"Cô thương em nhiều thì cho em nhiều điểm..."
- Năm 1988, tốt nghiệp CĐSP ra trường khi tôi vừa tròn 20 tuổi. Cái tuổi tràn đầy nhiệt huyết, đầy thơ mộng và biết bao điều khát khao cháy bỏng.
Cả lớp nhận quyết định đi khắp các huyện trong tỉnh. Như những cánh chim bay đi bốn phương trời.
Theo Yume.com |
Người cười vì được ở miền xuôi, kẻ khóc vì phải đí vùng núi cao, vùng sâu vùng xa...
Không biết tôi là người may mắn hay không may mắn trong số đó vì tôi nhận được quyết định về dạy tại trường cấp 1,2 Lâm Phú 1, xã vùng cao của huyện Lang Chánh - Thanh Hóa.
Dở khóc dở cười mất hai ngày trời ròng rã từ Phố huyện, đoàn chúng tôi mới lên tới trường.
Đón chúng tôi là lũ học trò mặc váy, đi chân đất với những ánh mắt tròn xoe ngơ ngác, miệng líu lô thứ tiếng mà tôi nghe cũng chẳng hiểu chúng nói gì.
Những ngày đầu tháng 9, sao mà mưa nhiều thế, lớp học vắng teo.
Nhớ nhà, nhớ bạn, buồn đến nao lòng.
Mấy ngày rồi sân trường vắng bóng học trò, tiếng trống trường vẫn vang đều vọng vào vách núi, nhưng hình như tiếng mưa làm át đi tiếng trống nên các học sinh không nghe thấy.
Trường vẫn vắng tanh.
Thầy Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải vào Bản để động viên các em ra lớp.
Mưa vẫn không ngớt, đường trơn như đổ mỡ.
Tôi và một đồng nghiệp nữa lặn lội suốt cả ngày bám vào cành cây để không bị ngã, hết sang Bản Cháo lại vòng Bản Đôn rồi qua Bản Pọng.....
Cũng chỉ nhận được câu trả lời: "Mưa lắm cô giáo ơi! Đi học ướt người về ốm không có người đi làm rấy, phải đợi ngớt cái mưa đã nhé ".
Biết làm sao bây giờ để cuốn hút được các em tới lớp...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bên bếp lửa nhà sàn, cô trò quây quần nghe tôi kể chuyện, những câu chuyện có thêm pha các tình tiết ly kỳ, hấp dẫn để cuốn hút các em.
Câu chuyện nào, tôi cũng để dở dang và dặn các em ngày mai tới lớp sẽ kể tiếp các em nghe.
Cái phương án đó thế mà hay, học sinh đến lớp đã đông và vui hơn.
Tôi cảm thấy rất vui khi hàng ngày được nhìn thấy các e ríu rít xung quanh.
Một hôm, trong giờ Hóa lớp 8, lúc kiểm tra miệng.
Tôi gọi một học sinh nam lên bảng ra câu hỏi cũng không có gì là khó. Nhưng em đã không trả lời được. Tôi nhẹ nhàng hỏi em.
- Thế tối qua em làm gì mà không học bài?
- Em " Pay ín sao "(đi tán gái) mà cô giáo.
Ngớ cả người trước câu trả lời rất vô tư và thật thà của em, cả lớp cười vang.
- Thế giờ, em không trả lời được thì em định thế nào?
- Ơ cô giáo ơi! Thế nào cũng được, mấy điểm cũng được mà. Cô thương nhiều thì cho nhiều, cô thương ít thì cho ít điểm
Làm thế nào được bây giờ, không cho em điểm thì bảo mình không thương, đụng chạm đến lòng tự ái của học sinh ở đây, cũng ngại lắm.
- Thôi được cô cho em nợ, em về nhà chịu khó học bài có thuộc bài mới được cô thương nhiều. Hôm sau cô sẽ gọi tiếp nhé, giờ em "Lau giúp cô cái Bảng" để chúng ta vào học bài mới.
- Ơ cô giáo à. Bảng cứng lắm em không có "Lau" được đâu.
Lại 1 lần nữa tôi quá ngạc nhiên ! Sao lại không "Lau" được hả em ?
- Không "Lau" được thật mà - cô giáo cứ thử đi thì biết.
Nói rồi em ghé miệng mình vào gặm chiếc bảng gỗ rung lên ken két.
Cả lớp lại phá lên cười trong sự ngơ ngác của tôi.
Em học sinh lớp trưởng đứng lên nói:
- Em thưa cô, từ "Lau" tiếng Thái chúng em nghĩa là Ăn ạ !
À thì ra như thế.
Tôi lúng túng và hơi thẹn vì vốn tiếng Thái của mình còn ít ỏi.
Tôi xin lỗi em và cho em về chỗ..
Thế đấy mà đã 22 năm rồi, những câu chuyện có thật ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi.
Đó cũng là hành trang giúp tôi lớn lên nhiều trong những tháng ngày gắn bó với mảnh đất này.
Nhớ lắm Lâm Phú ơi.
Hẹn các em năm 2000 cô quay trở lại. Thế mà vòng quay cuộc sống đã không cho tôi thực hiện lời hứa với các em.
-
Phạm Thị Thanh
******************
Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.