Tiền đóng học trôi sạch theo lũ lớn

Cập nhật lúc 22:28, 31/10/2010 (GMT+7)

- Hết lũ, chúng tôi trở lại vùng đất hoang tàn, đổ nát. Đi tới đâu, cũng thấy hình ảnh các em nhỏ đang lần mò những cuốn sách bám đầy bùn non còn sót lại, cố vớt vát để dùng.

Nhọc nhằn ngày trở lại trường

Chúng tôi theo đoàn cứu hộ, vượt lũ dữ băng qua các nóc nhà dân để cứu nguời mắc kẹt ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Thấy cảnh người đói cầu cứu qua mái ngói thật thảm thiết, thê lương, chờ được đưa đi trú ẩn nơi an toàn hoặc chờ từng gói mỳ tôm, từng chai nước lọc nhỏ để sống.

Hết lũ, trở lại vùng đất này, đi đến đâu cũng thấy cảnh phơi sách vở. Tại trường mầm non và Tiểu học xã Đức Liên, bên đống đổ nát ,các cô giáo trải chiếu ra phơi, phơi trên tường rào đổ vụn..., bất kỳ chỗ nào mà sách có thể tiếp xúc với ánh nắng.

Tường rào Trường tiểu học Đức Liên bị lũ làm đổ trở thành nơi phơi sách vở cho học sinh. Ảnh: Trí Thức.

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp em Phan Thị Vân Anh (xóm Hương Phùng, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang) là học sinh lớp 9 Trường THCS Liên Hương đang ngồi phơi mấy cuốn sách mục nát.

“Năm nay cháu học cuối cấp rồi! Cả tháng nay ngập lũ, chúng cháu không đi học được. Giờ, chẳng biết làm răng để học cho kịp chương trình. Sách vở tài liệu thì trôi hết! Cháu tiếc lắm! Vở ngâm nước chữ nhòe hết rồi không đọc được. Cháu còn có ngần này sách thôi nhưng còn may hơn bạn. Nhiều đứa trôi hết và hỏng hết".

Chúng tôi vào nhà hai anh em Nguyễn Văn Hùng,14 tuổi, học sinh lớp 9A và Nguyễn Thị Hòa, 11 tuổi, học sinh lớp 6B Trường THCS Liên Hương.

Trường mầm non xã Đức Liên tiêu điều sau lũ: sách vở, đồ chơi … đều ngâm chìm trong nước lũ, tường rào của trường sụp đổ. Ảnh: Trí Thức

Tại xóm Bình Quang, xã Đức Liên, còn chứng kiến cảnh thương tâm hơn khi nhà cửa, tài sản của gia đình em bị lũ cuốn trôi hết. Ngay cả tiền đóng học cũng theo dòng nước lũ. Tài sản, nhà cửa cũng bị tống trôi và đổ sập hết.

Cháu Nguyễn Thị Hòa cầm cuốn sách nhàu nát bám đầy bùn non trong tay buồn rầu: “Từ sáng tới giờ, hai anh em cố rửa và phơi. Nhưng chắc là khó sử dụng vì chữ bị nhòe và rách nhiều”.

Không dám nhìn thẳng vào chúng tôi, Hòa cứ nhìn vào cuốn sách em đang cầm trên tay, ngượng ngùng: “Lũ cuốn trôi, không có sách vở. Tiền đóng học cũng bị trôi, anh em cháu chắc phải bỏ học mất chú ạ”.

Chỉ trong chốc lát của đêm tối, gia đình chị Huệ mất đi căn nhà và toàn bộ tài sản. Trong ánh mắt buồn thảm và vô vọng, chị kể lại đêm kinh hoàng bó tay nhìn nhà sập, của trôi:

Chỉ trong một đêm nhà chị Lê Thị Huệ bị nước lũ đánh sập và cuốn trôi tất cả tài sản. Ảnh: Trí Thức.

"Khoảng 11h, nước vào nhà. 2 vợ chồng kè vườn. Đến khi nước dâng lên, tui phải vào nhà dựng 2 bàn cho cao để kê đồ đạc ở đầu góc lồi. Lúc bấy giờ, nghe tường nứt rạn ắc ắc. Kêu cứu xung quanh, làng xóm nghe nhưng không đến được vì nước chảy xiết quá. Nhà cọ́ 4 cha con, mẹ con lôi nhau kéo ra được ở phía nhà dưới. Lúc đó, nhà tự sập rồi"

Chị xòe bàn tay: "Nhà tui không có chi nữa cả. Chỉ có hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không và được bộ đồ ướt mặc đây". Con thuyền nhỏ để cứu người, khi nhà sập cũng đập bẹp thuyền luôn.

Tài sản nhà chị vỏn vẹn được năm triệu rưỡi tiền mặt gom góp bấy lâu để trong thùng phuy lạc giống. Số tiền này chuẩn bị nạp tiền học cho con và mua sắp đồ chi tiêu trong gia đình, cuối cùng, cũng trôi đi theo thùng lạc giống ấy.

Một hoàn cảnh đáng thương khác, mẹ là Phan Thị Liên (48 tuổi) và con gái là Nguyễn Thị Chung (19 tuổi). Cả 2 mẹ con đều tàn tật, phải sống nhờ vào tiền trợ cấp mỗi tháng 360.000 đồng cho cả 2 người. Con gái đang theo học lớp Dược 7A, Trường CĐ Y Hà Tĩnh. Số tiền ít ỏi đó và tiền bà mẹ làm nghề sửa quần áo cũ, không đủ cho tiền phòng trọ và học của con. Nay, nhà bị̣ lũ dồn, lũ dập nên sắp tới chưa biết tính sao.

Trưa ngày 23/10, chúng tôi vào nhà Chung. Sau chuỗi ngày dài bếp nhà ngâm trong nước lũ, nay em mới bắt đầu kê 2 viên gạch để nấu. Mẹ cô đang đi ăn cơm ở nhà anh em.

Tại trường, Chung lại chưa được ở ký túc xá vì nhập học muộn nên càng tốn tiền hơn khi phải thuê phòng trọ bên ngoài.

Em Chung bên căn nhà bị thiệt hại sau lũ.

Tan hoang trường học sau lũ lớn

Tại huyện miền nghèo Vũ Quang, gần một tháng nay, lũ rút rồi lại vào liên tục. Học sinh phải nghỉ học trong thời gian dài. Sách vở, tài liệu của giáo viên và học sinh trôi hết.

Thanh niên tình nguyện đang tiến hành khắc phục hậu quả lũ lụt tại Trường THCS Bông Lĩnh, huyện Vũ Quang để học sinh nhanh chóng đến trường học sau lũ

Do chậm nhiều so với chương trình giáo dục nên sắp tới, học sinh vùng lũ rất vất vả để bắt nhịp so với bạn ở những nơi khác.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục huyện Vũ Quang cho biết: " Đến ngày 23/10, tất cả các trường học thuộc 6 xã vùng hạ huyện gồm xã Đức Ân, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương và Đức Liên bàn học, sách vở, trang thiết bị dạy và học bị lũ cuốn trôi, tường rào nhiều trường bị đổ. Thiệt hại ở các trường rất nhiều nhưng chưa thông kê hết, "

Chính quyền địa phương, Phòng GD -ĐT huyện cùng các trường học phối hợp với các đoàn tình nguyện đang cố gắng phục hậu quả, bằng mọi giá không để học sinh bỏ học sau lũ".

Ngành giáo dục thiệt hại hơn 700 tỷ đồng, riêng số lượng sách giáo khoa bị mất đã lên tới 383.000 bộ. Thông tin này vừa được Bộ GD-ĐT tổng hợp sáng nay, từ thống kê ở 3 địa phương bị lũ lụt là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Trong các nơi, Hà Tĩnh thiệt hại nặng nhất với tổng số lên tới 405 tỷ đồng, kế đến là Quảng Bình, trên 212 tỷ đồng và Nghệ An, thiệt hại 88 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

  • Trí Thức

Miền Trung cần lắm những tấm lòng

Mọi sự đóng góp, xin gửi về:

Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 04.37722729 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: bandoc@vietnamnet.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyen Hoang Lan, prokopa holeho 18. Praha-czech, 00:13, 01/11/2010

Cứu trợ: Mì tôm & hố xí (theo blog Trương Duy Nhất)
31-10-2010 12:56

Nhiều khi chính cái nhà xí di động mới là thứ cứu trợ nhân văn nhất, chứ không phải mì tôm hoặc phong bì!
Tôi biết nhiều người, nhiều tổ chức cứu trợ đã âm thầm, lặng lẽ về với dân, san sẻ đến từng gói mì tôm, thậm chí từng gói cơm nắm muối vừng cho đồng bào vùng lũ.

Tôi biết và thấy nhiều đoàn xe nối đuôi nhau dằng dặc trên những chặng đường về với dân vùng lũ nhưng trên thành xe chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Nghĩa đồng bào”, không biết họ là ai, đơn vị cá nhân tổ chức nào, chẳng thấy treo lô-gô hay... thương hiệu gì. Tôi biết và tận mắt thấy trong những ngày này, nhiều đoàn cứu trợ bọc cơm trải chiếu ngồi ăn với đồng bào ngay giữa xóm. Tôi biết và thấy nhiều đoàn cứu trợ vừa ngồi trên xe vừa lôi cơm hộp, bánh mì ra ăn. Tôi biết nhiều đoàn cứu trợ lẳng lặng đến, lẳng lặng đi, không báo chí, không quay phim, không cờ phướn băng rôn. Nhưng những ấn tượng, tấm lòng họ để lại, đọng lại trong dân vùng lũ là sâu sắc và nghĩa tình, cảm động.

Nhưng...

Lũ lụt rồi cũng qua. Nhưng lại thêm một cơn lũ khác, cơn lũ mà nhà thơ Bùi Hoàng Tám chua chát gọi là: lũ khách! “Từng đoàn, từng đoàn về thăm hỏi và hóa đơn trong các nhà hàng, khách sạn cứ dày lên mỗi ngày. Lũ về đã sợ, quan chức hội họp, tiếp đón khách còn đáng sợ hơn cả lũ lụt. Khách sạn ở rốn lũ Hương Khê lúc nào cũng rầm rập quan khách”. Khách đến mức nhiều địa phương, các tổ chức Mật trận, đoàn thể và chính quyền không còn thời gian đâu để tiếp. Không tiếp thì sợ mất lòng, tiếp thì còn thời gian đâu để cứu trợ, phân phát hàng cho dân, để lo việc khác? Đã mang tiếng đi cứu trợ thì tự rút tiền túi ra, sao nỡ để địa phương phải tiếp mời? Những cuộc “đánh chén” sau khi kết thúc các cuộc “hành quân” cứu trợ giữa vùng lũ là những hình ảnh phản cảm, và đôi khi nó phản lại chính mục đích và ý nghĩa cao cả của công tác thiện nguyện.

Cứu trợ cũng phải có văn hóa. Tầng nấc văn hóa của việc thiện nguyện là ở cách cho chứ không ở của cho. Ông bà xưa có câu “của cho không bằng cách cho” là vì thế. Sao đi cứu trợ lại cứ phải trống giong cờ mở? Sao nước rút rồi không chọn đường ráo đi cho tiện, lại cứ xắn quần lôi dân ra đứng ngập đầu gối giữa ruộng nước để trao phong bì và mì tôm? Sao nước lũ đã rút cả tuần, đường đã khô ráo lại không đi mà cứ trèo lên xuồng đẩy ra giữa ruộng nước rồi gọi bà con ra trao quà để quay phim? Vì sao nhiều đoàn cứu trợ cứ đòi phải có báo chí quay phim chụp ảnh, phải có truyền hình thì mới chịu phát quà cho dân? Sao giữa lúc lũ ngập, người ta cần mì tôm nhai cho đỡ đói thì anh lại phi ca- nô ra chìa phát phong bì? Đến khi nước rút hết rồi, mì tôm cứu trợ ăn phát ngán rồi, người ta cần tiền để mua sắm vật dụng, sửa sang dựng lại nhà cửa thì anh lại kêu dân ra dàn hàng ngang giữa hội trường để phát... mì tôm?

Có trăm nghìn cách cho. Đâu đến mức cứ phải lôi những đứa trẻ đầu vấn khăn tang ra dàn hàng ngang trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao phong bì, mì tôm và quay phim chụp ảnh?

Mì tôm là thứ dễ... nhai nhất, dễ cứu đói kịp thời nhất, tiện nhất trong các chiến dịch cứu trợ, nhất là cứu trợ lũ lụt. Nhưng đâu chỉ mì tôm và có nhất nhất lúc nào khi nào chỗ nào và đoàn nào cũng ngùn ngụt mì tôm?

Nhìn những thùng mì tôm chất cao như núi, nhiều lúc chợt hỏi: ai là người hưởng lợi nhất sau những trận lũ thế này? Nhiều khi, lũ vô tình giúp các nhà sản xuất mì gói giải quyết nhanh nạn tồn kho, hàng xuất nhanh bằng cả mấy năm ròng bươn chải tìm kiếm thị trường. Cũng không quá khi nghe nhiều nơi dân kêu “cứu trợ cái chi cũng được, nhưng xin đừng đưa mì tôm về nữa!”.

Nhìn qua Thái Lan, lũ cũng ngập tràn, người ta cũng ra quân cứu trợ rầm rộ. Nhưng có thấy họ phát hay... ném mì tôm ào ào như ta đâu? Thay vào mì tôm là những bếp ăn di động, thuốc chống nước ăn chân, thuốc xoa chống muỗi, thuyền cá nhân, thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ và... nhà xí di động.

Những lúc này, nhiều khi chính cái nhà xí di động mới là thứ cứu trợ nhân văn nhất!

Lũ đã cướp đi quá nhiều thứ rồi. Đừng để mục đích và ý nghĩa cao đẹp, thậm chí cả lòng tin vào công tác thiện nguyện cũng bị cướp trôi mất hoặc... vấy bẩn.

Các tin khác