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.. Cảm thông là cái cần, nhưng không thể cảm thông mãi.

Tôi thấy nhiều đơn vị giải quyết hiện nay vẫn thiên về cái tình (ví dụ xử lý nhẹ đối với các giáo viên vi phạm, hoặc giáo viên có trình độ yếu). Theo tôi, trong giải quyết vấn đề Cái lý (Khoa học) phải đến trước, cái tình mới xem xét sau. Đừng đưa cái tình lên đầu trong giải quyết những vấn đề về phát triển, về con người.
Theo tôi để thượng tôn học tập cần:
- Chính phủ Làm giáo dục - đào tạo một cách nghiêm túc;
- Có chính sách về tài chính thật tốt cho giáo dục;
- Nhân dân đồng thuận ủng hộ chính phủ, lên án, kịch liệt loại trừ những tiêu cực trong xã hội, nhất là trong giáo dục.
-----

Tin liên quan

Các tin khác