Mong người Việt trẻ ở nước ngoài... "giữ được mình"

Cập nhật lúc 23:26, 06/01/2010 (GMT+7)

Trước băn khoăn về tình trạng người Việt trẻ ở nước ngoài tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trái chiều, ít thông tin về đất nước, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn hi vọng : “Chúng tôi mong các bạn có bản lĩnh để sàng lọc thông tin, giữ vững lập trường. Rất mong các bạn trẻ giữ được chính mình".

Chiều 6/1, Trung Ương Đoàn đã tổ chức giao lưu trực tuyến lần đầu tiên với thanh niên người Việt ở nước ngoài với chủ đề: "Kết nối người Việt trẻ".

Mô tả ảnh.
Quang cảnh buổi giao lưu tại đầu cầu Hà Nội

Sinh viên, thanh niên cần chủ động

Mô tả ảnh.

Anh Nguyễn Đắc Vinh: "Chúng tôi mong lưu học sinh đọc, khai thác thông tin trên báo điện tử và trang web của TW Đoàn"

“Đoàn, Hội với chức năng của mình luôn quan tâm tập hợp thanh niên dù ở nơi đâu. Chúng tôi thể hiện mối quan tâm đó bằng những hành động cụ thể trong nghị quyết và những việc làm cụ thể”, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN chia sẻ.

Để hoạt động của Đoàn, Hội ở nước ngoài được chủ động, ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Ban Tổ chức TW Đoàn lưu ý: “Các đồng chí đoàn viên thanh niên nòng cốt được cử đi học tập ở nước ngoài phải liên hệ với ban tổ chức cán sự ngoài nước để thực hiện.
..".

Trả lời về việc quản lý du học sinh tự túc, ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài cho hay: “Nước nào cũng có quy chế bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài. Một trong những lý do chúng ta không thể thống kê được lưu học sinh tự túc là du học sinh không thông báo với các đoàn thể của chúng ta”.

Ông Mậu cũng có lời khuyên: “Các bạn du học tự túc nên liên hệ với Đại sứ quán, thông báo (gọi điện, gửi email), tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức giúp đỡ bạn trong cuộc sống”.

Lo lắng về khả năng gián đoạn trong sinh hoạt Đảng khi làm việc ở nước ngoài là câu hỏi của bạn Nguyễn Quốc Chí, lao động tại Hàn Quốc.

Ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy ngoài nước cho biết: “Hiện nay, chúng ta có nhiều Đảng viên học tập, nghiên cứu, lao động xuất khẩu... ở nước ngoài. Với mỗi đối tượng, có một hình thức sinh hoạt Đảng cho phù hợp”.

Vì vậy: “người lao động ở nước ngoài, nên liên hệ để có hình thức sinh hoạt phù hợp, tránh gián đoạn. Nếu là lưu học sinh, có nguyện vọng phấn đấu trở thành Đảng viên, thì liên hệ với Đại sứ quán tại nước đang ở..."

Mong các bạn trẻ giữ được mình

"Nếu bạn giỏi, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu công việc"

“Hiện Bộ GD&ĐT có dự án thu hút Việt kiều ở nơi khác về làm việc. Vì vậy những bạn có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ muốn về VN công tác thì liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ giới thiệu với các cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo cơ chế hiện nay, nguồn ngân sách trả lương khá thoáng so với trước đây và việc chi trả lương phụ thuộc theo từng trường”.

(Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD&ĐT)

Băn khoăn trước tình trạng khi ra nước ngoài, du học sinh đứng trước nhiều thông tin trái chiều, trong khi ít thông tin chính thống từ quê nhà, bạn Vũ Ngọc Phan, Chi hội Sinh viên VN tại ĐH Korea ( Seoul, Hàn Quốc) hỏi: “TW Đoàn và TW Hội đã, đang và sẽ làm gì để định hướng tư tưởng cho sinh viên du học nước ngoài vì đây là những người được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chế độ chính trị khác nhau và nhiều nguồn thông tin khác nhau?”

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết: “Hiện nay, báo chí điện tử của chúng ta cập nhật thông tin hàng ngày. Chúng tôi mong lưu học sinh đọc, khai thác thông tin trên báo điện tử và trang web của TW Đoàn. Chúng tôi mong các bạn có bản lĩnh để sàng lọc thông tin, giữ vững lập trường. Rất mong các bạn trẻ giữ được chính mình".

Anh Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định: TW Đoàn bằng các biện pháp khác nhau, sẽ gần gũi, giao lưu, trao đổi thông tin được với các bạn trẻ nhiều nhất.

Sẽ có "kênh" riêng cho người Việt trẻ ở nước ngoài

Đáng chú ý trong buổi giao lưu là câu hỏi gừi từ hội Sinh viên VN tại Pháp: “Có cơ quan nào thu thập luận văn, nghiên cứu khoa học, dịch và áp dụng phục vụ sự phát triển của đất nước?

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Về luận văn, lưu học sinh nhận học bổng phải nộp luận văn cho Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, dịch ra tiếng Việt đòi hỏi nhiều công sức, đầu tư, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của các bạn”.

Hội Sinh viên VN tại Pháp tiếp tục đề xuất: “Có nên thành lập một trang website riêng hoặc một kênh truyền hình riêng cho các nghiên cứu sinh VN đang học tập ở nước ngoài?”

Ông Trần Đức Mậu chia sẻ: “Tôi nghĩ nên thành lập một trang website riêng cho du học sinh, trong đó có nghiên cứu sinh. Còn về việc hợp tác với đài Truyền hình VN thì đây cũng là một ý kiến rất hay, chúng tôi sẽ cùng trao đổi để thống nhất ý kiến và làm việc với đài Truyền hình.

Còn đại diện Hội Sinh viên tại Nhật Bản hỏi: “Cơ quan chuyên trách nào tập hợp ý tưởng, sáng kiến của lưu học sinh?”

Chia sẻ với ý tưởng này, anh Nguyễn Đắc Vinh nói:“Chúng tôi sẽ gửi câu hỏi này để xin ý kiến của các bộ, ngành. Cá nhân tôi cho rằng, việc đưa ý tưởng, sáng kiến của lưu học sinh về nước là vấn đề sẽ suy nghĩ, đề xuất”.

4 giờ đồng hồ của buổi giao lưu (từ 13h30 đến 16h30), Gần 20 câu hỏi được giải đáp. Kết thúc buổi giao lưu, vẫn còn khá nhiều email, điện thoại của các bạn trẻ người Việt trên thế giới từ Hà Nội đến Anh, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, ..vẫn tiếp tục gửi về.

Tuy nhiên, nhìn chung các ý tưởng "kết nối người Việt trẻ" chưa thực sự phong phú như mong đợi.

Văn Chung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác