Ngô Bảo Châu: Có đồng nào, mẹ mua sách Toán cho con
Có đồng nào, mẹ cứ mua sách toán cho con...
Mẹ của GS Ngô Bảo Châu - PGS.TS. Trần Lưu Vân Hiền hẹn tiếp tôi vào giờ nghỉ trưa tại Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội), nơi bà đang làm Phó Hiệu trưởng. Trước đây, bà công tác ở Bệnh viện Y học cổ truyền TW.
Ngô Bảo Châu và mẹ |
Tôi hỏi bà, cảm xúc của bà thế nào khi Ngô Bảo Châu đã quá nổi tiếng và được rất nhiều người yêu mến? PGS. Trần Lưu Vân Hiền giọng bâng khuâng: "Mới đây, trả lời PV Báo Thanh niên, Châu bảo, "Bổ đề cơ bản" là người bạn thân thiết của Châu suốt 15 năm qua, nhưng khi Châu chứng minh được bổ đề này thì nó lại là của mọi người, không còn là của riêng Châu nữa. Cô cũng vậy. Mừng cho con nhưng thấy lòng một chút hụt hẫng, trống trải, Châu được nhiều người biết đến thì cảm giác không thuộc về riêng mình nữa. Thỉnh thoảng cô điện thoại cho Châu nói đùa, mẹ quen với tuổi già cô đơn rồi, mẹ phải điện thoại cho con không con thành "vĩ nhân" mất, chẳng còn thời gian trò chuyện".
Đúng là đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Tôi chợt nhớ tới câu nói của ai đó khi ngồi nghe PGS. Trần Lưu Vân Hiền kể về năm tháng tuổi thơ của Ngô Bảo Châu. Suốt câu chuyện, tôi thấy bà lúc nào cũng thương Châu, xa xót khi thấy anh bận bịu làm toán, ôm đầu trước bài toán khó, ngay cả bây giờ khi anh đã 37 tuổi, đã có gia đình và ba đứa con gái xinh xắn, từ lâu đã quen cuộc sống tự lập xa gia đình. Có lẽ bởi trong thẳm sâu trái tim người mẹ, bà thấy Châu vẫn bé bỏng. Bà kể với tôi, nhiều lúc bà còn lo sợ, không muốn anh học nhiều như vậy vì sợ anh học toán nhiều thành lẩn thẩn thì khổ.
PGS. Trần Lưu Vân Hiền sinh Ngô Bảo Châu vào năm 1972 tại Hà Nội, thời điểm giặc Mỹ đang điên cuồng ném bom miền Bắc. Bố anh, GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn vắng nhà liên miên, khi thì đi dạy học cho một số trường quân đội, khi thì đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, thành ra mẹ trở thành người bạn thân thiết của Châu từ nhỏ. Châu yêu mẹ, sống tình cảm và đặc biệt, anh rất "tâm đầu ý hợp" với ông ngoại là ông Trần Lưu Hân, một cựu học sinh trường Bưởi và là người mở trường tư thục đầu tiên ở Hà Nội.
Kể về chuyện học của Ngô Bảo Châu, PGS. Trần Lưu Vân Hiền tâm sự: Châu thông minh từ nhỏ, cái gì cũng biết. Học mẫu giáo, các cô giáo gọi Châu là "viên ngọc". Những giờ có giáo viên dự, cô nào cũng muốn có Châu trong lớp. Châu học không phải vì yêu cầu của nhà trường mà là vì nhu cầu của bản thân Châu. Châu học một cách mê đắm, say mê môn toán từ nhỏ. Châu bảo mẹ, có đồng nào mẹ cứ mua sách toán về cho con, sách viết bằng tiếng gì cũng được, cả tiếng Ba Lan, nếu có Châu cũng luận ra được hết.
Có lần, Châu đi thi Olimpic toán học quốc tế trở về, mẹ dọn bàn học cho Châu. Chỉ riêng giấy nháp Châu làm toán đã chất một đống lớn. Mẹ nhìn mà chỉ thấy lòng rưng lệ vì thấy con học vất vả quá. Còn Châu mủm mỉm cười trêu mẹ: "Với đống giấy nháp này, con cũng xứng đáng được giải nhất mẹ nhỉ". Quả thật, năm đó (1988) Châu giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Năm sau, Châu lại tiếp tục đi thi Olimpic toán quốc tế và một lần nữa đăng quang huy chương vàng.
Dù đi đâu vẫn là người Việt Nam ...
Viết về thành tích học tập của Châu, tôi cũng thấy lòng mình thăng hoa cảm xúc rất lạ, bởi nó quá đẹp và hoành tráng, vì ngoài trí tuệ siêu việt, đó còn là thành quả của biết bao năm tháng anh kiên trì, quyết tâm, bền bỉ với một ý chí nghị lực phi thường với các phép toán, bài toán, các định lí, công thức toán học vốn khô khan.
PGS.TSKH. Vũ Đình Hòa, Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, Khoa CNTT (Đại học Sư phạm Hà Nội) từng là thầy giáo của Ngô Bảo Châu nói về học trò của mình: "Châu rất xứng đáng được những phần thưởng như thế, ở Châu có một quyết tâm phi thường. Những bài toán khó nhất, khi giao cho Châu tôi thấy yên tâm vì nghĩ thế nào Châu cũng giải được và sự thực là như vậy".
Ngô Bảo Châu là học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt 2 huy chương vàng Olimpic toán quốc tế. Nhưng con đường nghiên cứu khoa học của anh không dừng ở đó. Anh được cấp học bổng tại Trường Đại học Paris VI, một trường khá tốt của Pháp, nhưng sau đó tiếp tục thi đậu vào Trường cấp cao Paris - trường danh giá nhất nước Pháp.
Tại đây, anh bắt đầu làm việc với một nhà toán học tài ba của Pháp là G.Laumon. Năm 25 tuổi, Ngô Bảo Châu đã bảo vệ xong luận án tiến sỹ. Anh bắt đầu nổi tiếng thế giới (không chỉ trong giới toán học) khi vào năm 2004, cùng với Giáo sư G.Laumon, anh được Viện toán học Clay trao giải thưởng Clay của Mỹ, một trong những giải thưởng có uy tín của toán học, nhờ giải quyết được một trường hợp quan trọng của "Bổ đề cơ bản" thuộc Chương trình Langlands (sau giải thưởng này, năm 2005, GS G.Laumon được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp).
Tên tuổi của Ngô Bảo Châu càng được chú ý khi năm 2005, với sự đề nghị của Viện toán học, Hội toán học Việt Nam, anh được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam đặc cách phong Giáo sư. Đây là trường hợp duy nhất cho đến nay.
Dấu mốc đưa Ngô Bảo Châu là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thế giới là sự kiện anh được Đức và Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng nhờ giải quyết được hoàn toàn "Bổ đề cơ bản" năm 2007. Lúc đó, công trình này còn thuộc dạng tiền ấn phẩm, anh chỉ đưa lên mạng cá nhân, chưa được kiểm chứng. Sau đó, năm 2008, anh chính thức hoàn thiện công trình xuất sắc của mình để gửi đăng và từ đó liên tục được mời đi các trung tâm toán học danh tiếng để báo cáo.
Tháng 10/2009, Ngô Bảo Châu được Ban Chương trình Đại hội Toán học thế giới (IMU 2010) mời làm "báo cáo mời toàn thể" sẽ được tổ chức vào tháng 8/2010 tại Ấn Độ. Đây không phải là giải thưởng nhưng là một vinh dự rất đặc biệt, vì chỉ có 20 người được mời làm báo cáo toàn thể. Rất ít người trong đời được hai lần đọc báo cáo mời toàn thể từ cấp tiểu ban trở lên, trong khi Ngô Bảo Châu hai lần liên tiếp được mời (năm 2006 tại Madrid, Tây Ban Nha).
Cuối năm 2009, Tạp chí Thời đại (Time) của Mỹ đã chọn công trình của anh là một trong 10 thành tựu khoa học tiêu biểu của năm 2009. Theo Viện toán học Việt Nam thì đánh giá này phải dựa trên tư vấn của một ban cố vấn khoa học từ nhiều ngành khác nhau. Bình chọn của Time về khoa học rất có uy tín và được nhiều người thừa nhận. Công trình của anh về "Bổ đề cơ bản" Chương trình Langlands chắc chắn có ảnh hưởng lớn những ngành khác, như vật lý. Đây không phải là giải thưởng chính thức nhưng là vinh dự đặc biệt của GS Ngô Bảo Châu.
Mùa hè năm 2007, sau khi nhận lời mời rất thiết tha của Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (IAS), Viện nghiên cứu số một về toán của Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Bảo Châu về làm việc tại IAS, đồng thời vẫn làm việc tại Đại học tổng hợp Paris 11. Và mới đây nhất, trong những ngày đầu 2010, anh đã nhận lời làm Giáo sư của Đại học Chicago.
Theo GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, mặc dù rất bận bịu nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn có nhiều đóng góp cho toán học Việt Nam. Anh nhận hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, anh giới thiệu nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam với những nhà toán học hàng đầu thế giới.
Anh phối hợp với Viện toán và Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Nhà nước cho phép mở một chương trình đặc biệt đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế. Bản thân anh hiện là đồng giám đốc một đề án của Viện toán. Dù đi đâu, trong anh vẫn là dòng máu Việt Nam với những tình cảm tha thiết dành cho đất nước. Điều này được thể hiện ở một chi tiết rất nhỏ, khi đọc báo cáo mời tại IMU 2006 ở Madrid, anh đã ghi tên hai địa chỉ của mình: Đại học Tổng hợp Paris 11 và Viện Toán học Việt Nam!
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa cho hay, giới toán học thế giới ít ai có thể ngờ rằng, "Bổ đề cơ bản" lại được chứng minh một cách chóng vánh như vậy. Đó là một kỳ tích vĩ đại của nền toán học thế giới. Bổ đề này không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển toán học mà còn liên quan đến những ngành khác, đặc biệt là Vật lý lý thuyết.
Đây là một giả thuyết - tức là một dự đoán - do Robert Langlands đưa ra vào những năm 60, và sau đó được diễn đạt dưới dạng tổng quát trong một công trình chung của Robert Langlands và Diana Shelstad vào những năm 70. Do vai trò đặc biệt quan trọng của "Bổ đề cơ bản", rất nhiều nhà toán học tài ba đã tập trung sức lực tấn công nó và đã chứng minh được một số trường hợp riêng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu công bố một chứng minh hoàn chỉnh cho "Bổ đề cơ bản" trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie. Công trình của anh dài thành 188 trang và các nhà Toán học đầu đàn phải mất hơn 1 năm để kiểm chứng các chi tiết của nó…
- Theo Công an nhân dân