Nhà giáo lên báo, nhà báo lệch lạc?

Cập nhật lúc 08:29, 24/01/2010 (GMT+7)

- Hiện nay, trên mặt báo thường xuất hiện thông tin về những hành động thô bạo giữa thầy và trò.

Câu chuyện "sinh viên tạt axit vào thầy giáo" vừa qua đi thì sự kiện "trò đánh thầy bị ngất" lại tới. Việc "cô phạt cả lớp 400 roi", "thầy giáo phạt học sinh thụt dầu" mới nguôi, lại tiếp chuyện "20 nữ sinh không thuộc bài bị thầy đánh".

Báo chí đưa những thông tin tiêu cực có làm cho bức tranh học đường xấu đi? Hay những sự việc như thế này đang gia tăng trong xã hội và báo chí lên tiếng cảnh báo? VietNamNet đã tìm gặp các nhà báo và nhà giáo để nghe ý kiến.

Học sinh tặng hoa cho thầy, cô trong ngày khai giảng ở Trường TH Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Minh Quyên

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội): "Báo chí có chút lệch lạc"

thaySon.jpg
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn.

Hiện tượng trò đánh thầy, thầy đánh trò được phản ánh nhiều trên báo chí. Nhưng dựa vào hiện tượng cụ thể đó để khẳng định cho cái gì đó chung nhất trong toàn xã hội thì tôi sợ rằng như vậy là quá sớm.

Báo chí phản ánh các sự kiện tiêu cực, tôi không dám nói đạo đức báo chí xuống cấp. Nhưng tôi đã từng nói với các nhà báo, nhiệm vụ chính của báo chí là định hướng.

Khi đứng trước hiện tượng của xã hội, anh có 2 cách để phản ánh: phản ánh trực diện và lấy cái tốt để xóa cái xấu. Tại sao, trong lúc này chỉ đưa ra những cái xấu mà không đưa ra nhiều tấm gương, nhiều mô hình mà ở đấy người ta giáo dục tốt, giải quyết được xung đột. Cho nên, ở đây tôi cho rằng có một chút lệch lạc trong vấn đề phản ánh của báo chí.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nhà không quét, sao hết rác?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Nếu nói là do báo chí đưa nhiều thông tin bạo lực học đường làm sự việc thêm căng thẳng thì không đúng. Tôi nghĩ là báo chí không thể tự đưa được mà là bản thân sự việc này ngày càng nhiều trong xã hội.

Hiện tượng thầy đánh trò, trò đánh thầy so với các hiện tượng khác trong xã hội không phải là nhiều. Nhưng báo chí lên tiếng để cho người ta phải chấn chỉnh, cảnh báo cho xã hội.

Khi báo chí đưa thông tin có hai mặt: Tích cực là cảnh tỉnh, báo động cho mọi người biết tình trạng của nó là như vậy. Đó là cần thiết và là nhiệm vụ của báo chí.

Nếu trước hiện tượng đó mà báo chí không nêu, rất nhiều người sẽ không biết để đánh giá đúng thực trạng, sự nghiêm trọng của nó. Rất nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà xã hội học, phụ huynh... coi báo chí là kênh thông tin để hiểu thêm những hiện tượng xã hội và con em mình.

Song, đúng là cũng có nhiều khi báo chí có thể làm đậm hơn, nghiêm trọng hơn là đẩy nó đi đến mức “to chuyện” thêm một chút. Ví dụ vài học sinh đánh nhau thì gọi là "giang hồ, xã hội đen", trong khi những đứa học trò đó đã đến mức gọi như vậy hay chưa? Cách dùng từ ngữ như vậy nặng quá. Điều này các nhà báo cần rút kinh nghiệm.

Không nên cho rằng khi nói hiện tượng xấu quá, xã hội phức tạp quá sẽ làm cho bức tranh xã hội đen tối mà không đưa tí gì cả. Nhưng khi đưa những thông tin này cũng nên hạn chế ở một mức nào đó bằng việc nhìn cái lợi chung mà làm.

Nhà báo Nguyễn Thị Trâm (Báo Giáo dục và Thời đại): Vấn đề là "động cơ" của nhà báo ra sao

Mô tả ảnh.
 Nhà báo Nguyễn Thị Trâm

Gần đây, báo chí phản ánh khá nhiều những vụ việc liên quan đến đạo đức thầy trò xuống cấp, thậm chí nhiều báo cùng phản ánh một sự việc tiêu cực, trong khi những việc biểu dương thì rất ít. Sự phản ánh thiên lệch đó trong giáo dục, ở khía cạnh nào đó khiến cho xã hội cảm thấy giáo dục đang đi xuống.

Báo nào cũng mong muốn nhiều bạn đọc. Trong khi bạn đọc lại lại thích đọc thông tin giật gân. Thị hiếu này thúc đẩy nhà báo thực hiện để tồn tại. Tại sao việc tích cực lại không được khai thác rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng? Tôi nghĩ trách nhiệm cũng thuộc về cả cơ quan quản lý báo chí và quản lý ngành trong việc phổ biến thông tin.

Tuy nhiên, báo chí chạy theo phản ánh những việc đó, không hẳn là đạo đức báo chí cũng xuống cấp.

Vấn đề là liều lượng như thế nào và sự toàn diện, khách quan cũng như động cơ của nhà báo khi phản ánh thông tin.

Cũng cùng một sự việc tiêu cực, với nhà báo có động cơ xây dựng, người ta cũng nghĩ khác. Nhưng có người không có động cơ xây dựng, chỉ nghĩ đến mục đích làm cho mình nổi tiếng, nhiều người đọc đến mình và tờ báo bán được nhiều hơn...

Cuối cùng thì vẫn là đạo đức, quan điểm, năng lực của nhà báo trước các hiện tượng, sự việc của xã hội.

Trước đây, những sự việc này xuất hiện ít trên báo chí, không có nghĩa là không có chuyện thầy đánh trò. Lúc đó, báo chí chưa phát triển. Bây giờ, thông tin phát triển, cởi mở hơn và quy luật hơn, thông tin "đạo đức thầy trò" xuất hiện dày đặc hơn nhưng cũng không nghĩa là đạo đức nhà báo đi xuống.

Thầy Nguyễn Quý Xuân (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội): Cái tốt hiếm khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin

Mô tả ảnh.
Thầy giáo Nguyễn Qúy Xuân.

Báo chí khi đưa tin để cảnh bảo và lên án, nhưng đôi khi không để ý đến cái mà người ta gọi là tác dụng phụ, đưa lên đồng loạt và nhiều lần, khiến mọi người nghĩ giáo dục đi xuống nhiều quá.

Làm sao phải đưa ra để trong bài báo mọi người rút kinh nghiệm. Nhưng cũng phải phân tích để cho thấy đấy chỉ là hiện tượng cá biệt. Còn cái tốt hiếm khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin. Tác dụng phụ đôi khi thành tác dụng chính.

Đạo đức báo chí có đi xuống? Theo tôi, người điều hành báo chí bản thân cũng là một con người và các phóng viên phải nhận thức được đó là thiểu số hay đa số. Mục đích viết bài báo để câu khách hay để giáo dục, để cảnh báo, nhắc nhở hay mong muốn của người phóng viên làm cho ngành giáo dục tốt lên hay chỉ là muốn đưa một cái tít giật gân, câu khách làm báo của mình bán chạy hơn.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Nên có tiếng nói của các chuyên gia

Là một người trong nghề và cũng với tư cách bạn đọc, tôi thấy có những vụ việc xảy ra trong cuộc sống và báo chí đưa tin, cảnh báo là cần thiết.

Thông thường, khi có sự kiện thầy đánh trò, trò đánh thầy, các báo chỉ đưa tin, sau đó có nhiều ý kiến phân tích. Tuy nhiên, theo tôi, nên có thêm sự xuất hiện của các chuyên gia tâm lý, sư phạm, để chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Làm được như vậy sẽ có ích hơn cho người đọc. Tránh tình trạng, hôm nay báo đưa tin một vụ, mai lại một vụ, ngày kia lại một vụ to hơn... người đọc báo theo đó cũng dễ bị stress.

Mở báo ra, người ta nghĩ báo chí lại nói chung chung, nào là do đạo đức học trò bây giờ không tốt, nào là ảnh hưởng của bạo lực, thanh niên hư hỏng...; nói tới ông thầy thì nói tới nền giáo dục hoặc là do thầy bị áp lực... Những lý luận suông như vậy thì ai nói cũng được.

Cũng trò đánh thầy, thầy đánh trò nhưng mỗi sự kiện một khác. Vì thế, người đọc muốn biết từng trường hợp cụ thế: Ông A bị áp lực ra sao? Tại sao ông hành động như thế? Mối quan hệ thầy trò trước nay như thế nào?... Từ cái cụ thể rồi mới tìm ra cái lý luận chung. Không thể lấy lý luận suông áp đặt cho từng trường hợp cụ thể.

Sau khi đưa tin, báo chí nên có ý kiến của chuyên gia nhiều chiều, bạn đọc cũng có ý kiến nhiều chiều để hiện lên toàn vẹn vấn đề và người đọc họ tự suy ngẫm.

Nhà báo Hà Thạch Hãn: Trò đánh thầy là trái đạo, thầy đánh trò càng không thể chấp nhận

Nhà báo Hà Thạch Hãn.
Nhà báo Hà Thạch Hãn.
Trước đây, những vụ phụ huynh đánh thầy, trò đánh thầy cũng có nhưng không nhiều, tất nhiên thầy bạo hành trò càng hiếm hơn. Nhìn chung, những vụ hành xử theo đúng nghĩa "xã hội đen" trong quan hệ thầy - trò rất ít xảy ra, nếu không muốn nói là rất cá biệt.

Vì vậy, khi xuất hiện những vụ việc như thế, báo chí bao giờ cũng đi đầu. Vai trò của báo chí là phát hiện và nếu thấy nó đi ngược lại với những chuẩn mực của xã hội thì lên án, định hướng dư luận có thể bằng chính kiến riêng hoặc có thể thông qua nhận định, phân tích từ các chuyên gia, đoàn thể xã hội, các ngành chức năng... Tất nhiên, cũng có những vụ việc cần phải huy động sự tham gia của đông đảo bạn đọc để cùng trao đổi, phân tích, kể cả tranh luận nhằm làm sáng tỏ hơn một vấn đề nào đó.

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thông tin nhiều chiều để bạn đọc có thể nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, thấu đáo hơn.

Như vụ việc thầy giáo Võ Hải Bình (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) gần đây, báo chí một mặt không đồng tình khi thầy giáo để học sinh nhận hình phạt thụt dầu, nhưng mặt khác muốn minh thị cho bạn đọc rằng những công việc nặng nề hiện nay của người thầy cũng đang là một thứ áp lực không nhỏ.

Tất nhiên, chỉ xem đó như một tác nhân để tham khảo chứ không nên xem là yếu tố biện minh, không đổ vấy bởi đối tượng mà dư luận lên tiếng suy xét ấy đang phụng sự cho một nghề hết sức cao quí và đầy lòng tự trọng: nhà giáo. Và vì là một nghề nhiều tự trọng như thế nên khi phán xử cần phải xem xét nhiều chiều, nhiều góc cạnh, khách quan và tuyệt đối không để bị tác động bởi động cơ nào, ý chí nào.

Cuối cùng, xưa hay nay, tôn sư trọng đạo vẫn là một đạo lý thiêng liêng, là phần hồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có.

Ai trong cuộc đời cũng có một góc đáng nhớ về một thời đi học, về nghĩa thầy trò ắp đầy kỷ niệm đẹp và sáng trong. Trò đánh thầy đã là trái đạo, thầy đánh trò lại càng không thể chấp nhận. Cho nên, ở đâu hay bất kỳ lúc nào, hễ có hiện tượng hành xử thô bạo trong quan hệ thầy trò - dù từ một phía, hai phía hay nhiều phía cũng đều cần kịch liệt lên án. Điều đó cần được xem như là một phản ứng tự nhiên của mọi người, của xã hội để kịp thời ngăn chặn, hạn chế những vụ việc tương tự, trong đó vai trò của báo chí là rất lớn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn sinh năm 1950, tốt nghiệp khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc; dạy Văn từ năm 1973 đến 1982 bắt đầu làm công tác quản lý. Năm 2000 là Phó Ban tuyên giáo Hòa Bình; năm 2001 là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo TW); năm 2005 đến nay là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, nguyên quán Bến Tre, lớn lên tại Hà Nội. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo và là giảng viên Khoa Truyền thông - Báo chí (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM). Ông là cây bút phóng sự tên tuổi và và có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng văn học và báo chí.

Nhà báo Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1955, tốt nghiệp khoa Sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1; từ năm 1978-1988 là giáo viên cấp 3; từ năm 1988 đến nay công tác tại Báo Giáo dục và Thời đại.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh năm 1944, quê tại Hà Tây. Bắt đầu viết văn vào những năm 1960 và chuyển sang làm báo chuyên nghiệp những năm 1970. Bà nổi tiếng với các tác phẩm thuộc thể loại ký nhân vật. Từ năm 2002 đến nay, bà cho ra đời một loạt sách viết về các nhà tình báo huyền thoại, nổi tiếng nhất là tác phẩm: Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời. Hiện bà đã về hưu nhưng vẫn dành phần lớn thời gian để đọc sách và viết lách.

Nhà báo Hà Thạch Hãn sinh năm 1968, nguyên quán tại Quảng Trị. Là một cây bút thành danh và từng có nhiều năm kinh nghiệm phụ trách mảng giáo dục, hiện nay anh là Phó Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

  • Minh Quyên - Bảo Anh (ghi)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Lê Hồng Tiên, Bến Tre, 10:19, 29/01/2010

Kính thưa các nhà báo! Xin đừng lợi dụng tự do ngôn luận mà sử dụng cử chỉ đẹp để bảo vệ cho hành vi của mịnh. Cha ông ta thường nói rằng "thương con thì cho roi cho vọt, không ai nói thương cha thì cho roi cho vọt cả" thực ra người thầy ngoài vai trò như người cha yêu thương dạy dỗ về nhân bản còn cả kiến thức nữa. Tại sao một nhà báo mà lại phát ngôn sai với đạo lý thế?

Tôi không đồng ý với câu nói của nhà báo Thạch Hán. Có lẽ ngòi bút của nhà báo với giá quá cao, mà giáo viên thì ngheo không thể mua nỗi! Nói gì thì nói chúng ta phải biết tôn trọng nhau, giả dụ như có sự việc như vậy thì tôi nghĩ hãy đưa ra vấn đề khắc phục. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, hoàn cảnh này chỉ có những người xung quanh rõ hơn. Theo tôi, thầy cô giáo nên kìm chế không nên đánh học sinh trong thời đại ngày nay.

Lê Hằng, Bạc Liêu, 22:26, 28/01/2010

Tôi đồng ý với ý kiến của nhà báo Nguyễn Thị Trâm. Tại sao báo lại chỉ đưa các tin không hay của một số nhà giáo biến chất hoặc học trò hư hỏng. trong khi đó có rất nhiều và rất nhiều những tấm gương thầy cô tốt trò chăm ngoan nhưng báo chí ít đề cập đến. Tôi và các đồng nghiệp, những nhà giáo ở vùng còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đem hết tâm huyết của mình để dạy dỗ các em.

Theo tôi, các em học sinh hầu hết vẫn chăm ngoan, chỉ một số các em cá biệt có thể do hoàn cảnh. Các việc đáng tiếc xảy ra có thể do tình huống sư phạm, giáo viên xử lý chưa hợp lý. Nhưng tôi thực sự bị sốc khi biết tin có hiệu trưởng mua dâm học sinh. Trước đây tôi từng lên án một người bán báo dạo khi người này rao bán tờ báo có đăng tin thầy giáo hiếp dâm học sinh (ở trung quốc), là làm ảnh hưởng tới giáo dục.Không ngờ bây giờ lại có chuyện đồi bại tại Việt Nam quả thực tôi rất đau lòng. Nhưng báo chí có cần thiết phải đưa tin vụ việc quá kỹ lưỡng hay không, theo tôi nghĩ chỉ cần xử lý họ thật thích đáng là được. Việc đưa tin xấu quá nhiều liệu có ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo không, trong khi cái tốt cũng còn rất nhiếu.

DAVA, Camau, 20:04, 28/01/2010

Tôi thiết nghĩ, việc đưa tin của báo về sự vụ của thầy Đỗ Việt Dũng là quá vội vã, trong đó có nhiều chi tiết thổi phồng, giật tít. mấy ông nhà báo này lảo đảo mất rồi. chính mấy ông làm lụy đến người thầy mà chúng tôi luôn kính trọng đấy.

TỪ NGUYÊN, THỦ ĐỨC, 16:30, 28/01/2010

Tôi không đồng ý với ý kiến của nhà báo Thạch Hãn. Tiêu đề anh đưa ra không thuận. Trò đánh thầy là không thể chấp nhận, còn thầy đánh trò có thể chấp nhận được trong một chừng mực, hoàn cảnh, lí do, động cơ nào đó. Tôi chưa từng bị thầy cô đánh, phạt bao giờ, nhưng tôi từng thấy và thông cảm cho một vài trường hợp thầy cô dùng roi "xử lí" học trò quá ngỗ ngược của mình với mục đích, mong muốn học trò ngoan hơn - dĩ nhiên là trong chừng mực chấp nhận được. Tôi cũng từng đau lòng vì con tôi (và nhiều bạn của nó) bị một cô giám thị đối xử hết sức phản sư phạm, thậm chí cháu đã từng muốn tự tử vì bị một cô giáo trù dập suốt năm lớp 12; tôi cũng biết nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục (chạy trường bằng tiền - cả để được học lẫn được dạy), biết thầy cô ép học sinh phải học thêm một cách trắng trợn... nhưng không vì thế mà tôi vơ đũa cả nắm, nghĩ xấu về các thầy cô. Còn rất nhiều thầy cô tận tụy, thương yêu học trò như con như cháu của mình, hết lòng dạy dỗ, giúp đỡ học trò hết sức vô tư...Chúng ta kêu gọi bình đẳng, nhưng không có nghĩa là đánh đồng mối quan hệ thầy - trò, lại càng không thể nâng trò lên bậc cao hơn thầy để nói rằng trò đánh thầy là trái đạo, còn thầy đánh trò là không thể chấp nhận. vấn đề là PHẢI GIÁO DỤC ĐƯỢC TƯ CÁCH CHO CẢ 2 - THẦY XỨNG ĐÁNG LÀ THẦY, TRÒ ĐÚNG MỰC LÀ TRÒ.THẦY

Trương Thị Thiên Lý, Quy Nhơn, 08:28, 28/01/2010

Tôi là một nhà giáo đã hơn 10 năm đứng lớp. Tôi phản đối các vụ tiêu cực xảy ra trong nghành giáo dục hiện nay. Theo tôi việc các nhà báo phản ảnh những vụ việc tiêu cực là cần thiết nhưng chỉ mong các nhà báo hãy cố gắng để đứng vào vị trí của những người trong cuộc để viết bài. Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.

Hoàng Vĩnh Nguyên, Hà Nội, 09:11, 27/01/2010

Có lệch lạc không khi ngay trong bài báo này, có ý kiến của 2 nhà giáo và những 4 ý kiến nhà báo (có thẻ). Trong chú thích, chỉ 1 nhà giáo được đưa khi cả 4 nhà báo đều được đưa. Thế thôi.

Tôi đã qua 32 năm góp phần đào tạo phóng viên, 32 năm góp phần đào tạo giáo viên, 32 năm không cầm 1 xu tiền phong bì tiêu cực.

Trong 32 năm đó, đã thăm 4 nhà báo bị giam hoặc tạm giam ( Hạnh, Linh, Mẫn, Chiến). Gần đây, mỗi năm trung bình có 4 sinh viên cũ của mình đoạt giải báo chí. Và từng có vinh hạnh đấu bóng bàn cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Trong môi trường sư phạm, tôi từng có nhiều đồng nghiệp tuyệt vời cũng từng có những đồng nghiệp tiêu cực đến vô liêm sỉ. Học trò tôi là những phóng viên giàu đạo đức nghề nghiệp nhưng cũng có vài phóng viên có biểu hiện tiêu cực. Người thân tôi đã từng bị phóng viên (ăn tiền doanh nhân núp bóng Trung tâm) lăng mạ qua bài viết, chúng tôi đã chiến đấu và kết quả là tờ báo đã đến tận nhà xin lỗi và doanh nhân đó đã có công văn tỉnh vĩnh viễn cấm triển khai dự án trên địa bàn.
Nói không lệch lạc khi phản ánh tiêu cực trong môi trường nhà giáo là cách nói thiếu suy nghĩ.
Có lệch lạc không khi hành xử theo cách: "Mèo tha miếng thịt thì đòi/ Cọp tha con lợn thì mắt coi trừng trừng". Giật tít báo nhà giáo tiêu cực thì từ chức danh, nghệ danh, danh hiệu tuốt tuồn tuột, còn giật tit quan chức công quyền tiêu cực thì dè dặt lịch sự. Mở mạng thống kê xem.
Có lệch lạc không khi ngày nhà giáo thì chuyện phong bì thành chuyên mục, còn ngày nhà báo thì nó không thành chuyên trang. Thế nào là phong bì sạch sẽ vậy. Hãy đi đến cùng kì lí đi.
Có lệch lạc không khi định hướng sinh viên thẳng thắn góp ý với thầy nhưng chính phóng viên cũng từng học những thầy không tử tế, sao họ không thẳng thắn viết thành bài đi...
Có lệch lạc là điều tất nhiên của cuộc đời, đừng bao che.

Hoàng Vĩnh Nguyên, Hà Nội, 07:40, 27/01/2010

Tôi không biết nhà báo có lệch lạc không nhưng vụ "Hiệu trưởng mua dâm..." đang có tình tiết mới liên quan đến những kẻ nắm công quyền mà luật sư Triển đã cho biết. Thứ nhất các báo sẽ tiếp cận các đối tượng công quyền như thế nào để khỏi lệch với tính chất tiếp cận giáo viên; thứ hai, các phóng viên sẽ giật tít như thế nào với chức vụ, danh hiệu của những kẻ đó. Hay nhà báo đang hành xử kiểu: " Mèo tha miếng thịt thì đòi. Khái (hổ) tha con lợn mắt coi trừng trừng". Lệch là lệch chỗ đó các nhà báo ạ. Nhà giáo là mèo, khả năng tự vệ trong cơ chế này là rất yếu nên báo chí tác chiến phóng bút tơi bời làm như họ chưa đi học bao giờ. Hãy đứng bên cạnh những kẻ yếu.

Thanh Đức, Phan Rang, 02:13, 27/01/2010

Tôi thấy cách đặt vấn đề (hay cách diễn đạt?) của nhà báo HTH thật sự là chưa ổn. Khi nói " TRƯỚC ĐÂY, những vụ phụ huynh đánh thầy, trò đánh thầy cũng có nhưng KHÔNG NHIỀU, tất nhiên thầy bạo hành trò càng HIẾM hơn. Nhìn chung, những vụ hành xử theo đúng nghĩa "xã hội đen" trong quan hệ thầy - trò rất ít xảy ra, nếu không muốn nói là rất cá biệt." có vẻ như anh đang đặt thầy - trò vào mối quan hệ "cá đối bằng đầu" hay đang bình luận chuyện "đánh nhau" ở đâu đó. Cách diễn đạt này, dễ làm người ta ghê sợ khi nghĩ về quan hệ thầy _ trò "hiện nay"

Trước hết, chúng ta nhất trí với nhau về việc cần thiết phải loại bỏ việc dùng vũ lực trong ứng xử, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Tôi không tin rằng quan hệ thầy - trò ( đặc biệt là HƯỚNG TÁC ĐỘNG TỪ PHÍA NGƯỜI THẦY TỚI HỌC TRÒ) lại có thể là sự "hành xử theo đúng nghĩa "xã hội đen" (!)

- Ngoại trừ một số trường hợp (rất ít) những học trò cố tình gây tổn hại về thể xác và tinh thần cho người thầy (như vụ sv tạt a - xít vào thầy giáo) , đa số các trường hợp "trò đánh thầy" đều là những học sinh quá nông nổi, bức xúc vì một hành vi cụ thể nào đó của thầy, cô giáo mà lỗi đạo thầy trò chứ chẳng đến mức hành xử "đúng kiểu xã hội đen" như cách diễn đạt của nb HTH. Nếu có thể, xin nhà báo ĐỊNH NGHĨA dùm khái niệm ĐÚNG KIỂU XÃ HỘI ĐEN cho bạn đọc được rõ!

- Nếu "thống kê" cụ thể một chút, chúng ta thấy rằng việc "thầy đánh trò" chắc chắn nhiều hơn các vụ "trò đánh thầy". Vậy phải chăng báo chí cần phải kêu to rằng ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG? Xin thưa, các nhà báo cần có "cái đầu lạnh" hơn một chút để phân tich vấn đề. Những thầy cô thực sự thương yêu học trò vẫn có thể "cho nó vài roi" chứ không phải đánh trò vì ghét bỏ chúng. Nếu thiếu kềm chế, các thầy thậm chí còn bạt tai những đứa ngỗ nghịch nhưng nếu ta gọi đó là BẠO HÀNH hay một từ nào tương tự thì chính người đưa tin đang làm méo mó vấn đề. Xin các thầy cô đừng "bắt học trò liếm ghế" (nếu các thầy cô không muốn tự loại mình ra khỏi dội ngũ làm nhiệm vụ trồng người) nhưng cũng xin các nhà báo đừng xem việc giáo viên cho học trò mấy roi là "bạo lực" và miêu tả "thầy đánh trò - trò đánh thầy" như kiểu những đối tượng bằng vai phải lứa "xử" nhau ngoài xã hội.

Nguyền Hoàng, THPT Na Hang, Tuyên Quang, 16:00, 26/01/2010

Nhà báo, nhà giáo khi được chọn vào nghề, ít khi được chọn lọc một cách nghiêm ngặt về mặt đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo, nhà giáo cũng có một số người chưa đạt chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Điều này không phải lỗi của riệng họ. Vì vậy, đứng trước mỗi vụ việc xảy ra, mỗi người có nhận định riêng của mình về sự kiện đó.

Có thể người này cho rằng là nghiêm trọng, người khác lại cho là bình thường. Điều quan trọng là dư luận hàng triệu người đánh giá chắc sẽ khách quan hơn. Mong rằng, trước mỗi sự kiện, báo chí nên đưa tin một cách trung thực, khách quan chứ đừng vội đao to, búa lớn theo suy nghĩ của riêng mình. Nhiều khi, những từ ngữ mà báo sử dụng lại làm mất đi tính định hướng, tính xây dựng và không đạt được mong muốn mà người đọc đang cần.

Cách đây vài năm, dạy học cùng trường với tôi có một giáo viên dạy Toán, khi coi thi tốt nghiệp THPT thầy đã dùng cán quạt giấy gõ vào đầu học sinh một cái khá đau (hôm đó trường mất điện). Kết thúc kỳ thi, các cơ quan liên quan nhận được dơn của gia đình học sinh đề nghị xử lý , kỷ luật giáo viên đó với tội danh : Vô cớ đánh học sinh .Hội đồng trường đã phải họp cùng với các ngành liên quan, chamẹ học sinh và học sinh bị thày giáo gõ cán quạt vào đầu . Trước mặt đầy đủ các thành viên , học sinh đó đã thú nhận; Buổi thi đó học sinh đó hiểu nhầm đề bài , làm bài bị sai ,rất may mà thày đi qua phát hiện thấy nhầm lẫn của học sinh , thầy gõ cho một cái vào đầu , học sinh đó đã xem lại bài của mình , sửa lại và đã tốt nghiệp . Gia đình học sinh lúc này lại vô cùng biết ơn giáo viên , mặc dù biết rằng thày làm như vậy là có cái sai :Thực hiện sai Quy chế coi thi , sai trong hành động đối sử với học sinh nhưng đã làm cho học sinh tránh được nguy cơ trượt tốt nghiệp . Con cái mình cũng đã sai mà cái sai lớn nhất là không cung cấp đầy đử thông tin về vụ việc , gia đình đã vội vã đơn từ , kiện tụng suýt nữa thì ơn thành oán .vì vậy việc đánh giá , xử lý một thông tin nó liên quan trực tiếp đến những kết luận Tốt hay xấu mà chúng ta đang bàn luận .

Hồng Hà , 27 Lê Hồng Phong , 12:37, 26/01/2010

Báo chí , hoa thơm và cỏ dại .
Thày Nguyễn Thanh Sơn rất đúng khi ông nói báo chí nên đăng nhiều gương tốt trong ngành giáo dục . Lại có bạn nói những " tai nạn nghề nghiệp " của nhà giáo mà báo chí đã đăng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh , ý nói đó là " chuyện nhỏ " không đáng ồn ào trên báo..
Gương tốt ví như hoa thơm , ai mà chẳng thích . Nhưng hoa thơm khó trồng , chăm bón công phu . Cỏ dại ( hàm ý những điều chưa tốt) lại dễ mọc , dễ lây lan . Không nhổ cỏ dại thì đến một ngày nào đó cỏ dại sẽ lấn át khiến không còn đất để hoa thơm tồn tại . Diễn biến ngoài đời thường cũng như vậy và đang như vậy.
Con sâu thì rất nhỏ so với nồi canh. Nhưng khi con sâu đã lớn , lại là sâu róm thì nồi canh có thể bị nhiễm độc không ăn được .
Hiện trạng trong ngành giáo dục ra sao, đến nay hầu như ai cũng biết. Có trường hợp phụ huynh học sinh không đồng tình nhưng không đối kháng với nhà giáo mà chỉ mong rồi đây hoa thơm ngày càng nhiều và cỏ dại ngày càng ít đi .Nhiều phụ huynh đã lên tiếng để chính phụ huynh phải tự chất vấn trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con em .. Không ai muốn nói thêm nhiều . Nếu điều cần nói thì đó là chúng ta vẫn cần tiếng nói của báo chí để chung tay vun trồng chăm sóc hoa thơm và chung tay nhổ bớt cỏ dại . Chỉ xin đừng lỡ tay nhổ hoa thơm thay vì nhổ cỏ dại.

Mai Chi, Hà Nội, 11:37, 26/01/2010

Tôi đồng ý với ý kiến của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Không có lửa làm sao có khói.
Theo tôi, tốt thì nêu gương. Xấu cũng phải phanh phiu ra cho mọi người biết chứ. Các nhà giáo chẳng phải lo sợ đến hình ảnh đẹp của người làm nghề giáo hay sao, hay phải chạy đua với thành tích mà sợ hãi, che giấu cái xấu, và chỉ nêu gương cái tốt. Như thế là không được.

lehongphonghoaxuan, BUÔN MA THUẬT, 10:31, 26/01/2010

Tôi là một giáo viên khi đọc báo cùng các đồng nghiệp thấy hiện tượng thầy đánh trò,trò đánh thầy rồi bình luận phê phán ,nhận xét lôi quan điểm này nọ cãi nhau loạn xị .Thú thực, các thầy cô và các em học sinh ở mọi miền đất nước ta khi nghe tin trên báo đều buồn lắm cái buồn ở đạo lý cái buồn ở một vài trường hợp rất nhỏ làm ảnh hưởng đến cái lớn cái đạo đức tôn sư trọng đạo của nghàn đời nay.

Tôi trách các nhà quản lý giáo dục các nhà sư phạm lỗi lạc sao không có biện pháp bảo vệ ,giáo dục cả thầy cô học sinh bằng những luật cụ thể để họ có điểm dừng và mỗi giáo viên cũng có quyền tối thiểu để lập lại kỷ cương chứ và những học sinh cũng có quyền ,nghĩa vụ phải thực hiện khi bước chân vào mái trường để học làm người chứ.Chúng ta cứ nói mà không có luật xử phạt nghiêm minh cho cả thầy và trò biết ,thì đây sẽ là câu chuyện nhiều kỳ không bao giờ có hồi kết cho ngành giáo dục Việt Nam .

Trần Đức Anh Sơn, 118, Lê Lợi, Đà Nẵng, 16:14, 25/01/2010

Tôi vừa là nhà báo (được kết nạp vào Hội nhà báo VN từ năm 1994 và bây giờ đang phụ trách 1 tờ tạp chí ở Đà Nẵng), vừa là nhà giáo (bắt đầu dạy học từ năm 1998 và bây giờ vẫn tiếp tục đi dạy cho sinh viên các trường ĐH ở Huế, ở Hội An). Vì thế, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với cả báo giới, giáo giới và sinh viên. Cái gì cũng có hai mặt của nó, không nên quá chú trọng mặt này mà xem nhẹ mặt kia.

Tôi tán thành nhận định của Thầy Nguyễn Quý Xuân (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội): "Cái tốt hiếm khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin", còn cái xấu, dù rất nhỏ, thì xảy ra hôm nay, hôm sau đã tràn đìa trên mặt báo. Tôi làm bạn với nhiều người trong làng báo, thấy có hiện tượng "nhà báo đói tin" nên tin chi cũng đưa mà không hề đặt ra câu hỏi: "Có nên đưa tin này hay không?", "Đưa tin như thế có góp phần 'làm hại' ai đó hay không?".

Tôi mong nhà báo thử đặt mình vào trường hợp của tôi khi xét đến chuyện có nên phạt học trò hay không? "Tôi bị viêm họng nặng, nhưng vẫn phải giảng cho 1 lớp ghép đến 120 sinh viên. Trong khi tôi cố gắng "gào" thật lớn (vì không có micro) để sinh viên cả lớp có thể nghe được thì một số em lại nói chuyện, đùa giỡn trong lớp. Tôi nhắc nhở nhiều lần nhưng những em đó vẫn chứng nào tật nấy. Cách duy nhất tôi phải thực hiện là đuổi các sinh viên đó ra khỏi lớp và đánh vắng các em buổi học hôm đó. Có em khi bị đuổi ra khỏi lớp thì đã bí mật cắt cầu dao điện để thầy không thể dạy được (vì tôi thường giảng bài bằng slide từ laptop). Với những sinh viên như thế, chỉ có Bụt mới không nổi giận.
Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ là các em ấy không phải là người xấu. Bởi vì, hàng năm, cứ đến ngày Tết, ngày 20/11, những tin nhắn chúc mừng đầu tiên tôi nhận được thường là từ các sinh viên này. Có em đã tâm sự là nhờ tôi nghiêm khắc nên các em đã sửa được mình, và vì thế không chỉ học tốt những môn tôi dạy mà còn học tốt môn của các thầy cô khác. Thậm chí, sinh viên Nguyễn Thanh Q. ở Đại học Phú Xuân, người phải ở lại lớp vì thi đi thi lại môn của tôi, nhưng sau khi ra trường thì nhắn tin cám ơn tôi vì tôi đã nghiêm khắc với em.
Thế thì, vấn đề trừng phạt các em có cần thiết hay không? Tôi nghĩ là có. Có điều, phạt các em nhưng không 'vùi dập' các em thì các em sẽ biết lỗi, thậm chí biết ơn thầy vì thầy đã phạt để em nên người. Còn vì e ngại điều gì đó mà nương nhẹ với các em, có thể, các em sẽ thích thầy / cô lúc đó, nhưng có quý mến thầy / cô thực lòng và có nhớ về thầy / cô như những người đã chỉ dạy mình thành người hay không? Tôi e là không.
Trần Đức Anh Sơn

Thái Thượng Hoàng, Phía Bắc Hà Tĩnh, 14:04, 25/01/2010

Vừa qua báo chí nêu nhiều vấn đề về ngành GD là rất bổ ích , đã hoàn thành xuất sắc công tác cảnh báo , đề đạt nguyện vọng của giáo chức lên các cấp và những người có trách nhiệm , thậm chí còn đề xuất những chủ trương biện pháp, cách làm hay , nếu gặp người lãnh đạo có tâm thì tôi tin chắc đó là hồng phúc của dân tộc .

Tôi thiết nghĩ mọi tiêu cực của ngành đều xuất phát từ cái tâm của người làm quản lý ngành và các giáo viên .Vừa qua theo giõi báo chí tôi thấy nhiều điều đáng lo ngại , thậm chí hốt hoảng đối với ngành . Đọng lại những tiêu cực chính của ngành ta có thể quy nạp là : Tiêu cực trong công tác tuyển và biên chế GV , Thuyên chuyển GV , Công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý , Công tác tuyển sinh , Chế độ tiền lương của GV , Áp lực trong công việc của GV , Công tác quản lý GV còn nhiều bất cập , nặng hình thức , Công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của GV , Thiểu số có những nhà QLGD thiếu tâm thiếu tài đã xây dựng những " Đế chế , vương quốc " trong ngành GD mà những nơi đó đầy rẫy sự bất công , đố kỵ , hiềm khích , ghanh tỵ ,....Thiết nghĩ là nhà giáo mà mang trong đầu những bức xúc như thế này thì làm sao giáo dục thế hệ trẻ lòng nhân ái , tính trung thực .

Hoàng Trung , 15 Ngô Tất Tố, 13:12, 25/01/2010

Ý kiến của bạn đọc Lê Bá Cung là đúng . Bạn Minh Đức nên tìm và xem lại bài phát biểu của ThS Nguyễn Thị Kim Ngân , trường Đại học sư phạm TPHCM dăng trên báo Tuổi Trẻ 11/12/2009 và bài của ông Phạm Mộng Hùng , trưởng phòng nhà giáo Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục - Bộ GDĐT , đăng trên báo Tuổi Trẻ 10/12/2009.

Hoàng Xuân Nhuận, Hà Nội, 04:04, 25/01/2010

Báo chí trước hết phải thực hiện tốt chức năng thông tin.

Nếu những vụ việc như thầy đánh trò, trò đánh thầy chỉ là tin vịt thì nhà báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu những vụ việc mà báo chí nêu là có thật thì công luận tiếp nhận thông tin thế nào là một vấn đề không đơn giản.

Thiết nghĩ, việc định hướng công luận là cần thiết, thế nhưng lấy lòng tin vào trình độ dân trí và trách nhiệm công dân của đọc giả làm gốc và trên cơ sở đó cập nhật thông tin kịp thời và xác tín hướng đến tiến bộ xã hội mới đúng là cái tâm của báo chí.

Đỗ Hoàng Chính, Hà Nội, 20:42, 24/01/2010

Nhiệm vụ của các nhà báo là "moi móc" những cái xấu để bêu trên báo, không chỉ trong ngành giáo dục, mà trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Có như vậy mới xứng đáng vai trò dẫn dắt dư luận và sửa sai trong xã hội. Cũng chính vì ảnh hưởng to lớn đó, mà nhà báo phải có cái tâm chính trực, tư duy sắc bén, ngòi bút nhạy cảm...hơn ai hết. Nếu không sẽ gây tác hại khôn lường. Cũng mong ngành nào, địa phương nào, hoặc một tổ chức, cá nhân nào đó bị bêu trên báo, thì hãy nhớ đến lời dạy của Khổng Tử: người chê ta là thầy ta...

Minh Đức, Phú Thọ, 18:23, 24/01/2010

Tôi nghĩ Lê Bá Cung , 201 Trường Chinh nhận xét hoàn toàn sai lệch. Tôi không biết Lê Bá Cung có phải là giáo viên hay không nhưng khi nhận xét một vấn đề gì đó phải phụ thuộj vào hoàn cảnh, điều kiện và thực tế. Lê Bá Cung nhận xét theo cảm tính, từ ngoài đánh giá. Hãy xem xét lại những điều mà mình đã viết.

Nguyễn Nam, LB Nga, 17:40, 24/01/2010

Tôi nghĩ, bên cạnh việc đưa tin những việc tốt, để khuyến khích nhân dân phát huy noi giương và học tập, báo chí cũng nên đưa những việc xấu, tiêu cực, để cho xã hội lên án và để cho mọi người thấy đó là nhưng việc xấu, không nên làm và cần phải tránh xa nó. Đó cũng là một biện pháp giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn hữu hiệu việc làm xấu. Tôi lấy ví dụ: Vừa rồi có thầy giáo hiếp dâm học sinh, mà báo chí đã đưa tin và được cả xã hội đồng tình phẫn nộ, lên án thì theo tôi nghĩ, nếu trên thực tế còn thầy giáo đồi bại nào đó đang làm việc bỉ ổi, mà chưa bị phát hiện, hoặc có nhưng thầy đang có ý định thực hiện ,sẽ xấu hổ, sợ hãi mà dừng ngay và từ bỏ ý định xấu xa đó.
Việc báo chí đưa tin việc xấu cũng là lời cảnh báo , góp ý gửi đến nhân dân và các lãnh đạo của ngành đó, để họ biết được sự việc tiêc cực của ngành mình, để sớm đưa ra những biện pháp để khắc phục và phòng ngừa. Và tôi nghĩ đó còn là trách nhiệm của báo chí đối với xã hội , nhân dân và đất nước .

Lê Bá Cung , 201 Trường Chinh , 17:02, 24/01/2010

Đã quá lâu , chúng ta quen cách tác động giáo dục 1 chiều duy nhất từ người thày xuống học trò chứ không có chiều thông tin trở lại , từ đó chúng ta mặc nhiên coi mọi hành vi của người thày , kể cả những hành vi thô bạo xúc phạm nhân cách học trò là điều không cần bàn . Điều ngộ nhận này được núp dưới cái lý rằng tất cả hành vi của người thày chẳng qua chỉ nhằm dạy dỗ học trò tốt hơn . Thế nhưng , khoa giáo dục học hiện đại lại không công nhận điều xem như mặc nhiên đó . Theo tôi hiểu , Bộ Giáo dục đề ra yêu cầu giáo viên 8 không , trong đó có yêu cầu thầy cô giáo không được đánh học trò chính xuất phát từ khoa giáo dục hiện đại đó . Quả thực , điều này làm nhiều nhà giáo bỡ ngỡ , không kịp thay đổi thói quen trong nếp nghĩ và hành vi đã hình thành từ bấy lâu nay .
Từ đó , chẳng lấy gì làm lạ khi nhà báo đưa lên báo những hành vi phi sư phạm của 1 số thày cô giáo thì bị la ó . Nhưng đó lại là sự thật , mà đã là sự thật thì dù nhức nhối cũng nên dũng cảm thừa nhận để tự điều chỉnh mình chứ không thể làm khác vì đó là sự thật !

Vũ Thạch Lương, 121/927C Nguyễn Kiệm , phường 3, Gò Vấp , t/p Hồ Chí Minh, 16:34, 24/01/2010

Gần đây nhiều Thày Cô giáo than phiền là chưa có thời nào nghề Thày lại bị lên án nhiều như thế, suốt năm, suốt tháng bị mổ xẻ : Nào là Thày đánh trò, Thày đổi tình lấy điểm, Thày dạy thêm ngòai giờ, Thày phạt nặng học trò…Rồi lại nói các nhà báo nói quá lời…

Tôi nghĩ rằng nếu trong gia đình mà Bố Mẹ cứ kể xấu về nhau trước mặt con cái thì chúng có tôn trọng và khâm phục công nuôi dưỡng, giáo dục của Cha Mẹ hay không? Con trẻ nghe được có còn nghe lời dạy dỗ của cha mẹ nữa không? Ra ngòai đường các con trẻ có còn tuân thủ luật pháp chung nữa không?

Chúng ta đang làm gì và định hướng con trẻ đi đâu ? Hay là mai đây học trò học lực kém, hạnh kiểm yếu thì Thày cô và Bố Mẹ chúng phải bị thụt dầu? đi tù hay bị đuổi việc? Nay thì chúng nói là ông bả, tạt axít, …mai đây chúng dám dùng cả hung khí, hay súng ống nữa chứ! Có những việc chúng nghĩ là nhân văn và nhân đạo hay dân chủ lại đem lại kết quả xấu vì con trẻ còn ít tuổi hay cảm tính, hay quy nạp và ngông cuồng thái quá. Bác Hồ dặn chúng ta phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo tôi hiểu giống như là chăm bón cái cây chứ không phải chỉ phun thuốc trừ sâu.

Nghề Sư phạm là nghề đi tu một nửa, người Thày phải có cái tâm Phật, phải học, hiểu được chữ Nhẫn, chữ Ngộ và nhiều lời Dăn của Phật. Tất cả chúng ta đang có lỗi với con trẻ, chúng ta sẽ còn phải chịu nhiều hậu quả xấu trong tương lai.

ltanphuc, Quangnam, 15:42, 24/01/2010

Tôi cũng thấy dạo này báo chí hay làm trầm trọng hóa những sự việc liên quan đến đạo đức người thầy mà không cảm thông được những áp lực và tâm tư tình cảm của những người làm vị trí trồng người.

Một sự việc xảy ra tôi mong rằng các nhà báo hãy có cái nhìn thật sự công tâm đối với người thầy người cô giáo đó, đừng vì muốn tạo ra tin tức để nhiều người đọc rồi lại xem xét sự việc dưới hình thức tạo ra tin tức kiểu 'gây sốc' để tạo chú ý. Đương nhiên là vẫn có một bộ phận (nhưng rất nhỏ, tôi tin chắc như vậy) giáo viên đạo đức không tốt nhưng phần lớn trong họ là những con người đã ngày đêm tâm huyết dạy dỗ con cháu chúng ta nên người.

Chúng ta không thể quy tất cả trách nhiệm tạo nên một công dân tốt cho xã hội lên vai người giáo viên, trong khi chính chúng ta là cha mẹ mải lo tìm kiếm danh vọng và tiền bạc thì lại quên đi trách nhiệm dạy dỗ con cái. Thời buổi kinh tế ngày nay, khi đồng lương chưa đủ lo cho cuộc sống gia đình, áp lực cuộc sống đè nặng lên vai người gv, thì những người giáo viên cũng phải bươn chải nhọc nhằn làm thêm để lo cho cuộc sống gia đình (không phải gv nào cũng dạy thêm được). Chính xã hội và 'người lớn' chúng ta đã vô tình không coi trọng nghề gv (có mấy ai bây giờ khuyến khích con mình thi vào ngành sư phạm) thì đừng nên trách cứ 'trẻ con' bây giờ nhiều quá. Tất cả chúng ta hãy tự nhìn lại mình xem thành công hôm nay có bao nhiêu % công sức của những người thầy và hãy dành vài giây để nghĩ về người gv với tình cảm cao quý nhất!

Hòai Phương - , Cam An Nam - Cam Lâm, 15:08, 24/01/2010

Chức năng của báo chí thông tin phản ảnh hiện thực đời sống một cách chân thực, không tô hồng hhay bôi đen nhưng phải có mục đích và định hướng tốt đẹp. Trò đánh thầy và thầy đánh trò là có thật và đang có chiều gướng gia tăng rất đáng báo động .
Thầy đánh phạt học sinh khi không có lý do chính đáng , đánh cho đả cơn giận , đánh để chứng tỏ uy quyền ....để lại sự bất bình và ấn tượng xấu trong học sinh .Đó là hành động mang tính cách và đạo đức lối sống của từng cá nhân và cần phải lên án, xử lý . Nhưng trò đánh thầy lại là vấn đề khác không thể đánh đồng . Vịệc trò đánh thầy , vô lễ với thầy cô là biểu hiện rõ nhất của vấn đề suy đồi đạo đức xã hội , là hệ quả của một phương thức giáo dục mà người Thầy phải thực hiện "Tám không ".

Nguyễn Thu Thảo, Đồng Nai, 14:55, 24/01/2010

Thông tin trên báo, trên đài giúp định hướng dư luận. Thế nhưng thời gian gần đây, một số phóng viên khi tác nghiệp thường qúa chú trọng đến những mặt trái của xã hội, tạm gọi là khai thác các tin giật gân và qúa lạm dụng những suy luận chủ quan của riêng mình nhằm khai thác thị hiếu của độc giả, đó là điều đáng buồn. Đã đến lúc chúng ta cần bình tĩnh xem xét thật kỹ từng vụ việc và lắng nghe các nhà chuyên môn để viết bài và tiếp tục định hướng dư luận, vì giáo dục luôn được xem là lĩnh vục rất nhạy cảm . Với ngành GD cần rà soát lại đội ngũ GV...

Nguyễn Hoàng, 16 Thôi Hữu, TP Thanh Hóa, 14:50, 24/01/2010

Tôi nghĩ rằng ông Sơn nên nhìn nhận lại mình: Hiện tại ông với tư cách là người thầy giáo, mà thầy là phải làm gương cho xã hội. Nhưng trong những người thầy đó nhìn vào vẩn đục, báo chí nêu và phản ánh là đúng thôi. Cá nhân ông luôn muốn đưa cái mới vào trong trường học để thầy giáo, cô giáo và học sinh có được những kiến thức mới, bổ ích. Vì thế, báo chí là định hướng có ẽ nào lại không thể đưa vấn đề trước được... Chính những lời ông nói khiến tôi thấy ông đang nói lệch.

Thời điểm hiện tại ông đang là thầy giáo, mà ông đã bao giờ dám nói về vấn đề thầy đánh trò, thầy hiếp trò trước "công đường" như báo chí đã từng nêu chưa? Nếu báo chí không nêu, không đưa hiện tượng để cấp trên xử lý thì những người thầy " mặt quỷ" đó sẽ như thế nào, xã hội sẽ làm sao? Có lẽ ông ít đọc những mục, chuyên đề người tốt, việc tốt đấy thôi. Mỗi tờ báo vẫn thường hay có mục đấy mà!!!! Báo chí là định hướng, là cung cấp thông tin, là nhịp cầu nối tiếng nói của người dân tới Đảng và Nhà nước. Cái đúng và cái sai đều đưa được hết, miễn sao phù hợp với tình hình thực tế của dân tộc, không đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước...Không có báo chí phanh phui thì những người thầy như Sầm Đức Xương...sẽ như thế nào GIÁO DỤC NHƯNG PHẢI BIẾT MÌNH ĐANG DẠY AI, DẠY CÁI GÌ VÀ CÁI ĐÓ LÀM SAO??? Không có báo chí thì bộ máy giáo dục sẽ như thế nào? Có lẽ ông là người hiểu hơn ai hết.

tvhao000, Huế, 14:19, 24/01/2010

Cuộc sống luôn có hai mặt, nghề nào trong xã hội cũng vậy, phải chăng hiện tượng "Thầy đánh Trò và Trò đánh Thầy" là đề tài để các nhà báo khai thác rồi nhân cơ hội đó xã hội có cái nhìn sai lệch về nghề nhà giáo, vẫn biết có một bộ phận giáo viên chưa được tốt nhưng xin thưa với các nhà báo đó chỉ là số rất ít trong hàng ngàn cái tốt của những người luôn ngày đêm trăn trở cho tương lai thế hệ trẻ.
Trong nghề làm báo chí biết bao cái xấu, thậm chí còn xấu gấp hàng trăm hàng ngàn lần cái xấu của nghề giáo sao không thấy ai lên tiếng cả nhỉ? Phải chăng "đèn nhà ai nấy sáng"???

Nguyễn Hiệp, 12:55, 24/01/2010

Báo chí ngày càng phát triển, điều đó là tất yếu, xã hội - con người càng phát triển là tất nhiên. Song, sự tất nhiên đó đều gắn chặt một yếu tố đó là giáo dục, là người thấy, là cô giáo-một yếu tố tồn tại mãi mãi, vĩnh cửu mặc cho tôi, anh, ngay cả báo chí không tồn tại trên cõi đời này. Có thể tôi hơi quá đáng chăng khi nói rằng tất thảy chúng ta, đời sống của chúng ta đang chơi vơi, không có một điểm tựa, mọi sự ngày càng rối tung, tôi nói là tôi đúng, mặc nhiên anh nói thì anh đúng. Đã đến lúc phải dừng lại một vấn đề nào đó: con gà có trước hay cái trứng có trước?

kim hee sun, Hiệp Lực Ninh giang Hải Dương, 12:33, 24/01/2010

Tôi đã đọc mấy bài viết của các tác giả trên và có cảm nhận chung rằng:
Đúng là hiện nay mối quan hệ thầy trò đã có 1 bộ phận nào đó xuống cấp. Nhưng tôi nghĩ trường hợp đó chỉ là hạt sạn nhỏ mà thôi. Khi đang ăn bát cơm gạo tám vô tình nhai vào viên sạn, ta bực mình chê cơm không ngon, hoặc tỏ thái độ bực tức. Nhưng chúng ta có tự hỏi để có 1 bát cơm gạo tám ngon kia chúng ta phải đổ bao giọt mồ hôi và nước mắt? Sự làm việc miệt mài của các kỹ sư lai tạo ra giống lúa,sự vất vả cơ hàn của người nông dân 2 sương một nắng, chống chọi với thiên nhiên hà khắc? Chúng ta hãy lấy cái tốt đẹp để biểu dương,lấn át, xoá đi cái xấu, để trước cái tốt thì cái xấu không có cơ hội phát triển. Mong rằng các nhà báo khi viết bài hãy nhìn nhận vấn đề một cách"sư phạm"

Nguyễn Bảo Thạch, Dak Lak, 11:26, 24/01/2010

Tôi là một giáo viên tôi cảm thấy có nhiều việc báo chí nhập cuộc thì sẽ giúp mọi người làm đúng hơn, nhưng không nên làm quá vấn đề làm cho môi trường giáo dục hiện tại đang xuống dốc không phanh. Trong giáo dục còn nhiều tấm gương sáng, nhiều việc tốt thấy báo chí ít tìm hiểu

Đào Thoả, 3 Lương Ngọc Quyến, 10:50, 24/01/2010

Tôi thường tìm đọc các bài báo viết về ngành sư phạm. Tôi thấy nhiều bài báo phản ánh các mặt liên quan đến giáo dục để bạn đọc hiểu và thông cảm với nhà giáo ( chẳng hạn mục giáo viên 8 không ) chứ không phải chỉ " bắt lỗi " nhà giáo .
Vài bài báo nói lên hiện tượng có thực về mối quan hệ chưa tốt giữa người dạy và người học, theo tôi chỉ có lợi (để sữa chữa khắc phục) chứ không thiệt hại cho nhà giáo. Là người đã trải qua nghề dạy học, tôi thấy, nếu để mối quan hệ chưa tốt đó tiếp tục phát triển xấu hơn thì nhà sư phạm sẽ bị giảm sút uy tín và như thế, ta nên hoan nghênh nhà báo, lược bỏ những chi tiết nào quá đáng ( nếu có ) và thừa nhận những gì là sự thật.

Trong những ngày Quốc tế nhà giáo , báo chí đã đăng nhiều gương tốt của nhà giáo . Nếu hàng ngày, chính các bạn đọc gửi cho báo đăng những lời khen ngợi gương tốt của các nhà giáo đang tận tâm dạy dỗ con em mình thì sự thừa nhận đó còn có tác dụng mạnh hơn các bài viết của nhà báo.

Tiến, Phú Yên, 10:05, 24/01/2010

Tất cả mọi ý kiến đều hay cả nhưng ta cứ dùng mãi một cụm từ một chiều "thầy đánh trò". Thầy đánh trò phải đươc hiểu thế nào đây? "thầy phạt trò" vì trò nghịch, vi phạm nhiều ... hay thầy đối xử thô bạo, chà đạp thân thể, danh dự trò. Hai hướng này hình như bị các nhà báo, xã hộc đánh đồng làm một sau đó phụ huynh lấy đó làm thước đo để hở một tí là đòi kiện thầy và cuối cùng ít có thầy dám giáo dục học sinh hư hỏng, nên đã hư hỏng lại càng hư hỏng. Theo tôi, đạo đức nhà báo cũng phải bàn đến trong việc đưa tin. Anh đưa tin người khác hoặc ngành khác đạo đức đang xuống cấp liệu khi viết anh có nghĩ anh đang viết trong sáng hay cũng chỉ vì tiếng tăm của mình và làm cho tin mình thêm một chút giật gân, bài viết mình thêm mạnh một chút để người trong cuộc và người cùng cảnh ngộ thì đau thêm một chút, bạn đọc thì tò mò thêm và hả hê thêm?
Ông bà ta cũng có câu hãy rờ sau ót của mình đã khi nói người khác

Hà Thị Nghiên, Thanh Hoá, 10:03, 24/01/2010

Phải khách quan nói là: Không ít các "nhà báo" thời nay ưa cách giật tít gây sốc, gây nổi - nhất là báo mạng! Tít nghe thì ghê, nhưng khi đọc xong thì nhạt toẹt, thông tin nghèo nàn, không mới. Chưa kể đôi khi các "nhà" lại còn "luộc" tin của nhau hoặc cho người đọc "ôn" tin.
Phản ánh, lên án cái cũ là việc nên làm. Nhưng chưa đủ, mới là đi cà nhắc. Đưa những cái tốt, định hướng cái tốt nữa mới là nhà báo đi hai chân.

Hoàng Tâm, Quảng Ninh Quảng Bình, 09:53, 24/01/2010

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả Nguyễn Thanh Sơn, trong thời gian vừa qua một số báo đã đưa tin về các vụ việc học đường như việc học sinh đánh thầy giáo hoặc thầy giáo đánh học sinh…với ý thức cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức trong ngành giáo dục. Nhưng theo tôi đó chỉ là những vụ việc đơn lẻ trong mấy chục triệu học sinh và hơn một triệu giáo viên nên không thể tuyên truyền đưa tin để quy kết cho sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo. Tôi không phản đối mặt tích cưc của báo chí nhưng tôi cũng mong muốn các tác giả nên có nhìn nhận toàn diện và sâu rộng hơn, đừng để cho đội ngũ nhà giáo tâm huyết mất dần lòng tin nghề nghiệp, lòng tin vào xã hội và dửng dưng trước nghề nghiệp cao quý của mình. Đừng để cho phụ huynh và học sinh mất lòng tin vào nền giáo dục của nước nhà.

Hà Thị Lan Anh, ĐHSPHN, 09:49, 24/01/2010

Sự suy thoái về mặt đạo đứa trong nhân cách của học sinh ngày nay là một hiện tượng khá phổ biến. Đó là mặt trái của sự phát triển xã hội. Sự du nhập của các luồng văn hóa, tư tưởng không lành mạnh khiến cho học sinh có những nhận thức, thái độ và hành vi lệch chuẩn... Đó không phải là kết quả của quá trình giáo dục trong nhà trường, mà là là kết quả giáo dục chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là môi trường sống và phương pháp giáo dục của gia đình.
Giao viên không phải là những chuyên gia hoàn hảo. Giao viên cũng là con người nên cũng có lúc buồn, lúc vui, có những giận giữ mà họ không thể kiềm chế được. Không thể cho rằng cứ ai được đào tạo sư phạm thì buộc phải chịu đựng tất cả. Thầy phạt học sinh ắt hẳn vì trò vi phạm chuẩn mực, một số hậu quả đáng tiếc xảy ra là không cố ý, cũng chỉ là trường hợp hiếm có mà thôi, chưa đến mức là hiện tượng phổ biến trong xã hội. Tôi thấy nhiều bài báo cố ý gây " sốc" về mặt đạo đức của nhà giáo là chưa phản ánh đúng thực trạng.

Hồng Quang, 42 ngõ 209 Đội Cấn, Hà Nội, 09:38, 24/01/2010

Xã hội nuớc ta nói chung và nền giáo dục nuớc ta nói riêng như một bức tranh đẹp đã được các thế hệ trước xây dựng và thế hệ chúng ta đang gánh trách nhiệm bồi đắp tiếp. Những hiện tượng không lành mạnh trong xã hội thời nào cũng có nhưng mức độ thì khác nhau.

Qua thực tế và qua các thông tin trên báo chi, tôi thấy bây giờ các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trong nhà trường nhiều hơn trước. Việc thầy đánh trò mang tính chất răn dạy thời chúng tôi còn là học sinh phổ thông cách đây 4-50 năm là bình thường còn học sinh đánh thầy cô vì bất cứ lý do gì thì ở thời này tôi mới thấy. Ỏ phần trên tôi nói xã hội và nền giáo nước ta như một bức tranh đẹp do đó một hiện tượng không lành mạnh nào trong nhà trường đều như một vết nhọ bôi lên bức tranh đẹp. Trên một bức tranh đẹp mà xuất hiện nhiều vết nhọ thì ai nhìn cũng cảm thấy tức mắt. Tuy nhiên, những vết nhọ đó không thể làm mất giá trị của bức tranh vì chúng ta có thể khắc phục được. V

iệc các nhà báo đưa các thông tin không lành manh trong nhà trường cũng giống như chỉ cho mọi người thấy những vết nhọ trên bức tranh mà thôi. Trước đây do thông tin chưa phát triển nên các hiện tượng không lành mạnh trong trường này, trường kia cả nước ít biết, bây giờ thông tin phát triển nên mọi sự kiện to nhỏ xảy ra sau thời gian ngắn thì đâu cũng biết. Chúng ta cần làm quen với thời đại thông tin ngày nay, các thầy cô và những người làm trong ngành giáo dục cũng như mọi người không nên quá bức xúc, cần tìm biện pháp để giảm thiểu các hiện tượng thiếu lành mạnh trên.

Nguyễn Thuận Phẩm, Vĩnh Linh- Quảng Trị, 09:27, 24/01/2010

Tôi không đồng ý với quan điểm của một số nhà giáo cho rằng cần hạn chế đưa ra những sự việc xấu, tăng cường đưa ra những tấm gương tốt để động viên.

Thiết nghĩ cần phải tăng cường đưa ra triệt để các vụ việc tiêu cực của tất cả các ngành không riêng gì ngành giáo dục để xã hội lên tiếng. Những tít báo giật gân cũng không quan trọng, hiện nay dân trí ngày càng cao, việc các báo đưa ra như trên cũng không làm cho người đọc hoang mang, thất vọng. Điều tôi muốn nói ở đây là độ chính xác của tin tức mà thời gian qua một số tác giả của các báo trên cơ sở những sự việc có thật tuy ở mức độ, thế nhưng nhiều bài viết đã phóng đại tô màu, thậm chí sai lệch thực tế.

Đào Việt Hưng, Quảng Trị , 09:23, 24/01/2010

Tôi thấy ở thời này đa số các tin bài của các báo đều lấy tiêu chí số lượng người đọc là đầu tiên hay sao ấy? Đành rằng báo chí có nhiệm vu phản ánh cái thực, việc thực nhưng cách phản ánh của một số bào báo chỉ mang tính đưa tin giật gân chứ không có một chút gì phân tích, đánh giá, bình luận đằng sau sự việc đó, lại còn khẳng định sự việc đó xảy ra phản ánh bản chất của cả một xã hội hiện tại??? như vậy là không đúng. Tôi lấy ví dụ một HS hay một GV khi làm sai một việc gì đó thì đã có ngành GD, nhà trường, địa phương ở đó xử lý theo đúng pháp luật rồi, mà đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh thôi chứ không thể quy chụp cho một nền GD của nước ta đã có truyền thống tốt đẹp từ lâu đời nay lại xuống cấp đến vậy được. Thầy dạy trò thời xưa thường roi vọt nhiều hơn sách vở vậy mà ai cũng thành người, thành tài, vậy mà thời nay thầy lỡ nóng đánh học sinh (Như con thơ của thầy) một roi là có chuyện chẳng lành cho thầy liền, vậy thì lấy đâu ra cái sự tôn sư trọng đạo giữa phụ huynh, học sinh và thầy cô nữa chứ?

Cao Xuân Lương, THPT Lê Lợi-Sóc Trăng, 09:19, 24/01/2010

Tôi gắn bó với nghề dạy học đã 22 năm. Chừng ấy năm, bao lứa học trò đi qua, nhiều em cũng ngỗ ngược, nhưng chưa lần nào tôi đánh học trò. Trước hết, tôi tôn trọng các em, là MỘT-CON-NGƯỜI. Các em sai, tôi gặp gỡ, phân tích cho các em biết để sửa sai. Nếu các em không nghe, tôi sẽ gặp chủ nhiệm và phụ huynh để trao đổi. Nhiều khi giận lắm nhưng cũng không đánh các em.
Tất nhiên tôi hoàn toàn cảm thông với những trường hợp đáng tiếc vừa xẩy ra: Thầy đánh trò. Theo tôi, trò đánh thầy, phụ huynh đánh thầy là sai, nhưng dù sao cũng có thể cảm thông hay tha thứ được. Nhưng, người thầy giáo, đã học qua các lớp nghiệp vụ sư phạm, tâm lý giáo dục...mà không kiềm chế được mình để phạm sai lầm là khó chấp nhận. Tôi hiểu, thầy cô khi bị áp lực sẽ khó kiềm chế, hơn nữa, nhiều khi có một số thầy cô lại hay lạm dụng quyền của mình, chứng tỏ uy thế của mình nên dễ làm...liều.

Tôi rất buồn khi đọc những thông tin về bạo lực học đường đã phản ánh trên báo chí. Tôi nghĩ, nhà báo khi đưa những htông tin ấy không có gì sai, không có gì phải phê phán. Tôi cũng từng viết báo nên tôi nghĩ: Muốn cho cái tốt phát triển, phải loại trừ cái xấu, cái ác. Không cứ phải đưa tin về cái tốt nhiều, hạn chế nói về cái xấu là cái tốt phát triển. Thông tin đa chiều càng làm cho sự việc được nhìn nhận khách quan hơn. Báo chí có nhiệm vụ đưa thông tin tới người đọc, chúng ta không thể trách nhà báo được, trừ khi nhà báo đưa thông tin quá cường điệu, thổi phồng làm méo mó sự thật.

Tôi đồng ý quan điểm: Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học, có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhưng, nhà giáo hãy suy nghĩ nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp trồng người. Đã có không ít thầy cô cho rằng "Không thầy đố mày làm nên", vì vậy họ cho mình cái quyền được xúc phạm học sinh, thậm chí xúc phạm phụ huynh (bằng nhiều cách khác nhau). Mà khi đã như vậy, điều tất yếu sẽ xẩy ra: Học trò và phụ huynh không tôn trọng thầy cô.

Tôi đã từng nghe nhiều học sinh phản ánh: Có không ít thầy cô vào lớp, học sinh ồn là dùng những lời lẽ nặng nề, thậm chí xúc phạm các em, vì vậy bị các em phản ứng, nhiều khi bằng cản những hành động phi đạo đức. Như vậy, nhà giáo cũng cần phải xem lại chính mình khi mình đã thực thi đúng với tôn chỉ, mục đích của nghề mình theo đuổi hay chưa. Nếu mình làm đúng, chắc chắn phụ huynh cũng như học sinh sẽ "tâm phục khẩu phục".
Còn nhà báo, phản ánh sự việc xẩy ra là đúng, nhưng chỉ xin can: Đừng vì một vài hiện tượng như vậy mà cho rằng đạo đức học đường xuống cấp, báo động đỏ, báo động khẩn...Vừa phản ánh cái sai, vừa biểu dương cái tốt. Như vậy là nhà báo cũng đã góp phần vào việc xây dựng nền giáo dục của nước nhà.

Trần Quang, Khánh Hòa, 09:10, 24/01/2010

Nhà báo đôi khi đã làm sự việc trầm trọng thêm, nếu chịu khó tìm đọc lai vụ việc "cô giáo phạt cả lớp 400 roi" các bạn sẽ thấy thông tin ban đầu bài báo giật tít: "CÔ GIÁO ĐÁNH HỌC SINH 400 ROI" là một ví dụ điển hình. Tôi thật sự quan tâm khi thấy tít bài báo này nhưng đọc xong mới hiểu hóa ra là đánh tới 86 HS. Tít bài báo trên đã gây nên hiểu nhầm và gây phẩn nộ trong dư luận mà cụ thể là hầu như tất cả báo mạng đều tung lên trang nhất sự việc trên. Khi đọc xong thì người ta chỉ nhớ cô đánh học trò 400 roi, không nhớ là đánh bao nhiêu em HS, cô đánh vì học sinh mắc lỗi gì.... Tôi đồng ý việc đánh HS như vậy là hoàn toàn sai nhưng giá như bài báo giật một cái tít khác kiểu nhẹ nhàng hơn với mục đích nêu lên một việc bất thường hay hành vi không chấp nhận được của cô giáo thì việc này cũng không đến nổi to tác. Tôi đồng ý là báo chí có lệch lạc khi lôi kéo đọc giả bằng những cái "tit" kiểu giật gân khi nêu các sự việc liên quan đến giáo dục.

a12, ha noi, 09:06, 24/01/2010

Ồ, nghe mấy bác nhà báo-nhà giáo ở trên trả lời phỏng vấn mới hay làm sao ?
Các bác ấy ơi, mặc định thì nhà giáo là phải tốt rồi, đừng có cái kiểu đi mua dâm học trò, đi dạy (đánh ) học trò kiểu đó,...
Vì tôi nhớ có ai đó đã nói là "nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" cơ mà. Vậy nên những hành động phi nhân văn, phi sư phạm, thậm chí là vi phạm pháp luật cần phải được vạch trần, lên án, xử lý nghiêm.

Ngô Minh Phúc, Tam Kỳ Quảng Nam, 09:02, 24/01/2010

Hiện nay, trong xã hội ,tình trạng trò đánh thầy, hay thầy đánh trò không phải là phổ biến nhưng cũng không là ít. Tôi đồng tình với quan điểm, trước khi phản ánh, các nhà báo phải có tâm trong sáng, tìm hiểu vụ việc cụ thể như thế nào rồi từ đó hãy lên tiếng để hướng dư luận xã hội đi đúng hướng tránh tình trạng đăng tin giật gân như thời gian gần đây của báo chí gây dư luận không tốt đối với xã hội. Qua đó cũng vô tình làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên xấu hơn, đạo đức xã hội ngày càng xuống thấp.

Thanh Mai , 43a Đặng Dung, Hà Nội, 08:59, 24/01/2010

Muốn cải cách giáo dục cần vai trò của báo chí!
Nói cải cách giáo dục không chỉ bó hẹp trong phạm vi cải cách chương trình, cải cách phương pháp dạy và học mà còn phải cải cách điều kiện sống và làm việc cho nhà giáo, cải cách mối quan hệ giữa người dạy và người học. Vì thế, tôi cho rằng, tất cả những hiện tượng thày đánh trò, trò đánh thày mà báo chí nêu lên để dư luận góp ý, nhằm cải thiện mối quan hệ thày - trò là đúng đắn và cần thiết. Người xem báo cũng không vì thế mất lòng tin cậy vào những thày cô giáo đang tận tuỵ với học trò.

Cần thành thực nhận xét rằng, hiện tượng thày cô giáo đánh trò, mắng nhiếc trò chỉ mới xuất hiện cách đây chừng 2 chục năm và đến nay thì ngày càng xảy ra nhiều hơn. Phụ huynh không muốn công khai tố cáo với nhà trường vì họ e ngại thày cô trả thù, bất lợi cho việc học của con em mình . Một số cha mẹ và anh chị học sinh đã đón đường đánh thày cô để trả thù cho con em mình bị đánh chửi. Rồi đến múc tệ hại hơn là học sinh bị thày đánh thì đánh lại . Tình trạng đã đến mức như thế chẳng lẽ còn muốn ngăn không cho báo chí vào cuộc hay sao?
Đương nhiên, báo chí đăng những tin này cần xuất phát từ cái tâm là mong muốn nền giáo dục của nước ta tốt đẹp hơn, tránh đưa tin giật gân cốt để bài viết được ăn khách và cũng nên đưa lên báo cho người đọc biết những khó khăn của nhà giáo , những tấm gương nhà giáo tận tuỵ với sự nghiệp dạy dỗ học trò , đó là điều mà lúc nào xã hội ta cũng thật sự thông cảm và tôn vinh.

Hoài Linh, Thanh Hóa, 08:41, 24/01/2010

Vâng báo chí bao giờ cũng phản ánh kịp thời, cũng nhanh nhạy và bao giờ cũng nhạy cảm. Có điều rất tiếc là một số nhà báo bây giờ chỉ đứng ngoài mô tả sự việc như học sinh học văn mô tả lại một một vật hay ýcon vật mà các em quan tâm.Cô giáo chủ nhiệm lớp 4 của tôi đã từng cho tôi 4 thước vào lưng, rất đau, và tôi nhớ mãi. Giờ tôi đang là một giáo viên. Tôi đã thầm cảm ơn cô vì 4 thước ấy, 4 thước thay đổi toàn bộ con người tôi.

Tin liên quan

Các tin khác