"Nỗ lực từ năm 2010, nhà giáo có thể sống bằng lương"

Cập nhật lúc 11:22, 02/01/2010 (GMT+7)

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 81 qui định nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Văn Ngữ trao đổi với "báo nhà" về cố gắng để hướng đến năm 2010, các nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Mô tả ảnh.
Giảng viên trẻ hướng dẫn thực hành sinh học (Đại học Nông nghiệp Hà Nội).

Được biết ,Bộ GD-ĐT đã từng đề xuất Chính phủ tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên, vậy việc này thế nào, và hiện nay giáo viên đang được hưởng những chế độ phụ cấp ưu đãi gì, thưa ông?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Ngữ: Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi bình quân cho giáo viên bình quân lên 1.7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi gắn với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8).

Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và không chấp thuận với lý do đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như sau:

Nhà giáo dạy cao đẳng, đại học là 25%; nhà giáo dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông, ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, hải đảo vùng sâu vùng xa là 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học) là 40%; nhà giáo dạy môn Mac - Lenin là: 45% và giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35%.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao; trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị đại học; Mức phụ cấp 70% mức lương áp) dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang cộng tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cho dù đã có nhiều phụ cấp ưu đãi, tăng lương cho giáo viên, tuy nhiên do trượt giá, lạm phát hàng năm nên đời sống người giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Ngữ: Trong giai đoạn từ 2006-2012. Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu chung của tất cả cán bộ công chức.

Cụ thể là: Năm 2006: mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng; Năm 2007 mức lương tối thiểu chung 450.000đồng/tháng; Năm 2008 mức lương tối thiểu chung 540.000đồng/tháng; Năm 2009 mức lương tối thiểu chung 650.000đồng/tháng; Năm 2010 dự kiến mức lương tối thiểu chung tăng 730.000đồng/tháng.

Có thể thấy là thu nhập danh nghĩa của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần (730.000 đồng/350.000 đồng).

Lạm phát từ sau năm 2006 đến nay như sau:

Năm 2007, lạm phát 12,7 %.

Năm 2008, lạm phát 19,8%.

Năm 2009, lạm phát là 7%.

Lạm phát 3 năm qua là: (l+12,7%) x (l+19,8%) x (l+70/o) - l = 1,44,6 (hay 44,6%).

Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1 ,446).

Nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010 sẽ có mức lương như sau: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35 = 2,306 triệu đồng/tháng (Mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành).

Nếu ở vào thời điểm 2006 thì giáo viên này có mức lương là: 350.000 đồng x 2,34 x 1,35 = 1,105 triệu đồng/tháng (Mức lương tối thiểu nhân hệ số lương cơ bản nhân hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành). Qua đó thấy được mức sống của giáo viên vào năm 2010 sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2006.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua đã đồng ý có mức phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Trong năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng giải quyết cụ thể về phụ cấp thâm niên, từ đó thu nhập thực tế của giáo viên sẽ tiếp tục được nâng lên, nhất là những người đã cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục.

Mặc dù, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách ở Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đang hướng đến từ năm 2010 trở đi, các nhà giáo có thể sống được bằng lương của mình.

(Theo Giáo dục & Thời đại)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Anh Hưng, 08:32, 05/01/2010

Việc tồn tại giáo viên chưa đạt chuẩn là có nhưng chỉ là số nhỏ, cũng như trong các ngành khác còn tồn tại nhân viên nghiệp vụ chuyên môn yếu vậy. Nhưng tại sao lại nói về GD nhiều thế, bởi vì người ta quan tâm và đó là điều đáng mừng. Chỉ có điều đừng làm như chúng tôi là tầng lớp xã hội "làm thì dở mà lại hay đòi hỏi" vậy, chúng tôi tủi thân lắm(!). Nếu chúng tôi thực sự chỉ là như vậy thì tại sao các vị còn đem con cái trao vào tay chúng tôi?

Lê Anh Hưng, 08:05, 05/01/2010

Tôi không đồng ý với ông Duong Van Thom. Thứ nhất là chúng tôi không hề đòi hỏi, chúng tôi vẫn tự lo cho cuộc sống của mình đấy chứ, chỉ có điều chúng tôi hơi dở nên tìm thêm việc hơi khó, lại không có khả năng mua thêm rẫy để tăng gia sản xuất. Thứ hai, giảng dạy theo tiết và nghỉ hè không phải do chúng tôi lười biếng mà do "người ta nghiên cứu" và thấy nó thích hợp với nghề nghiệp.
Tôi cũng không đồng ý với ý kiến của ông dinhtx(Hà Nội). Ông bảo không cần tăng lương cho GV thành thị vì...vậy là tự nhiên ông chấp nhận dạy thêm, học thêm là một cách kiếm sống ???

Nguyễn Anh Hưng, 07:49, 05/01/2010

Tôi là một giáo viên hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bà Rịa Vũng tàu.
Tôi thừa nhận những năm gần đây nhà nước không ngừng quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho đời sông giáo viên.
Mức lương mà ông Vụ trưởng tính cho năm 2010 thì hiện chúng tôi chưa được lãnh. Nhưng thôi, bỏ qua vấn đề đó đi. Tôi nghĩ mấy ông nhà báo không nên hỏi Vụ trưởng về lương và đời sống của giáo viên. Hãy  tự làm một cuộc điều tra nho nhỏ đi, sẽ thấy ngay thôi mà: Lương Giáo Viên? Tiền thuê nhà( vì GV làm gì mua được nhà)? Tiền học phí cho con (ấy là chỉ dám sinh một đứa)? Tiền mua sữa cho con (loại rẻ thôi)? Giá gạo, rau, tôm tép? Tiền điện, nước...? Đấy là phải bỏ hết tiệc tùng, đám cưới,...
.

Cao Sơn Tâm, Hải Phòng, 22:32, 04/01/2010

Khi chưa sống được bằng lương thì nhà giáo cũng nên đi làm thêm! nhà giáo có thể chuyển đến ngành có thu nhập hợp lý! Còn cứ để so bì với các đối tượng hưởng lương khác thì thật chẳng nên bàn ! Ý kiến về vấn đề này không nên dài dài hơn nữa!

vu han ngoc, 21:29, 04/01/2010

Hiện nay chế độ tiền lương của giáo viên còn nhiều bất cập, lộ trình tăng lương không theo kịp lạm phát. Hơn mười năm trước, lương giáo viên mới ra trường mua được một chỉ vàng, còn bây giờ thì không đủ mua.
Ở thành thị giáo viên vẫn còn các khoản thu nhập ngoài lương như: dạy thêm, sự quan tâm của phụ huynh và các tổ chức trong các ngày lễ tết. Trong khi đó giáo viêm miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ biết đến đồng lương chính.
Lương của các đơn vị kinh doanh ngoài lương tiền thưởng cuối năm lên tới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra không bị gò bó trong khuôn phép "đạo đức nhà giáo"
Chính phủ cần có sự cân nhắc để vừa đảm bảo thu hút nhân tài cho ngành GD đồng thời đảm bảo sự công bằng cho GV ở các vùng miền.

Nguyễn văn, dak lak, 19:39, 04/01/2010

- Trong những năm qua Chính phủ không ngừng nhìn nhận và từng bước tháo gỡ những khó khăn về chế độ tiền lương cho Đội ngũ giáo dục. Tuy nhiên, nhìn lại chất lượng đội ngũ trực tiếp đứng lớp hiện nay không ít người thiếu năng lực và nghiệp vụ sư phạm, (bởi hình thức đào tạo theo kiểu "chữa cháy "trước đây đã tồn lại).

Mặc khác, hiện nay theo tôi không biết cơ chế chống tham nhũng cho ngành giáo dục đến đâu mà khi các giáo sinh mới ra trường về công tác rất yếu ( hỏi ra họ cho biết là phải chạy về đơn vị này mất hết chừng.10 - 15- 20... triệu ấy. Như vậy điều bất cập ở đây theo tôi là: Đi đôi với việc cải cách tiền lương là cải cách kiểu chống tiêu cực khi tuyển công chức như hiện nay.

...

Nguyễn Đức Thuận, Gia Lai, 19:20, 04/01/2010

Nhìn chung thu nhập từ nguồn lương của giáo viên(GV) cao hơn cán bộ(CB) làm trong các cơ quan hành chính. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận, đó là đời sống vật chất của CB luôn đầy đủ hơn so với GV. Với mức thu nhập từ nguồn lương như hiện nay thì GV suốt đời phải ở nhà thuê, nhưng biết làm sao được khi đất nước còn nhiều khó khăn, tôi thiết nghĩ mỗi người hãy tự vận động để vượt qua khó khăn, đó cũng là việc góp một phần công sức nhỏ bé vào xây dựng đất nước.

Lương Thị Hạnh, Lào Cai, 16:48, 04/01/2010

Thưa Thầy Ngữ, tôi thấy cách tính của thầy là từ 2006 đến nay, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1 ,446) là không thực tế vì những mặt hàng mà nhà giáo sử dụng hàng tháng như gạo, rau, thịt, thực phẩm, xăng dầu, ... là chính, các mặt hàng này lạm phát như thế nào? so với mức tăng lương của GV như thầy tính!
Theo tôi thấy thì từ năm 2006 đến nay, lương GV không tăng mà lại giảm, đời sống GV không được cải thiện mà thụt lùi. đặc biệt GV vùng sâu, vùng xa không được hưởng thu hút, mất chế độ xã 135, nguyên tiền mua dầu thắp đèn soạn bài thàng tháng đã chiếm tỷ lệ lớn rồi. Ngoài ra để duy trì tỷ lệ chuyên cần thì thầy cô lại phải mất thêm tiền hỗ trợ HS bán trú hoặc mua bánh kẹo cho HS nữa.

, Hà Tĩnh, 13:18, 04/01/2010

Tham khảo nhiều ý kiến tôi thấy không đồng tình với bạn Le Thong Hieu vì bạn là một kỹ sư .Thử nghĩ thế này nhé ngành SP trong bối cảnh ngày nay muốn thu hút người khá và giỏi không chỉ hướng nghiệp bằng cách kêu gọi lòng yêu nghề, yêu người như trước nữa mà phải kèm theo chế độ đãi ngộ tương xứng .Tôi từng tham gia luyện thi ĐH gần 20 năm nay thấy rất buồn khi nhiều trò giỏi không làm hồ sơ thi SP mà họ chỉ chú ý đến khối ngành kinh tế hoặc là khối kỹ thuật .Khoảng 3,4 năm gần đây SP chỉ thu hút được những thí sinh TBK và khá ,điểm chuẩn tụt hạng quá nhiều, chỉ xấp xỉ điểm sàn mà một số trường còn thiếu chỉ tiêu TS .Sau 5 năm nữa chất lượng đầu ra của SP sẽ ra sao? Không còn thầy giỏi sao có trò giỏi .Mong rằng nhà nước sẽ có quyết sách đúng.

Hoàng Anh Khoa, 13:09, 04/01/2010

Ngày trước giáo tiểu học được phụ cấp là 35% nhưng thời gian gần đây chỉ có phụ cấp là 30%. Như tôi là giáo viên dạy cách nhà 40 cây số đi về trong ngày. Tôi đã đi dạy được 14 năm. Lương hiện giờ của tôi chỉ có 2.400.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu đi về, chẳng còn là bao. Chúng tôi yêu nghề nên mới tồn tại đến bây giờ chứ nghĩ về đồng lương thì ai cũng muốn bỏ nghề cả. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong đồng lương đủ sống để không phải rơi lệ vào cuối tháng.

Minh Điệp, Thái Nguyên, 13:05, 04/01/2010

"Mọi sự so sánh đều là khập khiễng" Các vị trong nghành khác phải biết là để con em các vị học được tốt, giỏi thì ngoài các năng lự của học sinh ra thì cần phải có tâm huyết của người giáo viên.để chúng tôi có tâm huyết với nghề giáo thì quan trọng là chúng tôi phải được ổn định cuộc sống của mình. cũng không cần phải bàn nhiều. các vị cứ lấy kinh tế của hai người: một người làm giáo viên, một người làm nghành khác xem, giáo viên hơn có chăng cũng là rất it thôi.

vietakha, pleiku, 12:40, 04/01/2010

Các bác tính đi, việt nam có bao nhiêu cán bộ công chức, lương đại học của cán bộ công chức là 2,34x650.000đ, ai làm việc ở nơi khó khăn thì có thêm ít phụ cấp, vậy mà cán bộ công chức thì bị các bác suốt ngày rên rỉ. Ngày xưa có ai dạy thêm đâu, lương cũng có cao hơn cán bộ công chức đâu sao vẫn có nhiều học sinh giỏi và rất giỏi, chưa kể có cả nhiều tiến sỹ khoa học sau này. Đó là chưa kể các bác giáo viên xào đi xào lại có mỗi cái bài đó, kiến thức đó trong khi các ngành khác phải vắt óc ra mà lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện, làm sai phải đi tù khi làm thất thoát tiền bạc của nhà nước.

Nói thật lương các bác giáo viên bây giờ cũng đủ sống rồi, còn công chức thì chưa tính chuyện nhà cửa, tính xăng xe và tiền ăn còn chưa đủ nữa. Đất nước còn nghèo, nên thông cảm chứ, chất lượng giáo dục thấp vì chính mấy bác không theo kịp thời đại chứ có phải vì lương thấp đâu. Nào là đòi hỏi lương, đòi hỏi thủ tục hành chính, đòi hỏi cải thiện y tế.... tiền thì nhà nước không có, đóng thuế tăng 1 tí lại la làng,  thế mà cứ đòi hỏi lương cho cao, cho đủ sống. Nếu ở hà nội và sg mà đủ sống, đủ nuôi con thì cứ phải 5tr/tháng là ít. Hay là cứ tăng lương cho các bác giáo viên đi nhỉ, lên 5tr/tháng, nhưng nếu sau đó chất lượng giáo dục không được cải thiện thì nhà nước thu hồi lại số tiền tăng thêm này. Đúng theo kiểu làm theo năng lực, hưởng theo sản phẩm. làm không đạt sản phẩm thì phải đền bù.

Duong Van Thom, 10:24, 04/01/2010

Lộ trình tăng lương tối thiểu đã được phê duyệt, có thể nói đây là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ để cải thiện đời sống của cán bộ công chức, viên chức trong bối cảnh nước ta còn nghèo. Đừng đòi hỏi những điều không tưởng, vẫn biết đời sống của giáo viên còn nghèo, còn khó khăn nhưng xã hội cũng còn nhiều vấn đề cần phải lo. Theo cách tính của bạn nêu trên, giáo viên mới ra trường cũng đã được hưởng mức trung bình 2,3tr/tháng, như vậy cũng có thể chấp nhận được. Tôi là công chức hành chính, làm đủ 8 tiếng/ngày và làm việc suốt năm, với thâm niên công tác 6 năm cũng chỉ được hưởng mức 1,9tr/tháng. Trong khi giáo viên giảng dạy theo tiết, có nghỉ hè, có nhiều thời gian phát triển sản xuất hoặc làm việc khác. Đừng đòi hỏi gì quá nhiều

le van nam, dai hoc su pham, 10:16, 04/01/2010

tôi rất cám ơn sự quan tâm của nhà nước và xã hội đã có những chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục và đặc biệt là tăng lương giáo viên để giáo viên có thể sông bằng đồng lương của mình. nhưng tôi mong rằng trong những năm tói đây cần có thêm những chính sách ưu tiên nhà giáo hơn nữa, để kích thích thêm người thầy giáo yêu nghề mình hơn,

dinhtx, Hanoi, 08:35, 04/01/2010

Xin đừng nhìn phiếm diện mà hãy có cái nhìn tổng thể. Tiền lương là chi phí trả theo số lượng và chất lượng của người lao động. chất lượng lao động xin tạm dùng chỉ tiêu bằng cấp để so sánh ( Mọi so sánh đều khập khiễng) còn số lượng xin phép sử dụng chỉ tiêu thời gian để so sánh. Hãy lấy hai người có bằng đại học làm việc ở ngành giáo dục và các ngành khác. Rõ ràng xét về số lượng lao động thì bên giáo dục đào tạo chỉ bằng 1/2 so với các ngành khác nhưng tiền lương hiện nay đang gấp đôi.

Một khía cạnh quan trọng khác cần được nói đến là giáo viên ở đâu cần nâng lương?. Tôi cho rằng nên tăng gấp đôi thậm chí gấp ba cho giáo viên ở miền núi, vùng cao - nơi giáo viên phải đến từng nhà để vận động học sinh đến trường. 

Trong khi đó, một giáo viên cấp 1 ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... bình thường cũng có khoản thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng. Ở Hà Nội, tiền học phí của học sinh cấp 2 chỉ 50 ngàn đồng/tháng nhưng học sinh đóng góp từ 250 ngàn đến vài triệu mỗi tháng cho học thêm. Giáo viên mua nhà làm nơi dạy thêm là câu chuyện phổ biến.

Nếu Nhà nước chỉ lo tăng lương cho giáo viên và bộ đội thì những đối tượng khác sẽ ra sao?. Ngay cạnh nhà tôi có ông thiếu tá chỉ làm mỗi nghề quét vôi, cũng tự kiếm việc làm không khác những thợ quét vôi khác ở ngoài nhưng khi về hưu chắc chắn vị thiếu tá này sẽ có mức lương cao hơn một chuyên viên cấp cao của các Bộ , ngành khác.

Vì vậy, xin hãy có cái nhìn tổng thể hơn. đừng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Dương Lâm, 07:48, 04/01/2010

Khi mà mọi chế độ ưu đãi của xã hội chưa đủ sức thu hút những người có năng lực vào nghề sư phạm thì chưa thể nói chấn hưng giáo dục! Hiện nay chỉ có người học lực trung bình và yếu mới thi vào sư phạm mà thôi! Vậy thì làm sao có thầy giỏi?

Mậu Nghĩa, Đà Nẵng, 07:12, 04/01/2010

Lương của CBVCNN nói chung đều không đủ sống nhưng ai cũng cố chen chân vào. Thế nên phần bánh lương được chia không thể nhiều hơn là hợp lý. Chỉ khi nào CCHC đi kèm với "Cải cách nhân sự" thì mới có hy vọng vào tương lai tốt đẹp.

Gửi Triệu Trà My !
Bạn nuôi con 1 mình ? Hay sao mà tôi thấy bạn chỉ tính lương của bạn mà không thấy nhắc đến lương chồng. Nói chung CBCC đều khó khăn nhưng đừng vì thế mà có những tiêu cực,muốn giàu thì làm việc khác, đừng làm giáo viên nữa.

le thong hieu, da nang, 23:49, 03/01/2010

Bây giờ tôi mới biết lương giáo viên cao đẳng được 2.700.000 đ. Cao đấy chứ. Tôi là kỹ sư trưởng, giám đốc kỹ thuật của 1 công ty ăn nên làm ra mà tổng thu nhập trung bình khoảng 4.500.000 đ/tháng. Mỗi năm chúng tôi đóng thuế bình quân quá 3 lần thu nhập.

Lấy 30 tỉ USD chia cho 87,5 triệu người thì được khoảng 360 USD  tức là khoảng 5.000.000 đ/1 người/ 12 tháng, tức là đã lấy thặng dư cho tiêu dùng đem chi tiêu toàn bộ. Mức này chỉ cao gấp 2 lần thu nhập của giáo viên cao đẳng trong 1 tháng. Vậy là giáo viên cũng giỏi kêu la.  Mình kêu cái gì cũng phải trên tính toán hợp lý, còn kêu theo quán tính quả là tôi có lẽ đáng kêu hơn giáo viên.

Tran Thi Thuy, Ha Noi, 23:13, 03/01/2010

Giả sử cứ cho cách tính trên là đúng, vậy xin hỏi:  mọi người có biết tiền thuê nhà ở Hà Nội của một người là bao nhiêu/1 tháng không? Là những giáo viên trẻ, chúng tôi không thể mua nhà, vả lại, tiền nhà cũng ở trong lương rồi. Vậy để sống tức là cả ăn và ở chứ ông? Ngoài ra, là những giảng viên trẻ, chúng tôi có phải học thêm nữa chứ? Một khóa học ngoại ngữ bây giờ là bao nhiêu?......

Giả sử tôi không còn gv trẻ mà là trung tuổi, 20 năm công tác, lên lương đều đặn, với khoảng 4,5 triệu đ/1 tháng (Đã bao gồm 40% đứng lớp chứ không phải một mình lương đâu), với con cái, mẹ già và bà vợ lương thấp hơn nữa... thì làm sao đủ sống đây?

Thái Thượng Hoàng, Hà tĩnh, 21:56, 03/01/2010

Khoảng 5 năm nữa không còn giáo sinh giỏi ra trường nữa đâu . Chỉ còn những em thí sinh đầu vào điểm thi xấp xỉ điểm sàn và tương lai các trường sư phạm không đủ chỉ tiêu tuyển sinh là đương nhiên .Là GV lâu năm luyện thi tôi tin chắc điều đó .

QUỐC HÙNG, HÀ NỘI, 21:43, 03/01/2010

Đọc bài báo trên tôi thấy mừng là Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến đời sống giáo viên. Song trước cách lí giải và phân tích trên thì thật sự là chưa sát với thực tế xã hội. Với cách tính và trả lương cho các thầy cô như hiện nay thì tôi quá tội nghiệp, bởi cùng tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng một sinh viên kinh tế hay dược có thể kiếm được 5 đến 7 triệu đồng / tháng . Còn SV sư phạm ???

Trả lương thấp cho GV là một trong những nguyên nhân chảy máu chất xám !!!?

mai thanh tinh, BMT, 20:59, 03/01/2010

Năm 2006 còn không đủ sống nói chi 2010. ngoài vấn đề lạm phát phải tính đến nhu cầu cuộc sống đòi hỏi gì chứ. năm đó đi đám cưới bì thư bao nhiêu giờ bao nhiêu, lo cho con cái ăn học lúc đó hết bao nhiêu % lương, còn bây giờ có đủ không. 

Trần Lê Ca, Quảng Nam, 14:34, 03/01/2010

Rất vui mừng vì nhà giáo đã có được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Tôi cũng là nhà giáo nhưng lại có một bức xúc khác : Tôi thấy hiện nay các nhà giáo làm việc ở Phòng, Sở GD-ĐT không có phụ cấp đứng lớp là một thiệt thòi lớn đến mức vô lý. Ví dụ như tôi, là một GV có thành tích giỏi tỉnh, lương ở trường tổng cộng là hơn 4triệu, tôi được rút về Phòng GD-ĐT làm chuyên viên phổ thông, lập tức lương của tôi ở Phòng GD-ĐT chỉ còn 3triệu (bị cắt mất 35% phụ cấp đứng lớp). Đồng ý về PGD-ĐT không còn đứng lớp thì không được hưởng phụ cấp này là đúng, nhưng tôi là GV giỏi được chọn lọc rút về cấp cao hơn thì lương lại bị giảm đi đáng kể thì thật vô lý. Hiện nay Phòng, Sở GD-ĐT muốn rút GV về làm chuyên viên thì hầu như chẳng ai muốn đi (vì giảm 1/3 lương). Đây là điều thực tế ở Phòng, Sở GD-ĐT nào cũng gặp phải và đã có nhiều kiến nghị giải quyết nhưng chẳng ai giải quyết. Liệu Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng có thấy được điều này và có cách giải quyết thấu tình đạt lý trong năm 2010 ?

ManhHieu, Thái Nguyên, 22:45, 02/01/2010

Giáo viên có thể sống bằng lương thì đương nhiên rồi. Từ trước đến nay những thày cô tận tâm vì nghề thì cũng chỉ sống bằng lương thôi, cố gắng chi tiêu trong số đồng lương ít ỏi của mình.

Bài báo trên có phân tích lương thực tế giáo viên 4 năm qua đã tăng 1,44 lần nhưng như thế vẫn hơi phiến diện. Khi mức sống chung của xã hội, GDP bình quân đầu người tăng lên thì mức thu nhập của giáo viên tăng lên là điều đương nhiên.

Vấn đề là không phải chỉ là giáo viên có thể sống bằng đồng lương của mình mà phải là giáo viên cần được trả thu nhập xứng đáng với những trình độ và sự tâm huyết của họ. Cơ chế hiện nay (và tư tưởng của các Hiệu trưởng) không thu hút và giữ được các giáo viên giỏi. Bằng chứng là gần đây nhiều giáo viên giỏi đã từ bỏ lĩnh vực giáo dục để sang làm lĩnh vực khác để được làm việc trong một môi trường "bình đẳng" hơn, thu nhập được trả xứng đáng hơn. Nhiều trường ĐH gần đây cũng không thu hút được các sinh viên giỏi nhất về làm giảng viên.

Như vậy cần phải có sự cải tổ hơn nữa về cơ chế tiền lương cho giáo viên (cả các công chức nhà nước nữa) chứ không phải chỉ điều chỉnh lương tối thiểu.

Triệu Trà My, THCS Nguyễn Du, 22:13, 02/01/2010

Theo cách tính toán của ngài vụ trưởng thì quả là lương của giáo viên đã được ưu đãi lắm rồi... nhưng thực tế thì giáo viên đang phải sống một cuộc sống hết sức đạm bạc từ đồng lương của mình bởi ngoài lương ra họ không có thu nhập nào khác (Giáo viên dạy nhưng môn không có học sinh học thêm: Sử, Địa, GD công dân...). Một giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm được 18 năm như tôi hệ số lương 3,65 thì tổng thu nhập sau khi đã trừ các khoản đóng góp đi rồi còn khoảng 2.700.000đ. Trả tiền thuê nhà hết 500.000; Đóng tiền học cho hai con học phổ thong 250.000đ (không đi hoc thêm) còn lại 1.950.000 chi cho các khoản còn lại từ ăn uống sinh hoạt cho đến giỗ tết, thăm hỏi.... Một bài toán làm cho giáo viên chúng tôi đau đầu không tìm ra lời giải.

phan quốc thanh, hà tĩnh, 19:57, 02/01/2010

Năm chúng tôi ra trường, một tháng lương mua được một chỉ vàng còn dư 30-40 ngàn đồng. Sau 10 năm đi dạy lương tôi hiện nay không đủ mua một chỉ vàng! Vậy đời sống giáo viên cao hay thấp, cải thiện đến đâu và ai cải thiện xin nhường các nhà quản lí trả lời!

Lê Sĩ Quang, Cambridge-UK, 19:06, 02/01/2010

Với cách tính này thì không chỉ lương Giáo Viên mà lương của tất cả người lao động dựa trên mức lương tối thiểu đều tăng 1,44. Nói cách khác là thu nhập của người lao động (dựa trên lương tối thiểu) tăng 1.44 và trong đó có giáo viên. Ví thể, không thể dựa trên con số này để nói rằng mức thu nhập của giáo viên đã tăng lên hay giáo viên đã được ưu đãi. Nếu mức lương 2006 không đủ để Giáo Viên sống thì mức lương 2010 cũng không thể đáp ứng được nhu cầu sống của giáo viên.

nguyễn xuân hảo, bắc ninh, 18:29, 02/01/2010

tôi ra trường đến nay được 8 năm nhưng hình như chưa bao giờ lương một tháng mua đủ một chỉ vàng. Vậy là tăng thế nào.

Thu Hà, Hà Nội, 15:59, 02/01/2010

Trong bài báo có viết "Qua đó thấy được mức sống của giáo viên vào năm 2010 sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2006". Theo tác giả, sinh hoạt năm 2010 tăng bao nhiêu lần so với giá sinh hoạt năm 2006?

Nguyen Duy Thien, Truong Dai hoc Dien luc, 15:58, 02/01/2010

Để tính trượt giâ, người tiêu dùng như tôi chỉ cần tính tiền đi mừng đám cưới bình thường của thường dân: từ mức 100.000đ lên 200.000đ đã thấy rõ là trượt giá 100%, cao hơn nhiều so với mức tăng lương rồi?

Nguyễn Nam, Hải phòng, 15:51, 02/01/2010

Chỉ xin cho tôi hỏi đơn giản một câu là giá cả hàng hóa từ năm 2006 cho đến nay đã thay đổi như thế nào? Lương có tăng cũng như không. Tôi thấy thật mệt mỏi. Nếu cứ kêu tiền lương ít thì lại lại bảo chỉ được cái kêu, thấy tiền quan trọng hơn cả dạy dỗ học sinh..... Nhưng thật sự tôi thấy nản.

LÊ NAM ĐẾ, ĐỒNG THÁP, 13:13, 02/01/2010

Những điều mà Vụ trưởng Nguyễn Văn Ngữ nói hoàn toàn đúng. Những với mức lương của giáo viên hiện này đã lo được cuộc sống giá đình chưa thưa vụ trưởng. Giả sử một giáo viên công tác ở vùng sâu sau 6 năm(135 đã bị cắt thì lương của giáo viến đó được tính như sau: 3x650000x130%=2.535.000đ, đây la vùng hoàn toàn không dạy thêm được). Với mức trượt giá nhự hiện này thì người giáo viên có yên tâm công tác hay không. Một năm làm việc 42 tuần không có khái niệm thưởng là gì? Trong khi các ngàng khác thưởng như thế nào chắc vụ trưởng đã biết mà. Lực lượng giáo viên xin nghỉ việc là rất nhiều theo vụ trưởng nguyên nhân do đâu.

Hoàng Thị Kim Anh, 11:49, 02/01/2010

tôi là một giáo viên dạy ở bậc học mầm non. Năm 2006 tôi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó xin về làm việc tại một trường mầm non. Cùng năm đó, thành phố có tổ chức đợt thi công chức cho giáo viên các bậc học. Tôi tham gia dự thi và đã đỗ. Tháng 1 năm 2007 tôi nhận được quyết định trúng tuyển và được yêu cầu thử việc trong thời gian 6 tháng với mức lương 1.86 x 85% cộng với các phụ cấp ưu đãi.

Tháng 7 năm 2007, sau khi hết thời gian thử việc tôi nhận được quyết định hết thời gian thử việc, chính thức là viên chức trong ngành giáo dục. Tuy nhiên tôi vẫn chỉ được hưởng mức lương ở hệ số 1,86 cộng với các phụ cấp ưu đãi. Tôi rất thắc mắc không hiểu tại sao tôi có bằng đại học mà chỉ được hưởng lương như vậy trong bao nhiêu năm qua. Không chỉ riêng bản thân tôi phải hưởng mức lương như vậy mà tất cả các giáo viên trong quận cùng bậc học thi cùng đợt với tôi cũng đều phải hưởng như vậy. Tôi có hỏi một số lãnh đạo thì họ cho biết là do chúng tôi thi cùng một đề thi với mức dành cho trình độ trung cấp nên chúng tôi phải hưởng lương như vậy.

Chúng tôi hưởng lương như vậy có đúng với quy định của nhà nước hay không? Nếu các lãnh đạo tôi hỏi trả lời đúng thì tại sao phòng nội vụ không tổ chức cho chúng tôi thi theo đúng trình độ của chúng tôi?

Tin liên quan

Các tin khác